Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - Đại tướng Văn Tiến Dũng
Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng mưu lược của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, đã có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
Bí danh: Lê Hoài
Ngày sinh: 2-5-1917
Quê quán: Xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Tham gia cách mạng: Năm 1936
Nhập ngũ: Năm 1945
Vào Đảng Cộng sản Việt Nam: Năm 1937
Đại tướng: Năm 1974
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khoá III đến khoá VI (Ủy viên dự khuyết khóa II)
Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V (dự khuyết khóa III)
Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Từ năm 1943 đến 1944: Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Đông, Bắc Ninh; Ủy viên Thường vụ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ;
Hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam và bị kết án tử hình vắng mặt (1-1945). Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao phụ trách tổ chức Chiến khu Quang Trung, chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa;
Từ năm 1945 đến 1946: Chính ủy Chiến khu 2;
Từ năm 1946 đến 1949: Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Phó bí thư Quân ủy Trung ương;
Năm 1950: Chính ủy Quân khu 3;
Từ năm 1951 đến 1953: Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 320;
Tháng 11-1953: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đồng chí là trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Geneve về Việt Nam;
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 - Nam Lào (1971); Trị - Thiên (1972); Tây Nguyên (1975), Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Từ năm 1980 đến 1986: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Từ năm 1984 đến 1986: Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương).
NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính trị và quân sự của Đảng, những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vũ trang toàn dân, về chiến tranh cách mạng và xây dựng Quân đội nhân dân. Đại tướng đã nhiều lần vinh dự được trực tiếp lĩnh hội những bài học quý giá từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, bài học lớn nhất là cách mạng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân; Đại tướng đã được Bác căn dặn: “Chú đã hoạt động cách mạng thì chú đã biết, Đảng muốn tồn tại, phát triển phải có dân; quân đội muốn tồn tại cũng phải dựa vào dân, không có dân thì có quân cũng không đánh được đâu. Phải làm sao cho bộ đội được dân phục, dân tin, dân yêu. Muốn thế phải động viên bộ đội hăng hái đánh giặc, tích cực giúp dân. Đó là công tác chính trị, là công tác vận động cách mạng, vận động quần chúng của Đảng trong quân đội”.
Cùng với đó là những bài học về công tác chính trị, công tác tham mưu mà Đại tướng được lĩnh hội từ Bác: “Công tác chính trị là công tác đối với con người, là linh hồn của quân đội cách mạng. Công tác chính trị phải chủ động, chớ lẽo đẽo theo đuôi phong trào. Tình hình càng khó khăn càng phải chủ động”; “Làm quân sự, làm tham mưu, chú phải bằng mọi cách biết trước tình hình, đi trước tình hình, có chuẩn bị trước thì mới luôn luôn giữ được chủ động”...
Là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời dạy, tư tưởng quý báu của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng, cùng với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã.
Ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 214/SL-CP, bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chính trị Phó cục trưởng phụ trách Cục Chính trị; ngày 12-2-1947, Người ký Sắc lệnh số 16/SL, cử đồng chí làm Cục trưởng; đồng chí được chỉ định làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Trên cương vị ấy, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp tích cực vào việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của quân đội và là nhân tố bảo đảm cho quân đội liên tục phát triển, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang.
Những năm 1951-1953, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 (một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã cùng bộ đội, dân quân du kích các địa phương đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của địch, góp phần làm đảo lộn thế chiến lược của thực dân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Tháng 11-1953, Bộ Chính trị quyết định điều động Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện chiến sự đang diễn ra dồn dập trên khắp các chiến trường, đồng chí đã nhanh chóng tổ chức lực lượng nghiên cứu, rà soát các phương án đánh địch; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị người, vật chất cho mặt trận và khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp. Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo sự phân công của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham mưu, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo chiến trường đồng bằng, đồng thời tổ chức huy động sức người, sức của chi viện cho Mặt trận Điện Biên Phủ.
Bên cạnh những chiến công vang dội ấy, trong 27 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng luôn dành nhiều tâm sức, trí tuệ xây dựng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp trong quân đội từ nền nếp, tác phong công tác đến trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ tham mưu, chỉ huy đơn vị giỏi. Là người đứng đầu Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí đã chỉ đạo Cơ quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị và các tổng cục, tạo dựng sự đoàn kết nhất trí cao, góp phần tích cực trong công tác huấn luyện bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các đánh giá, ghi nhận về Đại tướng Văn Tiến Dũng
“... Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài ba thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp -
--------------------------*****--------------------------
“.. Hơn nửa thế kỷ trước đây, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trên chiến trường Nam bộ xa cách Trung ương, qua làn sóng điện, chúng tôi theo dõi và rất tự hào về những chiến công nổi bật của Đại đoàn 320 và những chiến tích về luồn sâu vào vùng địch hậu để mở rộng địa bàn chiến tranh du kích ở đồng bằng sông Hồng... gắn liền với tên tuổi của anh Văn Tiến Dũng.
“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Cùng với các anh Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, anh Văn Tiến Dũng là một danh tướng có công đầu của quân đội ta từ những ngày “khai sơn phá thạch”.
- Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt -
--------------------------*****--------------------------
“Tôi có dịp làm việc với anh Văn Tiến Dũng ở Liên khu 3 khi Đại đoàn 320 và Đại đoàn 304 hiệp đồng đánh vào vùng Kim Sơn, Ninh Bình. Anh chỉ huy rất kiên quyết và có nhiều ý kiến sáng tạo rất hay... Đến chống Mỹ, anh được cử vào chỉ đạo Mặt trận Tây Nguyên đánh Buôn Ma Thuột. Quyết tâm của anh rất cao và cũng vẫn như nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”, anh đã nêu ý kiến dùng một binh đoàn cơ giới thọc sâu vào sở chỉ huy của địch đóng ở hậu cứ Sư 23... Mũi thọc sâu đó đã cùng các mũi tiến công khác hoàn thành nhiệm vụ tiến công và giành được thắng lợi vẻ vang...".
- Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo -
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng); (Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.237.); (Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.353.); (Theo Hồi ký: Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.52); (Trích trong “Bài 3: Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng tài ba, chính trị - quân sự song toàn, nhà chỉ huy tham mưu chiến lược tài năng của Quân đội ta” https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dai-tuong-van-tien-dung-2-5-1917-2-5-2017/bai-3-dai-tuong-van-tien-dung-mot-vi-tuong-tai-ba-chinh-tri-quan-su-song-toan-nha-chi-huy-tham-muu-chien-luoc-tai-nang-cua-quan-doi-ta-505598)
- Nội dung: Nguyễn Cúc (tổng hợp)
- Ảnh: TTXVN, ảnh tư liệu,...
- Kỹ thuật, đồ họa: Nguyễn Cúc