LONGFORMĐợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Từ đầu chiến dịch, ta đã nhận định, một nhược điểm lớn không thể khắc phục của địch là Tập đoàn cứ điểm nằm giữa hậu phương ta, cách xa căn cứ, mọi sự tăng viện và tiếp tế đều trông chờ vào đường không. Chỉ cần triệt con đường này, quân địch sẽ mất sức chiến đấu. Với việc xây dựng trận địa chiến hào bao vây thành công. Chiến thắng của ta chỉ còn là vấn đề thời gian. Chiến thắng sẽ tới sớm hơn nếu ta nhanh chóng tiêu diệt được những trung tâm đề kháng then chốt.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Bộ Chỉ huy Chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nhiệm vụ nặng nề phía trước

Chỉ sau 5 ngày chiến đấu (đợt 1 của chiến dịch, từ ngày 13-3-1954 đến 17-3-1954), cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang. Thành công của đợt 1 cũng chứng tỏ ta đã tìm ra cách đánh đúng, nên mặc dù quân Pháp hết sức đề phòng, vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt. Tuy nhiên, quân Pháp đã nhanh chóng bổ sung những thiệt hại về người và vũ khí trong mấy ngày qua.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Ảnh trái: Lính dù Pháp đổ bộ xuống Mường Thanh để thiết lập Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953. 3.000 lính Pháp và chiến cụ đã được thả xuống Điện Biên Phủ trong đợt đổ bộ này. Ảnh phải: Máy bay Douglas C-47 ‘Dakota’ của Pháp hạ cánh ở Điện Biên Phủ sau khi đường băng được thiết lập từ ngày 24-11-1953. Ảnh: Getty Images.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Những chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Sơ đồ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Khu trung tâm của địch với hơn một vạn quân, nằm bên dãy đồi phía Đông và ken chặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm. Như để giảm bớt sự khốc liệt của chiến tranh và như muốn tìm sự an ủi về tinh thần, nên hơn 30 cứ điểm ở đây được chia thành 4 trung tâm đề kháng đều được quân Pháp đặt tên của những cô gái đẹp: Huguette, Claudine, Eliane, Dominique. Mỗi trung tâm đề kháng gồm nhiều cứ điểm. Huguette và Claudine gồm khoảng 20 cứ điểm ở phía Tây, nằm trên cánh đồng bằng phẳng bên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Eliane và Dominique ở phía Đông, gồm hơn một chục cứ điểm tiếp giáp nhau bên tả ngạn sông Nậm Rốm, có những cao điểm lợi hại kiểm soát toàn bộ trận địa khu trung tâm. Trong số các cao điểm này, Eliane 2 (ta gọi là đồi A1) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực Sở Chỉ huy của tướng De Castries, Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm.

Tại Mường Thanh, địch chiếm tất cả những điểm cao quan trọng. Chúng xây dựng trận địa hầm hào vững chắc. Đây lại là địa hình quân địch có thể phát huy tối đa ưu thế về không quân, chiến xa và pháo binh kết hợp với những đợt phản kích của lực lượng cơ động thiện chiến. Địch sẽ khai thác những nhược điểm của bộ đội ta khi chiến đấu trên địa hình thiếu chỗ ẩn náu, khi chiến đấu ban ngày… Đây chính là thế trận quân địch đã bày sắn để chờ ta trên chiến trường do chúng lựa chọn.

Kế hoạch thắt cổ con nhím Điện Biên Phủ

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: Sự tiêu hao binh lực của ta trong đợt đầu không lớn, có thể được bù đắp nhanh chóng; nhìn chung các đơn vị vẫn sung sức, chưa kể là tinh thần còn được nâng lên sau những chiến thắng vừa qua. Nhưng tương quan lực lượng hiện nay, con nhím Điện Biên Phủ còn quá mạnh. Cần phải làm cho nó suy yếu trước khi bắt đầu trận quyết định.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Lực lượng pháo binh với sự có mặt của lựu pháo 105 mm bố trí xung quanh lòng chảo Điện Biên của ta đã tạo thành "quả đấm thép" chi viện hỏa lực kịp thời, chính xác, áp chế địch, tạo cơ hội để bộ binh ta đánh các trận then chốt, quyết định, bóc dần Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đảng ủy Mặt trận đề ra 3 nhiệm vụ cụ thể nhằm chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai:

1. Phải nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt Đông, Tây, Nam, Bắc, trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta, đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với khu Trung tâm.

2. Tiếp tục đánh "bóc" thêm một số cứ điểm ở ngoài "vỏ" Tập đoàn cứ điểm, theo nguyên tắc phải bảo đảm chắc thắng.

3. Phải khống chế sân bay của địch cho hiệu quả; chuẩn bị đánh địch phản kích; tăng cường những hoạt động nhỏ, tiêu hao, quấy rối quân địch.

Chúng ta dự kiến chiến dịch sẽ gồm 3 đợt. Đợt thứ nhất đã hoàn thành. Ta đang bước vào đợt thứ hai, siết vòng vây trận địa chiến hào, tiêu diệt và tiêu hao quân địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, làm cho kẻ địch suy yếu dần. Đợt này sẽ dài nhất, mang tính quyết định.

Nhiệm vụ cụ thể trao cho từng đơn vị như sau:

- Đại đoàn 312 được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm, một đại đội súng cối 82mm có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E, D1, D2 thuộc trung tâm đề kháng Dominique và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh địch ở cao điểm 210 và Tiểu đoàn dù 5 hoặc Tiểu đoàn dù 6 cơ động ở khu vực này.

- Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội súng cối 120mm có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1, C1, C2 thuộc trung tâm đề kháng Eliane và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

- Đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở Tây Mường Thanh, dùng bộ đội nhỏ tích cực dương công các cứ điểm 106 và cứ điểm 311 (trong cụm Huguette) ở phía Tây, cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào tung thâm khu Đông, tiêu diệt tiểu đoàn ngụy Thái số 2, trận địa pháo binh, phối hợp với Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

- Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105mm, một đại đội súng cối 120mm, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7mm, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía Nam Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở tung thâm phía Đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh địch.

Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ khi Quân đội ta thành lập cho đến thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi mở đầu chiến dịch ta mới chỉ đánh từng trung tâm đề kháng, từng tiểu đoàn đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng với nhiều tiểu đoàn đóng riêng lẻ, một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng với nhiều tiểu đoàn. Trận tấn công thứ hai của quân ta kéo dài từ ngày 30-3-1954 đến ngày 23-4-1954.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Ảnh 1: 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. Ảnh 2: Bộ đội ta ăn cơm dưới chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh 3: Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Bão lửa bắt đầu dội xuống quân địch

Sau 10 ngày (từ ngày 18-3-1954 đến 27-3-1954), quân ta trên toàn mặt trận tích cực đồng loạt đào được hơn 100km giao thông hào trục chính chạy vòng quanh phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm và các đường hào tấn công chọc thẳng vào các vị trí tiền tiêu của quân Pháp. Chiếc thòng lọng thít quanh cổ quân Pháp đã chính thức hoàn thành.

Đúng 18 giờ ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Mở đầu trận đánh, pháo binh ta dồn dập nhả đạn vào Sở Chỉ huy của De Castries cùng các điểm cao C1, D1, E1, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động của Pháp ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Quân Pháp hoang mang, không kịp trở tay đối phó do bị bất ngờ.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Tại cao điểm C1, quân ta lần đầu mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Sau 5 phút, Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã dọn xong cửa mở qua 7 lần rào dây thép gai. Chớp thời cơ hỏa lực địch đang còn tê liệt, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hạ lệnh xung phong. Đường dây điện thoại với trung đoàn bị đứt. Nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm, trung đoàn ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất, nhô lên trên đỉnh đồi, được gọi là mỏm Cột Cờ. Tiểu đội trưởng Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc sở chỉ huy. Quân Pháp dồn về những lô cốt ở khu vực phía Tây, gọi pháo bắn vào trận địa. Các chiến sĩ xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà. Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ Đại đội 140 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 Ma-rốc bị tiêu diệt và bắt sống. Quân ta chỉ bị thương vong 10 người.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Ảnh trái: Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh phải: Các chiến sĩ xung kích của ta tấn công một vị trí của địch trên khu đồi C. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đồi C2 kế tiếp C1 bởi một dải đất hình yên ngựa. 23 giờ, một trung đội của Đại đội 35, do Đại đội phó và Chính trị viên chỉ huy, vượt qua yên ngựa đột nhập được một đoạn hào của C2. Trung đội nhanh chóng phát triển chiếm liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Nhưng lực lượng phía sau qua nhiều lần xung phong đều bị hỏa lực rất mạnh của quân Pháp cản lại. Tiểu đoàn 215 quyết định lui về C1 tiếp tục chuẩn bị tạo điều kiện tiến công C2 ban ngày.

Tại cao điểm D1, Trung đoàn 209 sử dụng Tiểu đoàn 166 và Tiểu đoàn 154, thời gian mở cửa đột phá cũng diễn ra nhanh. Chỉ sau 5 phút, ở hướng chính, Tiểu đoàn 166 đã phá xong 3 lượt hàng rào và xung phong vào căn cứ. Bộ đội nhanh chóng thọc sâu chia cắt đội hình quân Pháp ra từng mảng để tiêu diệt. Chiến sĩ thi đua Trần Can, vừa được đề bạt Trung đội trưởng, một lần nữa lại băng lên cùng với tiểu đội đi đầu chiếm từng ụ súng, từng góc chiến hào. Tuy nhiên, ở hướng phụ, giao thông hào đã bị quân Pháp lấp mất 50m, Tiểu đoàn 154 tiến vào gặp lầy, mở cửa chậm bị hỏa lực trong đồn khống chế, phải mất gần một giờ mới lọt vào trong đồn. Viên Đại úy Jean Garandeau, Chỉ huy Tiểu đoàn 3 Angieri của Pháp bị pháo vùi chết trong hầm của Sở chỉ huy. Sau hai giờ chiến đấu, quân ta chiếm toàn bộ đồi D1.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Ảnh 1: Các chiến sĩ xung kích tấn công địch trên khu đồi C thuộc cụm cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm, trong đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 30-3-1954/30-4-1954). Ảnh 2: Bộ đội đánh phá cứ điểm đồi C3 của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh 3: Bộ đội ta tấn công cứ điểm đồi C4 của địch. Ảnh tư liệu: TTXVN.

Tại cao điểm E, pháo nổ đúng lúc diễn ra cuộc thay quân của Pháp giữa một đại đội của Tiểu đoàn 3 Angieri với đại đội của Tiểu đoàn dù 5 tới thay thế theo lệnh của Langlais, Chỉ huy trưởng Binh đoàn đổ bộ đường không số 2 của Pháp. Binh lính Pháp với đầy đủ trang bị đang tập trung dọc giao thông hào không có hầm trú ẩn chạy xô vào nhau. Đại đội súng cối hạng nặng của quân Pháp nằm giữa vị trí chưa kịp bắn loạt đạn nào đã bị pháo của ta tiêu diệt. Hai mũi tiến công của bộ đội thuộc Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428 (Trung đoàn 141) mở cửa qua hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn. Sau một giờ xung phong áp đảo, bộ đội chiếm toàn bộ cứ điểm. 19 giờ 45 phút, Trung đoàn trưởng Quang Tuyến báo cáo hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi E. Đại đoàn tiếp tục điều Tiểu đoàn 130 tiến công sang D2, các đơn vị vừa chiếm được đồi E phát triển vào các ngọn đồi ở phía trong. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến khi trời sáng.

Nhức nhối A1

Tại đồi A1, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động ra lệnh cho hỏa lực của trung đoàn bắn vào cứ điểm yểm hộ cho xung kích mở cửa. 30 phút đã trôi qua. Lúc này, pháo binh Pháp đã hồi sức, bắn dữ dội vào cửa mở. Các lô cốt, ụ súng ở tiền duyên dồn đạn về phía các chiến sĩ bộc phá để lùa những ống thuốc nổ phá hàng rào.

Phải mất hơn 30 phút, hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 251 và Tiểu đoàn 249 của quân ta mới vượt qua 100m rào và bãi mìn lọt vào đồn. Quân Pháp dựa vào địa thế tự nhiên của quả đồi, bố trí công trình phòng thủ thành ba tuyến. Bên ngoài, ở tiền duyên là tuyến chống cự chủ yếu. Tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực. Trên đỉnh đồi là tuyến cố thủ và Sở chỉ huy. Trong cứ điểm có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy, chịu được đạn súng cối và pháo. Lực lượng của quân ta đã phải chịu tổn thất nhiều để vượt qua cửa mở.

Lúc này cuộc chiến đấu trên những cao điểm khác đã kết thúc, quân Pháp dồn tất cả hỏa lực đại bác và súng cối vào A1 mong cứu vãn tình hình. Các đợt xung phong của Tiểu đoàn 255 của quân ta cũng không vượt qua hàng rào lửa đại bác. Quá nửa đêm ngày 30-3, cuộc chiến đấu tại A1 vẫn diễn ra giằng co. Mỗi bên giữ được nửa đồi.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sở Chỉ huy quân ta nhận định: Bộ đội đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1. Trung đoàn 174 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết A1; Trung đoàn 98 đánh xuống C2 không thành công, đã bị tiêu hao, cần điều một đơn vị khác tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt A1, và phòng ngự ở C1 ban ngày. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại. Đại đoàn 308 đưa Trung đoàn 102 từ phía Tây sang phía Đông, tiếp tục tiến công tiêu diệt A1 và phòng ngự tại C1.

Các mỏm đồi có tính sống còn đối với tập đoàn cứ điểm, đặc biệt là các đồi A1, C1, D1. Một mặt, quân Pháp dựa vào hầm ngầm, lô cốt để cố thủ và đưa quân từ các điểm khác dùng xe tăng và lính dù, lính lê dương phản kích các cứ điểm này vì có tính sống còn với quân Pháp.

Trận chiến đấu trên đồi A1 diễn ra vô cùng căng thẳng, khốc liệt và thiệt hại cho cả hai phía, giằng co, kéo dài đến tận chiều ngày 3-4-1954 thì tạm ngừng. Hai bên cố gắng củng cố và giữ vững phần đồi đã chiếm được.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Các đơn vị xung kích của ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Chiến thắng của quân ta trên đồi A1 đã trở thành một trong những chiến công huyền thoại đi vào lịch sử vẻ vang của QĐND Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 6-4-1954, dưới sự chủ trì của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức họp sơ kết đánh giá đợt tiến công thứ hai. Hội nghị nhận định: Sau 5 ngày chiến đấu, ở phía Đông ta đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu, làm chủ một phần cao điểm then chốt A1, địch đã phải kéo pháo chạy khỏi cứ điểm 210; ở phía Tây ta chiếm thêm được các cứ điểm 106, 311. Phạm vi chiếm đóng của địch thu hẹp khá nhiều, lực lượng của chúng cũng bị tổn thất lớn. Nhưng ta chưa hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn A1. Đây lại chính là một mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này.

Những ngày sau đó, tại những vị trí quân ta chưa dứt điểm được vẫn tiếp tục diễn ra những cuộc chiến đấu giằng co. Quân Pháp mở nhiều đợt tiến công phản kích nhằm giành lại một số vị trí đã mất, nhưng cơ bản đều bị quân ta đánh lui và đánh tan…

Cái chết không kịp cất tiếng kêu

Trận đánh cuối cùng của đợt tiến công thứ 2 là trận quân ta tiêu diệt cứ điểm 206 vào đêm 22-4-1954, đây là trung tâm đề kháng rất kiên cố, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh. Trận này, quân ta áp dụng thành công chiến thuật "đánh dúi", đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch, đến nỗi quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như "từ dưới đất chui lên" ngay giữa đồn địch. Trong vòng chưa đầy một giờ, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206. Phần lớn trong số 177 lính lê dương bảo vệ vị trí bị ta bắt sống. Bộ đội ta đã tiêu diệt được một vị trí quan trọng do một đơn vị lê dương sừng sỏ của Pháp bảo vệ với tổn thất không đáng kể. 22 giờ đêm, quân ta chiếm được đồn vậy mà đến tận sáng, Sở Chỉ huy của De Castries ở Mường Thanh vẫn chưa hề biết tin, mãi tới lúc rạng sáng, khi một lính lê dương sống sót từ cứ điểm 206 chạy về được sở chỉ huy báo cáo lúc đó quân địch mới biết cứ điểm 206 đã bị chiếm.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Từ trên xuống: Ngày 22-4-1954, quân ta bất ngờ tấn công vị trí 206 và tiêu diệt hoàn toàn vị trí này, đây là vị trí cuối cùng ở phía Tây sân bay Mường Thanh. * Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh - hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm. * Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. * Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. * Ngày 22-4-1954, vị trí 206 bị Quân đội ta tiêu diệt, quân địch còn sống sót giơ tay xin hàng. Ảnh tư liệu: TTXVN

De Castries đích thân hỏi chuyện người lính lê dương này. Anh ta báo cáo:

"Cứ điểm thất thủ không phải theo kiểu tập kích thông thường mà là Việt Minh đã đào những đường hầm xuyên dưới lớp rào và các công trình phòng ngự, vào tận trung tâm cứ điểm. Đúng nửa đêm, nền đất trong cứ điểm đột nhiên sụt lở khắp nơi. Lính trong cứ điểm như bị tê liệt tại chỗ. Đại úy Sovalie nhảy vội lên nóc hầm, chỉ huy khoảng 10 lính lê dương chống lại. Nhưng rồi, chính Đại úy cũng bị sụt dần như đứng trên bãi cát đang bị lún, giữa đám đông binh lính tầm vóc bé nhỏ đang xông đến từ khắp phía".

Một lần nữa chúng ta càng thấy rõ tác dụng to lớn của cách đánh nhỏ truyền thống, thể hiện sự thông minh, sáng tạo, chủ động của những người chiến sĩ sinh ra từ đồng ruộng, bám đất bám làng chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh. Cái chết không kịp cất tiếng kêu của cứ điểm 206 đã làm cho quân địch ở Điện Biên Phủ bàng hoàng. Từ giờ phút đó trở đi, mỗi khi đường hào của ta tới gần, quân địch ở trong cứ điểm không còn chỉ thấy đây là mối đe dọa, mà chính là cái chết đã tới, một cái chết không báo trước, xuất hiện từ lòng đất.

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

Ảnh trái: Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22-4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh phải: Bộ đội ta ăn mừng trên xác máy bay Pháp bị bắn rơi ở Mường Thanh. Ảnh tư liệu: TTXVN

Cắt đứt “dạ dày con nhím Điện Biên Phủ”

Trong thời gian mở đợt tấn công thứ hai, quân ta vừa dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn dưới mặt đất, vừa bắn máy bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch. Bộ đội cao xạ cùng với các đơn vị súng máy phòng không của các đại đoàn bộ binh tạo thành một lưới lửa khống chế bầu trời Điện Biên Phủ trong tầm cao từ 3 km trở xuống. Máy bay địch phải thả dù từ độ cao trên 3 km, nên một phần ba số dù đã rơi vào khu vực trận địa của ta; trong đó có khá nhiều đạn dược các loại cùng nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men, trở thành nguồn cung cấp khá quan trọng cho quân ta. Quân và dân ta ngày càng thêm phấn chấn, tích cực khắc phục khó khăn về tiếp tế, nâng cao quyết tâm giành thắng lợi; ra sức củng cố và giữ vững những vị trí đã chiếm được; tích cực chuẩn bị trận địa để tập trung đánh chiếm nốt đồi A1 và bước vào đợt tiến công cuối cùng giành toàn thắng.

(còn nữa)

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
Ảnh trái: Pháp huy động hàng trăm lượt máy bay chở quân và nhu yếu phẩm thả dù tiếp tế cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh phải: Trận địa phòng không của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ đã hoạt động hiệu quả trong việc ngăn chặn việc tiếp tế bằng đường không của Pháp cho Tập đoàn cứ điểm. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa

  • Đợt tiến công thứ 2: Siết vòng vây lửa
  • Nội dung: HUY ĐÔNG (theo sách Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị quốc gia; sách Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội nhân dân)
  • Ảnh: Tư liệu, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top