LONGFORMChủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0

Sau một thời gian tạm lắng, đến thế kỷ XXI, chủ nghĩa dân túy bước sang thời kỳ phát triển thứ tư, mặc dù vẫn mang những đặc trưng chung của chủ nghĩa dân túy truyền thống, song do bối cảnh lịch sử mới, nó có những đặc điểm, xu hướng mới, tiếp tục gây ra những “cơn địa chấn”, hiệu ứng lan truyền, thách thức sự ổn định của nhiều quốc gia, dân tộc cũng như trật tự quốc tế và hệ thống toàn cầu.

--------------------------*****--------------------------

Đời sống xã hội hiện đại - nguyên nhân nảy sinh chủ nghĩa dân túy mới

Bối cảnh mới cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nước bắt nguồn từ chính cuộc sống của xã hội hiện đại, như: Toàn cầu hóa, cạnh tranh và kinh tế thị trường, xung đột văn hóa và bản sắc dân tộc và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cuộc cách mạng thông tin với sự ra đời của thế giới ảo…

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là người dân, nhất là những người yếu thế “cảm thấy mình đang bị tổn thương” do sự yếu kém của chính quyền trong khắc phục sự trì trệ của nền kinh tế và bất bình đẳng về mức thu nhập - mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Trong xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, bên cạnh những lợi ích đạt được và những kỳ vọng về sự công bằng, thì do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bất bình đẳng vẫn là hiện tượng phổ biến. Ở những quốc gia phong trào dân túy phát triển mạnh mẽ thì nhiều đặc quyền trong xã hội lại không thuộc về đa số người dân, lợi ích kinh tế chủ yếu thuộc về thế giới tư bản, thiểu số giàu có.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đã chỉ rõ: “Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào "99 chống lại 1" diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản". Cùng với đó, gánh nặng về an sinh xã hội khiến tình hình nợ chính phủ càng trầm trọng, khó khăn, đè nặng lên đôi vai người lao động. Ngọn lửa bất mãn cứ thế âm ỉ, dồn nén rồi được thổi bùng lên khi xuất hiện một chính trị gia dân túy đủ sức ảnh hưởng và có tài hùng biện, lôi cuốn được số đông.

Thứ hai là nguyên nhân chính trị. Sự yếu kém của các nhà lãnh đạo đất nước; cơ chế dân chủ thái quá, theo kiểu “vô chính phủ” ở một số nước đã dẫn đến mất kiểm soát trong nhiều tình huống chính trị. Những phản ứng bất mãn của người dân đối với quyết định của chính phủ đã tạo cơ hội cho các nhân vật dân túy lợi dụng đẩy mâu thuẫn lên cao. Khi người dân cảm giác mình “bị gạt ra ngoài lề”, bế tắc, chán nản không biết phải làm gì, sẽ dễ dàng ngả theo những người có tính cách mạnh mẽ, tuyên bố đứng lên bảo vệ và đại diện cho quyền lợi của họ.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Ảnh trên bên trái: Người di cư từ Mexico trèo qua hàng rào biên giới tại Eagle Pass, bang Texas để vào Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh trên bên phải: Biến cố "Mùa xuân Arab" ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã góp phần tạo ra làn sóng di cư tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: AFP
Ảnh dưới: Cuộc biểu tình chống người nhập cư ở thủ đô Bratislava của Slovakia - Ảnh: AFP

Thứ ba là những xung đột về văn hóa và bản sắc dân tộc. Tại châu Âu, tư tưởng bảo thủ, chủ nghĩa dân tộc, chống khu vực hóa, toàn cầu hóa khiến ngày càng có nhiều người mong muốn có một nhà nước thuần nhất về sắc tộc. Trong khi tại Mỹ, tâm lý bài ngoại, chống người nhập cư, người không cùng sắc tộc… đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở nhóm người bản địa có thu nhập và trình độ học vấn thấp.

Cụ thể về vấn đề nhập cư, từ sau biến cố “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông và Bắc Phi năm 2010, hàng triệu người dân vô tội ở khu vực này phải tìm đường tháo chạy đến châu Âu, tạo nên cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất trong lịch sử. Hệ lụy của việc này là hoạt động di cư tự do không kiểm soát trong nội bộ khối EU, gây ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội ở nhiều nước, nhất là vấn nạn chủ nghĩa khủng bố ngày càng gia tăng. Lợi dụng tình hình đó, nhiều chính trị gia đã đưa ra những lời hứa hẹn “bạo miệng”, rằng họ thấu hiểu và sẽ giải quyết một cách nhanh chóng vấn đề nếu thắng cử. Tiến trình Brexit ở Anh phản đối chính sách di cư, nhập cư vào Anh; Chính phủ Hungary đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Đông; “Bức tường Trump” ngăn cách biên giới giữa Mỹ và Mexico được xây dựng theo ý tưởng tranh cử của ông Trump… là những ví dụ điển hình của trào lưu này.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Người nhập cư trái phép đứng chờ ở hàng rào biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: TTXVN

Một nguyên nhân nữa tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân túy trỗi dậy đến từ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, về tiêu cực dễ dàng nhận thấy là tình trạng tin giả tràn lan trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội, gây hoang mang, hoài nghi, mang lại những cảm xúc nhất thời đối với người dân.

--------------------------*****--------------------------

Những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy mới

Từ thực tiễn tại nhiều nước có thể nhận thấy chủ nghĩa dân túy hiện nay đã trở nên phổ biến hơn, có thể xuất hiện ở mọi quốc gia, dân tộc. Không chỉ có ở Âu Mỹ, chủ nghĩa dân túy còn có mặt ở nhiều nước khu vực Đông Á, Bắc Á thấp thoáng trong những “giấc mơ” chấn hưng về một thời hoàng kim của dân tộc. Tại Đông Nam Á là trường hợp Thái Lan và Philippines.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vận động tranh cử ở vùng nông thôn Thái Lan vào năm 2011. Ảnh: Reuters

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, trường hợp được coi là “hiện tượng” ở châu Á là chính trị gia Thaksin Shinawatra và Đảng Người Thái yêu người Thái đã ngồi vào ghế Thủ tướng Thái Lan nhờ các chính sách nhắm vào người nghèo và thu hút quần chúng ở nông thôn. Những kinh nghiệm này cũng được em gái ông, bà Yingluck Shinawatra vận dụng thành công trong cuộc tranh cử Thủ tướng Thái Lan năm 2011. “Chủ nghĩa dân túy gạo” được bà Yingluck áp dụng với lời hứa gây sốc và chính sách ngắn hạn, rằng nông dân sẽ bán được gạo với giá gấp đôi thị trường đã nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của cử tri nghèo trong bối cảnh giá gạo ở nước này sụt giảm mạnh, thu nhập và đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Cựu Tổng thống Phillippines, ông Rodrigo Duterte (giữa). Ảnh: EPA

Ở Philippines, ông Rodrigo Duterte trúng cử Tổng thống năm 2016 nhờ đường lối dân túy và phong cách lãnh đạo cứng rắn, đặc biệt là chính sách mạnh tay với tội phạm ma túy. Ông Duterte cũng tỏ ra cứng rắn trong quan hệ quốc tế khi tuyên bố sẽ tìm kiếm đường lối đối ngoại độc lập với Hoa Kỳ, đe dọa rút khỏi Liên hợp quốc. Mặc dù những hành động mạnh tay quá mức của chính quyền Duterte đã làm nổ ra sự tranh cãi gay gắt về động cơ, hiệu quả và những lo ngại về nguy cơ phá hoại nền dân chủ, nhưng khả năng cuốn hút đám đông vẫn mang lại cho nhà dân túy Duterte sự ủng hộ lớn từ công chúng…

Thực tế chỉ ra rằng, dù vẫn mang những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa dân túy truyền thống, tức là không có một hệ tư tưởng riêng, chủ nghĩa dân túy ngày nay vẫn có sức tác động to lớn đến nhiều người, nhất là thông qua truyền thông xã hội. Những người dân túy hiện nay đã có sự điều chỉnh khoảng cách giữa lời nói và hành động, nói cách khác không chỉ có hứa hẹn suông theo kiểu mị dân mà còn biết đáp ứng các nhu cầu thực tế nhất thời của dân chúng, mặc dù hành động đó không mang lại sự thay đổi căn bản hoặc chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Vì vậy, tại các cuộc bầu cử, họ không lựa chọn những vấn đề dài hạn mà tập trung vào những bức xúc trước mắt của người dân để tranh biện, hứa hẹn nhằm tìm kiếm phiếu bầu từ cử tri.

--------------------------*****--------------------------

Hệ lụy khôn lường của chủ nghĩa dân túy mới

Trong lịch sử, khi phê phán chủ nghĩa dân túy Nga thế kỷ XIX, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, đó là chủ nghĩa đã làm chệch hướng tiến lên của cuộc sống, làm lẫn lộn các nguyên tắc khách quan của lịch sử với những đề xuất có tính nửa vời và lừa mị của các nhà tư tưởng, các chính trị gia.

Đến nay, chủ nghĩa dân túy dù là truyền thống hay hiện đại đều đã tạo ra những hệ lụy vô cùng đa dạng, nhiều chiều, thách thức sự ổn định của mọi thể chế; nguồn cơn của sự phân hóa, chia rẽ trong xã hội, gây khó khăn cho việc cầm quyền của các chính đảng.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Ảnh minh họa Đối đầu thương mại Mỹ – Trung. Nguồn: thanhphohaiphong.gov.vn

Những hệ giá trị của nhân loại vốn chịu tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, dưới tác động của chủ nghĩa dân túy lại càng trở nên hỗn loạn hơn. Chủ nghĩa dân túy thường đi cùng với khuynh hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa, từ đó tác động mạnh mẽ đến chính sách của các nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những đối đầu thương mại trên quy mô toàn cầu như giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ với các đồng minh thời gian qua.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Ảnh trái: COP 21 kết thúc thành công bằng việc ký kết Thỏa thuận Paris giữa 195 thành viên (Ảnh: AFP)
Ảnh phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tờ sắc lệnh ông vừa ký quyết định rút Mỹ khỏi TPP tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở thủ đô Washington, DC ngày 23-1-2017 - Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, việc các định chế có nguy cơ bị phá bỏ đặt nhân loại trước sự bất ổn, ngờ vực, gây xáo trộn các mối quan hệ quốc tế. Nguy cơ này ngày càng trở nên hiện hữu và nghiêm trọng khi xem xét tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, từ bỏ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định hạt nhân về Iran, Hiệp ước Bầu trời mở… của ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Kurt Weyland, nhà nghiên cứu chính trị học ở Đại học Texas (Hoa Kỳ)

Giới phân tích cũng cảnh báo chủ nghĩa dân túy mới có nhiều biểu hiện giống chủ nghĩa phát xít, nơi khởi phát của những phát ngôn và hành động cực đoan có thể dẫn tới xung đột, bạo lực và tội phạm, được nuôi dưỡng bởi tư tưởng phân biệt sắc tộc, chủ nghĩa bài ngoại cực đoan, đề cao chủ nghĩa bản địa…

Kurt Weyland, Giáo sư chính trị học của Đại học Texas (Hoa Kỳ) trong một bài báo chuyên ngành đã viết: “Chủ nghĩa dân túy luôn mâu thuẫn với dân chủ”. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy vốn có khuynh hướng phi tự do, nhằm củng cố quyền lực gây tổn hại cho các nguyên tắc dân chủ. Vì vậy, khi nguy cơ này xuất hiện, chúng ta không chỉ nên lo lắng về việc sức mạnh của các nhân vật dân túy hay các tổ chức đang mở rộng, mà còn là viễn cảnh khủng hoảng chính trị - xã hội sau đó.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Winston-Salem, bang Bắc Carolina ngày 8-9-2020. Ảnh: TTXVN

(còn nữa)

  • Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 2: Chủ nghĩa dân túy phiên bản 4.0
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: THANH HƯƠNG - TÔ NGỌC
top