Trung tướng Nguyễn Kiệm: Vị tướng trận mạc, liêm chính
Tuổi thơ nhiều cơ cực, thường phải đi mò cua bắt cá, làm thuê phụ giúp gia đình, ông không có điều kiện học hành. Thế nhưng chính những năm tháng trong quân ngũ đã tôi rèn ông trở thành một tướng lĩnh cấp cao, được đồng đội và bạn bè kính trọng bởi tài năng và đức độ. Ông là Trung tướng Nguyễn Kiệm (tên khai sinh là Nguyễn Văn Kiệm), nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 312-Sư đoàn Chiến Thắng.
Nguyễn Kiệm quê ở thôn Bình Lục Thượng, xã Hồng Phong, huyện Đông Triều (nay là khu Bình Lục Thượng, phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh. Con sông Đạm, dãy núi Đoàn, có Đồn Cao gần nhà, là những địa danh in đậm năm tháng tuổi thơ gian khó và cũng là động lực để ông quyết định xa nhà đi chiến đấu để giải phóng quê hương.
Cuộc đời binh nghiệp của vị tướng tương lai bắt đầu là chiến sĩ của huyện đội Đông Triều, sau biên chế về Đại đội 41, Tiểu đoàn 23, Đại đoàn 308, rồi là chiến sĩ liên lạc của Đại đội Tô Văn, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308.
Những năm đầu quân ngũ, chiến sĩ Nguyễn Kiệm làm liên lạc chiến đấu ở Đại đội Tô Văn, tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở Thất Khê, Đông Khê và Tây Bắc. Dù trẻ tuổi, dáng người nhỏ thó nhưng Nguyễn Kiệm rất nhanh nhẹn, dũng cảm. Qua những chiến dịch, dù còn trẻ nhưng Nguyễn Kiệm đã thể hiện là chiến sĩ rất hăng hái, không sợ hy sinh.
Năm 1951, ông được tổ chức tin tưởng, cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân khóa 7. Kết thúc khóa học (tháng 10-1952), Nguyễn Kiệm được bổ nhiệm làm trung đội phó, sau đó là trung đội trưởng, đại đội phó Đại đội 401, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Ngày 23-11-1953, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1954, đón Tết cổ truyền của dân tộc ở trong rừng xong, ông cùng đồng đội bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội 401 của Nguyễn Kiệm đã chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến thắng chung của đơn vị.
Đại đội phó Kiệm đã trực tiếp chỉ huy bắn cháy 1 xe tăng, hạ 2 máy bay. Đồng thời chỉ huy bộ đội giải vây cho Tiểu đoàn 115, buộc địch ở Bản Kéo và sân bay Mường Thanh phải rút chạy, tạo thời cơ cho các hướng tiến công khác tiêu diệt các cứ điểm, tiến tới toàn thắng vào ngày 7-5-1954.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nguyễn Kiệm trở lại quê nhà Đông Triều, Quảng Ninh sau nhiều năm xa cách. Giờ đây, Nguyễn Kiệm đã là chàng trai chững chạc, qua thử thách lửa đạn và cuộc sống, trở thành một sĩ quan quân đội với chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 760, Trung đoàn 186 (còn có một phiên hiệu khác là Trung đoàn 4), Đại đoàn 312 (từ tháng 6-1955, đổi thành Sư đoàn 312).
Sau chuyến về quê, Nguyễn Kiệm trở lại đơn vị với bộn bề công việc nhà binh và những dấu mốc trong sự nghiệp: Từ Đại đội 760 của Trung đoàn 186, năm 1957, ông được điều động làm trợ lý cán bộ của trung đoàn; sau đó là tham mưu phó Tiểu đoàn 10 của trung đoàn; năm 1959 là Trưởng ban Tác huấn trung đoàn; rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10.
Sau khoảng một năm rưỡi (1962-1964) Nguyễn Kiệm với quân hàm đại úy được cử đi học tại Học viện quân sự trung cao. Ông quay trở lại làm Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 186 đến năm 1966.
Như vậy, ông có khoảng hơn 10 năm gắn bó với Trung đoàn 186. Đây là trung đoàn pháo binh, thành lập từ ngày 23-9-1955, gồm 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 10 pháo 75mm, Tiểu đoàn 11 pháo 105mm và Tiểu đoàn 12 cối 120mm. Ngay từ buổi đầu thành lập, hầu hết các đơn vị; cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã được tôi luyện trong khói lửa ác liệt của chiến trường, đánh giỏi lập nhiều chiến công.
Ký ức về thủ trưởng Nguyễn Kiệm hồi ở Trung đoàn pháo binh 186 vẫn còn khắc khoải trong câu chuyện với các cựu chiến binh Sư đoàn 312 trong buổi gặp với chúng tôi ở Thái Nguyên. Ông Nguyễn Văn Thử và Nguyễn Tiến Chuyền những năm 1964-1965 ở cùng một khẩu đội, ông Chuyền là khẩu đội trưởng, ông Thử là pháo thủ số 1.
Người chỉ đạo huấn luyện và chỉ huy của các ông chính là đồng chí Nguyễn Kiệm, lúc đó là tham mưu phó trung đoàn. Ông Thử nhớ lại: Cuối năm 1964, Sư đoàn 312 tổ chức hội nghị chiến sĩ thi đua. Tôi vinh dự thay mặt cho khẩu đội dự hội nghị và báo cáo thành tích.
Sau khi tôi báo cáo, rất bất ngờ, thủ trưởng Kiệm bước lên ôm lấy tôi và nói với chỉ huy sư đoàn: Trong huấn luyện và bắn thử vừa qua, khẩu đội đồng chí Thử có sáng kiến dùng pháo cối 120 mm bắn thẳng. Đây là sáng tạo có lẽ đầu tiên của Quân đội ta khi dùng pháo cối bắn thẳng. Cả hội trường vỗ tay rầm rầm.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tý, nguyên Giám đốc Công ty cấp nước Thái Nguyên cũng một thời ở Trung đoàn 186 với ông Nguyễn Kiệm. Lúc đó ông Tý là tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát. Dù vị trí, chức vụ có cách xa nhau nhưng hồi ấy quan hệ cán binh gần gũi lắm, nên ông Tý rất hiểu người thủ trưởng của minh.
Theo cựu chiến binh này thì thủ trưởng Nguyễn Kiệm là người có tâm, có tầm và có tài, vị chỉ huy hiểu sâu sắc và luôn tìm ra cái mới. “Tôi nhớ mãi chỉ đạo của tham mưu phó Nguyễn Kiệm với chúng tôi: Bắn trên sa bàn cũng phải biết cách bắn. Thời điểm nào bắn đạn nổ trên không, nổ tức thì, nổ khoan… Phải là người chỉ huy sâu sát và sâu sắc thì mới chỉ đạo cụ thể như thế”.
Tháng 7-1966, Thiếu tá Nguyễn Kiệm chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo binh 186, về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Ba tháng sau, ông đi học tại Học viện Quân sự. Tháng 3-1967, ông trở lại làm trung đoàn phó Trung đoàn 209 khi toàn quân đang có sự điều chỉnh lực lượng lớn, đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường.
Trung tuần tháng 9-1969, Trung đoàn phó Trung đoàn 209 Nguyễn Kiệm cùng trung đoàn và đơn vị bạn gấp rút chuẩn bị hành quân trên chặng đường dài, thực hiện luồn sâu, mở hành lang vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị kỹ thuật đến vị trí tập kết của Chiến dịch 139 (Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng) tại Lào.
Đêm 24-2-1970, Trung đoàn phó Nguyễn Kiệm trực tiếp chỉ huy hai đại đội đánh địch. Sau hơn 30 phút chiến đấu quyết liệt, quân ta diệt một bộ phận sinh lực địch, làm chủ trận địa.
Dưới sự chỉ huy quyết đoán của ông, Trung đoàn 209 đã góp phần cùng các lực lượng giải phóng hoàn toàn thị xã Xiêng Khoảng, đập tan cuộc hành quân “Cù kiệt” của địch, thu hồi địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, tạo thế cho cách mạng Lào phát triển.
Bước sang năm 1972, trước hành động leo thang chiến tranh mới của địch phá hoại miền Bắc, theo mệnh lệnh của bộ, Sư đoàn 312 hành quân từ Cánh Đồng Chum về Quân khu 4 củng cố tổ chức, bổ sung quân số và vũ khí trang bị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu mới. Đồng chí Nguyễn Kiệm được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Sư đoàn 312.
Ngày 2-7-1972, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định điều Sư đoàn 312 vào chiến đấu ở Quảng Trị, đảm nhiệm phòng ngự toàn khu vực từ Tích Tường, Như Lệ đến Đồi Đá, động Ông Do diện tích khoảng 35km2.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Lã Thái Hòa, sự giúp đỡ của cơ quan tham mưu Mặt trận B5, Tham mưu phó Nguyễn Kiệm và cơ quan tham mưu của Sư đoàn 312 đã nghiên cứu xác định các khu vực phòng thủ quan trọng từ đó quyết định tổ chức lực lượng chiến đấu và bố trí các cụm phòng ngự.
Trong đó cụm điểm cao 52-29-15 làm cụm trận địa then chốt trong thế trận phòng ngự của sư đoàn. Tại đây, Tham mưu phó Nguyễn Kiệm đã tham gia một số trận đánh quan trọng. Đại tá Bùi Viết Từng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 1, trong chiến dịch tại Quảng Trị, ông là trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn 18 thông tin, Sư đoàn 312.
Ông Bùi Viết Từng kể: “Do thông tin thường “kẹp nách” thủ trưởng nên tôi có điều kiện gần gũi, công tác với thủ trưởng Kiệm nhiều. Trong chiến đấu, ông luôn hăng hái, dũng cảm. Tôi nhớ mãi đêm 17-12-1972, địch sử dụng B-52 đánh vào sở chỉ huy sư đoàn bộ. Hầm quân y hy sinh không còn ai. Hầm của Ban Tuyên huấn cũng 3 người hy sinh.
Trong tình huống khó khăn, tổn thất, tôi vẫn thấy ông Kiệm bình tĩnh, động viên, chỉ huy các lực lượng chiến đấu vào khắc phục hậu quả. Bản thân ông cũng một số lần bị thương, có lúc ở vào khu vực địch tấn công vũ khí hóa học nhưng không hề nao núng, vẫn kiên cường vượt qua…”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường Quảng Trị và bảo vệ, xây dựng vùng giải phóng, Sư đoàn 312 hành quân về bắc Thanh Hóa củng cố, huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Thời gian này, Trung tá Nguyễn Kiệm được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 312. Sau đó là Phó tư lệnh Sư đoàn và được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ tham gia Ban liên hợp quân sự 4 bên tại sào huyệt của kẻ thù ở Sài Gòn và một số địa bàn thuộc miền Nam.
Lúc sinh thời, với sự kín đáo và khiêm tốn, ông Nguyễn Kiệm cũng ít kể về những ngày ấy. Ông chỉ cho biết, thời gian này, các thành viên trong đoàn phải luôn giữ vững nguyên tắc khi làm việc, hoạt động nào cũng có người ghi chép tỉ mỉ. Vì hoạt động trong lòng địch nên mọi người luôn cảnh giác, đi đâu, làm gì đều phải báo cáo tổ chức và không được đi một mình.
Hoàn thành nhiệm vụ tại Ban liên hợp quân sự 4 bên, ông Nguyễn Kiệm về Sư đoàn 312 tiếp tục công tác. Lúc này, trên chiến trường miền Nam có nhiều biến chuyển. Ngày 29-3-1975, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 312 lên đường chiến đấu.
Trong đội hình Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 đã thực hiện thắng lợi cuộc hành quân thần tốc từ Thanh Hóa vào Đồng Xoài trong 14 ngày đêm, kịp thời tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.
Là Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Sư đoàn 312, ông Nguyễn Kiệm đã trực tiếp tham mưu, xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ huy nhiều hướng, mũi, trận đánh quan trọng.
Theo các nhân chứng của Sư đoàn 312, Phó tư lệnh Nguyễn Kiệm là người tích cực vận động các đơn vị bạn chi viện thuốc nổ (khoảng 5 tấn) cho Trung đoàn 165 đánh Lai Khê Phú Lợi, tiêu diệt sư đoàn 5 ngụy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương.
Ông cũng trực tiếp đi cùng và chỉ đạo Trung đoàn 209 tiến đánh bao vây, chia cắt địch ở Đường 13, 14 không cho địch rút chạy về Thủ Dầu Một. Trận này, Trung đoàn 209 đã bắn cháy 4 xe tăng và 2 xe ô tô chở lính của trung đoàn 88 ngụy...
Từ năm 1975 đến 1988 có thể coi là thời kỳ đặc biệt của đất nước và quân đội ta. Chúng ta vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa củng cố, điều chỉnh lực lượng, vừa phải tiến hành chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước.
Tiếng súng ở biên giới Tây Nam vừa yên thì ngày 17-2-1979 lại bùng nổ trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Chiều 17-2, Sư đoàn 312 nhận lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Ngày đêm hôm đó, Tư lệnh Sư đoàn 312 Nguyễn Kiệm và Chính ủy Đỗ Trường Quân cùng các đồng chí trong chỉ huy sư đoàn, chỉ huy các trung đoàn, các cơ quan và đơn vị trực thuộc họp, triển khai nhiệm vụ cho các đơn vị.
Trước thềm năm mới 1980, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh quân sự Quân đoàn 1. Ông chia tay cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 với bao tình cảm và kỷ niệm lưu luyến của 28 năm gắn bó với sư đoàn, đi qua 3 cuộc chiến tranh, trên nhiều chiến trường nóng bỏng trong nước và quốc tế.
Nhận nhiệm vụ mới, Phó tư lệnh Nguyễn Kiệm cùng thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là tình hình ở biên giới phía Bắc diễn biến khá phức tạp. Đến tháng 10-1983 đồng chí Lê Nam Phong, Tư lệnh Quân đoàn 1 được điều về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, đồng chí Nguyễn Kiệm được bổ nhiệm làm Tư lệnh.
Nhận trọng trách là người chỉ huy cao nhất của Quân đoàn 1- Binh đoàn Quyết Thắng - quân đoàn cơ động dự bị chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với ông Nguyễn Kiệm vừa là vinh dự, vừa là gánh trách nhiệm lớn lao ở vào thời điểm tròn 10 năm sau ngày Quân đoàn ra đời.
Ngày 24-6-1984, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Trung đoàn 141 của Quân đoàn 1 được tăng cường cho Quân khu 2 làm nhiệm vụ chiến đấu tại Vị Xuyên – Hà Tuyên. Sau nhiều lần đi thực tế chiến trường, Tư lệnh Nguyễn Kiệm phân tích, đánh giá cụ thể về tác chiến ở biên giới, về đặc điểm địa hình, hệ thống phòng ngự và thủ đoạn của đối phương.
Ông chỉ rõ, đặc điểm về địch, về địa hình, thời tiết, thủy văn, vũ khí trang bị… hiện nay có nhiều điểm khác so với cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây. Mặt khác, địa hình bên ta thấp hơn nên tác chiến bất lợi.
Phải nắm chắc đặc điểm ấy để tranh thủ điều chỉnh, bổ sung huấn luyện bộ đội với yêu cầu tác chiến ở rừng sâu, núi đá; binh lực phải phân tán thành tổ, nhóm, chốt nhưng hỏa lực phải tập trung… Trong năm 1984, Tư lệnh Nguyễn Kiệm đã chỉ đạo 6 cuộc hội thao, hội thi lớn nhằm đánh giá kết quả và nâng cao chất lượng huấn luyện của các đơn vị, đáp ứng với thực tiễn tình hình nhiệm vụ mới.
Dưới sự chỉ đạo của ông, mặc dù chỉ có một sư đoàn tăng cường tham gia chiến đấu trong một thời gian ngắn nhưng thực tế Quân đoàn 1 đã báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn đơn vị, tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường tăng cường cho Sư đoàn 312 chiến đấu. Quân đoàn 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ giao
Tháng 6-1988, do yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Nguyễn Kiệm được điều về Bộ giữ cương vị Phó Tổng Thanh tra Quân đội.
Trong hơn 10 năm công tác ở cơ quan Thanh tra Bộ Quốc phòng, trong đó có 6 năm là Tổng Thanh tra và Chánh Thanh tra, Trung tướng Nguyễn Kiệm đã có những đóng góp quan trọng trong thành tích chung, tạo nền nếp, vị thế, uy tín cho ngành Thanh tra Quốc phòng.
Hàng loạt các quy chế, quyết định quan trọng về ngành thanh tra, công tác thanh tra, hàng trăm cuộc thanh, kiểm tra trên các lĩnh vực với các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tạo dấu ấn và góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 8-1998, sau hơn nửa thế kỷ công tác liên tục, trải qua nhiều cương vị, trọng trách, Trung tướng Nguyễn Kiệm nghỉ công tác khi đã 67 tuổi. Hơn nửa thế kỷ ròng rã đi khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, từ trong nước sang nước bạn, đi qua 3 cuộc chiến tranh, 2 lần bị thương, một số lần bị sức ép. Lúc này, ông mới thật sự được hoàn toàn gần gũi bên gia đình với người vợ hiền và các con thương yêu.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông mất năm 2010. Cho đến tận bây giờ, trong ký ức của người thân và đồng đội, Trung tướng Nguyễn Kiệm luôn là một con người đức độ, liêm chính, một vị tướng tài năng của quân đội. Ông đã trải qua một cuộc đời hy sinh, phấn đấu liên tục. Ông đã để lại cho quân đội, cho đồng đội một tấm gương, một ý chí, nghị lực-Một vị tướng trận mạc, liêm chính!
- Nội dung: SONG THANH
- Ảnh: BÍCH TRANG, TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC