LONGFORMBộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU

Bộ trưởng Tạ Quang Bửu (1910 – 1986) sinh ngày 23-7-1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình truyền thống Nho học. Đồng chí Tạ Quang Bửu sớm giác ngộ cách mạng, giàu lòng yêu nước.

Là nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam, đã có nhiều cống hiến ở các lĩnh vực: Ngoại giao, giáo dục, quân sự - quốc phòng, khoa học công nghệ... Là một tài năng lớn về phương diện lãnh đạo ở tầm quốc gia, là nhà khoa học đa tài, uyên bác hiếm có, nhà ngoại giao bản lĩnh, nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược và là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam".

--------------------------*****--------------------------

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Thuở nhỏ, cậu học trò Tạ Quang Bửu nổi tiếng học giỏi ở Tam Kỳ và Quốc học Huế. Ảnh: vietnamnet.vn

Năm 1926: Sau khi đỗ Thành chung, ông ra học ở Trường Bưởi Hà Nội.

Năm 1929: Ông thi đỗ đầu Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán… và được nhận học bổng đi du học ở Pháp.

Năm 1934: Về nước làm nghề dạy học, nghiên cứu khoa học tự nhiên, tham gia phong trào Hướng đạo sinh và truyền bá chữ quốc ngữ tại Huế.

Tháng 8-1945: Tạ Quang Bửu cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh (1945 - 1946), thành viên phái đoàn Chính phủ tại Hội nghị Fontainebleau (6/7-13/9/1946), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1946 - 1947).

Tháng 7-1947: Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1947 - 1948: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng tối cao, thành viên phái đoàn Chính phủ tại Hội nghị Geneve về Đông Dương, thay mặt Bộ Quốc phòng ký các văn bản quân sự với Pháp.

Từ tháng 9-1948 đến năm 1965: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm nhiệm nhiều cương vị khác như Giám đốc đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (từ 1956 đến 1961), Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1958-1965)…

Năm 1965 - 1976: Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô...

Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946-1981).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Giữa tháng 8-1945, Giáo sư Tạ Quang Bửu (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) cùng Luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia chính quyền cách mạng.

PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

Huân chương Độc lập hạng Nhất

Huân chương Chiến công hạng Nhất

Huân chương Chiến thắng hạng Nhất

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất

Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba

Huy chương Quân kỳ Quyết thắng

Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về khoa học công nghệ về công trình “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại (sau năm 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

--------------------------*****--------------------------

NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT

Giáo sư Tạ Quang Bửu là người có nhiều cống hiến ở nhiều lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, quân sự - quốc phòng, khoa học - công nghệ….

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Với tài năng của mình, tháng 1-1946, Giáo sư Tạ Quang Bửu được giao đảm nhận chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Các đồng chí từ trái qua: Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Tạ Quang Bửu tại Bảo Biên, Định Hóa, Thái Nguyên năm 1947. Ảnh tư liệu

Đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong điều kiện đất nước vừa giành độc lập, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt là trình độ khoa học kỹ thuật quân sự của Việt Nam hầu như chưa có gì là một thử thách không nhỏ đối với ông. Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn của quân đội và đất nước, bằng vốn kiến thức và sự hiểu biết sâu rộng của mình, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã nhanh chóng bắt tay vào việc nghiên cứu xây dựng quân đội để có đủ sức mạnh để đối chọi với kẻ thù.

Tháng 8-1947, trước yêu cầu mới của cách mạng, Giáo sư Tạ Quang Bửu được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhằm chống lại sự đánh phá bằng không quân của thực dân Pháp trên bầu trời Việt Nam, ông đã ngày đêm nghiên cứu và chỉ đạo biên soạn cuốn sách “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung” sau đó phổ biến rộng rãi khắp nơi. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam dùng súng trường bộ binh bắn máy bay phản lực của Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Thư Bác Hồ hỏi thăm đồng chí Tạ Quang Bửu ốm tháng 5-1950 ở Việt Bắc.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 chúng ta thu được nhiều chiến lợi phẩm, đặc biệt là vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch… Thực hiện chủ trương: “Tận dụng tất cả những cơ sở vật chất kỹ thuật đó để rèn cán chỉnh quân, xây dựng những tổ chức ban đầu cho các binh chủng kỹ thuật”, Giáo sư Tạ Quang Bửu lúc này trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và quyết định thành lập Cục Pháo binh, Cục Công binh trực thuộc Bộ Quốc phòng và Ban nghiên cứu thủy quân, Ban nghiên cứu không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu… Đây là những quyết định đúng đắn, mở ra một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, nhằm khai thác và tận dụng tốt nhất những vũ khí trang bị thu được của địch, phục vụ cho việc huấn luyện và chiến đấu của quân đội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Đồng chí Tạ Quang Bửu (đứng khoanh tay) dự Hội nghị quân sự (năm 1950). Ảnh tư liệu.

Năm 1954, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Geneve. Những ngày đầu bước vào bàn đàm phán, với vai trò là chuyên viên quân sự của đoàn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Đại tá Hà Văn Lâu đã nghiên cứu phương án quân sự của Hội nghị, đó là việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngừng bắn, chuyển quân, Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Trong suốt 75 ngày đàm phán cam go, đoàn đàm phán Việt Nam luôn kiên trì bảo vệ các nguyên tắc, lợi ích của Việt Nam và của các bạn chiến đấu của Việt Nam (các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia).

Đúng 24 giờ ngày 20-7-1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đại diện cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tướng Henry Delteil, đại diện cho Chính phủ Pháp đã cùng ký các hiệp định để đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Ngày 21-7-1954, Việt Nam cùng các bên ra tuyên bố cuối cùng của hội nghị.

Với thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Geneve, Giáo sư Tạ Quang Bửu được nhắc tới như là một trong những cán bộ đầu tiên đầy bản lĩnh, tận tụy, vượt khó của nền ngoại giao cách mạng và hiện đại của Việt Nam - nền ngoại giao Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Ảnh trên: Hội nghị Geneve (Thụy Sỹ) năm 1954; Ảnh dưới bên trái: Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneve, năm 1954; Ảnh dưới bên phải: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định Geneve, tháng 7-1954.

Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Giáo sư Tạ Quang Bửu được cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961). Có thể nói ông là người đặt nền móng cho đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học. Sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội gắn với công lao to lớn của Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu. Trong giai đoạn này, ông đồng thời đảm nhận chức vụ Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước vào các năm 1958-1965. Đây là thời kỳ ông đặt nền tảng phát triển cho các ngành khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 1965-1976, Giáo sư Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong điều kiện chiến tranh, Giáo sư đã đề xuất dạy những điều cơ bản nhất, hiện đại nhất phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó, ông chỉ đạo cải tiến chương trình giảng dạy và quy tụ những nhà khoa học giỏi, các nhà chuyên gia giỏi và các nhà sư phạm giỏi để biên soạn giáo trình mới. Ông cho tổ chức hàng loạt các hội thảo về giảng dạy đại học để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc đại học.

Một đóng góp vô cùng lớn của Giáo sư Tạ Quang Bửu nữa là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý cho đất nước về sau. Ông chủ trương đưa những người có năng lực học tập, nghiên cứu ra nước ngoài học tập dù đó là con cán bộ hay nông dân và thông qua thi tuyển nghiêm túc công minh. Chính vì vậy, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên được ra nước ngoài học tập, nghiên cứu và trở thành lực lượng đông đảo các nhà khoa học tài năng, hàng đầu, các nhà quản lý tài năng của đất nước về sau.

Với năng lực tự học tuyệt vời và đã biết ngoại ngữ nhiều thứ tiếng, uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, ông nghiên cứu, viết và phổ biến nhiều tài liệu như: Bắn máy bay bằng súng trường tập trung, Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - Hạt nhân - Vụ trụ tuyến, Sóng, Đại số các toán tử, các lý thuyết hệ thống, Hạt cơ bản… Đây là những công trình phổ biến khoa học có lý thuyết ở trình độ cao, có tính gợi ý, mở đường và định hướng cho sự phát triển khoa học ở nước ta, nó giúp nhiều nhà khoa học của ta tiếp cận được với thuyết tương đối, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Ảnh 1: Thủ tướng Phạm Văn Đồng và GS Tạ Quang Bửu (thứ 2 từ trái sang) đến thăm Viện Toán học năm 1986. Ảnh 2: GS Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên với nhiệm kỳ kéo dài 11 năm. Ảnh 3: Từ khi còn là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho tới khi làm Bộ trưởng, GS Tạ Quang Bửu luôn sát sao với từng cá nhân làm khoa học. Ảnh 4: Giáo sư Tạ Quang Bửu trên giảng đường.

--------------------------*****--------------------------

ĐÁNH GIÁ CỦA LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, QUÂN ĐỘI

Đánh giá về Giáo sư Tạ Quang Bửu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Công lao của anh Tạ Quang Bửu - là một nhà khoa học giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay từ những ngày chiến đấu còn đầy gian khổ, khó khăn, anh đã quan tâm đến công tác khoa học trong các lực lượng vũ trang, chẳng những đối với ngành Quân giới mà cả Quân y và các ngành khác...”. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chiến đấu trong vòng vây – Tổng tập hồi ký - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2006).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Giáo sư Tạ Quang Bửu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Năm 1986, trong điếu văn truy điệu Giáo sư Tạ Quang Bửu, đồng chí Nguyễn Đình Tứ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp khẳng định: Trên bất kỳ cương vị nào và làm việc gì, đồng chí Tạ Quang Bửu cũng đã đem hết trí tuệ và tâm lực của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là một đảng viên cộng sản hơn 40 năm hoạt động liên tục, được Đảng và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác quân sự, ngoại giao, xây dựng tiềm lực khoa học, kỹ thuật, trải qua thử thách và đấu tranh gian khổ, đồng chí luôn là tấm gương sáng về lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, có ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Là người hiểu biết rộng và tinh thần trách nhiệm cao, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên, đồng chí Tạ Quang Bửu đã có công lớn trong việc xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp phát triển trong những năm tiếp theo, góp phần xây dựng sự hợp tác giữa ngành học Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam với ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Là một nhà khoa học có tài năng, giáo sư đầu ngành toán học, đồng chí được các nhà khoa học trên thế giới kính trọng và có uy tín lớn trong đội ngũ cán bộ khoa học nước ta. (Tạ Quang Bửu – Nhà tri thức yêu nước và cách mạng – Hội khoa học lịch sử Việt Nam – 1996)

GS Toán học người Pháp Laurent Schwartz - người nhận giải thưởng Fields năm 1950 - từng không tiếc lời khen ngợi: “Việt Nam có một vị bộ trưởng đại học xuất sắc mà ngay ở các nước phát triển cũng không dễ tìm”.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa nhận xét: “Anh Bửu là một trong số ít những nhà khoa học lớn đầu ngành của nước ta. Những ai có dịp tiếp xúc với anh đều nhận thấy ở anh một trình độ kiến thức uyên bác, đa dạng”.

Giáo sư Hoàng Tụy nhận xét: “Có những nhân cách và tài năng mà chỉ sau khi vắng bóng họ, người đời mới thấy hết khoảng trống mênh mông mà họ để lại. Anh Bửu là một con người như thế”. (Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh – NXB Thông tin và truyền thông - tr162).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
Những hình ảnh hoạt động của đồng chí Tạ Quang Bửu.

Thông tin tham khảo: 1. Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc Phòng * 2. Tạ Quang Bửu – Nhà tri thức yêu nước và cách mạng – Hội khoa học lịch sử Việt Nam – 1996 * 3. Những cống hiến xuất sắc của GS Tạ Quang Bửu trên lĩnh vực quân sự - Văn hóa Nghệ An * 4. Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh – NXB Thông tin và truyền thông * 5. Giáo sư Tạ Quang Bửu và dấu ấn Hội nghị Geneve – Báo Công an nhân dân * 6. Giáo sư Tạ Quang Bửu - Nhà nghiên cứu khoa học có tầm và có tâm – Bảo tàng Lịch sử quốc gia * 7. Giáo sư Tạ Quang Bửu - Nhà đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
  • Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ - BỘ TRƯỞNG TẠ QUANG BỬU
  • Nội dung: THANH HƯƠNG (Tổng hợp)
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: THANH HƯƠNG
top