LONGFORMBộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự hình thành và không ngừng lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam; với hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã góp phần đưa đất nước Việt Nam trở thành biểu tượng chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tên khai sinh: Võ Giáp, bí danh: Văn) sinh ngày 25-8-1911, tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước.

Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào bãi khóa tại Trường Quốc học Huế. Năm 1927, đồng chí gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào dân chủ của Đảng ở Hà Nội và là biên tập viên các báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”...; tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời trẻ cùng một số bài báo trên báo "Tiếng Dân".

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dìu dắt, giao nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12-1944, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân-tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944.

Trên các cương vị công tác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng trong các quyết sách chiến lược của Đảng, chỉ đạo các lực lượng vũ trang, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt năm 1954, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve ngày 20-7-1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tháng 5-1948, tại Lục Rã, chân đèo Re (phía Tuyên Quang), Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh trái: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc (1949). Ảnh phải: Phút yên bình của Đại tướng cùng đồng chí Trần Đăng Ninh trên chiến khu Việt Bắc.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam; lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1977), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đến năm 1980), Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ (từ tháng 1-1980 đến tháng 4-1981), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 5-1981 đến tháng 12-1986), Đại tướng đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Ảnh 2: Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên Giới tháng 6- 1950 (Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngoài cùng bên phải). Ảnh 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên Giới. Ảnh 4: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950). Ảnh 5: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chào những đoàn quân thắng trận Biên Giới trở về (1950).

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Tham gia cách mạng: Năm 1925

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: Năm 1940

Đại tướng: Năm 1948

Năm 1929: Tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

1930: Bị thực dân Pháp bắt giam.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ.

1936 - 1939: Tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, Biên tập viên các báo của Đảng, Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong Phong trào Đông Dương đại hội.

Sau 5-1941: Xây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.

1942: Phụ trách Ban xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 12-1944: Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Tháng 4 đến 8-1945: Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất (Việt Nam giải phóng quân), tham gia Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng Việt Bắc, được Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương (8-1945) cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội trong Chính phủ Liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt.

Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1946 - 1975).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2-1946 đến 8-1947 và 8-1948 đến 1980).

Bí thư Quân ủy Trung ương (1946 - 1977). Phó thủ tướng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) (1955 - 1992). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 8-1945, khóa II - VI; Ủy viên Thường vụ từ 8-1945, Ủy viên Bộ Chính trị khóa II - IV. Đại biểu Quốc hội khóa I - VII.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ảnh trái: Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh phải: 17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Trong kháng chiến chống Pháp, chỉ huy các chiến dịch lớn: Biên Giới (1950), Điện Biên Phủ (1954)...

Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng Bộ Chính trị chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc Viêt Nam.

Tác giả nhiều tác phẩm quân sự được xuất bản trong và ngoài nước.

Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất...

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4-1975). Ảnh: TTXVN

NHỮNG ĐÓP GÓP NỔI BẬT

Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngay sau đó, đồng chí chỉ đạo Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế, tinh thần đấu tranh cách mạng cho lực lượng vũ trang và toàn dân. Trên cương vị là Tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng, đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng ba thứ quân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng, bộ đội chủ lực không ngừng lớn mạnh, phối hợp bộ đội địa phương, dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp tiêu hao, tiêu diệt số lượng lớn quân địch.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đại tá, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân chụp.

Đại tướng trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch có ý nghĩa chiến lược giành thắng lợi, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp tổ chức Bộ tư lệnh Miền, kết hợp thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ đội địa phương với việc đưa các sư đoàn chủ lực từ miền Bắc vào miền Nam.

Đồng thời, Đại tướng kiến nghị với Trung ương và chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại, nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Cuối cuộc kháng chiến, Đại tướng đề xuất thành lập các quân đoàn chủ lực, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là minh chứng khẳng định đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sáng tạo, chính xác, phù hợp.

Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Suốt chặng đường cách mạng, đôi vai nặng gánh việc nước, việc quân, hàng chục năm tham gia Bộ Chính trị, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm, sử dụng báo chí để đem lại hiệu quả lớn lao trong mọi thời kỳ, ở mọi tình huống. Ảnh: Trần Hồng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của Đại tướng ở Hà Nội (ảnh bên trái). Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, những người từng chỉ huy hai bên chiến tuyến, gặp mặt trực tiếp hai lần sau khi Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ (ảnh phải).

CÁC CÂU NÓI ẤN TƯỢNG TRONG CHỈ ĐẠO

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được tạo ra bởi nhiều nhân tố, trong đó quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một trong những nhân tố quyết định quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong hồi ức của mình, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.

-------------------------------------

Hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng viết: Tháng 9-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay trong ngày hôm sau, nhân danh Bí thư Quân ủy Trung ương, tôi chỉ thị cho các đảng bộ trong toàn quân: “B52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không-Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”.

-------------------------------------

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: Ngày 26-3 tại Tổng hành dinh đề nghị của anh Tấn (Thượng tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh mặt trận Quảng-Đà) chuẩn bị chiến đấu 5 ngày. Tôi phân tích ngắn gọn, nêu rõ tình huống địch tử thủ, ta chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi, tôi chỉ thị làm kế hoạch đánh địch theo hướng chúng rút trong 3 ngày, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công lên, không họp Đảng ủy, chỉ trao đổi bằng điện thoại. Khi tướng Tấn còn phân vân, tôi nói giọng có phần gay gắt: Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh, nếu là người khác thì tôi ra lệnh. Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày.

Thượng tướng Lê Trọng Tấn đã chấp hành nghiêm chỉ thị, chỉ trong 32 giờ bộ đội ta đánh tan 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…" cho toàn quân xốc tới tiến vào giải phóng Sài Gòn.

-------------------------------------

“Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân chúng tôi quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phóng vấn của phóng viên Wilfred Burchett, năm 1966).

-------------------------------------

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

(Bức điện lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, sáng 7-4-1975)

-------------------------------------

“Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình. Nhưng hòa bình trong độc lập, tự do”.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời câu hỏi của cố vấn an ninh Tổng thống Algeria Brzinski trong một lần dự lễ kỷ niệm Ngày Độc lập ở Algeria)

-------------------------------------

“Từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập, tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”.

(Trích câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp đầu tiên của Đại tướng với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, tháng 11-1995).

GHI NHẬN, ĐÁNH GIÁ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, QUÂN ĐỘI

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cuối năm 1944, Bác Hồ nói với mọi người: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn” và tin tưởng giao cho Võ Nguyên Giáp chọn lựa 34 cán bộ, chiến sĩ thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Bác dự báo về sự lớn mạnh của quân đội ta sau này: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ nam chí bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Với hai chiến thắng liên tiếp là đánh chiếm đồn Phai Khắt và Nà Ngần, các chiến sĩ Giải phóng quân đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác giao: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.

(trích Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2018, tr. 25, tr. 143, tr. 224.)

-------------------------------------

Năm 1946, Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao chức vụ: Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân ủy. Đại tướng là Bộ trưởng Quốc phòng duy nhất được trao chức vụ này.

Cuối năm 1953, Ban Thường vụ Trung ương Quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Giao nhiệm vụ cho Đại tướng trước khi ra mặt trận, Bác nói: “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền…”, “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

(trích Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, H, 2000, tr. 66.).

-------------------------------------

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn. Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào, hỗ trợ cho nhau, đều hay, đều giỏi”.

-------------------------------------

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng, Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/25-8-2021):

Đại tướng là vị Tổng Tư lệnh luôn đề cao tính nhân văn, đau với từng vết thương của người lính, tiếc từng giọt máu của chiến binh; là tấm gương tỏa sáng sáu đức tính: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”. Tình yêu thương con người của Đại tướng để lại trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hình ảnh nhà lãnh đạo, nhà chính trị đức độ, tài năng, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời hy sinh vì đất nước, vì nhân dân, vì Quân đội.

Hội tụ đủ các phẩm chất cao quý và có những cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với cách mạng, Quân đội và nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cán bộ, chiến sĩ toàn quân mến phục, suy tôn là người Anh Cả, xứng đáng là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, Tướng của các tướng và Thầy của các bậc thầy quân sự”; nhân dân kính trọng, suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”.

-------------------------------------

Đánh giá tài thao lược của Đại tướng, Georges Boudarel - Giáo sư sử học người Pháp viết: Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX... một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
  • Nội dung: KHÁNH HUYỀN (tổng hợp)
  • Ảnh: Tư liệu, Trần Hồng
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top