50 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Đỉnh cao bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
Sáng 26-12, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2022).
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Cùng dự lễ kỷ niệm có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các địa phương khu vực phía Bắc; đại biểu đại diện cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng; đại biểu các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, đại diện các tầng lớp nhân dân, nhân chứng lịch sử và Lực lượng vũ trang Thủ đô…
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Tiến Dũng thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội đọc diễn văn ôn lại chiến thắng hào hùng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây tròn 50 năm của quân và dân ta trên bầu trời Thủ đô. Diễn văn khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt nhất, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ 20 - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng khái quát, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt... Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau đó, với sự chủ động, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Đảng ủy Quân sự Trung ương nay là Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ. Với sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh B-52, ta đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hiệp đồng tác chiến hiệu quả giữa các lực lượng, với ý chí “Quyết đánh”, “Biết đánh” và “Quyết thắng”. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18-12 -1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, “siêu pháo đài bay B-52” thảm bại, không lực Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề. Chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; là kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, sau đó, cuối tháng 3-1973, quân đội Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền nam Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo cục diện mới và là tiền đề quan trọng để quân và dân ta đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
Trong bài diễn văn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Năm tháng qua đi, nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi mãi là bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, quân đội và nhân dân ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giữ gìn và phát huy cao độ truyền thống vẻ vang đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô luôn kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của quá trình đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc - thống nhất đất nước, trong đó có những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 để từ đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau bài diễn văn của đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, các đại biểu đã nghe Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động Phạm Tuân, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng Không quân, phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội phát biểu, ôn lại những giây phút, chiến công lịch sử mà mình cùng đồng đội và nhân dân Thủ đô trực tiếp tham gia trong Chiến thắng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Trung tướng Phạm Tuân tiếp tục khẳng định: “Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi to lớn, xuất sắc, toàn diện cả về quân sự, chính trị, ngoại giao; cả về chiến dịch, chiến thuật và kỹ thuật; thể hiện khả năng to lớn của Bộ đội Phòng không – Không quân trong hiệp đồng tác chiến với lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ miền Bắc, bảo vệ Thủ đô thân yêu của chúng ta”.
Vinh dự được đại diện cho thế hệ cán bộ trẻ của Bộ đội Phòng không – Không quân Anh hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thiếu tá Bùi Thanh Bình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân xúc động chia sẻ: Tinh thần của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” sẽ mãi mãi bất diệt và tinh thần ấy chắc chắn sẽ luôn được thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay giữ gìn và phát huy, hun đúc thành ngọn lửa của niềm tin, ý chí, của sức mạnh trong thời đại mới… Chúng tôi xin hứa sẽ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng… Vận dụng sáng tạo kiến thức được trang bị vào huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
Trong 12 ngày đêm tháng 12 - 1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lượt máy bay B.52 và 3.920 lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống TP Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, không lực Mỹ sử dụng 441 lượt máy bay B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, trút hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học...; huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội vào thời điểm đó.
- Nội dung: VĂN CHIỂN – VIỆT CƯỜNG – TUẤN SƠN
- Ảnh: VIỆT CƯỜNG – TUẤN SƠN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC