LONGFORMCHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), vốn đã đầy ắp những sự kiện, nhưng càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước có ý nghĩa giá trị dân tộc và thời đại sâu sắc. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn là đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta những trang vàng chói lọi nhất.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước” hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhận thấy quân Mỹ khó có khả năng quay lại tham chiến tại miền Nam và nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, đồng thời chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và xác định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[1]. Thực hiện chủ trương đề ra, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bắt đầu từ ngày 4-3-1975 với chiến thắng mở đầu Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, chiến thắng ở Tây nguyên, chiến thắng Trị Thiên - Huế, chiến thắng Đà Nẵng và miền Trung Trung Bộ đã làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh giữa ta và địch. Quân ngụy Sài Gòn không những không có khả năng lấy lại các vùng đã mất mà còn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4-1975). Ảnh: TTXVN

Đánh giá thế và lực so sánh ta - địch sau chiến thắng miền Trung, Bộ Chính trị họp ngày 31-3-1975 nhận định: “Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”[2].

Từ đánh giá đó, Bộ Chính trị quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công những lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc. Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra”[3].

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 7-4-1975, đồng chí Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1- Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2- Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Bức điện được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như “Lời hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng[4].

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Quyết tâm chiến lược, tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương được quán triệt đến toàn quân, toàn dân. Cả nước sôi nổi không khí ra trận. Hàng nghìn xe vận tải chở quân, chở hàng theo Đường 1, đường Đông và Tây Trường Sơn, ngày đêm hối hả lao về phía Nam. Các nhà ga, bến cảng nhộn nhịp hoạt động, đưa gạo, đưa đạn lên các đoàn tàu hỏa, các tàu biển, chuyển xuống các đoàn canô kéo theo sà lan để theo các tuyến đường sắt, đường sông, đường vận tải ven biển tiến về Sài Gòn. Hơn lúc nào hết, “thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Cần phải hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp”[5]. Quân đoàn 1 từ hậu phương lớn miền Bắc; Quân đoàn 2 vừa tham gia chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung Trung Bộ; Quân đoàn 3 vừa đánh trận mở đầu Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên và ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Quân đoàn 4 vừa lập chiến công trên Đường 14 - Phước Long lịch sử; Đoàn 232 mới thành lập từ các sư đoàn đã dày dạn chiến đấu ở hướng Tây - Nam Sài Gòn.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Ảnh 1: Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2-4-1975. Ảnh 2: Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 1 vượt đường 16 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ảnh 3: Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26-4-1975).

Các quân đoàn binh chủng hợp thành cùng nhiều đơn vị công binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, đặc công, ào ạt tiến quân về chiến trường trọng điểm. Các đơn vị vừa đi, vừa đánh địch, vừa mở đường, bắc cầu. Trong đoàn quân tiến về Sài Gòn, đánh trận cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng, có chiến sĩ là đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đã đánh trận đầu tiên diệt đồn Phai Khắt hơn 30 năm về trước. Có chiến sĩ đã đánh quân Pháp xâm lược trên đường phố Sài Gòn ngày 23-9-1945. Nhiều sư đoàn, trung đoàn từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nhiều chiến sĩ tuổi 17, 18, mới lần đầu được mặc bộ quân phục chỉ ít ngày trước đó. Cả dân tộc lên đường. Cả nước ra trận. Mấy thế hệ cùng đi đánh giặc. Sức mạnh tổng hợp được tích lũy từ mấy chục năm của miền Bắc và miền Nam, hậu phương và tiền tuyến, vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích được nhân lên trong trận đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của Mỹ, ngụy.

Nam Bộ - Thành đồng của Tổ quốc, Nam Bộ đi trước về sau, thời điểm này là nơi hội tụ của các cánh quân trong trận quyết chiến lịch sử cuối cùng.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Ảnh trái: Ngày 9-4-1975, các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, “cánh cửa thép” – căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc.

Ảnh phải: Ngày 9-4-1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21-4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay khi mất Xuân Lộc, tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Ngày 6-4-1975, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Bộ tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Tư lệnh; Phạm Hùng, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy; Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng; Lê Đức Anh, Phó tư lệnh (ngày 22-4 bổ sung đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa, Phó chính ủy).

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ tư lệnh Chiến dịch đặt tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh[6]. Tin chiến dịch được mang tên Bác Hồ đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới. Được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào, vinh dự to lớn của mỗi người Việt Nam, thế hệ làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Cùng ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây - Bắc, Đông - Bắc, Đông, Đông - Nam, Tây và Tây - Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố. Tiếp đó, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Chiến dịch Hồ Chí Minh rất to lớn về mục đích, về quy mô, cũng như về lực lượng… Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng của Mỹ, ngụy. Bọn phản động đầu sỏ tập trung ở đây, nên cũng cần có dự kiến trong tình hình nào đó cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian nhất định… Địch luôn luôn có thể có những cố gắng mới. Nhưng ta có đầy đủ điều kiện và khả năng để giành toàn thắng trong thời gian ngắn với nhịp độ nhanh”[7].

Đến ngày 20-4-1975, tức là chỉ 22 ngày sau khi giải phóng Đà Nẵng, 48 ngày kể từ khi bắt đầu nổ súng ở Tây Nguyên, quân dân ta đã bao vây thành phố Sài Gòn - Gia Định trên tất cả các hướng. Năm quân đoàn binh chủng hợp thành, lực lượng vũ trang Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và thành phố Sài Gòn - Gia Định (gồm 270.000 người) đã chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công cách nội đô trên dưới 50km và bí mật đưa một bộ phận lực lượng áp sát các mục tiêu. Lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch lên tới 180.000 người. Nắm vững thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân dân ta đã hoàn thành việc tập kết lực lượng và phương tiện chiến tranh trong một thời gian ngắn, tạo nên thế trận mới với sức mạnh áp đảo, bảo đảm thắng lợi chắc chắn nhanh chóng và trọn vẹn cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Sau thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, 17 giờ ngày 26-4-1975, cuộc tổng công kích thành phố Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Bộ đội Pháo binh “chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” đã phát huy sức mạnh của các loại pháo tầm xa, bắn tập trung mãnh liệt vào sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, kiềm chế và tiêu diệt các trận địa pháo binh địch. Bộ đội Đặc công “luồn sâu đánh hiểm” phối hợp với các lực lượng biệt động thành phố đánh chiếm tất cả các cầu lớn trên các con đường tiến vào Sài Gòn. Từ các hướng Tây - Bắc, Đông - Bắc, Đông, Đông - Nam, Tây và Tây - Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Lược đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở Nước Trong, Đồng Dù, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa… Phía Nam quân ta cắt đứt Đường 4, các sư đoàn chủ lực địch bị tiêu diệt và tan rã không kịp rút lực lượng về nội thành. Ngày 28-4-1975, phi đội Quyết Thắng của không quân ta – “như cánh quân thứ sáu”, sử dụng máy bay A-37 vừa thu được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Địch vô cùng hoảng loạn trước cuộc tiến công dũng mãnh, đồng loạt của ta. Sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa bị tê liệt. Ngày 28-4-1975, tổng tham mưu trưởng quân ngụy Sài Gòn, nguyên thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cùng nhiều sĩ quan cao cấp và nhân viên ngụy Sài Gòn lên máy bay trực thăng Mỹ chạy ra nước ngoài. Ngày 29-4-1975, trung tướng Vĩnh Lộc (thay Cao Văn Viên) cùng bộ trưởng quốc phòng Nguyễn Hữu Có chạy vào Đại sứ quán Mỹ. Dương Văn Minh cử chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giữ quyền tổng tham mưu trưởng.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Ảnh trái: Sau 4 ngày đêm chiến đấu, đến sáng 30-4-1975, các đơn vị của Sư đoàn 304 đã chính thức tiêu diệt toàn bộ cứ điểm căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai) của địch, mở toang "cửa ngõ" cho lực lượng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn. Đây cũng là một trong các trận đánh khốc liệt nhất của quân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ảnh phải: Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28-4-1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.

22 giờ ngày 28-4-1975, Bộ Chính trị gửi điện “Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị lập được những chiến công lớn trong những ngày qua” và kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, triệt để chấp hành mọi chỉ thị mệnh lệnh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, nâng cao bản chất cách mạng và truyền thống quyết thắng của quân đội ta, giành thắng lợi hoàn toàn cho Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Ảnh trái: Lực lượng xe tăng và bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29-4-1975, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để quân ta thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.

Ảnh phải: Bộ đội Sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29-4-1975.

Sáng ngày 29-4-1975, quân ta mở đợt tiến công mới tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 18, 22 và 7 của quân địch ở vùng ven thành phố. Tướng Lê Nguyên Vĩ, sư đoàn trưởng sư đoàn 5 tự sát. Sư đoàn trưởng sư đoàn 25 Lý Tòng Bá bị bắt. Sư đoàn trưởng sư đoàn 22 bỏ chạy. Sư đoàn trưởng sư đoàn 18 Lê Minh Đảo cởi quân phục, lẩn vào đám tàn quân, chạy về thành phố. Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân khu III bỏ chạy ra biển. Chuẩn tướng Trần Văn Hai, sư đoàn trưởng sư đoàn 7, tự sát (ngày 1-5-1975)…

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
Sư đoàn 5 chặn đánh địch trên Quốc lộ 4 Bến Lức - Long An, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, ngày 29-4-1975.

10 giờ ngày 29-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị cho quân và dân ta trên toàn mặt trận “tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự kháng cự của chúng. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản”[8].

Sáng ngày 30-4-1975, quân ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. 10 giờ 45 ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng sắt của dinh Tổng thống. 11 giờ 30 ngày 30-4-1975 lịch sử, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng cắm lá cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
Ảnh 1: Xe tăng của Lữ đoàn tăng – thiết giáp 203, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975. Ảnh 2: Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-4-1975. Ảnh 3: Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30-4-1975. Ảnh 4: Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh cùng nội các ra trước Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, trưa 30-4-1975.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, thu non sông về một mối. Thắng lợi đó thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Lịch sử càng lùi xa, càng tạo điều kiện cho chúng ta nhìn nhận rõ tầm vóc của chiến thắng. Với ý nghĩa đó, dù các thế lực thù địch có xuyên tạc, phủ nhận, Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
Cờ mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc lập, 11h30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI

Ảnh trái: Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ảnh phải: Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân Giải phóng, ngày 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7-5-1975. Ảnh: TTXVN

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.9.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, T.36, tr.95.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, T.36, tr.96.

[4] Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã có những lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7-4-1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 14-9-2010.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể: Vào năm 1975, khi ông đang trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài, Đông nam bộ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì nhận được bức điện của Đại tướng qua đài 15W. Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, ông và các chiến sĩ khi đó như được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến. Lúc đó là vào mua khô, thời tiết vô cùng khó chịu nhưng khí thế của người lính vẫn hừng hực cùng đoàn quân trùng trùng điệp điệp xông ra mặt trận”. Theo Dân Trí, ngày 8-10-2013.

[5] Điện ngày 6-4-1975 của Quân ủy Trung ương gửi Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559, lưu trữ tại Bộ Quốc phòng.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, Tập 36, tr.109.

[7] Điện ngày 15-4-1975 của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn, lưu trữ tại Bộ Quốc phòng.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, T.36, tr.176.

  • CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - NHỮNG DẤU ẤN CÒN MÃI
  • Nội dung: Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
  • Ảnh: Tư liệu, TTXVN, BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top