![](https://mediafile.qdnd.vn//images/2025/1/30/cover-1.jpg)
ASEAN-Australia: Đối tác cho tương lai
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia từ ngày 5 đến 9-3.
A
ustralia là một trong những đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1974. Hai bên nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) năm 2021...
Quan hệ ASEAN-Australia được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, bao gồm các cuộc họp thường niên cấp Lãnh đạo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, quan chức cao cấp (SOM), và Ủy ban Hợp tác chung. Ngoài ra, hai bên còn có nhiều cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng, SOM, và cấp làm việc trong các lĩnh vực chuyên ngành như quốc phòng, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, kinh tế, lâm nghiệp…
Về hợp tác chính trị-an ninh: Australia tham gia tích cực vào các khuôn khổ do ASEAN chủ trì như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biển, an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia,…
Về hợp tác kinh tế: Australia là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Australia đạt 101,08 tỷ USD năm 2022, theo thống kê từ ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào ASEAN đạt 2,01 tỷ USD năm 2022. Australia là quốc gia thứ 8, là một trong 5 nước Đối tác đối thoại của ASEAN, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. ASEAN, Australia và New Zealand đã hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand.
Về hợp tác văn hóa xã hội và hợp tác phát triển: Hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Australia tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Hội nhập ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển tại các nước, và giữa các nước ASEAN; phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Mekong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững trong toàn khu vực.
Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia được tổ chức tại Melbourne, Australia từ ngày 5 đến 6-3 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự hội nghị lần này với tư cách quan sát viên.
Với chủ đề “Đối tác cho tương lai”, hội nghị được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Australia diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Đây là dịp để hai bên rà soát quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm 2021. Do đó, hội nghị là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chung của Australia với khu vực. Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt này, các bên sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chủ chốt: Kinh doanh, lãnh đạo mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch và hợp tác hàng hải.
Nhìn lại 50 năm qua và hướng tới tương lai, Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ, Australia tự hào là Đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN, chia sẻ 50 năm tôn trọng và hợp tác lẫn nhau với bạn bè ở Đông Nam Á. Việc xây dựng mối quan hệ của Australia với các nước Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Australia. Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm lịch sử chung của ASEAN và Australia và tập trung vào tương lai - về cách hai bên có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ và sự hiện diện của Australia với khu vực ASEAN.
N
hân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Australia.
Ngược dòng thời gian, vào năm 1973, Australia là một trong số những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973) được ký kết. Trải qua chặng đường dài hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ Việt Nam - Australia đã từng bước phát triển bền vững, đạt nhiều thành tựu ấn tượng, hướng tới mục tiêu nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên nhiều chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Gần đây nhất, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp Toàn quyền và Thủ tướng Australia tại Lễ nhậm chức Nhà Vua Anh (tháng 5-2023). Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese cũng gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 41 (Campuchia, tháng 11-2022) và tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (Nhật Bản, tháng 5-2023).
Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thực chất và hiệu quả. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp nhất là trong năm 2023. Về thương mại, đầu tư hai nước đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 13,8 tỷ USD. Tính đến hết tháng 12-2023, Australia có 621 dự án đầu tư với tổng số vốn khoảng 2 tỷ USD; Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng số vốn khoảng hơn 552 triệu USD. Australia cũng là một trong những đối tác cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực và tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19. Về du lịch, Australia luôn nằm trong nhóm 15 thị trường có lượng khách du lịch đến Việt Nam hàng đầu. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực mới, tiềm năng như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.
Một trong những “điểm sáng” trong quan hệ hai nước là hợp tác quốc phòng. Quan hệ quốc phòng với xuất phát điểm ban đầu là lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở quy mô nhỏ hiện ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng 2 nước đã phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2010 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2018, đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trên các lĩnh vực: Tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước; hợp tác đào tạo; quân y; trao đổi kỹ năng chống khủng bố; an ninh biển; khắc phục hậu quả chiến tranh; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đặc biệt, trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Australia không chỉ hỗ trợ những khóa đào tạo tiếng Anh cho các quân nhân Việt Nam được triển khai tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) mà còn cung cấp các trang thiết bị quan trọng được sử dụng cho quá trình huấn luyện tiền triển khai. Đáng chú ý, Không quân Hoàng gia Australia đã 5 lần hỗ trợ vận chuyển bệnh viện dã chiến của Việt Nam tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan...
Không dừng lại ở cấp độ song phương, hai bên còn hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương cũng như trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Với Australia, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy. Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế đã tạo động lực để hai nước phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các cơ chế hợp tác đa phương.
Ảnh trái: Các doanh nghiệp Australia khảo sát thực tế mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Tập đoàn Việt - Australia (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: TTXVN
Ảnh phải: Australia là một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học RMIT Việt Nam trong ngày tốt nghiệp đại học. Ảnh: baochinhphu.vn
Với mối quan hệ hợp tác lâu dài và sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Australia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, giúp tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước trong giai đoạn tới. Đối với Việt Nam, chuyến thăm nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII coi trọng phát triển quan hệ với các đối tác trong khu vực, trong đó có Australia.
- Nội dung: LINH OANH
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC