LONGFORMMùng Ba Tết Thầy

Mùng Ba Tết Thầy

Mùng Ba Tết Thầy
Mùng ba Tết Thầy có còn ý nghĩa?

“Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” là ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo, để mọi người luôn nhớ đến.

Mùng Ba Tết Thầy

Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc ngay năm đầu giành độc lập (năm 1946) Bác Hồ đã gửi thư cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Ngày nay, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chủ đề về mùa xuân và tuổi trẻ cũng luôn được nhiều người quan tâm. Mùa xuân này, xin chia sẻ đôi điều về Tết Thầy.

Mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Ngày xuân có nhiều lễ hội mang ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp, trong đó có Tết nguyên đán. Ngày Tết từng được trẻ con trông chờ. Ăn Tết. Chơi Tết. Vui như Tết.

Tiếc thay trong những năm gần đây, một số người có xu hướng muốn “bỏ Tết”. Có người cho rằng nên học tây, “ăn Tết” tây để hội nhập và nên bỏ Tết ta với nhiều lễ nghi phong kiến, lạc hậu. Thực ra, xã hội thì không ngừng phát triển, tất nhiên nhiều có thứ chúng ta cần phải thay đổi để thích ứng, nhưng có những thứ cần phải gìn giữ.

Học, tiếp thu những tinh hoa về khoa học, công nghệ; những mô hình phát triển kinh tế hay tổ chức quản trị, … thì rất cần. Nhưng cái hay, cái đẹp, cái hồn cốt của dân tộc thì cần phải gìn giữ. Tết cổ truyền của dân tộc, với nét giá trị mang bản sắc của dân tộc, cần phải hiểu thấu, để giáo dục, để sống tốt hơn và tự hào về truyền thống. Tết được vậy mới đáng là Tết, vui như Tết.

Mùng Ba Tết Thầy
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử cùng sự phát triển, những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán vẫn được người Việt giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay.

Tết xưa và nay đã có nhiều thay đổi. Ngày Tết có nhiều phong tục “xưa bày nay bắt chước”. Trong đó có câu “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”. Thế nhưng cũng có người cho rằng “Một năm có ba ngày Tết, ba ngày dành cho ba việc thì hết cả Tết rồi còn gì? Ăn Tết, chơi Tết còn gì vui Tết?”

Thật ra, chúng ta cũng có thể hiểu trong 3 ngày Tết, có 3 Người không thể quên, đó là Cha, Mẹ và Thầy. “Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” là ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo, để mọi người luôn nhớ đến. Một năm vào dịp Tết là đi thăm, chúc mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng... Đó được xem là nét đẹp, có ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Hiểu rộng ra, Tết Cha là thăm chúc tết bên nội, kể cả hương khói ông bà. Tương tự, Tết Mẹ là thăm chúc Tết bên ngoại. Dù bộn bề công việc mưu sinh, học hành hay phụng sự xã hội quanh năm, nhưng Tết thì cần phải sum vầy bên gia đình, hướng về nguồn cội. Đối với xã hội, mỗi người có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, nhưng có một mối quan hệ không thể quên trong 3 ngày Tết, chính là thầy-trò. Tết Thầy là thể hiện văn hóa “tôn sư trọng đạo”. Một nét đẹp, ý nghĩa, nếu hiểu đúng và sống đúng nghĩa.

Tất cả chúng ta dù nghèo hay giàu đều có quyền con người, nhưng không có được cái quyền chọn bố mẹ. Hiếu nghĩa với cha mẹ là bổn phận của con người.

Để con trưởng thành hiếu nghĩa thì bản thân bố mẹ cũng phải sống hiếu nghĩa với ông bà. Giáo dục gia đình một cách tự nhiên là như vậy. Ngày Tết là dịp tốt nhất để nhắc nhở con cháu gìn giữ gia phong một cách tự nhiên. Cái gì được xem có ý nghĩa thiêng liêng, được diễn ra tự nhiên, khởi đầu từ nhỏ và lặp đi lặp lại hàng năm, thì không thể quên, thấm sâu và trở thành văn hóa… Tết Cha, Tết Mẹ trong ba ngày Tết ý nghĩa là ở chỗ giáo dục.

Ngày nay, chúng ta có ngày Nhà giáo – ngày tôn vinh nghề dạy học. Trước đây, Tết Thầy cũng có ý nghĩa rất tốt đẹp, thể hiện sự tôn trọng người dạy dỗ, truyền dạy cái hay cái đẹp để sống thành người hay dạy truyền cái nghề … Một người có hiếu với cha mẹ, có nghĩa với thầy thì chắc chắn sẽ sống tốt với xã hội, có trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Mùng Ba Tết Thầy
Ảnh: TTXVN

Một con người tồn tại trên cõi đời biết được nguồn cội; có gia đình để gắn bó và có Người thầy dạy dỗ, dõi theo định hướng, dẫn đường đó là phước phần. Tết là cách tốt nhất để nhắc nhở, giáo dục cho đời sau. Đó không chỉ nét đẹp của gia phong, mà đối với xã hội nếu phần đông hành động đúng như vậy thì cũng góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Rất tiếc ngày nay cái giá trị tốt đẹp của 3 ngày Tết có xu hướng mất dần. Nhiều người có vẻ không còn hứng khởi với Tết. Đến Tết người ta than mệt, hết gọi vui như Tết. Nhiều gia đình có khuynh hướng du lịch tránh Tết. Tránh Tết là tránh rượu bia, tránh lo những tục lệ cúng kiếng mà chẳng hiểu ý nghĩa gì…

Tất nhiên, khi không còn hứng khởi với Tết; chẳng hiểu biết gì về ý nghĩa của Tết, thì có người đề nghị bỏ Tết ta dùng chung tết tây cho hội nhập, cũng là lẽ thường tình. Và dần dần những cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của dân tộc cũng sẽ lãng quên. Rồi ta và tây cũng không còn phân biệt. Điều gì nữa sẽ xảy ra, nếu nhìn xa thêm.

Mùng Ba Tết Thầy

Cũng có người nói: “Tết Cha, Tết Mẹ thì có thể, nhưng Tết Thầy thì khó. Vì thầy ngày nay đã khác xưa nhiều. Trước đây, một thầy vài trò thì Tết dễ. Còn ngày nay một người có hàng chục, hàng trăm thầy thì tết sao cho thấu. Mặt khác, đã có ngày Nhà giáo rồi thì cần gì đến Tết Thầy?”. Cách đặt vấn đề như vậy cũng có lí theo cách hiểu của một số người. Nhưng theo cách chúc hay cách “Tết” bây giờ cũng rất đáng quan tâm!

Thật ra, cái Tết, cái lễ đúng nghĩa ở cái tình, cái cốt cách ứng xử, chứ không phải ở cái nhiệm vụ phải hoàn thành. Người Thầy để trò chúc Tết có thể là người dạy, có thể là người dẫn dắt nghề nghiệp cũng có thể là người đáng kính,… có ảnh hưởng đến tư tưởng, đến sự trưởng thành, đến sự nghiệp… chứ không hẳn tất cả những người làm nghề đi dạy.

Tết Thầy là thăm chúc, mừng tuổi, nhưng cũng là cơ hội để trò chuyện, đàm đạo để thầy hiểu, tư vấn, định hướng, chỉ vẽ thêm... Một người có được một hoặc những người Thầy như vậy thì chắc chắn có phúc. Những người thầy có được nhiều học trò Tết Thầy theo cái nghĩa đó cũng là những người thầy có phước đức. Bởi vì những kiến thức, những tư tưởng được thầy tu-luyện, rèn đúc… sẽ tái sinh, nhân rộng, lan tỏa và tạo ra nhiều giá trị mới, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

Tôn vinh Người thầy là trân quý những con người như vậy. Xã hội tôn vinh người thầy đúng nghĩa thì ắt hẳn sẽ xuất hiện nhiều hơn. Còn nếu chỉ tôn quý những thành tích, bằng cấp… thì cũng chọn lọc ra những người như vậy. Khi đó, Tết Thầy cũng chẳng ý nghĩa. Và cái gì khi hết giá trị thì cũng dần lãng quên...

Mỗi khi xã hội trân quý tri thức, tôn trọng trí thức thì thực học sẽ tồn tại, thực tài sẽ xuất hiện và xã hội mới thực sự thái bình. Ngược lại, xã hội ưu chuộng vật chất, ưa thích hình thức, xem trọng quyền lực… thì tuổi trẻ cũng sẽ thần tượng những thứ đó.

“Nhân - Lễ - Nghĩa – Trí – Tín” - những thứ từng xem là chuẩn giá trị chỉ còn là đồ cũ kĩ, lạc hậu, lỗi thời… Và lúc đó, Tết sẽ không còn “câu đối đỏ”, lãng quên “xin chữ”, “khai bút” mà thay vào đó là “cướp lộc khai ấn”, “cổng làng hàng tỉ” hay “lì xì khủng” mà thôi…

Mùng Ba Tết Thầy
Mùa xuân đã về với đất trời và đồng bào các dân tộc trên “miền đá nở hoa” - Hà Giang. Ảnh: KIM THU

Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc; muôn hoa đua nở, là biểu tượng cho hạnh phúc, phước lành. Trong tiết trời xuân thường ấm áp. Mọi người thường cầu chúc về những điều tốt đẹp.

Nếu xem Tết là cơ hội để giáo dục về văn hóa của dân tộc, nhắc nhở về triết lí “chân – thiện – mĩ”, thì mùa xuân và Tết thật nhiều ý nghĩa. Nếu xem Tết là dịp để kiếm tiền, cầu xin; với những câu chúc “kiếm được nhiều tiền”, “thăng quan tiến chức” hay lo nghĩ về những món quà giá trị… thì quả là áp lực và sớm hay muộn gì Tết cũng hết.

Đừng chê trách tuổi trẻ không mặn mà với Tết ta. Tuổi trẻ luôn có lí lẽ của tuổi trẻ. Cái gì người lớn yêu cầu tuổi trẻ phải tuân thủ mà không giúp cho họ hiểu biết đầy đủ, thì khó mà thuyết phục. Do đó, bổn phận của những nhà lãnh đạo đất nước hôm nay là sớm phục dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt cùng với một nền giáo dục khai phóng đúng nghĩa. Để cùng kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới, thì tương lai của đất nước sẽ thái bình bền lâu.

Theo quy luật của đất trời, mùa xuân là mùa của sự tái sinh. “Sông có khúc, người có lúc”, xã hội có lúc suy, lúc thịnh. Người tốt và xấu thời nào cũng có. Ngày xuân, chẳng cần những lời chúc hoa mĩ hay vái khấn cầu may, nếu mỗi người đều nghĩ về những điều thiện lành và tâm nguyện thực hành ngay từ những việc nhỏ nhất thì năng lượng tích cực sẽ được truyền đi, lan tỏa.... hòa quyện và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả.

Trong ba ngày Tết, ông bà ta nhắn nhủ “mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” âu cũng là cách giáo dục, có ý nghĩa rất sâu xa; không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi gia đình mà với cả dân tộc của chúng ta.

Theo Phó giáo sư Võ Văn Minh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Mùng Ba Tết Thầy

Mùng 3 Tết nên làm gì và không nên làm gì để may mắn cả năm?

Mùng 3 Tết nên làm gì và không nên làm gì để may mắn cả năm? Một câu hỏi mà sẽ có rất nhiều bạn thắc mắc, hãy cùng Báo Quân đội nhân dân tìm câu trả lời cho câu hỏi này nhé.

Ngày mùng 3 Tết là một trong ba ngày lễ chính của Tết Nguyên Đán, vì thế đây là ngày vô cùng quan trọng. Và vào ngày này bên cạnh những điều kiêng kỵ cần tránh thì các bạn cần phải lưu ý những điều nên làm để có một năm mới thật nhiều niềm vui và nhiều điều tốt lành.

Mùng Ba Tết Thầy

Ý nghĩa của ngày mùng 3 Tết

Theo quan niệm dân gian, “mùng một Tết Cha”, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Ngày mùng 1 Tết, con cháu sẽ tập trung bên họ nội để mừng tuổi, chúc Tết ông bà họ nội. Vào ngày mùng 2, sẽ tập trung bên họ ngoại để mừng thọ, chúc Tết cho ông bà họ ngoại.

Ngày mùng 3 là dịp để thầy cô, học trò quây quần bên nhau, gửi tặng nhau những lời chúc mừng một năm với nhiều điều tốt đẹp, bình an.

Mùng 3 Tết nhắc nhở những thế hệ học trò về truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh những người thầy, người cô đã mang đến tri thức, kiến thức, dạy nghề cho nhiều thế hệ học trò thành tài, thành người.

Mùng Ba Tết Thầy
"Tết thầy", một trong ba việc quan trọng của mỗi người trong những ngày đầu năm mới. Minh họa: Ngọc Diệp

Mùng 3 nên làm gì để cả năm may mắn?

Vào ngày mùng 3 Tết, thì những điều dưới đây sẽ mang lại thật nhiều điều may mắn đến với chúng ta.

Thực hiện lễ hóa vàng

Thực hiện lễ hóa vàng (tức là lễ tạ gia tiên và các vị thần Phật) là việc các gia đình nên làm vào ngày mùng 3 Tết.

Thông thường, mâm lễ cúng sẽ bao gồm: Nhang, hoa, trầu, vàng mã, rượu, đèn hoặc nến cùng với các món ăn mặn hoặc những món chay như là: Bánh chưng, thịt gà, giò lụa,...

Mỗi vùng, mỗi nơi sẽ diễn ra ngày hóa vàng khác nhau, nhưng thường ngày hóa vàng sẽ được diễn ra vào ngày mùng 3 Tết.

Mặc đồ màu sắc rực rỡ, tươi tắn

Trang phục vào những ngày Tết sẽ là một điều rất được quan tâm, vào những ngày Tết người ta sẽ kiêng kị những bộ trang phục màu đen và màu trắng.

Chính vì điều đó, vào những ngày Tết các bạn nên chọn những bộ trang phục có sắc đỏ, cam, vàng,.. đây là những màu sắc rực rỡ đại diện cho những điều may mắn, sung túc và đầy đủ.

Đi lễ chùa cầu bình an, sức khỏe

Đi lễ chùa cầu bình an, may mắn, sức khỏe là một trong những điều các bạn nên làm vào những ngày đầu xuân. Vào những ngày đầu năm, đi lễ chùa để tĩnh lặng trong tâm hồn cũng như thành kính cầu nguyện một năm mới với thật nhiều điều may mắn, hạnh phúc và thật nhiều điều tốt lành.

Mùng Ba Tết Thầy

Chúc Tết

Vào những ngày Tết, các bạn sẽ đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, người thân bạn bè,... Bên cạnh điều đó, vào ngày mùng 3 Tết sẽ là ngày để tất cả các học trò gửi những lời chúc đến những thầy cô.

Đây cũng là dịp để thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn đến thầy cô và còn là cơ hội để bạn bè có thể gặp lại nhau tâm sự, trò chuyện và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới thật nhiều hạnh phúc, bình an.

Hái lộc

Song song với việc đi lễ chùa cầu bình an, sức khỏe, mọi người sẽ hái lộc được chuẩn bị sẵn sàng tại đây. Trong mỗi túi lộc, các bạn sẽ nhận được lì xì bao gồm những câu chúc, tiền gạo,... với ý nghĩa viên mãn, sức khỏe và đủ đầy.

Mùng 3 không nên làm gì?

Bên cạnh những điều cần làm vào mùng 3 Tết để gặp nhiều may mắn, thì các bạn cần phải lưu ý không nên làm những điều dưới đây vào ngày mùng 3 Tết.

Kiêng quét nhà, đổ rác

Một trong những việc các bạn không nên làm vào ngày mùng 3 Tết đó là quét nhà, đổ rác. Theo quan niệm, việc quét nhà, đổ rác vào những ngày đầu năm sẽ quét đi mất những tài lộc. Thay vào đó, bạn có thể quét vào dồn rác vào một góc trong nhà, lưu ý là bạn không được đổ rác đi.

Kiêng sử dụng kim chỉ

Vào ngày mùng 3 Tết, các bạn nên kiêng sử dụng kim chỉ. Người xưa quan niệm rằng, việc sử dụng kim chỉ để may vá vào năm mới sẽ khiến gia chủ chịu cảnh thiếu trước hụt sau, một năm sẽ đầy vất vả và khổ sở.

Kiêng nói những điều xui xẻo

Vào bất kỳ ngày nào trong những ngày đầu năm, các bạn không nên nói những điều xui xẻo để tránh rước đềm gỡ, làm ảnh hưởng đến cả năm. Thay vào đó, hãy nói những điều may mắn và những điều thật vui vẻ.

Kiêng cãi vã

Vào những ngày đầu năm, hãy tránh những điều bất hòa, cãi vả mà tất cả mọi người nên vui vẻ và luôn tươi cười. Người lớn không nên lớn tiếng, đánh mắng trẻ con, các thành viên trong gia đình không nên lời qua tiếng lại để chào đón một năm mới thật nhiều niềm vui và tràn đầy hạnh phúc.

HẢI THANH (SƯU TẦM)

Mùng Ba Tết Thầy

10 lễ hội đầu xuân không thể bỏ qua tại miền Bắc

Từ mùng 3 Tết, các lễ hội đầu xuân bắt đầu diễn ra, dự kiến thu hút nhiều lượt người tham gia.

1. Hội Gò Đống Đa

Hội diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội Gò Đống Đa.

2. Lễ hội chùa Hương

Đây là lễ hội thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân cả nước mỗi dịp Xuân về. Theo thông lệ, ngày khai hội từ mồng 6 âm lịch và kéo dài hết tháng 3, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng ngàn thuyền khách. Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật, mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội chùa Hương

3. Lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh

Việc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn.

Năm nay, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày mồng 8, 9, 10 tháng Giêng với các chương trình lễ hội như: các trò chơi dân gian, chợ quê ẩm thực...

Đặc biệt, vào ngày chính hội, mồng 10 tháng Giêng, sẽ diễn ra Lễ đón nhận Bằng Tục thờ Tản Viên Sơn thánh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, khai hội Tản Viên Sơn Thánh.

Buổi lễ được tổ chức tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang; tổ chức dâng hương tại di tích đền Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh

4. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Diễn ra từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng, lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành.

Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch Điền được khôi phục năm 2009 vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch.

Phần lễ gồm lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở lễ hội tại Đình Đọi Tam, Lễ rước nước, Lễ Sái tịnh tại khu vực Đàn tế Thần nông, Lễ cầu an, Lễ Rước kiệu và Lễ Tịch Điền.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn.

5. Lễ hội đền Gióng

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.

Lễ hội diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội đền Gióng.

6. Lễ hội chợ Viềng

Chợ Viềng diễn ra vào nửa đêm, nhưng từ chiều mùng 7 tháng giêng hàng năm, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về hội chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may.

Ngoài chợ Viềng, các du khách còn được trẩy hội Phủ Dày vào mồng 8 tháng Giêng. Phủ Dày là một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong "tứ bất tử" ở Việt Nam.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội chợ Viềng.

7. Lễ hội Yên Tử

Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.

Năm nay, lần đầu tiên lễ khai hội được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm thuộc dự án Khu trung tâm lễ hội Yên Tử.

Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội Yên Tử còn có Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội đền, chùa Hang Son, Lễ hội khai xuân chùa Ba Vàng…

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội Yên Tử.

8. Lễ hội Lim

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du.

Lễ hội có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương.

Trong những ngày lễ, nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm được tổ chức. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội Lim.

9. Khai ấn đền Trần

Lễ hội diễn ra tại đền Trần - Nam Định, là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng giêng.

Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...

Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội Khai ấn đền Trần.

10. Lễ hội Bà Chúa Kho

Khai hội vào ngày 14 tháng giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) luôn chật kín người.

Đa số người làm ăn đến hành lễ “vay vốn” đền Bà Chúa Kho với mong muốn cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt.

Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ.

Mùng Ba Tết Thầy
Lễ hội Bà Chúa Kho.

  • Mùng Ba Tết Thầy
  • Nội dung: Sưu tầm
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top