Được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy ngày 27-6-2024, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được kỳ vọng tạo cú hích mới thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng nước nhà vươn mình mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trên thực tế, nền công nghiệp quốc phòng của nước ta đã có sự đổi mới, phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định; các nhà máy của quân đội đã làm chủ công nghệ, với dây chuyền hiện đại, sản xuất được đầy đủ vũ khí, khí tài bảo đảm sẵn sàng chiến đấu đến cấp Sư đoàn bộ binh. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại thiết bị thông tin liên lạc, ra-đa, thiết bị bay không người lái... trang bị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tỷ lệ các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại và khả năng sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật được nâng cao, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30-5-2024.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy ngày 27-6-2024 với 100% các Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (464/464 đại biểu), khẳng định sự quan tâm của cử tri cả nước, sự ủng hộ của Đại biểu Quốc hội cũng như khẳng định vị thế, tầm quan trọng của Công nghiệp quốc phòng, an ninh đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.
Công nhân có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật cao, gia công nòng súng STV theo đúng quy chuẩn và kiểm tra với các thiết bị chuyên dụng. STV là dòng súng mới do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được tích hợp, cải tiến nhiều tính năng phù hợp với nước ta, đồng thời súng có nhiều biến thể cho đa dạng các nhiệm vụ.
Tổng lắp, kiểm tra và hoàn thiện. Đây cũng là khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất súng dòng STV hiện đang có trong biên chế một số đơn vị với các mẫu biển thể STV-215 và STV-380, súng có tích hợp thanh ray picatinny để lắp được nhiều phụ kiện như kính ngắm quang học, đèn, súng phóng lựu kẹp nòng...
Tổ hợp Ra-đa 3D chiến thuật và Ra-đa 3D cảnh giới tầm trung của Viettel sản xuất, trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022. Đây là những sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng nước ta có tỷ lệ nội địa hóa cao, đòi hỏi trình độ kỹ thuật tiên tiến.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Đoàn công tác đến khảo sát thực tế tại Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngày 7-12-2023.
Khối chiến sĩ bộ binh trang bị súng STV mới tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chiến sĩ Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101, Vùng 4 Hải quân sử dụng súng STV-380 gắn súng phóng lựu kẹp nòng SPL-40.
Chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh cơ giới 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12 sử dụng súng STV-215 gắn kính ngắm quang học, ra khỏi xe chiến đấu bộ binh và triển khai đội hình tiến công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan nguyên mẫu Xe chiến đấu bộ binh bọc thép XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thiết kế và chế tạo.
TUẤN HUY - VŨ PHONG - PHAN ANH - TRỌNG QUỲNH (thực hiện)