Tàu 20 thuộc Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân, cùng Đoàn công tác Hải quân nhân dân Việt Nam do Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân làm Trưởng đoàn đang thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng khi tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Hàng hải và Hàng không vũ trụ Quốc tế Langkawi (LIMA) 2023 tại Malaysia và Diễn tập Hải quân đa phương Komodo lần thứ 4 (MNEK-4) tại thành phố Makassar, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia.
Tàu 20 rời Đà Nẵng ngày 14-5 và theo kế hoạch sẽ trở về Vùng 3 Hải quân ngày 17-6. Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó chủ nhiệm Hậu cần, Vùng 3 Hải quân cho biết, trước chuyến đi việc bảo đảm cung cấp bổ sung nhiên liệu và nước ngọt đã được phối hợp với đối tác nước ngoài; quân trang và sức khỏe cho bộ đội cho chuyến công tác là những nhiệm vụ ngành hậu cần đã chuẩn bị. Tuy nhiên, bảo đảm các bữa ăn đúng tiêu chuẩn, đủ dinh dưỡng, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp khẩu vị cho một chuyến công tác dài ngày là một nhiệm vụ quan trọng của ngành hậu cần Vùng 3 Hải quân.
Tàu 20 trên vịnh Langkawi, Malaysia. Đảm bảo hậu cần cho chuyến đi đối ngoại quốc phòng tới 2 quốc gia với hải trình hơn 5000 hải lý là một nhiệm vụ quan trọng với ngành hậu cần Vùng 3 Hải quân.
Đại uý Hồ Sỹ Làn (bên trái), Trợ lý Quân nhu, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân, cho biết lương thực, thực phẩm phải đảm bảo đủ cho 90 người trong cả chuyến công tác kéo dài hơn một tháng.
Thực phẩm ngoài việc được lựa chọn mua từ các đối tác có uy tín vẫn phải được kiểm tra thường xuyên và bảo quản đúng cách trước khi cho xuống tàu và trong suốt hải trình.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình (bên trái), Phó chủ nhiệm Hậu cần, Vùng 3 Hải quân cho biết, bảo quản rau xanh luôn là việc khó nhất. Tuy ngành hậu cần Vùng 3 Hải quân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo quản rau nhưng kiểm tra kho bảo quản hằng ngày là việc bắt buộc.
Ngoài các loại rau, các “anh nuôi” Hải quân cũng chọn nhiều loại củ, quả vừa dễ bảo quản, vừa bảo đảm dinh dưỡng và đổi món cho bộ đội. Trong ảnh: Trung tá QNCN Hoàng Xuân Hoài, Quản lý tàu 20 đang lấy mướp đắng, dứa và hành lá từ khoang lạnh lên bếp.
Cá là một trong những loại thực phẩm cần được bảo quản ở độ lạnh sâu và được lấy ra để rã đông theo khẩu phần ăn cho từng ngày. Cá được chế biến thành nhiều món như kho, nướng, canh chua, hay rán.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết, các món ăn cho từng ngày trong chuyến đi đã được lên thực đơn từ trước. Cách chế biến các món cũng đa dạng, hợp khẩu vị với các thành viên trong đoàn. Trong ảnh: Thiếu tá QNCN Hoàng Khánh Hoàn, Bếp trưởng Tàu 20, đang tẩm ướp gia vị để nướng cá.
Bữa ăn nào cũng có rau xanh. Các “anh nuôi” tiết lộ, nếu cần, họ có thể làm giá đỗ ngay trên tàu.
Thiếu tá QNCN Cao Tiến Quang, nhân viên bếp, đang làm món canh bầu nấu tép. Trên tàu 20 có hai nồi điện nấu canh hình vuông. Các anh nuôi có thể dùng nồi này để chế biến nhiều món ăn theo truyền thống Việt Nam.
Các món ăn trên tàu rất phong phú. Các đầu bếp luôn tất bật để phục vụ ba bữa trong ngày. Bữa ăn đêm sẽ được phục vụ riêng cho các cán bộ trực ca hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ.
Vì có lò nướng nên trong chuyến đi dài ngày thỉnh thoảng sẽ có món cá nướng, thịt ba chỉ nướng hoặc gà nướng.
Gà nướng hay thịt chân giò luộc luôn có thêm chút lá chanh cho … dậy mùi.
Tuỳ vào vị trí phòng ăn mà bếp trưởng chia thức ăn vào đĩa, hoặc khay cho phù hợp. Các món ăn đều được lưu mẫu để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Món tráng miệng cũng được bảo đảm phong phú theo từng bữa ăn như dưa hấu, xoài, nhãn, bưởi…
Tiêu chuẩn ăn khi tàu Hải quân đi đối ngoại được bảo đảm như đi công tác trên biển. Trong ảnh là một bữa cơm với các món như cà tím xào, cá chim nướng, sườn sốt chua ngọt, và canh mướp đắng nấu thịt.
Mọi phương án bảo đảm thực phẩm đều được tính toán kỹ lưỡng. Lương khô sẽ được sử dụng trong tình huống thời tiết xấu không thể nấu ăn được.
NGỌC HƯNG (thực hiện, từ eo biển Malacca, Malaysia)