![](https://mediafile.qdnd.vn//images/2025/1/30/cover-1.jpg)
Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 1: Trí thức là “vốn liếng” quý báu của dân tộc
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức” (1).
Để làm rõ hơn vai trò của đội ngũ trí thức cùng đồng hành với sự phát triển của đất nước, Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện vệt bài: Đội ngũ trí thức-những người làm hưng thịnh đất nước.
Sinh thời, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức yêu nước và đưa ra những quan điểm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ trí thức hiện nay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
GS, TS Hoàng Chí Bảo được mệnh danh là "người kể chuyện Bác Hồ" cho rằng, Bác Hồ không chỉ là một nhà tư tưởng kiệt xuất của Đảng, một thiên tài về tư tưởng của Đảng ta, Bác còn được thế giới tôn vinh là danh nhân văn hóa kiệt xuất - điều này cho thấy bản thân Bác cũng là một nhà trí thức lớn của dân tộc. Trong thời hiện đại này, cuộc đời của Bác, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thể hiện những chỉ dẫn rất quý báu của Người về trí thức.
Trí thức trước hết là những người có học thức cao và có trí tuệ, có đạo đức và có văn hóa ứng xử tinh tế. Bác thường nói: "Trí thức là nhân tài của đất nước" mà kháng chiến kiến quốc cần rất nhiều nhân tài, trí thức và nhân tài thì không bao giờ là đủ cả, nhưng nếu khéo dùng thì nhân tài sẽ phát triển thêm, vì nhân tài, trí thức không ở đâu khác, chính ở trong lòng quần chúng nhân dân mà ra.
Vì vậy, nói đến trí thức là nói đến gương mặt, tinh thần của cả một xã hội và người trí thức là người phải có những hoài bão lớn, những ý chí lớn và có một lối sống cao quý, cao thượng - tức là sống vì dân, vì nước, đem tài năng, kiến thức, hiểu biết của mình để phục vụ cho đất nước, cho nhân dân.
Trong quan niệm của Bác, trí thức là rất đa dạng, có cả nhà khoa học, có cả nhà giáo, nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà báo. Đấu tranh cho cái thiện và phê phán, loại bỏ cái ác ra khỏi đời sống chính là sứ mệnh của người trí thức, từ người cầm bút, nghiên cứu khoa học đến người sáng tạo, biểu diễn, từ nhà báo cho đến những nhà giáo đứng trên bục giảng...
Đặc biệt, khi nói về trí thức, Bác luôn luôn nhấn mạnh phẩm chất gương mẫu: Người trí thức phải có nhân cách, có cốt cách, có lối sống, văn hóa để làm gương cho những người khác. Thế hệ thiết lập quan niệm của Bác về trí thức là rất toàn diện, cả trí tuệ, đạo đức, văn hóa và quan trọng nhất là động cơ vì nước, vì dân, tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc để xây dựng đất nước, phát triển dân tộc để thực hiện cho được 3 giá trị cốt lõi: Độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó chính là lẽ sống của cả đời Bác và cũng chính là lẽ sống của giới trí thức Việt Nam, trí thức cách mạng, trí thức chân chính dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh.
30 năm đi tìm đường cứu nước và Người tiếp thu được cả hai nền văn hóa Đông - Tây, cho nên Bác Hồ rất chú trọng đến vấn đề phát huy, tận dụng tinh hoa trí thức Việt Nam ở nước ngoài (cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài), nhất là trong thời đại hiện nay, với sự lớn mạnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì việc khai thác trí thức, nhân tài ở nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài là rất cần thiết để đưa được tài năng, sáng tạo của họ vào phục vụ sự phát triển đất nước.
"Bác nhấn mạnh vấn đề là Đảng lãnh đạo trí thức trước hết phải xuất phát từ việc hiểu trí thức, hiểu con người trí thức, hiểu nghề nghiệp của họ và Đảng phải tạo mọi điều kiện để trí thức có điều kiện, có môi trường để cống hiến. Muốn thế, Đảng phải tôn trọng trí thức, đối xử với trí thức một cách chân thành, trọng thị, khiêm tốn để làm cho họ cảm thấy có niềm tin, chỗ dựa để phát huy hết khả năng của mình; chứ không áp đặt hành chính trong lãnh đạo trí thức", GS, TS Hoàng Chí Bảo nói.
Trong những năm đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, nhận thức chung trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn. Theo đó, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2025 là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.
Đánh giá về vai trò của đội ngũ trí thức, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Vai trò trí thức của Việt Nam hiện nay rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là kinh tế và chính trị, ngoại giao. Càng hội nhập thì đội ngũ này càng quan trọng.
“Hiện nay nhiều bạn trẻ tu nghiệp ở nước ngoài đều muốn về Việt Nam để cống hiến, tôi đánh giá rất cao việc này và tôi nghĩ nếu chính sách của ta tốt thì sẽ có rất nhiều trí thức về nước, góp phần xây dựng Tổ quốc. Tôi tin tưởng rằng, trong chính sách của ta hiện nay rất coi trọng việc tạo điều kiện cho các trí thức kể cả người nước ngoài cống hiến để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Ngược dòng thời gian về những năm của thời kỳ cuối trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược đến thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của Liên Xô và các nước XHCN lúc đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương đúng đắn để xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ nước nhà sau khi giành độc lập dân tộc.
Nói về vấn đề này, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Tôi cho rằng, việc cử những trí thức trẻ của Việt Nam ở các trường đại học, các viện nghiên cứu ra đào tạo ở nước ngoài là một chủ trương sáng suốt. Các trí thức được đào tạo bài bản ở những nền giáo dục lớn, nền khoa học lớn trên thế giới nên khi về nước họ đã rút ngắn khoảng cách giữa đất nước ta với các nước khác. Điều này đã thấy rất rõ, trong quá trình được đào tạo đã dần hình thành và nổi lên những “con chim đầu đàn”, chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, đã có những chuyên gia đầu ngành có thể sánh với các nước trong khu vực và ở chừng mực nào đó thì có thể sánh với một số nước trên thế giới. Hoặc hiện nay, trong lĩnh vực kiến trúc, các kiến trúc sư của Việt Nam rất giỏi. Trong hầu hết những cuộc thi ở lĩnh vực kiến trúc của quốc tế thì các kiến trúc sư của Việt Nam đều đoạt giải rất cao là bởi các kiến trúc sư biết gắn dân tộc với hiện đại, bảo vệ môi trường, khí hậu…
GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Moscow (MEI), Liên bang Nga chia sẻ: Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi trí thức kiều bào về nước làm việc. Hoàn cảnh lúc ấy khó khăn hơn bây giờ rất nhiều mà trí thức kiều bào vẫn sẵn sàng về nước, cống hiến, làm rất nhiều việc.
Nói về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà văn Lê Hoài Nam khẳng định: Ở thời nào thì vai trò của đội ngũ trí thức cũng vô cùng quan trọng. Thời xưa những trí thức giỏi thường được tuyển chọn vào cung đình cùng với vua điều hành đất nước. Trí thức là quan văn còn có vai trò can gián vua không được làm sai, làm trái đạo lý. Khi một thể chế suy mạt, không còn khả năng điều hành đất nước thì chính những trí thức đã tập hợp quần chúng đứng lên đòi phế truất vua suy đồi, thay nhà vua khác anh minh để lãnh đạo đất nước. Trong thời đại ngày nay thì trí thức càng có vai trò quan trọng hơn. Họ chính là những người tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đại cũng như pháp luật, quân sự... từ những quốc gia tiên tiến để về canh tân đất nước.
Vai trò của đội ngũ trí thức vô cùng quan trọng, là nguồn lực tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Vì thế để “chiêu hiền đãi sĩ”, thu phục bậc hiền tài, trọng đãi trí thức là việc làm vô cùng cấp thiết để góp phần đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 161-162
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
- Ảnh: Tư liệu, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC