LONGFORMCâu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Trong hệ thống phòng thủ phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954, A1 (tức Eliane 2 theo cách gọi của phía Pháp) là cứ điểm quan trọng bậc nhất, cánh cửa then chốt trực tiếp bảo vệ trung tâm chỉ huy-nơi đồn trú các cơ quan đầu não của quân Pháp, trong đó có hầm chỉ huy của tướng De Castries. Việc chiếm được cứ điểm này có ý nghĩa quyết định cho số phận của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì vậy, đồi A1 được xác định là mục tiêu của đợt tấn công thứ 2 của quân ta bắt đầu từ ngày 30-3-1954.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Từ sự cố mất liên lạc

Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, tuy địch đã bị mất những ngọn đồi rất quan trọng ở đông Mường Thanh và sinh lực của tập đoàn cứ điểm đã bị diệt tới 2/5 quân số. Song lực lượng địch vẫn còn hơn 1 vạn tên. Hơn nữa, chúng lại được tăng viện thêm một tiểu đoàn dù thiện chiến nên vẫn giữ được 2/3 đồi A1 và 1/2 đồi C1 cùng các cao điểm phụ cận A3, C3.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng họp cuối năm 1953 tại Việt Bắc, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Về phía ta, sau đợt vận động, giáo dục chính trị sâu sắc trong tất cả các đơn vị chiến đấu, bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến dịch, quyết tâm và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận đã được đề cao. Tất cả đều tích cực chuẩn bị cho đợt tấn công quyết định để tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.

Ngày 27-3-1954, Bộ Tổng tư lệnh triệu tập các cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên về sở chỉ huy Mường Phăng nhận nhiệm vụ tác chiến đợt 2. Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công của Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh đồi A1.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Ảnh 1: Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của Bác Hồ. Ảnh 2: Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ ở hang Thẩm Púa. Ảnh 3: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị trên sa bàn tại Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh 4: Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát chiến trường tại Sở chỉ huy Mường Phăng.

Trong hồi ký của mình, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An (sau là Thượng tướng, Phó giáo sư, Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp) kể: “Khi được giao nhiệm vụ tiến công A1, tôi cùng anh em bộ đội đi trinh sát nắm tình hình phòng ngự của địch. Trung đoàn đào 15km giao thông hào, khoảng 6 ngàn hầm hố chiến đấu và trận địa DK, pháo, cối... Toàn trung đoàn đã vào vị trí xuất phát xung phong dưới chân đồi A1. Ngày giờ nổ súng tiến công, chúng tôi được cấp trên cho biết sẽ thông báo bằng điện thoại và thống nhất với giờ tiến công đợt 2 của toàn chiến trường. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng chúng tôi vẫn phải chờ đợi hiệu lệnh. 18 giờ ngày 30-3 cả bầu trời Điện Biên rung chuyển và rực sáng bởi các loại đạn pháo, cối, liên thanh. Nhưng tại sao máy điện thoại vẫn im bặt. Linh cảm của người lính chiến, tôi nghĩ rằng đường dây đã bị đứt. Tuy vậy tôi vẫn cố nán chờ vì biết đâu cấp trên có ý định gì đó, nên chưa cho trung đoàn nổ súng?”.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Ảnh trái: Đoàn xe đạp thồ chở hàng ra mặt trận. Ảnh giữa: Nhân dân Tây Bắc đến thăm và động viên bộ đội chiến đấu. Ảnh phải: Nhân dân biên giới giã gạo nuôi quân.

Trong khi các đơn vị bạn đã dứt điểm được mục tiêu như ở đồi C, đồi E, đồi D mà trên vẫn không có hiệu lệnh gì, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quyết định cho nổ súng. Đã chậm 30 phút so với toàn chiến trường, yếu tố bất ngờ không còn. Lúc này pháo binh địch đã hồi sức, bắn dữ dội vào cửa mở. Các lô cốt, ụ súng ở tiền duyên của ta dồn đạn về phía các chiến sĩ bộc phá đang lùa những ống thuốc nổ phá hàng rào. Cuộc chiến đấu diễn ra rất gay go, ác liệt… Đến 4 giờ ngày 31-3, Trung đoàn 174 chiếm được 2/3 cứ điểm A1 và sau đó giành giật với địch từng tấc chiến hào. Địch tổ chức phản kích mạnh. Có xe tăng, pháo binh và không quân yểm hộ, chúng chiếm lại phần lớn cứ điểm. Ta buộc phải chuyển sang phòng ngự.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Ảnh 1: Phó tổng thống Mỹ Nixon đến Việt Nam kiểm tra và động viên quân viễn chinh Pháp. Ảnh 2: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và viên chỉ huy De Castries ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh 3: Tướng Cogny và viên chỉ huy De Castries đi thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nhận thấy trận đánh A1 gặp khó khăn, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 từ phía Tây hành quân theo đường hào băng qua cánh đồng Mường Thanh sang phía Đông thay thế cho Trung đoàn 174 tạm dừng chiến đấu để củng cố tại chỗ. Sau khi thay thế Trung đoàn 174, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh đích thân vào trong đồn để nắm tình hình và chỉ huy bộ đội. Trong ngày 1-4-1954, ba đợt phản kích của địch đều bị Trung đoàn 102 đẩy lui. Hàng trăm quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu nhưng chúng vẫn chống trả quyết liệt. Các mũi tiến công của ta đột kích rất mạnh vào khu hầm cố thủ nhưng không sao tìm được cửa hầm. Trước hỏa lực đại bác rất mạnh của địch, ta lại phải rút về tuyến phòng ngự.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Ảnh 1: Trung tâm đề kháng Him Lam bị quân ta tiêu diệt. Ảnh 2: Chiếm sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh 3: Đánh địch trên đồi A1.

Từ ngày 2-4 và những ngày sau đó, ở A1 cả ta và địch đều cố thủ, hai bên cách nhau khoảng 15m. Ban đêm ta tổ chức đào hào hướng về phía địch, ban ngày địch lại mò ra dùng mìn phá chiến hào của ta.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Ảnh 1: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát chiến trường Điện Biên Phủ sau khi quân ta đại thắng. Ảnh 2: Lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Ảnh 3: Thương binh ở chiến hào đón mừng tin chiến thắng. Ảnh 4: Quân và dân Sầm Nưa (Lào) và các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đến chiếc “hầm ngầm” ở A1

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Qua tin tức kỹ thuật cho biết quân địch ở A1 bị thiệt hại rất nặng. Chúng luôn kêu cứu khẩn cấp với chỉ huy ở Mường Thanh, yêu cầu tăng viện. Chúng còn bám được vị trí nhờ dựa vào hỏa điểm rất lợi hại trên đỉnh đồi là một hầm ngầm mà từ trước ta chưa từng hay biết trong quá trình nắm địch và chuẩn bị chiến đấu. Sau này ta được biết, đây là một hầm ngầm lớn mà địch xây dựng từ trước và được củng cố sau khi chúng chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi chuẩn bị trận đánh chúng ta chưa nắm được tình hình chiếc hầm này. Do đó ta tập trung hỏa lực khá mạnh nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả diệt hầm ngầm.

Suốt nhiều ngày, cán bộ, chiến sĩ của ta ở A1 dường như đã làm hết sức mình trong cuộc đối đầu với kẻ thù, đã có nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, gan dạ. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh vừa chỉ huy các cánh quân, vừa trực tiếp cùng các chiến sĩ dùng lựu đạn, súng trường, tiểu liên và cả súng ngắn chiến đấu. Bị thương đến lần thứ bảy, ông vẫn tự băng bó và tiếp tục vừa chỉ huy, vừa đánh địch, cùng các chiến sĩ của mình quyết bảo vệ trận địa. Chính ủy Lê Linh cũng tự mình vác bộc phá dẫn đầu một tiểu đội vận tải vận chuyển vũ khí vào trung tâm cứ điểm. Đặc biệt là tấm gương anh dũng, táo bạo, linh hoạt, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ của đồng chí Chu Văn Mùi, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội thông tin 127…

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Toàn cảnh Thành phố Điện Biên Phủ đổi mới, phát triển nhìn từ trên cao.

Sáng 3-4, đồng chí Hùng Sinh và Nguyễn Hữu An cùng 3 cán bộ tiểu đoàn của hai trung đoàn về Sở chỉ huy mặt trận họp. Báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc chưa giải quyết được A1, là do ta vướng phải cái hầm ngầm ở trên đỉnh đồi. Quân ta không phát triển được vì chưa dập tắt được hỏa điểm trong hầm ngầm. Mặc dù đã tổ chức cho bộ đội tìm nhiều lần nhưng vẫn không thấy cửa hầm do nó nằm ở phía trong, lại được pháo binh bắn chặn và cả xe tăng yểm trợ. Suốt quá trình chiến đấu, bộ đội đã đánh lui nhiều đợt phản kích của địch giữ được phần đồn đã chiếm nhưng hầu như không lúc nào có ưu thế hơn địch do chúng tăng viện nhanh hơn. Bộ đội ta bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Cả hai đồng chí trung đoàn trưởng đều xin được tăng viện, quyết tâm tiếp tục tiến công tiêu diệt địch.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 không chỉ là biểu tượng của chiến thắng mà còn là điểm đến của hầu hết du khách khi đặt chân đến Điện Biên.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hữu An đề xuất việc huấn luyện và tổ chức một đội đánh hầm ngầm, mang nhiều bộc phá đánh vào cửa hầm của địch. Vấn đề này được cả Bộ tư lệnh chiến dịch bàn bạc và cuối cùng quyết định học tập kinh nghiệm của Triều Tiên: Sử dụng bộc phá lớn đánh vào hầm ngầm. Để phối hợp và hỗ trợ cho cuộc tiến công của Trung đoàn 174 vào cao điểm A1, Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Đại đoàn 316 sử dụng công binh của đại đoàn bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng đồi A1 và bố trí một khối lượng thuốc nổ chừng 1.000kg để đến đúng giờ G cho nổ, nhằm đánh sập hầm ngầm cố thủ của địch ở đồi A1 cùng một số lô cốt trên sườn phía Tây và Tây Nam của vị trí đó. Hành động này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm nhanh gọn các mục tiêu còn lại trong tung thâm phòng thủ của địch trên cao điểm A1.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Bình yên ở Điện Biên Phủ hôm nay.

Và khối bộc phá 1.000kg

Đến sáng 4-4, Trung đoàn 102 được lệnh tạm ngừng cuộc tiến công, để lại một phần nhỏ xây dựng trận địa vững chắc, bảo vệ phần đất đã chiếm để tiếp tục tiêu hao địch, rút đại bộ phận ra ngoài, chuẩn bị cho trận đánh mới. Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong nay đã ở tuổi 98, nguyên là Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm phái viên của Bộ Tổng tư lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đường hầm được bí mật đào xuyên từ chân đồi phía Tây là khu vực ta kiểm soát, đi sâu vào giữa lòng đồi A1.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm phái viên của Bộ Tổng tư lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở đó, ta làm một buồng chứa được khối thuốc nổ đã được chuẩn bị. Chiều dài đường hầm vào sâu hơn 40m so với đỉnh đồi để địch không thể phát hiện được. Thời hạn phải hoàn thành đường hầm và bố trí xong khối thuốc nổ là trước ngày 6-5-1954. Ông nhớ lại: “Trong quá trình đào đường hầm này, ta phải giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, khống chế quân địch, không để chúng phát hiện và phá hoại được công trình đào xuyên vào lòng quả đồi mà chúng còn chiếm đóng 2/3. Thứ hai, đất đào ra đổ đi đâu và bằng cách nào cho khỏi lộ vị trí cửa hầm. Đồng thời phải luôn giữ đúng được hướng đào của đường hầm. Thứ ba-thiết yếu nhất là làm sao bảo đảm cho các chiến sĩ đào hầm có thể thay phiên nhau đào liên tục không bị ngạt thở khi đào sâu vào trong lòng đồi.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đồng bào ở Điện Biên Phủ.

Từ những yêu cầu đó, một đơn vị bộ binh nhận nhiệm vụ kiên quyết đánh địch, giữ nguyên sườn đồi mà ta đã làm chủ để bảo vệ cửa đào và phân đội công binh tác nghiệp bên trong đường hầm. Đồng thời ta dùng hỏa lực tiêu diệt các ụ vệ tinh của địch lấn về phía đó. Đất đào ở đường hầm được đổ vào các túi vải, ni lông và chuyển dần ra cửa hầm đưa ra ngoài. Quá trình thực hiện, càng vào sâu, đất càng rắn. Có lúc ta gặp phải những tảng đá rất cứng chặn ngang hướng đào, phải vòng qua rồi lấy lại hướng mới đào tiếp. Việc định hướng chỉ dùng một chiếc la bàn nhỏ, quan sát bằng ánh sáng như con đom đóm của ngọn đèn pin đã bịt gần kín mặt kính. Để bảo đảm thông hơi trong đường hầm, bộ đội ta đã thường xuyên dùng quạt nan thay nhau quạt từ trong ra để đổi không khí. Đồng thời luôn giữ thật nghiêm đội hình đào cũng như chuyển đất ra, nằm, ngồi hàng dọc theo đường ống để giữ cho việc thông hơi không lúc nào bị gián đoạn”.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Đại tá Nguyễn Bội Giong.

Khi đường hầm đã đào xong, các cán bộ cơ quan tham mưu chiến dịch trong đó có phái viên Nguyễn Bội Giong cùng cán bộ của Binh chủng Công binh đến tại chỗ đo đạc lại. Mặc dù thực tế đường hầm bị chệch hướng (theo tính toán ban đầu) khoảng 35m so với đỉnh đồi-là chỗ tập trung nhất của tổ chức phòng thủ địch, song căn cứ vào những số liệu kỹ thuật về đường kính công phá của một khối thuốc nổ loại cực mạnh dùng vào việc này và bố trí theo phương thức nổ om thì vẫn đủ khả năng đánh sạt một phần của cụm lô cốt, hầm ngầm cố thủ của địch trong đồi A1.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái đồng ý cho tiếp tục đưa thuốc nổ vào buồng thuốc nổ ở cuối đường hầm. Để bảo đảm thật chắc chắn việc gây nổ đối với toàn bộ khối lượng thuốc nổ, đồng thời bảo đảm an toàn cho người phụ trách gây nổ, ta đã dùng song song hai phương án, đó là dùng trạm truyền nổ có dây truyền dài 80m, nối từ khối thuốc nổ ra ngoài cửa hầm đến công sự bảo vệ người giật nụ xòe. Điểm hỏa bằng kíp nổ điện cũng do một cán bộ ngồi trong công sự phòng hộ ở ngoài 100m phụ trách. Ngoài ra còn dự tính, nếu hai cách gây nổ trên không kết quả thì chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ nhỏ nặng khoảng 3kg đưa đến sát khối thuốc nổ lớn và dùng dây cháy chậm với nụ xòe để gây nổ. Chiều dài dây cháy chậm đã được tính để khi giật nụ xòe xong còn đủ thời gian ra khỏi hầm và chạy đến công sự phòng hộ ở ngoài, cách cửa hầm 20m.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Nhân dân thắp hương tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1.

“Trung đoàn 174 được trên tăng cường cho một trung đội công binh do Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy. Đường hầm đã đào xong, các khối bộc phá 10, 15kg đã xếp lại tạo thành quả bộc phá gần 1.000kg. Mọi việc bố trí bộc phá đã hoàn tất và anh Xuyên Khung sẽ trực tiếp điểm hỏa. Cả chiến trường chờ tiếng nổ của quả bộc phá làm hiệu lệnh mở đợt tiến công thứ 3 trên toàn chiến trường. Đúng giờ quy định, tôi nghe thấy tiếng "ịch" không to hơn tiếng đạn pháo nhưng thấy đất rung chuyển. Bộc phá đã nổ, Bộ chỉ huy điện xuống hỏi "đã nổ chưa", tôi báo cáo: Nổ rồi. Và thế là cả chiến trưởng nổ súng. Tôi ra lệnh cho Trung đoàn xung phong tiến đánh Al. Ít phút sau, tôi nghe các mũi tiến công của ta báo cáo về, bộ đội đang phát triển thuận lợi, tôi lập tức bám sát bộ đội đánh vào tung thâm. Càng vào sâu, sức chống trả của địch càng quyết liệt. Khi vượt qua khu vực đặt quả bộc phá tôi mới thấy rõ hơn kết quả của sức nổ ghê gớm này. Đó là một cái hố hình phễu sâu khoảng 20m còn cách hầm ngầm của địch khoảng 20m.

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Toàn cảnh di tích Đồi A1 – nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất và quan trọng nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bọn địch sống sót trong hầm rất hoảng sợ, do đó khi bộ đôi xung phong tiến vào hầm chúng đã đầu hàng vô điều kiện”-đồng chí Nguyễn Hữu An kể lại trong hồi ký.

Khối bộc phá 1.000kg đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị của ta đánh A1 trong đợt trước, tạo nên một cửa mở quan trọng cho các đơn vị của Trung đoàn 174 xung phong thuận lợi để đến trước khi trời sáng, trận đánh chiếm đồi A1 kết thúc. Trung đoàn 174 đã “trả được cái hận A1” khi cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên cao điểm A1 sáng 7-5-1954, báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm đã đến…

Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
Ngày nay di tích Đồi A1 trở thành điểm tham quan nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

  • Câu chuyện khối bộc phá 1.000kg trên Đồi A1
  • Nội dung: BÍCH TRANG
  • Ảnh: Tư liệu, Châu Tú Anh, Xuân Tư
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top