LONGFORMChủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân

Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006), tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), là nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đồng chí là nhà lãnh đạo, chỉ huy văn võ song toàn, mưu lược và quyết đoán, được cán bộ, chiến sĩ gọi là tướng “Hai Mạnh” (mạnh cả chính trị và quân sự), được quân đội và nhân dân Lào gọi thân mật là “Tướng Thao Chăn”. Với những kinh nghiệm phong phú và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế và xây dựng quân đội.

--------------------------*****--------------------------

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Đại tướng Chu Huy Mân (tên thật là Chu Văn Điều) sinh ngày 17-3-1913 tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Tham gia cách mạng: 1929; nhập ngũ: 1945; cấp bậc: Đại tướng (1980).

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930.

quá trình công tác [1]

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam

Năm 1940: Bị thực dân Pháp đưa đi giam ở Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Tum

Năm 1943: Đồng chí vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Đồng chí Chu Huy Mân sau khi trốn khỏi trại giam về hoạt động ở Quảng Nam năm 1945.

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Quảng Nam và giữ các chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Chi bộ Quảng Nam

Từ năm 1945 - 1951: Chủ tịch Ban quân khu C (gồm 4 tỉnh Trung bộ), Chính trị viên Mặt trận Đường 9, Tham mưu Chủ nhiệm Liên khu 4, Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn

Từ năm 1951 - 1954: Phó chính ủy, Chính ủy Đại đoàn 316

Từ năm 1954 - 1963: Đoàn trưởng Đoàn 100 (đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào); Chính ủy Quân khu 4, Chính ủy Quân khu Tây Bắc; Tổng Cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Liên hiệp Lào của Thủ tướng Souvanna Phouma

Từ năm 1964 - 1965: Chính ủy Quân khu 5

Từ năm 1965 - 1967: Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, chỉ huy các chiến dịch: Plei Me (1965), Sa Thầy (1966)

Từ năm 1967 - 1976: Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu 5 (1975); Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng (28 đến 29-3-1975)

Từ năm 1977 - 1986: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương)

Từ năm: 1981 - 1986: Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II - V

Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV - V

Đại biểu Quốc hội khóa II, IV, VII.

PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

- 1 Huân chương Sao vàng;

- 1 Huân chương Hồ Chí Minh;

- 3 Huân chương Quân công (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì);

- 2 Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì);

- 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất…

Những đóng góp nổi bật

Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Chu Huy Mân sớm dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, trở thành chiến sĩ cộng sản năm 17 tuổi. Đến năm 1943, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn với quân ngũ. Cuối năm 1945, đồng chí được Trung ương Đảng điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C gồm 4 tỉnh Bắc Trung Kỳ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam), Chính trị viên Mặt trận Đường 9 Đông Hà – Xavanakhet, có công lớn trong việc vận động tập hợp quần chúng, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng từ ngày đầu thành lập nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục được giao các trọng trách: Phó chính ủy, Chính ủy, Bí thư Đại đoàn ủy Đại đoàn 316 - một trong sáu đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đại đoàn ủy, Bộ Chỉ huy và đồng chí Chu Huy Mân, Đại đoàn 316 đã lập nhiều chiến công trong các chiến dịch có ý nghĩa quyết định như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân

Ảnh trái: Đồng chí Chu Huy Mân, Tổng cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Liên hiệp Lào (đầu tiên, từ trái sang) với Hoàng thân Souphanouvong và phu nhân, năm 1957; Ảnh phải: Tổng cố vấn Chu Huy Mân cùng gia đình đồng chí Kaysone Phomvihane, năm 1955.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) của dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao nhiệm vụ đảm nhận nhiều trọng trách, nổi bật là nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Thấm nhuần lời dạy “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, đồng chí Chu Huy Mân là người được Đảng và quân đội ta tín nhiệm nhiều lần cử sang Lào, giúp bạn trong những tình huống hết sức gay go, quyết liệt. Ông đã đem hết tâm sức và trách nhiệm cùng lực lượng chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế, góp phần giải quyết thành công các vấn đề cơ bản, trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Lào, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Đồng thời là người có công xây dựng phát huy sự đoàn kết hợp đồng của các lực lượng quân sự - chính trị Việt Nam trong quan hệ giúp Lào.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Quân khu Tây Bắc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Thuận Châu, Sơn La, tháng 5-1959. Ảnh tư liệu.

Với tài năng và thành tích nổi bật, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục được giao các trọng trách như: Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy 4 (1957), Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Tây Bắc (1958 - 1960), Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 4 (1961 - 1963). Trên cương vị người đứng đầu về công tác Đảng, công tác chính trị, đồng chí đã vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng về phát triển tổ chức đảng, tổ chức lực lượng vũ trang và thế trận chiến tranh nhân dân, đưa vùng Tây Bắc phát triển toàn diện.

Đầu năm 1964, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương điều động vào chiến trường Khu 5. Từ đây cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí gắn bó với chiến trường miền Trung - Tây Nguyên ác liệt, với cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3, Quân khu 5, đồng chí đã góp phần đưa “Khu 5 đi đầu diệt Mỹ”, ghi dấu ấn về tài năng của “Vị tướng Hai Mạnh” qua các trận đánh nổi tiếng như: Núi Thành, Ba Gia, Plei Me, Sa Thầy, Cấm Dơi (Quế Sơn), Nông Sơn - Thượng Đức và Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đầy sáng tạo trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 Chu Huy Mân quan sát bố trí thế trận chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 (1975).

Tháng 3 năm 1977, đồng chí được Bộ Chính trị cử giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã có công to lớn xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị; cùng Quân ủy Trung ương chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh bại tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, cứu đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Năm 1981, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn; đồng thời trực tiếp lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng Quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt, phẩm chất cao quý của một vị tướng, tài thao lược và tính quyết đoán đã được đồng chí Chu Huy Mân phát huy cao độ trong lãnh đạo xây dựng Tổng cục Chính trị ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Ảnh trên: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Đảng đoàn Tổng công đoàn Việt Nam, Thượng tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quân (4-1978); Ảnh dưới bên trái: Thượng tướng Chu Huy Mân nói chuyện thân mật với các đại biểu tại buổi gặp mặt các đại biểu dân tộc biên giới phía Bắc (6-1978); Ảnh dưới bên phải: Thượng tướng Chu Huy Mân ân cần hỏi thăm các cán bộ, chiến sĩ sắp về các tỉnh miền núi công tác (11-1977).

Để hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội đạt hiệu quả, đồng chí Chu Huy Mân luôn đề cao việc phải chăm lo xây dựng cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, vì vậy cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đi đôi với kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ, lề lối làm việc. Theo đó, cơ quan chính trị các cấp phải có chất lượng cao, số lượng hợp lý, bộ máy phải gọn nhẹ, giảm bớt khâu trung gian.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Đại tướng Chu Huy Mân nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng do Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng trao tặng (3-2-1985).

Đồng chí luôn chú trọng xây dựng cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh toàn diện, coi đây là yếu tố quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan; xây dựng Đảng bộ cơ quan trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân là một trong số ít các tướng lĩnh được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng (1958) lên Thượng tướng vào năm 1974; năm 1980, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, đồng chí Chu Huy Mân luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; là một nhà chính trị, quân sự song toàn, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Ảnh trên bên trái: Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Quân y 103 (1984); Ảnh trên bên phải: Đại tướng Chu Huy Mân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Thăng Long (1984); Ảnh dưới bên trái: Đại tướng Chu Huy Mân nói chuyện với các nữ dân quân dân tộc Tày ở Lạng Sơn (1984); Ảnh dưới bên phải: Đại tướng Chu Huy Mân, Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên Phong (1981).
Trích các câu nói ấn tượng của Đại tướng Chu Huy Mân

“Ta đánh “để lấy miếng” tuyệt đối không đánh “để lấy tiếng”, đánh thắng mà bộ đội thương vong cao, ta nghĩ gì về xương máu bộ đội” [2]

“Ưu thế chính trị tinh thần đã sẵn có trong mỗi cán bộ, chiến sĩ ta. Vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy cho được ưu thế ấy” [3]

“Từ tuổi thanh xuân bước vào đội ngũ chiến đấu của Đảng, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, được đồng chí, nhân dân, đồng đội tận tình giúp đỡ, trước đây, hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng nắm chắc quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho quân đội, được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu, Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, nhân dân ta và quân đội ta vững bước đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới”. [4]

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Ảnh trái: Đại tướng Chu Huy Mân thăm Quân đội Liên Xô (1984); Ảnh phải: Đại tướng Chu Huy Mân thăm Ba Lan (1985).
ghi nhận, đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội

Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, dũng cảm và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc. Đại tướng Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập.... Suốt cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc cho đến những ngày cuối đời...

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [5]

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và Đại tướng Chu Huy Mân (phải).

Đại tướng Chu Huy Mân là chiến sĩ cộng sản ưu tú trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng. Đồng chí là một vị tướng có tài thao lược, dạn dày chiến chinh và tinh thông văn võ. Đồng chí còn là một trong những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, có tuổi đời, tuổi Đảng và tuổi quân thuộc hàng cao nhất.

- Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết [6]

--------------------------*****--------------------------

Đồng chí Chu Huy Mân đã có nhiều đóng góp vào chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng với Quân đội. Cơ quan Tổng cục Chính trị được xây dựng ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam [7] (nay là Chủ tịch nước)

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội chúc Thọ Đại tướng Chu Huy Mân.
Chu Huy Mân vị tướng tài năng. Nguồn: Nghệ An TV

--------------------------*****--------------------------

[1] Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

[2] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Nxb CTQG, H. 2007, tr 145

[3] Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), Nxb CTQG, H. 2007, tr69

[4] Đại tướng Chu Huy Mân - Người Chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 91.

[5] Đại tướng Chu Huy Mân – Nhà chính trị, quân sự tài ba tấm gương sáng về đạo đức cách mạng - NXB Chính trị quốc gia – 2007, tr 27

[6] Đại tướng Chu Huy Mân – Nhà chính trị, quân sự tài ba tấm gương sáng về đạo đức cách mạng – NXB Chính trị quốc gia, 2007 – tr17

[7] Đại tướng Chu Huy Mân – Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An – NXB Quân đội nhân dân 2023 – tr 27

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân

  • Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Chu Huy Mân
  • Nội dung: THANH HƯƠNG (Tổng hợp)
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: THANH HƯƠNG

top