Thứ bảy, 21/06/2025 GMT+7

Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn

Thực hành thao tác buồm là một hoạt động thường xuyên trong những chuyến đi biển của sĩ quan, thủy thủ trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn, thuộc Hải đội 9, Trung tâm Huấn luyện thực hành và Huấn luyện kíp tàu, Học viện Hải quân.

Tham gia hải trình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại và huấn luyện đi biển đường dài năm 2025 trên con tàu đặc biệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, các học viên đào tạo sĩ quan của Học viện Hải quân đã được trải nghiệm thực tế và tham gia nội dung huấn luyện thao tác buồm cùng kíp tàu.

Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Nhận thấy điều kiện hướng gió, cường độ gió và dòng chảy thuận lợi cho việc hành trình bằng buồm, Thiếu tá Đoàn Tử Nguyên Ngọc, Thuyền trưởng Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn đã báo cáo chỉ huy hành quân, và ra quyết định thực hiện bảng bố trí thao tác buồm. Khẩu lệnh “All hands on deck! All hands for sail maneuver! Toàn tàu tập trung thao tác buồm!” được thuyền trưởng phát đi thông qua hệ thống loa trên tàu. Ngay sau khi có khẩu lệnh của thuyền trưởng, toàn bộ kíp tàu và các học viên nhanh chóng di chuyển lên mặt boong để thực hiện nhiệm vụ.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Lực lượng thao tác buồm được chia thành các tổ, mỗi tổ thực hiện thao tác một hệ thống buồm khác nhau. Ngay khi có mặt ở vị trí quy định, các đồng chí cán bộ phụ trách tổ phổ biến nhiệm vụ và triển khai cho các thành viên làm công tác chuẩn bị.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Trong quá trình chuẩn bị, lực lượng trực tiếp leo lên cột để tháo dây buộc buồm phải mang mặc bộ đồ bảo hiểm theo quy định. Đây là bộ đồ đặc biệt gồm móc khóa bảo hiểm bằng sắt và các dây đai an toàn.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Kiểm tra kỹ càng các dây đai và điều chỉnh để dây ôm sát thân người.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Sau khi thực hiện xong công tác chuẩn bị, Thiếu tá QNCN Đỗ Văn Quyền, Trưởng ngành Tổng hợp Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn, phụ trách tổ thao tác cột buồm Fore-mast (cột buồm phía trước), cùng cán bộ phụ trách các tổ khác, báo cáo chỉ huy các lực lượng đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Từ trên boong mũi, Thiếu tá Đoàn Tử Nguyên Ngọc ra lệnh cho các tổ bắt đầu thực hiện tháo dây buộc buồm.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Ngay lập tức, các thành viên kíp tàu leo lên vị trí để tiến hành tháo dây buộc buồm. Lực lượng học viên vào vị trí sẵn sàng kéo dây căng buồm khi có lệnh.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Nhờ huấn luyện và thực hành thường xuyên trong các chuyến đi biển trước đây, các thành viên kíp tàu đều là những thủy thủ dày dặn kinh nghiệm và có kỹ năng thao tác buồm thuần thục. Theo Trung tá QNCN Trần Viết Dũng, nhân viên radar của Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn, trong quá trình leo lên hay xuống thang dây, các thành viên phải tuân thủ quy tắc có ít nhất 3 điểm chạm (2 tay kết hợp 1 chân hoặc ngược lại); phải leo trên thang dây sao cho hướng gió thổi vào lưng để thân người ép vào thang; đặc biệt tất cả đều phải tập trung cao độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Khi leo đến vị trí quy định, các thành viên di chuyển ra từng cành buồm để tiến hành tháo dây buộc buồm. Đây cũng là nội dung khó nhất của quá trình thao tác buồm, bởi khi ở trên cao, người thủy thủ phải chịu lực tác động rất lớn do gió thổi và do dao động lắc qua lại của cột buồm. Thiếu tá Đoàn Tử Nguyên Ngọc, Thuyền trưởng Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn cho biết nếu như biên độ dao động lắc ngang ở trên mặt boong là 1 mét thì ở trên cành buồm cao nhất phải lên tới 4 mét. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn trong quá trình tháo dây buộc buồm, các thành viên thực hiện nhiệm vụ phải nắm chắc các quy tắc đảm bảo an toàn, tập trung cao độ, và thao tác thật cẩn thận, tỉ mỉ.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Các thủy thủ đứng trên hệ thống dây cáp, kết hợp giữa tay bám và chân nhích dần từng bước để tiếp cận vị trí tháo dây buộc buồm. Mỗi cành buồm có từ 14 đến 16 mối dây buộc. Quá trình tháo dây buộc, mỗi cành buồm chỉ cần 2 thủy thủ thực hiện thao tác, nhưng khi buộc lại buồm, cần từ 6 đến 8 thủy thủ thao tác trên mỗi cành buồm để đảm bảo cuộn buồm thật gọn gàng và nhanh chóng.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Trung úy Nguyễn Lê Hữu Phước, Chính trị viên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn cho biết, để tháo dây buộc buồm, các thành viên kíp tàu thường phải khom lưng, nhoài người về phía trước, vừa giữ cho cơ thể ép chặt vào cành buồm, vừa tiến hành thao tác. Trong điều kiện trời có dông gió, tàu rung lắc, nhiệm vụ này càng thêm khó khăn. Chính vì vậy, những thành viên kíp tàu đều phải rèn luyện thể lực thường xuyên để đảm bảo sức khỏe thực hiện nhiệm vụ.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Sau khi tháo dây buộc buồm, các thành viên kíp tàu di chuyển xuống dưới mặt boong, vào vị trí cùng các học viên chuẩn bị dây kéo buồm.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Các lực lượng tiến hành kéo dây căng buồm sau mệnh lệnh của thuyền trưởng.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Trong quá trình thao tác buồm, Thuyền trưởng Đoàn Tử Nguyên Ngọc trực tiếp quan sát và chỉ huy. Đồng chí cho biết, khi tàu di chuyển bằng buồm, người chỉ huy phải luôn cập nhật các thông số về hướng gió, tốc độ gió thông qua hệ thống thiết bị trên buồng hành trình, để quyết định sử dụng loại buồm nào, số lượng bao nhiêu, cũng như kịp thời điều chỉnh hướng buồm, đảm bảo tàu đi đúng vận tốc và kế hoạch đi biển đã được phê duyệt.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Quá trình kéo buồm, tất cả các thành viên đều phải tuân theo khẩu lệnh của thuyền trưởng và các tổ trưởng, đảm bảo lực kéo đồng nhất.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Khi các lá buồm đã được mở đúng vị trí, đủ số lượng theo tính toán, các lực lượng tiến hành khóa dây và cố định buồm.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Sau khi khóa dây, các lực lượng tiến hành cuộn gọn toàn bộ dây buồm trước khi trở về vị trí đợi lệnh. Quá trình tàu hành trình bằng buồm là quá trình các lực lượng luôn ở trong trạng thái trực, để sẵn sàng thao tác buồm khi có tình huống thay đổi về hướng gió, cường độ gió, hay dòng chảy.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Kết thúc hải trình bằng buồm, các lực lượng thực hiện thao tác thu, cuộn và buộc các lá buồm lại như ban đầu.
Thực hành thao tác buồm trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn
Giữa biển khơi lộng gió, mỗi hành động thao tác buồm như một biểu tượng khẳng định bản lĩnh, ý chí và kỹ năng đi biển của sĩ quan, thủy thủ tàu buồm. Với các học viên của Học viện Hải quân, tham gia hải trình cùng Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn không chỉ là cơ hội huấn luyện thực hành trên thao trường rộng lớn và sát thực tiễn nhất, mà còn là cơ hội để cảm nhận thực tế tinh thần đoàn kết, gắn bó và kỷ luật của những thủy thủ tàu buồm, từ đó thêm tin tưởng, tự hào, phấn đấu rèn luyện trở thành những sĩ quan hải quân ưu tú, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

TRUNG THÀNH (Thực hiện)

top