Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 2: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), hiện tượng La Nina sẽ giúp nhiệt độ giảm sau những năm nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu. Tuy nhiên, WMO cũng cảnh báo, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết của nhiều khu vực sẽ trở nên khắc nghiệt, tồi tệ hơn, làm đảo lộn các mô hình nhiệt độ và lượng mưa theo mùa.
Cho đến nay, trên thế giới có nhiều quốc gia như Trung Quốc, Philippines... đã triển khai hiệu quả các chiến lược nhằm giảm thiểu thiệt hại thiên tai trong đó có sự ảnh hưởng do La Nina gây ra... Những kinh nghiệm quốc tế sẽ là cơ sở để Việt Nam tham khảo, ứng dụng vào thực tiễn trong phòng, chống thiên tai do hiện tượng La Nina gây ra.
Là quốc gia thường xuyên phải đối mặt với những cơn bão nhiệt đới nguy hiểm, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó để hạn chế hậu quả của thiên tai. Chính trong siêu bão Yagi vừa qua, chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng của bão đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách.
Theo đó, khi bão Yagi chuẩn bị đổ bộ, tất cả các đơn vị hành chính của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã tiến hành sơ tán hàng chục nghìn ngư dân ra khỏi các tàu cá và các khu vực có nguy cơ cao. Thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, khu vực bão đổ bộ trọng điểm đã sơ tán hàng trăm nghìn người tới nơi an toàn để giảm thiểu những rủi ro về người. Các tuyến giao thông trên khắp miền Nam Trung Quốc hầu hết bị đóng cửa. Nhiều chuyến bay bị hủy ở Hải Nam, Quảng Đông và các khu hành chính đặc biệt Hồng Kông và Macau.
Thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam đã tiến hành “6 dừng”: Dừng học, dừng công, dừng vận chuyển, dừng bay, dừng hoạt động ngoài trời, dừng hoạt động của các doanh nghiệp trên toàn thành phố để ứng phó với bão Yagi. Bộ Thủy lợi Trung Quốc nâng mức ứng phó lũ lụt khẩn cấp ở Quảng Đông và Hải Nam lên cấp độ III và cử 4 đội công tác đến chỉ đạo các nỗ lực phòng, chống lũ lụt ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, chỉ đạo các chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Cùng với việc “đóng băng” những hoạt động không cấp thiết. Công tác dự báo cũng được Trung Quốc đặc biệt chú trọng. Ngay trước khi bão đổ bộ, Ủy ban Phòng, chống, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai tỉnh Hải Nam đã phát cảnh báo ứng phó khẩn cấp cấp I - mức cảnh báo cao nhất về phòng, chống lũ lụt và gió. Theo Nhật báo Quảng Tây, Trung tâm Thủy văn Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã đưa ra mức cảnh báo lũ màu vàng, đề nghị các khu vực và người dân ở ven sông thuộc thành phố Sùng Tả, Nam Ninh và Quý Cảng tăng cường các biện pháp phòng, chống lũ lụt một cách kịp thời. Báo Nhân dân Điện tử Trung Quốc cũng liên tục đưa thông tin cảnh báo về việc có thể có lũ quét xảy ra ở nhiều khu vực. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đưa cảnh báo một số con sông ở tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông có thể chứng kiến lũ lụt vượt quá mức cảnh báo do siêu bão Yagi. Rõ ràng, công tác cảnh báo được chính quyền Trung Quốc đặc biệt coi trọng, đi kèm với đó là việc thực hiện cấp bách những giải pháp theo nguyên tắc “phòng hơn chống”.
Theo PGS, TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện nay, tại Australia cũng đã triển khai thực hiện hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến cung cấp dự báo chi tiết theo mùa và cảnh báo sớm về hiện tượng La Nina; quản lý lũ lụt với hệ thống phòng, chống lũ lụt rộng khắp, bao gồm đê và đập; chương trình nâng cao nhận thức và phòng ngừa lũ lụt trong cộng đồng.
Tại Hoa Kỳ, để ứng phó với La Nina, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai thực hiện giám sát khí hậu toàn diện. Theo đó, sử dụng rộng rãi dữ liệu quan sát từ vệ tinh và mặt đất để theo dõi khí hậu; đánh giá và dự báo chi tiết về rủi ro khí hậu.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới, PGS, TS Phạm Thị Thanh Ngà cho rằng, việc cảnh báo sớm vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp các cơ quan chức năng có sự chuẩn bị chu đáo mà còn tránh tâm lý chủ quan trong nhân dân, từ đó giúp việc ứng phó với La Nina đạt hiệu quả tích cực.
Đồng tình với quan điểm này, theo Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam Mai Văn Khiêm, việc đưa ra dự báo cũng như cảnh báo sớm thực sự cần thiết. Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, khi các cơ quan chức năng và người dân chủ động phòng, chống từ những dự báo, cảnh báo sớm thì việc giảm thiểu thiệt hại từ các cơn bão, hiện tượng sạt lở đất, lũ lụt là rất lớn.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các mặt của đời sống được thực hiện ngày càng sâu rộng, trong đó có ứng phó với thiên tai. Để đối phó với các hình thái thiên tai khắc nghiệt, bất ngờ, Trung Quốc đã áp dụng các công nghệ cao như vệ tinh và radar trong công tác cứu trợ thiên tai. Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng các vệ tinh trên quỹ đạo nhằm theo dõi thiên tai và hỗ trợ hoạt động cứu trợ, tái thiết. Theo các chuyên gia, những hình ảnh vệ tinh viễn thám sẽ giúp theo dõi nước lũ và tình trạng giao thông địa phương trong quá trình hoạt động, phân vùng rủi ro, đánh giá thiệt hại khi thiên tai xảy ra cũng như hỗ trợ người dân. Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng máy bay không người lái để giảm thiểu tác động của lũ lụt.
Là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai tới mức thiên tai trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người dân Hoa Kỳ, tại quốc gia phát triển này, công nghệ cao được áp dụng triệt để vào ứng phó thiên tai. Hiện nay, các mô hình AI đã bắt đầu được sử dụng để dự báo bão tại Hoa Kỳ. Phần mềm AI được đào tạo bằng cách sử dụng dữ liệu thời tiết trong quá khứ để tìm hiểu mối quan hệ nguyên nhân - kết quả của các hệ thống khí tượng khác nhau và có thể dự đoán hàng trăm biến số thời tiết từ trước nhiều ngày - một quá trình chỉ mất vài phút để cho ra kết quả.
Theo đại diện Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, nhiều thông tin khẳng định khoa học công nghệ thể hiện rõ vai trò trong quan trắc, phân tích và dự báo khí tượng thủy văn. Hệ thống quan trắc và truyền số liệu khí tượng thủy văn được cải tiến nhiều nhờ khoa học công nghệ. Các công nghệ dự báo, mô hình toán đã được áp dụng song cần quan tâm đến áp dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong dự báo.
Rõ ràng, công nghệ giúp các cảnh báo sớm về thiên tai tiếp cận được toàn diện hơn trong đó có những khu vực hẻo lánh, đặc biệt là những nơi hay hứng chịu thiên tai và dễ tổn thương trước thiên tai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy:
Công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) của Việt Nam đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các chỉ số cực đoan, bất thường chưa được như mong muốn.
Công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về mặt khoa học, kể cả các nước tiên tiến (ngay cả khi có được hệ thống quan trắc mưa, quan trắc dịch chuyển đất đủ dày).
Đánh giá chung, công tác cảnh báo, dự báo, thông tin tuyên truyền về mưa lũ, sạt lở đất được cơ quan Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định. Thông tin dự báo, cảnh báo về cơ bản phù hợp với diễn biến thực tế của mưa lũ dù trên thực tế có nhiều điểm bất thường và cũng đồng nhất với dự báo của các cơ quan dự báo quốc tế được cập nhật từng giờ. Tuy nhiên, dự báo chỉ số cực đoan, bất thường và dự báo chi tiết lũ quét sạt lở đất ở từng thôn bản chưa được như mong muốn.
Phải khẳng định, hiện tượng La Nina có thể làm gia tăng tần suất, cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm, trở thành một biến số khôn lường không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trang Fulcrum.Sg mới đây cho rằng, La Nina có thể là “con dao hai lưỡi” đối với các khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có Đông Nam Á. Nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam... sẽ phải đối mặt với tình trạng La Nina khi thời tiết có thể có những diễn biến phức tạp với những cơn bão lớn, lũ lụt trên diện rộng.
Tại Philippines, để ứng phó với La Nina, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai. Các cuộc diễn tập phòng ngừa thảm họa thường xuyên được tổ chức, đi cùng với đó là các chiến dịch giáo dục về cách phòng ngừa cũng như ứng phó trước thiên tai tới đông đảo người dân.
Tại Nhật Bản, học sinh ngay cấp tiểu học đã được tiếp cận với những bài giảng về phòng, chống hiểm họa cũng như các loại hình thiên tai phổ biến như: Động đất, lũ lụt, bão… Các chương trình giáo dục cách ứng phó thiên tai kéo dài đến hết trung học phổ thông.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra cuối năm 2023, đại diện Philippines đã chia sẻ về việc tập trung vào nâng cao tuyên truyền, giáo dục người dân về phòng, tránh các hiểm họa. Theo đó, Philippines tập trung vào việc giáo dục công chúng về các mối nguy hiểm. Các cộng đồng bị ảnh hưởng luôn được tư vấn và khuyến khích hợp tác với giới chức địa phương, cũng như chú ý tới các cảnh báo và tư vấn. Họ cũng được khuyến cáo nên chuẩn bị sẵn các túi đồ và bộ sinh tồn khẩn cấp.
Việc nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng tránh thiên tai tại nhiều quốc gia trên thế giới khá tương đồng với Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, bão lụt, Việt Nam cần phải có những biện pháp, đặc biệt cần nâng cao công tác tuyên truyền, kỹ năng hướng dẫn cho người dân cũng như các cấp chính quyền cơ sở; chủ động rà soát những khu vực dân ở, có nguy cơ rủi ro cao cần tổ chức di dời, khơi thông luồng lạch bị ách tắc... Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các chính quyền địa phương cần túc trực, tăng cường lực lượng hướng dẫn, theo dõi, giám sát.
Như vậy, để ứng phó với các hình thái thời tiết nguy hiểm, trong đó có La Nina, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với tiếp tục kết nối và tăng cường công tác trao đổi thông tin giám sát, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới với các Cơ quan Khí tượng thủy văn quốc tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc,...
La Nina là hiện tượng khí hậu phức tạp với tác động sâu rộng và không dễ dàng dự báo. Trong năm nay, dự đoán Việt Nam sẽ còn phải hứng chịu nhiều biến động thời tiết, từ hạn hán đến lũ lụt và bão lớn. Việc hiểu rõ hơn về La Nina sẽ giúp chính quyền cũng như cộng đồng có những chuẩn bị tốt hơn để đối phó với thách thức từ thiên tai.
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC