LONGFORMCác nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Tính đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 7 nữ quân nhân được phong quân hàm cấp tướng, trong đó có 1 Trung tướng và 6 Thiếu tướng. Nữ Thiếu tướng duy nhất trong thời chiến là Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và cũng là nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các nữ tướng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, những cống hiến của họ trong suốt quá trình chiến đấu, công tác luôn tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng-bất khuất-trung hậu-đảm đang” như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ Việt Nam.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Tên tuổi của bà gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam.

Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, còn được gọi là Út Định, Ba Định. Bà là con út, thứ mười trong gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Năm 16 tuổi bà đã tham gia vào cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ tại quê nhà. Năm 1938, Nguyễn Thị Định được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó trong quá trình hoạt động cách mạng, bà bị địch bắt và bị đưa đi giam giữ ở Bà Rá (tỉnh Bình Phước ngày nay). Đến năm 1943, bà cùng một số đồng chí khác thoát khỏi nhà tù, trở về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Ảnh trái: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định thời trẻ; Ảnh phải: Bà Nguyễn Thị Định (đứng thứ 2 từ phải sang) và chồng Nguyễn Văn Bích trong ngày cưới năm 1938.

Tháng 3 năm 1946, trong khi đang giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh, Nguyễn Thị Định nhận được lệnh của Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre, cùng đoàn đại biểu quân dân chính Khu đi bằng đường biển ra Trung ương với 2 nhiệm vụ chính: Báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí cho quân dân Nam Bộ đánh Pháp.

Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, Nguyễn Thị Định cùng các thành viên trong đoàn đã vượt trùng dương, bão tố, khéo léo tránh được hệ thống tuần tra nghiêm ngặt của quân địch, đưa con thuyền chở 12 tấn vũ khí chi viện trở về miền Nam an toàn. Chuyến vượt biển ra Bắc thành công của người thuyền trưởng đầu tiên Nguyễn Thị Định là tiền đề để Trung ương có cơ sở nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Ảnh trái: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định với chiến sĩ nghỉ giải lao trên đường hành quân; Ảnh trên bên phải: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định cùng các chiến sĩ ăn cơm trên đường Trường Sơn; Ảnh dưới: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định trên đường Trường Sơn.

Khả năng lãnh đạo của Nguyễn Thị Định còn được thể hiện qua việc gắn kết các tầng lớp xã hội, bà truyền lửa, tạo ra sức mạnh vô hình cho ngay cả những lực lượng vốn gọi là chân yếu, tay mềm. Từ đây, một hình thức đấu tranh mới của Bến Tre ra đời, độc đáo và hiệu quả, khiến bè lũ quân địch khiếp sợ và gọi với cái tên: “Đội quân tóc dài”…

Năm 1965, Nguyễn Thị Định đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Ủy viên Bộ Chính trị, Chính ủy Bộ Chỉ huy miền Nam) gặp và trao quyết định của Bộ Chính trị, theo đó bà đảm nhiệm cương vị Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam.

Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà đã cùng Bộ Chỉ huy miền Nam gắn bó với nhân dân, đưa cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn đó, tháng 4-1974, Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Ảnh 1: Bà Nguyễn Thị Định đại diện cho đồng bào và phụ nữ miền Nam ra Thủ đô báo cáo tình hình với Bác Tôn; Ảnh 2: Bà Nguyễn Thị Định bắt tay, thăm hỏi các nữ chiến sĩ; Ảnh 3: Bà cùng 2 nữ chiến sĩ nghỉ chân trên đường đi công tác; Ảnh 4: Bà Nguyễn Thị Định cùng các nữ chiến sĩ; Ảnh 5: Bà Nguyễn Thị Định cùng đoàn đại biểu Hội LHPN giải phóng miền Nam nghỉ giải lao trong chuyến vượt Trường Sơn.

Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, Nguyễn Thị Định được chuyển về Thủ đô Hà Nội công tác, bà đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tháng 6-1987, bà được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và cũng là nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định từ trần ngày 26-8-1992. Để tri ân những công lao, đóng góp của bà, ngày 30-8-1995, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang là một trong những nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha bà là ông Nguyễn Hải Thanh, nguyên Chính ủy đầu tiên của Cục Quân y.

Thời niên thiếu, cô bé Hồng Giang thường được nghe cha mình kể chuyện về những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đặc biệt, chuyện về bác sĩ Vũ Văn Cẩn-người Cục trưởng Cục Quân y cùng thời với ông. Những câu chuyện do cha kể về bác sĩ Vũ Văn Cẩn, cùng việc trực tiếp chứng kiến tấm lòng hết lòng vì người bệnh của cha khiến Nguyễn Hồng Giang ấp ủ mơ ước trở thành bác sĩ quân y, phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân. “Cứ nghĩ đến việc có thể chữa được bệnh, cứu được nhiều người là mình thấy sung sướng rồi”- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang nhớ lại.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng, Bác sĩ Nguyễn Hồng Giang đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Trần Hồng

Năm 1966, đang là chiến sĩ của một đơn vị thông tin, Nguyễn Hồng Giang thi đỗ Học viện Quân y, chuyên ngành mắt. Tốt nghiệp năm 1972, bác sĩ Nguyễn Hồng Giang được điều về công tác tại Bệnh viện Quân đội 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Đây là thời điểm Chiến dịch Quảng Trị 1972 đang diễn ra nên thương binh, bệnh binh từ tiền tuyến được chuyển về viện rất nhiều nên 6 tháng liền bà vừa làm chuyên môn của mình, vừa kiêm nhiệm luôn phần việc của y tá.

Trưởng thành từ thực tiễn nên Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang rất hiểu ngoài sự nỗ lực của bản thân thì rất cần sự quan tâm giúp đỡ của đồng nghiệp, nhất là thế hệ đi trước. Vì vậy, trong thời gian công tác, trên các cương vị của mình Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang luôn quan tâm đến công tác đào tạo, kèm cặp lớp cán bộ kế cận cả về trình độ chuyên môn, cả về tâm đức của người thầy thuốc.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang khi còn công tác.
Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Tích cực học tập nâng cao trình độ, luôn gương mẫu đi đầu, tận tâm với người bệnh, tận tình với đồng nghiệp, năm 2007 bà được thăng quân hàm Thiếu tướng. Hai năm sau (năm 2009), bà nghỉ hưu theo chế độ nhưng ngay cả khi còn công tác và đến bây giờ, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang vẫn nhận được sự tín nhiệm cao của tập thể, của đội ngũ những người thầy thuốc ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Dẫu đã từng đảm nhiệm cương vị Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và cũng gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, được xã hội tôn trọng, đồng nghiệp mến phục, nhưng về với cuộc sống gia đình, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang vẫn là một người phụ nữ giản dị, người vợ đảm đang, chăm lo vun vén hạnh phúc gia đình và là người mẹ mẫu mực cho các con noi theo.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Trung tướng Lê Thu Hà sinh năm 1957, trong gia đình quân nhân cách mạng, mẹ là bác sĩ quân y công tác ở Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108; bố là Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Thật tự hào, chồng chị cũng là một vị tướng ngành y trong quân đội...

Từ nhỏ, nữ trung tướng thường theo mẹ đến bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, với nghề y. Hình ảnh mẹ trong chiếc blouse trắng miệt mài cứu người đã in đậm trong tâm trí đồng chí từ đó và luôn mong muốn trở thành bác sĩ quân y theo nghề của mẹ. Học xong cấp ba, đồng chí thi vào Học viện Quân y, chuyên ngành bác sĩ nội trú và trở thành một trong những học viên xuất sắc được ở lại trường. Sau 10 năm công tác tại Học viện, đồng chí được cử đi nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Năm 1996, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y khoa, đồng chí về nước công tác tại Bệnh viện TƯQĐ 108.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Tòa nhà hiện đại của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Năm 2007, đồng chí được phong hàm Phó giáo sư. Năm 2009, được thăng quân hàm Thiếu tướng, lần lượt giữ cương vị Phó giám đốc, rồi Chính ủy Bệnh viện TƯQĐ 108. Năm 2014, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Trung tướng, trở thành nữ Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong khoa học, đồng chí có nhiều đề tài thành công. Nổi bật là năm 2004, đồng chí hợp tác với các đồng nghiệp nghiên cứu đề tài về lọc màng bụng ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Thời điểm ấy, trong quân đội chỉ có Bệnh viện TƯQĐ 108 và Bệnh viện Quân y 175 mới có máy lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn. Công trình hoàn thành, có thể lọc máu cho bệnh nhân tại nhà và được ứng dụng đại trà để lọc máu cho bệnh nhân suy thận tại bệnh viện. Từ thành công của đề tài này, năm 2011, đồng chí và các cộng sự đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng “Phụ nữ sáng tạo”…

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Trên cương vị Chính ủy Bệnh viện TƯQĐ 108, Trung tướng Lê Thu Hà cùng Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện luôn tâm niệm phải đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, lấy chất lượng khám, chữa bệnh là yếu tố hàng đầu; đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phấn đấu của bệnh viện; là tiêu chí để đánh giá đội ngũ thầy thuốc. Trung tướng Lê Thu Hà từng tâm sự: “Mỗi thành công của người phụ nữ thường vất vả hơn nhiều so với nam giới, bởi thiên chức làm mẹ, làm vợ. Thành công của tôi có sự tiếp sức của gia đình, đồng nghiệp và đó cũng là văn hóa vì sự tiến bộ của phụ nữ...”.

Cuối tháng 12-2017, Trung tướng Lê Thu Hà nhận quyết định nghỉ hưu.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng Hồ Thủy sinh năm 1957. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 1 thì nhập ngũ tháng 9-1978, là giáo viên Trường Dự bị bay/Quân chủng Không quân (lúc đó tách riêng Phòng không và Không quân). Tháng 3-1982, Bộ Quốc phòng thành lập lại Cục Chính sách thì tháng 10-1982 đồng chí về công tác tại Cục.

Thiếu tướng Hồ Thủy chia sẻ: “Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình công tác của tôi, tôi cảm thấy công việc này phù hợp với tính cách, tình cảm và tư duy của mình. Trong thời gian này, tôi học thêm nhiều chương trình tại các trường trong và ngoài Quân đội để thiết thực hỗ trợ cho công việc”.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Thiếu tướng Hồ Thủy, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (người đứng thứ 2 từ bên phải sang) và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cùng các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tháng 6-2008, khi Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (BQP) được thành lập, đồng chí được bổ nhiệm là Giám đốc và nhận thấy “đây là nơi mà tôi thực hiện được tốt nhất khát vọng cống hiến của mình cho Quân đội”.

“Giai đoạn gấp rút nhất, quan trọng nhất khi tôi chủ trì chấp bút xây dựng Đề án thành lập cơ quan Bảo hiểm xã hội BQP là từ tháng 5-2007 tới 5-2008, tôi gặp muôn vàn khó khăn, sức ép. Nhưng được sự quan tâm, động viên, tin tưởng của lãnh đạo BQP và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bảo hiểm xã hội BQP chính thức được thành lập vào ngày 29-5-2008”, Thiếu tướng Hồ Thủy cho biết.

Cuối năm 2012, Thiếu tướng Hồ Thủy đã chủ trì, chủ động đề xuất, phối hợp với Cục Quân y báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương thực hiện “Đề án Thí điểm khám, chữa bệnh cho Quân nhân tại ngũ theo hình thức Bảo hiểm y tế”. Quá trình thí điểm này là cơ sở thực tiễn vô cùng quan trọng để cơ quan Bảo hiểm xã hội BQP cùng Cục Quân y báo cáo BQP trình Chính phủ ban hành nghị định về Bảo hiểm y tế cho quân nhân tại ngũ. Bằng Nghị định này, quân nhân thay vì chỉ được khám, chữa bệnh trong hệ thống quân y, nay sẽ được khám chữa bệnh tại trên 1.745 bệnh viện trên toàn quốc (thời điểm năm 2015), quân nhân không phải đóng bảo hiểm y tế mà hoàn toàn do ngân sách đóng, mọi chi phí khám chữa bệnh theo chỉ định chuyên môn do Quỹ Bảo hiểm y tế quân nhân chi trả.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Thiếu tướng Hồ Thủy trong đời thường. Ảnh: Trần Hồng

Đây thực sự là một cuộc “cách mạng” cả trong tư duy, nhận thức và trong quản lý bộ đội, quản lý việc chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ. Thực tiễn những năm qua ngày càng chứng minh tính ưu việt và đúng đắn của chính sách này.

Nói về bí quyết “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Thiếu tướng Hồ Thủy chia sẻ: “Muốn cân đối giữa việc nước, việc nhà một cách hợp lý, nhất là với phụ nữ giữ cương vị chủ trì, thì rất cần có một gia đình mà chồng và các con phải là người thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành và có lúc, có việc phải chịu “thiệt thòi” theo, kể cả là những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của mọi thành viên trong gia đình. Nhưng, mặt khác, sự “hy sinh” của người mẹ là một tấm gương tốt cho con cái, tôi ngẫm thấy vậy, từ gia đình mình và từ nhiều gia đình tôi quen biết lâu nay”.

Với phụ nữ trẻ hiện nay, nhất là với các nữ quân nhân, họ có nhiều cơ hội hơn để hoàn thiện bản thân, nhưng cũng nhiều áp lực, thách thức. Để giải quyết hài hòa việc cống hiến cho xã hội, chăm sóc gia đình và bản thân, Thiếu tướng Hồ Thủy cho rằng, người phụ nữ hiện đại nên chủ động, trách nhiệm, hết mình và sáng tạo trong công việc hằng ngày của mình.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà sinh năm 1957, quê ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội và hiện đang có một cuộc sống an nhiên với chồng và cũng là người bạn cùng khu tập thể thủa nhỏ.

Từ khi còn rất trẻ, Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà đã không còn bố. Ông là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân - liệt sĩ Kim Tuấn (Nguyễn Công Tiến), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 hy sinh tại chiến trường.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà kể lại, năm 1979, lúc bố hy sinh tại chiến trường Campuchia thì đây cũng là bước ngoặt đưa bà đến với con đường binh nghiệp. Lúc đó Nguyễn Thị Thanh Hà đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên khoa Tâm lý giáo dục và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng. Sau khi bố mất, cả nhà ai cũng muốn con gái theo nghiệp cha nên Thanh Hà quyết định trở thành chiến sĩ.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Một số hình ảnh hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà.

Nơi đầu tiên khi Nguyễn Thị Thanh Hà bước vào môi trường quân ngũ là Học viện Quân y và trở thành giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội và Nhân văn của Học viện Quân y. Nhớ lại những ngày đầu làm giảng viên, khi đó cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh Hà thường phải dậy từ 4 giờ sáng để lo giặt quần áo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa rồi đạp xe từ đường Trường Chinh xuống Hà Đông lên giảng đường, buổi chiều, khi về đến nhà thì trời cũng đã tối mịt.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà từng có thời gian đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Phụ nữ Quân đội (từ tháng 6-2007 đến 6-2013) nên với bà đó là quãng thời gian bà được tiếp xúc, nắm bắt và hiểu rõ tình hình chị em ở các đơn vị cơ sở trong quân đội. Chính quãng thời gian hòa mình cùng công tác phụ nữ quân đội, chia sẻ những khó khăn, lắng nghe những tâm tư tình cảm của chị em... đã tạo cho bà một “vốn sống” phong phú.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà khi còn công tác.

Khi được phân công trên cương vị Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội ( từ năm 2013 đến năm 2017), Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà luôn nhắc nhở, động viên cấp dưới của mình đề cao y đức, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao y thuật, bảo đảm an toàn trong cấp cứu và điều trị.

Giờ đây, mặc dù đã nghỉ hưu theo chế độ (năm 2017) nhưng Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà luôn tâm niệm, phụ nữ dù thành công đến đâu vẫn luôn phải coi gia đình làm điểm tựa trung tâm, có như vậy mới hoàn thành việc nước.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương sinh năm 1967, hiện đang là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Trước đó, chị là Phó chính ủy Binh chủng Thông tin Liên lạc (2018-2020); Trưởng ban Ban Phụ nữ Quân đội (2013-2018).

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương sinh ra trong gia đình có cha là bộ đội. Từ nhỏ, chị lớn lên trong khu tập thể Quân đội, lại học cùng các bạn cũng là con bộ đội nên chị rất hiểu và gần gũi với bộ đội. Cứ thế, tình yêu, lòng cảm phục với các chú, các anh Bộ đội Cụ Hồ đã thấm vào chị từ lúc nào không hay. Chị đã ước ao một ngày nào đó mình sẽ trở thành một nữ quân nhân, thành đồng đội của bố mình.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Ảnh trái: Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương (khi đó là Đại tá) cùng Đoàn đại biểu Phụ nữ Quân đội tham dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc (năm 2017).
Ảnh phải: Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương (khi đó là Đại tá) trò chuyện với các đại biểu phụ nữ điển hình tiên tiến trong buổi lễ tôn vinh điển hình tiên tiến thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ giai đoạn 2014-2017 (năm 2017).

Sau này, khi đã mang trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, dù trên bất cứ cương vị nào, chị cũng đều đam mê và trách nhiệm hết mình với công việc. Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, chị đã cùng với Ban Phụ nữ Quân đội tham mưu tổ chức nhiều sự kiện lớn cấp toàn quân, tạo được ấn tượng sâu sắc, có tính giáo dục và tuyên truyền cao, góp phần xây đắp thêm tinh thần cách mạng, sự đổi mới, sáng tạo và làm phong phú thêm các hoạt động phong trào trong Phụ nữ Quân đội.

Chị cho rằng, dù ở bất kỳ nơi đâu, trên lĩnh vực nào, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, phụ nữ Quân đội cũng luôn phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam và khẳng định được phẩm chất của phụ nữ trong thời kỳ mới “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”. Vai trò của Phụ nữ Quân đội cũng ngày càng được khẳng định, ghi dấu sự trưởng thành rõ nét.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương (khi đó là Đại tá) cùng cán bộ phụ nữ tham gia Đoàn công tác Trường Sa (năm 2016).

Với những thành tích xuất sắc, thời gian qua, lực lượng phụ nữ toàn quân nói chung, Ban Phụ nữ Quân đội nói riêng đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, giai đoạn 5 năm 2013 - 2018, Ban Phụ nữ Quân đội đã vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương cũng vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng 3; Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quân; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; cùng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều khen thưởng khác...

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc sinh năm 1967, hiện đang là Phó giám đốc Nội khoa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Năm 1989 chị tốt nghiệp Bác sĩ tại Học viện Quân y. Trong hai năm 2000-2001 chị đã qua khóa đào tạo về chuyên ngành Nội Thần kinh tại Cộng hòa Pháp và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học năm 2003 tại Học viện Quân y, được phong Phó giáo sư năm 2014.

Chị đã qua chức vụ: Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Não - Bệnh viện TƯQĐ 108. Tháng 11-2022 chị được thăng quân hàm Thiếu tướng và hiện là Phó giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh - Viện Nghiên cứu Khoa học Y Dược lâm sàng 108, là Ủy viên thường trực Hội đồng Khoa học Bệnh viện, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đột quỵ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội.

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam

PGS, TS TTƯT Nguyễn Hoàng Ngọc thường xuyên tham gia các hoạt động chuyên môn, thăm khám bệnh nhân nặng.

Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc đã có hàng chục công trình nghiên cứu được đăng tại các tạp chí chuyên ngành Nội Thần kinh và Đột quỵ trong nước và quốc tế, chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và các đề tài đa trung tâm quốc tế. Là thành viên hội đồng khoa học, tham gia chủ tọa và báo cáo khoa học tại nhiều Hội nghị Nội thần kinh, Đột quỵ của quốc gia và quốc tế.

Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc đã và đang hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và Bác sĩ chuyên khoa cấp II. Chị cũng đã tham gia với tư cách Chủ tịch và Ủy viên của gần 100 Hội đồng chấm luận án, luận văn tại Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học Dược Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Y Dược lâm sàng Bệnh viện TƯQĐ 108; đồng thời tham gia các hội đồng tuyển chọn và nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế.

Một số lĩnh vực Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc quan tâm, đó là: Siêu âm - Doppler mạch não, chẩn đoán và điều trị tích cực đột quỵ não, điều trị tế bào gốc trong đột quỵ não, sa sút trí tuệ…

Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
Một số hình ảnh hoạt động của Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc.

Theo Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc: Với các bệnh nhân đột quỵ não thì sau khi điều trị giai đoạn cấp, khả năng phục hồi các chức năng của bệnh nhân có nhiều hạn chế, vì nó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. “Hướng nghiên cứu của chúng tôi là tìm những phương pháp mới, những hình thức điều trị mới để giúp cho khả năng phục hồi của bệnh nhân đột quỵ được tốt hơn. Chúng tôi không chỉ muốn cứu sống được bệnh nhân mà muốn trả lại những chức năng vận động cho bệnh nhân để bệnh nhân tự phục vụ được bản thân, đảm bảo được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cao hơn”, Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hoàng Ngọc chia sẻ.

Với những đóng góp nổi bật của mình, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Ngọc đã được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân 2019, danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú 2020; Giải thưởng Phụ nữ tiêu biểu giai đoạn 2012-2022; danh hiệu Hội viên phụ nữ xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua của Phụ nữ Quân đội trong 5 năm 2016-2021….

  • Các nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN VÀ CTV
  • Ảnh: Tư liệu và CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top