LONGFORMĐội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để “hút” nhân tài

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để “hút” nhân tài

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài

Trí thức là một trong những hạt nhân nòng cốt để phát triển đất nước. Vì thế, xây dựng đội ngũ trí thức hùng mạnh thì phải có tầm nhìn xa, trông rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong hiện tại, tương lai và cả trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Muốn làm được điều đó thì phải có những chính sách đãi ngộ phù hợp thì mới thu hút được nhân tài.

Chăm lo phát hiện nhân tài

Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhân tài đối với sự phát triển đất nước hiện nay. Từ nhận thức đúng đắn đó, chúng ta mới có những cơ chế, chính sách, hành động cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, sử dụng nhân tài. Thêm vào đó, cần tạo ra môi trường thuận lợi, có tính cạnh tranh công bằng và khuyến khích sự phát triển cá nhân. Điều này có thể bao gồm việc ban hành các chính sách và quy định để khuyến khích trí thức phát huy năng lực của mình, hay các chính sách cung cấp cơ hội đào tạo và học tập liên tục, và đảm bảo tiến bộ dựa trên khả năng và đóng góp thực tế của đội ngũ trí thức. Phải có hệ thống giáo dục đáp ứng được yêu cầu của phát triển bền vững đất nước, tạo ra những người học có kiến thức sâu rộng, kỹ năng phản biện, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, tạo điều kiện và khuyến khích trí thức trong việc nghiên cứu, phát minh và đổi mới. Điều này có thể bao gồm hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, và sự đồng hành của chính phủ và các tổ chức liên quan để tạo ra môi trường thích hợp cho sự phát triển và ứng dụng các ý tưởng mới.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài

Ngoài kiến thức chuyên môn, theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, đội ngũ trí thức cần được đào tạo và phát triển các kỹ năng mềm như lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và khả năng giải quyết vấn đề. Các kỹ năng này cần được coi trọng và tích cực đào tạo để trí thức có thể thích nghi và đóng góp hiệu quả trong môi trường công việc đa dạng và năng động, của nền kinh tế thị trường. Đội ngũ trí thức cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động hợp tác và giao lưu quốc tế để tiếp cận với các xu hướng, công nghệ và kiến thức mới. Điều này có thể giúp mở rộng mạng lưới liên kết và tạo ra cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và đồng nghiệp quốc tế.

Chăm lo phát hiện nhân tài, đó là một trong những trọng tâm để phát triển đất nước trong tương lai. Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, phải chăm lo phát hiện nhân tài từ lớp trẻ để cho họ có thể trở thành nòng cốt trong việc giải các bài toán phát triển Việt Nam trong những thập kỷ tới. Xây dựng đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam là phải hết sức chú trọng các chuẩn mực, các tiêu chí cả đạo đức, năng lực, tài năng, bản lĩnh và giáo dục văn hóa.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài
Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo vệ tinh MicroDragon. Ảnh do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cung cấp.

GS, TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Hơn ai hết trí thức phải là một người có văn hóa trong ứng xử với nhân dân, với thế giới và bạn bè quốc tế nên phải chú trọng giáo dục văn hóa của giới trí thức, nhất là văn hóa đạo đức và chính trị, văn hóa ứng xử bởi đây là diện mạo của cả dân tộc.

“Theo tôi có những giải pháp để xây dựng đội ngũ trí thức như sau: Một là phải chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức từ trong tầng lớp trẻ; chọn nhân tài từ lúc là còn thiếu niên, nhi đồng bởi nếu không phát hiện và bồi dưỡng kịp thời thì sẽ mai một hoặc phát triển tự phát và phát hiện đúng nhân nhân tài để bồi dưỡng. Hai là, phải đổi mới chính sách đãi ngộ đối với các nhân tài. Giải pháp thứ ba là phải đổi mới giáo dục từ trong các nhà trường để nhà trường thực sự là vườn ươm các nhân tài và thực hiện được các quan điểm của Đảng, đột phá về chất lượng nhân lực cao thì phải chú trọng vào giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Từ lâu Đảng coi đây là quốc sách hàng đầu. Đấy là một lời tuyên bố rất là sáng suốt và đúng đắn, nhưng tiếc là nó chưa được cụ thể hóa thành một chương trình hành động, nó vẫn dừng lại là một tuyên bố, phải có chính sách, phải có biện pháp, phải có cách làm quyết liệt để cho đúng là quốc sách hàng đầu mới phát triển được thì đấy là một giải pháp cần thiết. Một giải pháp nữa là phải tạo được môi trường dân chủ”, GS, TS Hoàng Chí Bảo cho biết.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài
Đào tạo nhân tài phải bắt đầu từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phải đặt các giải pháp về phát triển đội ngũ trí thức trong các giải pháp chung về phát triển đất nước

PGS,TS Bùi Hoài Sơn đánh giá: Thực tế đáng buồn hiện nay là, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng "chảy máu chất xám", nhất là từ khu vực Nhà nước ra khu vực tư nhân, chẳng hạn như việc nhiều người được cử đi học nước ngoài rồi không trở về, thậm chí ngay trong chính một tổ chức, người tài không được sử dụng đúng chỗ đúng lúc.

PGS,TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: Để xảy ra hiện tượng trên, đầu tiên, tôi cho rằng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, tài năng của chúng ta chưa thực sự phù hợp. Nếu chính sách chỉ dựa vào “ngôn từ” mà thiếu đi những đãi ngộ cụ thể thì sẽ rất khó để chúng ta giữ chân hay thu hút nhân tài. Thứ hai là lý do xuất phát từ văn hóa. Văn hóa của chúng ta có xu hướng đề cao tinh thần tập thể, tính cộng đồng hơn thể hiện năng lực cá nhân. Điều này thể hiện ở trong các tổ chức, văn hóa công việc và quản lý tổ chức không đáp ứng đúng các giá trị và nhu cầu của nhân tài có thể góp phần vào việc nhân tài ra đi. Sự thiếu minh bạch, công bằng và đánh giá công việc không chính xác dẫn đến việc bổ nhiệm hay đãi ngộ không tương xứng có thể làm cho nhân tài không cảm thấy được đánh giá và đề cao.

Một môi trường làm việc không phù hợp với cá tính cá nhân, không đảm bảo sự phát triển chuyên môn và không tạo ra cơ hội thăng tiến có thể khiến nhân tài không cảm thấy động lực và hài lòng. Nếu không có cơ hội nâng cao năng lực và phát triển cá nhân, nhân tài có thể tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn để phát triển tiềm năng của mình. Thứ ba là vấn đề kinh tế. Thu nhập không phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giữ chân nhân tài. Nếu những nơi làm việc không thể cung cấp mức thu nhập hợp lý và các lợi ích khác như bảo hiểm, đãi ngộ khác, khiến người ta có thể tìm kiếm cơ hội khác có lợi ích kinh tế tốt hơn”.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài
Phải chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức từ trong tầng lớp trẻ.

Việc đặt các giải pháp về phát triển đội ngũ trí thức trong các giải pháp chung về phát triển đất nước bên cạnh nhau để thực hiện sự phát triển đất nước bền vững, nhanh chóng và hiện đại là việc làm rất cần thiết.

Đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho vấn đề “chảy máu chất xám”, theo GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, trước hết, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nên thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, sự trân trọng cầu thị, lắng nghe, tôn vinh trí thức, kiều bào. Đồng thời đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho trí thức kiều bào và ghi nhận những thành quả thiết thực mà họ đem lại cho xã hội và đất nước. Như vậy, họ mới sẵn sàng trở về làm việc, cống hiến, đem sức mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Một giải pháp khác, theo GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, là cần tập trung mọi nguồn lực của đất nước, xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu. Đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, vì vậy nhiều dự án, nhiều nhiệm vụ đều cần phải đầu tư.

Không thể đầu tư cho khoa học, công nghệ và phát triển đào tạo nguồn lực trí thức một cách dàn trải mà phải trọng tâm, trọng điểm. Phải chọn ra những chuyên ngành, những dự án, những hệ thống công nghệ theo thứ tự ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chiến lược, mục tiêu, lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Tôi có được tham khảo hỏi ý kiến và cũng được biết một danh mục gần một trăm chuyên ngành công nghệ cao ưu tiên làm trọng tâm, trọng điểm cho phát triển đất nước. Nhưng nếu đã là trọng tâm, trọng điểm thì nó phải ít thôi, chứ đến hàng trăm thì có lẽ là nó đã không trọng tâm, trọng điểm rồi”, GS, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ nói.

Mặt khác, để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, cần cải tổ lại bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức, trong đó có trí thức kiều bào, theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn, với thị trường, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng lên làm đầu.

Ví dụ, không nhất thiết phải tổ chức bộ máy quản lý khoa học công nghệ và tập hợp trí thức theo ngành dọc ở các cơ quan Trung ương và tất cả các địa phương mà nên tính tới đặc thù phát triển của vùng miền, của từng ngành, lấy thế mạnh của từng địa phương để phát triển.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài

Theo GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, chúng ta cũng nên chú ý tới việc thu hút, tập hợp trí thức là người nước ngoài. Trong thế giới mở, đây thực sự là lực lượng trí thức quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống luật định có ưu đãi đặc biệt cho các chuyên gia cao cấp người nước ngoài tới Việt Nam làm việc hoặc hợp tác với Việt Nam trong các dự án quan trọng của đất nước.

Cùng với đó, tập trung xây dựng và phát triển một số tập đoàn khoa học công nghệ. Đây sẽ là cái nôi để thu hút, tập hợp, đào tạo và phát triển lực lượng trí thức cho tương lai của đất nước. Trong điều kiện thiếu thốn hiện nay, đây là việc tuy khó khăn nhưng vô cùng cần thiết và cấp bách...

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài

Đánh giá về vấn đề “chảy máu chất xám” hiện nay, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Hiện nay do Việt Nam chưa đủ phương tiện, điều kiện để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học để các trí thức cống hiến nên buộc họ phải ra nước ngoài để nghiên cứu, đó là điều đáng tiếc. Vì thế, tôi cho rằng, Việt Nam nên tạo các điều kiện như một số nước cho các trí thức. Dĩ nhiên, nền kinh tế của chúng ta chưa mạnh bằng một số nước nhưng chúng ta có thể tạo điều kiện cho những nhà khoa học đó thực hiện các đề tài nghiên cứu.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài
Nhiều trí thức học tập ở nước ngoài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu về làm việc cho Tập đoàn Vingroup.

“Có nhà khoa học tâm sự với tôi rằng, khi về Việt Nam không có phòng thí nghiệm và không có đủ điều kiện để cống hiến nên buộc phải ra nước ngoài mới có phòng thí nghiệm để thực hiện những nghiên cứu. Tôi rất tiếc, chúng ta chưa có nhiều phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn quốc tế chứ chưa nói đến việc có các thí nghiệm rồi phải đưa qua thực tế kiểm nghiệm. Việt Nam cần phải có nghiên cứu, tiếp thu và nghe các nhà khoa học phản ánh, kiến nghị, từ đó chắt lọc, tìm giải pháp để giúp cho các nhà khoa học ở Việt Nam nghiên cứu mà không cần phải ra nước ngoài vẫn cống hiến được”, Thượng tướng, Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.

Đội ngũ trí thức là tinh hoa của dân tộc. Vì thế, việc đãi ngộ, trọng dụng nhân tài phù hợp sẽ thu hút nhiều trí thức cống hiến tài năng, chất xám của mình vào công cuộc xây dựng đất nước.

  • Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 3: Cần có chính sách, chế độ đãi ngộ để hút nhân tài
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top