Dấu mốc lớn trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào
-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 13-9.
Chuyến thăm là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào phát triển lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, mang lại sự phồn vinh cho nhân dân mỗi nước.
-------------------***-------------------
Tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc
Hai dân tộc Việt Nam và Lào có truyền thống gắn bó từ lâu đời, được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Đặc biệt, kể từ khi có sự ra đời và lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ gắn kết ấy đã không ngừng phát triển và nâng lên về chất.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa đến nay, quan hệ Việt Nam-Lào chính là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về tình đoàn kết thuỷ chung, sắt son. Hai dân tộc anh em luôn chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, coi nhau là tình nghĩa ruột thịt, thân thiết, trước sau như một, dù gian nan hiểm nguy đến chừng nào cũng không thể chia tách được. Quan hệ Việt Nam-Lào, vốn được tạo dựng từ mồ hôi, công sức và máu xương của biết bao thế hệ người dân hai nước vì độc lập, tự do, hạnh phúc, đã trở thành quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn, tạo nguồn sức mạnh to lớn dẫn tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kể cả những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, quan hệ Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, tiếp tục phát triển vững chắc, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Trong quan hệ chính trị, hai bên luôn khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai nước, cần giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Hợp tác quốc phòng được lãnh đạo cấp cao hai nước ghi nhận tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Thời gian qua, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào đã đạt được nhiều kết quả thực chất, tạo sức lan tỏa cao về quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Chính phủ, Quân đội và nhân dân hai nước, thể hiện trên các lĩnh vực như: Trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; các cơ chế đối thoại, tham vấn; quản lý, bảo vệ biên giới; đào tạo, tập huấn, cử chuyên gia; hậu cần-kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng; tham vấn, ủng hộ nhau trên các diễn đàn, cơ chế đa phương, nhất là những cơ chế do ASEAN dẫn dắt... Trên cơ sở Nghị định thư và kế hoạch hợp tác hằng năm, hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được thúc đẩy và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, Việt Nam có 256 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt 2,8 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, có 6 dự án được cấp phép mới với vốn đầu tư đạt 36,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD. 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Hợp tác về văn hóa, giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hơn. Hiện nay, Việt Nam dành cho Lào khoảng 1.000 học bổng mỗi năm. Đến nay, có khoảng 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục của Việt Nam. Hai bên tổ chức tốt các chương trình văn hóa nghệ thuật tại mỗi nước.
“Những thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Ngoài ra, với việc tăng cường quan hệ đặc biệt Lào - Việt, cũng như vị thế, vai trò của hai nước được nâng cao đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trên thế giới và trở thành tấm gương sáng trong quan hệ quốc tế”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh khẳng định.
Hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith lần này diễn ra ngay sau khi đồng chí Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với hai Đảng, hai nước, diễn ra trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, chuẩn bị tốt Đại hội các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, chuyến thăm còn là dịp để hai bên thấu hiểu nhau hơn, thúc đẩy hợp tác toàn diện để ngày càng có nhiều thành quả, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Mặc dù tình hình khu vực và quốc tế có thay đổi phức tạp ra sao, trong đó có cả cơ hội và thách thức, hai nước Lào và Việt Nam vẫn ưu tiên cao nhất trong việc bảo vệ và tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Dự kiến trong chuyến thăm, lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ thông tin cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi về tình hình quốc tế; đánh giá kết quả đạt được trong hợp tác thời gian vừa qua, đặc biệt, đề ra phương hướng để nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Qua chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định sự coi trọng đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam-Lào; khẳng định nhận thức chung về truyền thống lịch sử đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau là một tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và cũng là nguồn sức mạnh to lớn của hai nước…
Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ Việt Nam-Lào mẫu mực, vô cùng trong sáng, hết mực thuỷ chung, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, một biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế. Những bài học lịch sử của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Đây chính là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và phu nhân sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, mang lại sự phồn vinh cho nhân dân mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Nội dung: LINH OANH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC