Đợt tiến công thứ 3: Dấu chấm hết cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Kết thúc đợt tiến công thứ 2, ta hạ quyết tâm mở đợt tiến công thứ 3. Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: Tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía Tây và phía Đông, thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân địch chuẩn bị cho tổng công kích.
Kế hoạch tác chiến của đợt tiến công thứ 3 được chuẩn bị sớm, khá chu đáo. Các đơn vị nhận nhiệm vụ 10 ngày trước khi đợt chiến đấu bắt đầu. Do đó, công tác chuẩn bị của các đại đoàn cũng có thêm thuận lợi.
--------------------------*****--------------------------
Tiêu diệt Đồi A1 - Nhiệm vụ buộc phải thắng!
Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này là tiêu diệt cho được A1. Từ sau đợt tiến công khu Đông, cứ điểm trên Đồi A1 trở thành nhức nhối đối với các đơn vị tham gia chiến dịch.
Rút kinh nghiệm từ những lần tiến công đánh chiếm A1 bất thành trước đó, Trung đoàn 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa của ta tại A1 tới dưới hầm ngầm của địch, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Đây quả là một kỳ công. Công binh của đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong vòng 14 ngày, và bảo đảm đào đúng hướng. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định riêng A1 sẽ đánh khi đường hầm ở A1 hoàn thành.
Nhiệm vụ đào đường hầm ở A1 thực sự gặp rất nhiều khó khăn ngoài dự đoán, trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân địch, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Đất Đồi A1 cực kỳ rắn, cả đêm đầu chỉ khoét được vào vách núi mỗi chiều 90cm, 3 đêm mới đào xong cửa hầm. Địch thì không ngừng bắn súng và ném lựu đạn. Khi đào vào sâu lòng núi thì gặp nhiều vấn đề khó khăn như thiếu không khí, đèn đuốc mang vào hầm đều bị tắt, đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều không được để địch phát hiện. Các chiến sĩ phòng ngự tại A1 quyết dù phải hy sinh tới người cuối cùng cũng bảo vệ bí mật tuyệt đối ý đồ đánh địch của ta.
17 giờ chiều 1-5-1954, bất thần tất cả các cỡ pháo của ta nhả đạn vào nhiều khu vực của tập đoàn cứ điểm. Lần này cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị kiềm chế, tê liệt. Đợt pháo kích kéo dài gần một giờ đồng hồ. Dứt tiếng pháo các đơn vị đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí.
Tại phía Đông, Trung đoàn 98 tiến công cứ điểm C1 lần thứ 2. Những cao điểm ta chiếm được ở khu Đông phát huy tác dụng. Sơn Pháo đặt trên Đồi D1 nhắm từng hỏa điểm trên C1 bắn rất chính xác.
Đại đội 811 của ta đã có 20 ngày đêm phòng ngự tại C1 được lệnh rời khỏi trận địa 200m cho hỏa pháo chuẩn bị. Dứt tiếng pháo, chỉ huy Đại đội lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách giữa ta và địch đưa bộ đội xông lên phía Cột Cờ. Chỉ sau năm phút, ta đã chiếm được Cột Cờ. Quân địch bắn xối xả vào khu vực Cột Cờ. Đại đội 1480 của ta từ phía dưới tiến lên đã kịp thời có mặt cùng với Đại đội 811 hình thành hai mũi tiến công chia cắt quân địch để tiêu diệt. Những trận đánh giáp lá cà diễn ra, quân địch ở C1 mất dần sức chiến đấu, nửa đêm, ta đã hoàn toàn làm chủ C1. Sau hơn 30 ngày đêm liên tục chiến đấu, trận đánh tại C1 lúc này đã kết thúc. C2 nằm gọn dưới nòng pháo không giật của ta.
Ở phía Đông sông Nậm Rốm, hai Tiểu đoàn 166 và 154 của Trung đoàn 209 tiến công các cứ điểm 505 và 505A. Tại đây ta và địch giành giật nhau từng ụ súng, từng chiến hào. 2 giờ sáng 2-5-1954, Trung đoàn 209 tiêu diệt hoàn toàn hai cứ điểm này chấm dứt sự tồn tại của trung tâm đề kháng Đô-mi-ních (Dominique).
Trên cánh đồng phía Tây, trận đánh tiêu diệt cứ điểm 311A của Trung đoàn 88 diễn ra rất nhanh chóng. Với những đường hào đã đào xuyên qua hàng rào, bộ đội ta diệt gọn cứ điểm trong vòng không đầy 30 phút.
Như vậy, ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ 3, địch đã mất thêm 4 cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía Đông và 311A ở phía Tây. Tại Hồng Cúm, trận vây ép đánh lấn khu C của Trung đoàn 57 đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, nên sáng 2-5 địch phải rút chạy khỏi đây.
Những đường hào thọc sâu của bộ đội ta trên cánh đồng phía Tây, đều nhắm thẳng về phía Sở chỉ huy De Castries. Tập đoàn cứ điểm đã bị dồn lại trong cái "ô vuông cuối cùng".
Đêm 4-5, trên cánh đồng phía Tây, sau khi tiêu diệt 311A, Đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B (Huguette 4) ở phía trong. Trung đoàn 36 tiêu diệt một đại đội gồm lính lê dương và lính Ma-rốc, đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Li-li (Lilie), tấm bình phong cuối cùng che chở cho Sở chỉ huy của De Castries ở hướng này.
Lực lượng quân Pháp lúc này ở Điện Biên Phủ còn khoảng 5.385 quân chiến đấu và 1.282 thương binh. Nếu so với sau đợt tiến công thứ 2 thì quân địch đông hơn do đã được tăng cường. Diện tích phân khu trung tâm còn không đầy 1 km2.
Trong ngày 5-5, Trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, gần một tấn bộc phá chia thành những gói 20kg được đưa vào đặt dưới hầm ngầm của địch.
Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định đẩy nhanh nhịp độ phát triển của đợt tiến công thứ 3 chuẩn bị mọi điều kiện sớm chuyển sang tổng công kích.
20 giờ 6-5, hỏa lực của ta tập trung bắn vào A1, C2, cứ điểm 506, Bắc Mường Thanh, cứ điểm 310, Tây Mường Thanh. Lần này có thêm sự phối hợp của 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng. Những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mới này đã làm cho quân đồn trú sống trong những công sự đắp đất đã bị mưa làm suy yếu hoảng sợ.
Địch đã có chuẩn bị. Khi pháo ta vừa ngừng bắn, tất cả những khẩu pháo còn lại của tập đoàn cứ điểm tập trung trút đạn xuống những trận địa chiến hào của ta xung quanh A1 và C2.
Bộc phá ngàn cân khuất phục Đồi A1
Trước giờ G năm phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của ngàn cân bộc phá.
Đúng 20 giờ 30 phút 6-5, một tiếng nổ trầm, không phải như chúng ta chờ đợi. Đồi A1 có một đám khói lớn đang phụt lên. Một số người phân vân “có phải đây là bom nổ chậm dịch thả lúc chiều?”. Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên và cuốn theo phần lớn Đại đội dù 2 của Pháp đóng ở đây.
Khối bộc phá một ngàn cân đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 của ta trong đợt trước tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng càng lên gần đỉnh đồi thì những đất đá từ hố sâu bốc lên đã làm quả đồi biến dạng và trở nên rất khó đi. Lợi dụng lúc đó, những tên lính dù còn sống sót của Đại đội 2 liên tiếp trút đạn liên thanh về phía ta. Đại đội 316 của ta đánh vào trận địa súng cối, Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm quân địch. Đại đội 3 của Pháp đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng.
Phía Tây-Nam, Tiểu đoàn 251 quyết định đưa ĐKZ lên bắn sập chiếc lô cốt “cây đa cụt” cắt đứt con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên.
Trên đỉnh đồi, những tên lính dù của Pháp dựa vào những chiến hào và công sự đã được củng cố trong thời gian qua ra sức chống đỡ chờ quân tiếp viện. Quá nửa đêm, ta quyết định đưa đại đội dự bị của Tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh. Bộ đội ta chia thành từng tổ nhỏ tiêu diệt dần dần từng ụ đề kháng của địch.
Sau khi tiêu diệt được vị trí "cây đa cụt", chỉ huy Tiểu đoàn 251 quyết định đưa một lực lượng xuống uy hiếp A3, đồng thời tổ chức một mũi đánh lên đỉnh đồi dồn quân địch ở A1 vào thế giữa hai gọng kìm.
Trong đêm 6-5, cũng ở phía Đông, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 506 (Eliane 10) cứ điểm rất quan trọng nằm bên đường 41 chạy tới Sở chỉ huy của De Castries. Ở phía Tây, Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chiếm xong cứ điểm 311 (Hugaette F), đưa trận địa tiến công của Đại đoàn vào cách Sở chỉ huy De Castries 300m.
Suốt đêm 6-5-1954, toàn bộ Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta tập trung tại Phòng Tác chiến theo dõi cuộc chiến đấu. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm khi được tin Trung đoàn 174 giải quyết xong A1, mục tiêu đợt tiến công thứ 3 đã gần hoàn tất.
Sáng 7-5-1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.
Có thể nói dùng bộc phá ngàn cân phá Đồi A1 là trận đánh táo bạo, mưu trí, trên cả sự can trường, dũng cảm phi thường của Quân đội ta, đây thực sự là một trận đánh huyền thoại!
Bắt sống tướng De Castries, xóa sổ cứ điểm “bất khả chiến bại”!
S
au khi hạ được cao điểm A1, thêm nhiều vị trí ở phía Tây và Tây Nam lọt vào tay ta, trong đó có cứ điểm 310 được coi là “con mắt” của khu trung tâm. Tiếp đó cứ điểm C2 bị tiêu diệt, cuộc phản kích của địch lên vị trí này bị đập tan. Toàn bộ khu vực phòng ngự then chốt của địch bị xóa sổ.
Sâu trong tung thâm, ta đã đánh chiếm các cứ điểm 507 gần cầu Mường Thanh và các cứ điểm 508, 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Trận địa súng cối bên kia sông, đối mặt với các vị trí này hoàn toàn bị tê liệt. Hơn chục cứ điểm còn lại trong khu trung tâm, kể cả Sở chỉ huy của De Castries đã phơi bày ra trước quân ta.
Trong hồi ký Đại tướng Hoàng Văn Thái có viết, do diễn biến khẩn trương và hiệu suất chiến đấu cao của đợt tiến công này, nhất là từ chiều 6-5, khiến chỉ huy mặt trận suy nghĩ đến việc điều chỉnh kế hoạch tác chiến đề ra ngày 22-4, trên cơ sở dự kiến có thể sớm xuất hiện thời cơ chuyển sang tổng công kích.
Từ sáng 7-5, vài chiếc vận tải cơ bay lượn trên bầu trời Điện Biên Phủ rồi quay về xuôi. Việc thả dù tăng viện và tiếp tế đã trở thành vô ích.
Các đài quan sát báo cáo địch ném vũ khí và quân dụng xuống sông. Trong các cứ điểm còn lại của địch, thỉnh thoảng phát ra những tiếng nổ.
Tin trinh sát kỹ thuật cho biết, tướng René Cogny, Chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Việt Nam đã ra lệnh cho De Castries hoặc ở lại với thương binh, hoặc phải tự sát tại trận, không được đầu hàng. Hai viên tướng đã trao đổi lời chào vĩnh biệt.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, ta phát hiện lác đác có cờ trắng xuất hiện trong một số vị trí địch. Bộ Chỉ huy mặt trận nhận định: Tình trạng hỗn loạn của địch mỗi lúc một rõ. Thời cơ đã đến.
15 giờ 7-5, Cơ quan tham mưu truyền đạt lệnh cho bộ đội trên toàn mặt trận chuyển sang tổng công kích trước giờ quy định. Phải đánh thẳng vào sở chỉ huy địch, không chờ đến tối, “phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho De Castries hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát”.
Tại trận địa Đại đội 360 của Tiểu đoàn 130 đã có mặt ở cứ điểm 508. Nhận được lệnh cấp trên, Đại đội 360 tiến vào khu trung tâm, nơi mà khói của những đám cháy mỗi lúc càng bốc cao. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu Đại đội 360 như một mũi tên lao đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốm. Tiếng hô “bắt sống De Castries!” đã cổ vũ quân ta xông lên. Sau khi loại bỏ sự kháng cự của địch, đồng chí Tạ Quốc Luật cùng hai chiến sĩ xông vào hầm bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, trong đó có Thiếu tướng De Castries.
17 giờ 30 phút, sĩ quan trực ban tham mưu mời đồng chí Tư lệnh Chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào máy. Đồng chí Lê Trọng Tấn Đại đoàn trưởng 312 báo cáo đã bắt được De Castries và toàn bộ cơ quan tham mưu của hắn.
Ở khu vực Hồng Cúm, Đại đoàn 304 dùng loa gọi địch đầu hàng. Chúng lợi dụng trời tối tháo chạy. Ta truy kích đến 24 giờ 7-5 bắt sống được toàn bộ quân địch.
Vậy là sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn, chiến dịch lịch sử đã giành được toàn thắng. Quân đội ta đã thắng, cả dân tộc ta đã thắng. Kế hoạch Navarre đã sụp đổ hoàn toàn!
--------------
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở Mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương ngày 8-5-1954.
“Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.
Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.
* Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị quốc gia.
* Sách Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội nhân dân
- Nội dung: ĐOÀN TRUNG (Theo hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sách "Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ")
- Ảnh: Tư liệu, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC