10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… là những sự kiện tiêu biểu thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2024.
Các sự kiện đã được bình chọn trên Cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo điện tử Tổ quốc và bình chọn trực tiếp từ gần 70 nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến từ hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Dưới đây là 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024 được tổng hợp từ hai hình thức bình chọn:
Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Sự ra đời của Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo bước đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ quán triệt theo hướng phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dấu mốc quan trọng hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực di sản văn hóa.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng tập trung giải quyết ba nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung 12 quy định mới, trong đó có nhiều quy định điều chỉnh những bất cập nảy sinh, những nội dung cấp thiết trong bối cảnh hiện nay như: hoạt động quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; thay đổi, mở rộng chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền; bổ sung việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong việc bảo quản, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích; quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; quy định xếp hạng, ghi danh, quản lý di sản văn hóa có địa bàn phân bố từ 2 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia; quy định về sử dụng, khai thác di sản văn hóa…
Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm là những dấu mốc quan trọng, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao có ý nghĩa quan trọng khi gắn với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội.
Bên cạnh đó, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là căn cứ quan trọng để định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi một mốc son chói lọi, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024) là một trong những sự kiện chính trị quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình hoành tráng, quy mô, mang ý nghĩa và sức lan tỏa lớn đã được tổ chức, góp phần khẳng định ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với cả nước hướng về Điện Biên, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc, hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân và du khách hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần vào thành công chung của chuỗi hoạt động, chương trình kỷ niệm 70 năm chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc.
Ngày 8-5-2024, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Việc những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10 di sản (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Đây là những minh chứng cụ thể, vững chắc cho đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành được Chính phủ thông qua trình Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa để bổ sung loại hình mới là di sản tư liệu, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những hoạt động thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO trong việc nỗ lực nội luật hóa các điều ước quốc tế, chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.
Ngày 4-12-2024, tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 diễn ra tại Asunción, Cộng hòa Paraguay, UNESCO đã ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Việc hai di sản được UNESCO ghi danh trong một năm thêm minh chứng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu. Đây cũng chính là một trong những hoạt động thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam - thành viên tích cực của UNESCO trong việc nỗ lực nội luật hóa các điều ước quốc tế, chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi", chương trình "Jazz quốc tế lần thứ I-Nha Trang 2024", thành công của các bộ phim “Đào, Phở và Piano”, “Lật mặt”… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Chương trình "Jazz quốc tế lần thứ I – Nha Trang 2024" là minh chứng điển hình về đóng góp vào sự thành công của ngành nghệ thuật biểu diễn năm vừa qua. Đây là lần đầu tiên một liên hoan nhạc Jazz được tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu sự kiện quan trọng trong đời sống âm nhạc nước nhà.
Hai chương trình truyền hình "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" với những con số kỷ lục đã tạo ra điểm sáng cho ngành nghệ thuật biểu diễn –lĩnh vực công nghiệp văn hóa trọng điểm của Việt Nam. Cơn sốt săn vé concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" khiến mạng xã hội bùng nổ. Tình trạng cháy vé đều diễn ra ở các concert của hai chương trình. Hệ thống bán vé concert của "Anh trai vượt ngàn chông gai" thậm chí còn sập chỉ sau ít phút mở bán.
Cùng với đó, công nghiệp điện ảnh ghi những dấu ấn mới với những đạo diễn “nghìn tỷ” như Trấn Thành, Lý Hải với các bộ phim có tổng doanh thu vượt mốc 1.000 tỉ đồng. Với cú xô đổ kỷ lục của “Mai”, Trấn Thành trở thành đạo diễn "nghìn tỷ" đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đó, sau 7 phần, tổng doanh thu của thương hiệu "Lật mặt" đã đưa Lý Hải chính thức trở thành đạo diễn "nghìn tỷ" tiếp theo của điện ảnh Việt.
Không rầm rộ nhưng những doanh thu bất ngờ trong năm 2024 từ bộ phim được thực hiện từ ngân sách nhà nước “Đào, phở, piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, với con số gần 21 tỷ đồng đã gợi mở cho điện ảnh Việt Nam nhiều hướng phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội tạo dấu ấn kỷ lục với hơn 110 hoạt động, hiện thực hóa sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Lễ hội thu hút gần 30 vạn du khách, lan tỏa tinh thần sáng tạo không giới hạn. Sự kiện đã nhận được sự đánh giá cao từ đông đảo người dân, cộng đồng sáng tạo, khách tham quan trong và ngoài nước.
Lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại kinh đô điện ảnh Hollywood với quy mô lớn, thu hút hơn 500 khách mời trong đó có các nhà sản xuất, đạo diễn hàng đầu Hollywood, đánh dấu bước đột phá, sự đổi mới sáng tạo trong công tác xúc tiến du lịch Việt Nam nhằm khai thác phát triển du lịch thông qua điện ảnh.
Tại Chương trình này, nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, điện ảnh giữa các đơn vị, địa phương của Việt Nam với các nhà làm phim Mỹ được ký kết.
Chương trình xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ giúp cho điểm đến Việt Nam và các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam tới gần hơn doanh nghiệp du lịch, điện ảnh Mỹ - thị trường lớn của du lịch Việt Nam.
Năm 2024, mặc dù bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động nhưng du lịch vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế. Đón 17 triệu lượt khách quốc tế, 120 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch đã đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19.
Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận… đã tự làm mới mình, tổ chức nhiều chương trình du lịch hiệu quả, đón lượng khách quốc tế còn cao hơn thời điểm trước đại dịch và hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế cũng như tổng thu từ du lịch sớm hơn dự kiến.
Năm 2024, Việt Nam vinh dự đón nhận 3 giải thưởng: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đáng chú ý, đây là lần thứ 6 trong 7 năm qua Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.
Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất diễn ra vào tháng 12-2024 là hội nghị mang tính toàn cầu, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới. Đây không chỉ là sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và uy tín của Việt Nam trong các tổ chức du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của UN Tourism.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đã trao danh hiệu Làng du lịch tốt nhất cho làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam). Đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải này trong năm nay. Sự kiện này góp phần vào việc tôn vinh giá trị, lan tỏa thương hiệu và quảng bá du lịch Hội An đến với du khách quốc tế.
Tại Cúp bóng chuyền thế giới - FIVB Challenge Cup 2024 diễn ra vào đầu tháng 7 ở Philippines, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử cho bóng chuyền nước nhà khi lần đầu tiên giành được huy chương tại một giải đấu cấp độ thế giới.
- Nội dung: LINH AN
- Ảnh: TTXVN, qdnd.vn, dangcongsan.vn, chinhphu.vn, quochoi.vn
- Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI