Vị tướng “phi công huyền thoại” với khát vọng hòa bình
50 năm đã qua nhưng hình ảnh “B-52 cháy sáng bầu trời Hà Nội” vẫn im đậm trong ký ức của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân.
Ông sinh ngày 24-6-1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), nhập ngũ ngày 4-7-1965, là phi công tiêm kích Mig-21, SU-22, SU-27. Từ một người lính bắt đầu học lái máy bay Mig-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.
Bộ phim “Khát vọng thiên thanh” do Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa hoàn thành đã khắc họa đậm nét hình ảnh Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát - một trong những “phi công huyền thoại” của Không quân Việt Nam và thế hệ các phi công Mig-21 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Tôi cảm thấy may mắn khi được vào không quân đúng thời khắc lịch sử mà đất nước cần những phi công quả cảm, sẵn sàng xả thân vì nước trong cuộc chiến đấu khốc liệt với không quân Mỹ để bảo vệ bầu trời miền Bắc”, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát đã tâm sự như thế trong tác phẩm điện ảnh do những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện.
Với người chiến sĩ phi công này, tình yêu quê hương, dáng hình của mẹ mãi là điểm tựa cho người lính thêm can trường, cho quyết tâm bảo vệ non sông thêm vẹn tròn. Sự hy sinh của người anh trai đã thổi bùng lên trong Nguyễn Đức Soát khát khao được ra trận. Để rồi ông tự hứa với lòng mình sẽ chiến đấu anh dũng, hoàn thành nguyện ước còn dang dở của anh trai với quê hương, với gia đình, đó không chỉ là tâm nguyện của một cá nhân mà còn là tiếng lòng của cả thế hệ thanh niên lúc bấy giờ đối với đất nước.
Tháng 4-1968, Nguyễn Đức Soát tốt nghiệp xuất sắc khóa học phi công tiêm kích Mig-21, trở về Việt Nam, ông nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn không quân 921.
“Ngay từ ban đầu, anh Nguyễn Đức Soát đã có tinh thần học hỏi, khi học lý thuyết anh đã đạt loại xuất sắc và bay trên Mig-21 thì anh thể hiện được năng lực cầm lái trên một máy bay hiện đại”, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Chính ủy Sư đoàn 370, cựu phi công Mig-21 đã tâm sự như thế về đồng đội mình trong bộ phim “Khát vọng thiên thanh”.
Kể về lần đầu tiên được cất cánh, phi công Nguyễn Đức Soát tâm sự: "Được bay trên bầu trời Tổ quốc thân yêu, tôi thấy đất nước mình đẹp thật. Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng ngô, lúa, rồi cỏ cây như trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Lúc đó tôi thấy lòng mình rộn lên một niềm vui. Đây là trời của mình, đất của mình nên mình có trách nhiệm gìn giữ. Tuổi thơ của tôi gắn với những cánh đồng xanh mướt; những lũy tre ôm lấy ngôi làng nhỏ như những chiếc áo tơi mà các bà, các mẹ ở quê thường mặc khi ra đồng. Lúc ấy, nghe câu hát “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc…”, tôi đã ứa nước mắt".
Tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát là quyết tâm chiến đấu, khát khao bay lên bầu trời non sông. Ông tâm niệm rằng, đánh nhau càng ác liệt, ông càng yêu bầu trời hơn. Với người chiến sĩ phi công này, chỉ có ở trên không và ngồi trên máy bay thì ông mới phát huy hết trí tuệ, khả năng, biểu lộ được hết lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, để chiến đấu, bảo vệ quê hương.
Với thành tích 6 lần bắn hạ máy bay Mỹ, phi công Nguyễn Đức Soát đã đạt tới đẳng cấp Ace - một danh hiệu có từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất dành cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 chiếc máy bay đối phương trở lên. Cùng với lớp phi công của Nguyễn Đức Soát có 3 đồng đội của ông cũng đạt danh hiệu này. Khát vọng hòa bình cho non sông là nguồn sức mạnh lớn lao để thế hệ phi công ấy lập nên nhiều chiến công, góp phần xóa sạch bóng máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn quyết định.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ rằng: "Thực ra sức mạnh chiến đấu không chỉ phụ thuộc vào những máy bay hiện đại được trang bị tối tân mà còn dựa trên kinh nghiệm, khả năng chiến đấu, lòng dũng cảm, tài năng, tinh thần sẵn sàng xả thân của mỗi phi công. Tôi cũng rất tự hào được chiến đấu cùng với những đồng đội thân yêu của mình, những người sẵn sàng xả thân vì đồng chí, đồng đội, tình yêu đất nước".
Trong khói lửa của cuộc chiến đã tạo nên một thế hệ phi công ưu tú mang trong tim khát vọng hòa bình. Chiến tranh khốc liệt, chính lòng dũng cảm, mưu trí và sự vững vàng trong thử thách đã giúp phi công Nguyễn Đức Soát và đồng đội có được niềm tin sẽ chiến thắng kẻ thù ngay cả khi lực lượng không quân ta còn rất mỏng.
Đạo diễn của bộ phim “Khát vọng thiên thanh”, Trung úy Nguyễn Diệu Hoa cho biết: "Thông qua hình ảnh của vị tướng để nói lên khát vọng hòa bình không chỉ của riêng người tướng lĩnh này mà là của cả dân tộc Việt Nam, đó chính là điểm đặc trưng của phim chân dung nghệ thuật chứ không phải là phim tài liệu đơn thuần là từ đầu đến cuối để kể về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật. Bộ phim này đặc biệt hơn là chúng tôi đã dùng cả lời bình và lời kể của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nhân vật chính cũng là người dẫn chuyện. Trong đó có cả lời kể của đồng đội nên phim vừa mang tính nghệ thuật vừa thực tế".
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết: "Bộ phim “Khát vọng thiên thanh” được tạo nên bởi một ê kíp làm phim rất trẻ, từ kịch bản, đạo diễn, quay phim, dựng phim, âm thanh đều là những người trẻ. Ban lãnh đạo của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã mạnh dạn giao bộ phim này cho ê kíp và thật mừng là các đồng chí ấy đã không phụ lòng tin của lãnh đạo đơn vị".
“Bộ phim nhiều cảm xúc, nói lên được khát vọng thiên thanh - khát khao một bầu trời hòa bình của Anh hùng LLVTND, phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát và các phi công cùng thời với ông. Một thế hệ những người phi công mang trong tim tình yêu quê hương tha thiết, lý tưởng sống cao đẹp của người cộng sản đã chiến đấu và hy sinh thân mình để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Tình cảm ấy, nỗi khát khao hòa bình ấy đã được truyền đến thế hệ ngày hôm nay thông qua bộ phim, giúp chúng ta hiểu được về một thời hào hùng của dân tộc, một thời đại đã sinh ra những con người đáng khâm phục như phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát và những người đồng đội cùng thế hệ của ông”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung nhấn mạnh.
“Bộ phim đã được công chiếu và tạo nên sự xúc động không chỉ cho những người đã sống trong thời khắc của cuộc không chiến B-52 ác liệt 50 năm trước, mà còn tạo được sự xúc động, cảm phục cho các bạn trẻ ngày hôm nay, thế hệ sinh ra trong hòa bình chưa biết đến chiến tranh”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung cho biết.
Đất nước hòa bình ngày hôm nay là có được sự hy sinh trong quá khứ của những người lính bảo vệ bầu trời, sẵn sàng quyết tử để Tổ quốc trường tồn. Thế hệ phi công chiến đấu cùng thời với Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát được ví là "thế hệ vàng" của Không quân nhân dân Việt Nam.
Giờ đây, các phi công chiến đấu năm xưa đã ở ngoài tuổi thất thập, bát thập. Những lúc rảnh rỗi, các ông lại tìm đến với nhau. Những mái đầu bạc chụm lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm là những hình ảnh vô cùng bình dị nhưng khắc sâu trong tâm khảm họ là ý chí, niềm tin chiến thắng.
Những chiến công, đóng góp của các phi công Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mãi là trang sử chói lọi, tỏa sáng cho muôn đời.
- Nội dung: KHÁNH HUYỀN
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC