Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - Đại tướng Phùng Quang Thanh
Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là vị tướng trưởng thành qua chiến đấu. Ông phát triển từ chiến sĩ lên đến Bộ trưởng, từ Binh nhì lên Đại tướng. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên. Ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2006 đến 2016.
Tiểu sử
Đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh ngày 2-2-1949; quê quán: Xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP Hà Nội; thường trú tại số 10, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội; tham gia cách mạng tháng 7-1967; vào Đảng ngày 11-6-1968.
Quá trình công tác
Từ tháng 7-1967 đến tháng 2-1968: Chiến sĩ, Tiểu đoàn 20, Sư đoàn 312.
Từ tháng 3-1968 đến tháng 10-1971: Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Phó đại đội trưởng, Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.
Từ tháng 11-1971 đến tháng 7-1972: Học viên đào tạo cán bộ tiểu đoàn, Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Từ tháng 8-1972 đến tháng 7-1974: Phó tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B.
Từ tháng 8-1974 đến tháng 12-1976: Học viên đào tạo cán bộ trung đoàn tại Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân).
Từ tháng 1-1977 đến tháng 11-1977: Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.
Từ tháng 12-1977 đến tháng 4-1979: Học viên Trường Văn hóa Quân đoàn 1.
Từ tháng 5-1979 đến tháng 12-1982: Phó trung đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Từ tháng 1-1983 đến tháng 10-1983: Học viên đào tạo Trung đoàn trưởng bộ binh cơ giới tại Liên Xô.
Từ tháng 11-1983 đến tháng 4-1984: Phó sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Từ tháng 5-1984 đến tháng 2-1986: Học viên đào tạo tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ quân sự (nay là Học viện Khoa học Quân sự).
Từ tháng 3-1986 đến tháng 8-1986: Học viên Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).
Từ tháng 9-1986 đến tháng 7-1988: Phó sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng, phụ trách Sư đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Từ tháng 8-1988 đến tháng 2-1989: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.
Từ tháng 3-1989 đến tháng 7-1989: Học tiếng Nga tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Từ tháng 8-1989 đến tháng 8-1990: Học viên đào tạo chỉ huy tham mưu, Học viện Voroshilov, Bộ Tổng Tham mưu (Liên Xô).
Từ tháng 9-1990 đến tháng 1-1991: Học viên bổ túc Binh chủng hợp thành, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).
Từ tháng 2-1991 đến tháng 8-1991: Phụ trách Tham mưu trưởng Quân đoàn 1.
Từ tháng 9-1991 đến tháng 1-1994: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.
Từ tháng 2-1994 đến tháng 8-1997: Phó cục trưởng, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ tháng 9-1997 đến tháng 1-1998: Học lý luận chính trị cao cấp, Học viện Chính trị quân sự.
Từ tháng 2-1998 đến tháng 5-2001: Tư lệnh Quân khu 1.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4-2001), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 6-2001 đến tháng 5-2006: Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và được chỉ định là Phó bí thư Quân ủy Trung ương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 6-2006).
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (tháng 1-2011), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu lại vào Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đến tháng 4-2016).
Tháng 10-2016: Đồng chí được Đảng, Nhà nước cho nghỉ theo chế độ.
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa X, XI. Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII.
Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 10-1994; Trung tướng tháng 11-1999; Thượng tướng tháng 6-2003; Đại tướng tháng 7-2007.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương ISALA hạng Nhất do Nhà nước Lào tặng; Huân chương Hữu nghị hạng Nhất do Nhà nước Campuchia tặng; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga và nhiều phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Những đóng góp nổi bật
Ấn tượng nổi bật của đồng chí Phùng Quang Thanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, tác phong mẫu mực của người chỉ huy trong chiến đấu. Đầu năm 1971, khi là Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 chỉ huy bộ đội chốt giữ và đánh chiếm đồi Không Tên trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, dù bị mảnh đạn pháo găm vào bả vai trái nhưng Thượng sĩ Phùng Quang Thanh vẫn cương quyết không rời trận địa lùi về tuyến sau điều trị. Giữa trận đánh ác liệt, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị đồng chí y tá băng kín vết thương cho mình, treo tay trái lên cho gọn, rồi nhờ đồng đội giắt 17 quả lựu đạn quanh người. Đồng chí tiếp tục xung phong đi đầu, dùng tay phải ném lựu đạn tiêu diệt địch và chỉ huy trung đội phối hợp với đơn vị bạn kiên quyết tiến công, diệt gọn một đại đội địch, giành thắng lợi.
Hành động dũng cảm và thành tích đặc biệt xuất sắc trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu khi tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào của đồng chí Phùng Quang Thanh đã được nhà báo Nguyễn Đức Toại là phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tìm hiểu, phản ánh sâu đậm. Ngày 4-8-1971, bài báo “Người chỉ huy là dũng sĩ” đăng nổi bật trên trang nhất và gần toàn bộ trang 3 Báo QĐND đã lan tỏa khắp các chiến trường, được toàn quân đón đọc. Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh trở thành tấm gương điển hình với hai lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tháng 9-1971, đồng chí Phùng Quang Thanh được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, khi mới 22 tuổi.
Dấu ấn nổi bật của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là đồng chí đã chủ động đề xuất với Quân ủy Trung ương, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ðây là một trong hai chiến lược cơ bản, quan trọng hàng đầu của đất nước (cùng với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội), là những chủ trương, quan điểm chỉ đạo đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, đề án, chính sách trên mọi lĩnh vực; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; nhất là quán triệt phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ cho trong ấm, ngoài êm”; luôn đặt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại tướng Phùng Quang Thanh rất tâm huyết với quan điểm “rèn cán, luyện binh”, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, năm 2013, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 788-CT/QUTW về thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chế độ, chính sách chăm lo đối với cán bộ, chiến sĩ công tác ở những nơi khó khăn, gian khổ, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng...
Đại tướng Phùng Quang Thanh có nhiều đóng góp trong chỉ đạo và trực tiếp chủ trì tiến hành công tác đối ngoại quốc phòng với tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đồng chí cùng tập thể Quân ủy Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chỉ đạo sát đúng, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị trong khu vực và trên thế giới; từng bước khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của QĐND Việt Nam và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí để lại dấu ấn với những chỉ đạo nhất quán thực hiện chủ trương QĐND Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về phương diện nhân đạo, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thực hiện tốt việc đấu tranh bằng giải pháp hòa bình trong giải quyết các vấn đề xung đột, phức tạp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia, dân tộc. Các hoạt động và chỉ đạo đối ngoại quốc phòng được đồng chí Phùng Quang Thanh quán triệt sâu sắc đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. (Theo nguồn Báo Quân đội nhân dân)
Đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Đại tướng Phùng Quang Thanh
“Đối với tôi, nhớ về đồng chí Phùng Quang Thanh là nhớ về một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, mưu trí trong chiến đấu; một vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sống trọn nghĩa, vẹn tình, trân trọng lớp người đi trước, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn” (Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến).
--------------------------*****--------------------------
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; một người lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực, hết lòng thương yêu bộ đội, tâm huyết và có nhiều cống hiến, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
--------------------------*****--------------------------
Có thể nói gần 7 năm làm cấp phó trực tiếp của anh là thời gian đầy ắp các sự kiện, các biến động của tình hình khu vực và thế giới. Đó cũng như là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới của công tác đối ngoại quốc phòng, mà thành quả của nó hôm nay nhìn lại không ai có thể phủ nhận. Trên chặng đường dài với nhiều bước phát triển vượt bậc ấy, một động lực quan trọng hàng đầu chính là tư duy và hành động của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Anh nhận thức rất đầy đủ và rất sớm vai trò quan trọng của đối ngoại quốc phòng, có cái nhìn xa về mục tiêu cần đạt được. Anh biết rõ rằng mình phải làm những gì, và giao cho những ai thực hiện những định hướng đó thành công. (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh).
Trích những câu nói hay trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng
Trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc (2 và 5-8-1964 / 2 và 5-8-2014), Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Chủ quyền biển đảo Tổ quốc là thiêng liêng, là tất cả, mất chủ quyền biển, đảo cũng đồng nghĩa với mất đi phần máu thịt, hương hỏa ông cha ta để lại, là chúng ta có tội với tổ tiên, lịch sử dân tộc”.
--------------------------*****--------------------------
Tại Hội nghị Shangri La lần thứ 13 diễn ra tháng 6-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược”. Ông khẳng định: “Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới".
--------------------------*****--------------------------
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và điều kiện cho phép của nền kinh tế, tiềm lực quân sự của đất nước, là vấn đề được Đại tướng Phùng Quang Thanh đặc biệt quan tâm. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới, quân đội cần phải đẩy nhanh hơn nữa lộ trình hiện đại hóa, nhất là đối với các lực lượng mũi nhọn trong chiến tranh tương lai. Quá trình hiện đại hóa quân đội phải đồng thời quan tâm việc đầu tư, mua sắm vũ khí, khí tài, trang bị, vừa nâng cao năng lực sản xuất của nền công nghiệp quốc phòng trong nước, vừa đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giúp cho cán bộ, chiến sĩ làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị hiện đại. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, kịp thời nhận diện đúng, trúng những thách thức, nguy cơ đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, những đặc điểm mới của chiến tranh hiện đại, từ đó xác định chính xác những lực lượng cần ưu tiên hiện đại hóa, vừa bảo đảm xây dựng quân đội luôn vững mạnh, vừa tiết kiệm nguồn lực cho phát triển đất nước".
(Lược trích bài viết đăng trong cuốn sách “Quan điểm, thành tựu và định hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2020.)
Với 73 năm tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; trọn cuộc đời của đồng chí gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng chí luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, luôn tận tâm tận lực, hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Những hình ảnh hoạt động tiêu biểu của Bộ trưởng
- Nội dung: THU HƯƠNG (Tổng hợp)
- Ảnh: Tư liệu, Báo QĐND
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC