QĐND Online – Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hiếm có tờ báo nào nhận được sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Bác Hồ như Báo Quân đội nhân dân. Là người cha của các lực lượng vũ trang nhân dân, Người dành rất nhiều tình yêu thương cho tờ báo chiến sĩ: Tờ báo được Người đặt tên và ra chỉ thị căn dặn những điều căn cốt từ số báo đầu tiên, nhiều lần được Người trực tiếp góp ý, phê bình; tặng nhiều huy hiệu cho những gương tốt báo đăng. Những ngày ở chiến khu, Bác Hồ còn nhiều lần gửi quà tặng, quan tâm đến đời sống đội ngũ cán bộ, phóng viên của báo…
Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với Báo Quân đội nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm tới báo chí trong lực lượng vũ trang từ rất sớm, từ trước khi quân đội ta ra đời. Ở đâu có bộ đội, ở đó có báo chí quân đội luôn là tư duy nhất quán và là sự trăn trở, mong muốn của Người.
Tháng 1-1927, Người đã sáng lập Báo Lính kách mệnh, cơ quan của Thanh niên Cộng sản Đoàn để vận động giác ngộ binh lính người Việt trong quân đội thực dân Pháp liên minh với công nông làm cách mạng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thành trong cuốn “Báo chí cách mạng Việt Nam” (1925-1945, Nxb KHXH, H.1984), năm 1944 đã có 3 tờ báo ra đời liên quan đến lực lượng vũ trang gồm: Tờ Chiến đấu số 1 ra ngày 25-8-1944, tờ Kèn gọi lính số 1 ra ngày 17-10-1944- cả hai tờ sau đều là cơ quan tuyên truyền của Hội Quân nhân cứu quốc. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội ta ngày nay ra đời theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tờ bích báo Tiếng súng reo của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng được thành lập.
Năm 1947, sau Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất, Tổng Quân ủy chủ trương xuất bản một tờ báo mới của lực lượng vũ trang, mang tên Báo Vệ Quốc quân trên cơ sở sáp nhập hai tờ báo Sao Vàng và Chiến Thắng. Trên trang nhất số báo đầu tiên phát hành ngày 10-3-1947 đã đăng “Thư Hồ Chủ tịch chúc mừng Báo Vệ Quốc quân”. Bức thư có đoạn: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ Quốc quân là để nêu cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”.
Sang giai đoạn tác chiến hè thu 1948, công việc bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi từng bước đi của Báo Vệ Quốc quân. Chẳng những đọc kỹ từng số báo mà Người còn dành thời gian góp ý cụ thể ưu khuyết điểm của báo. Tại chiến khu Việt Bắc, Bác vẫn gọi các đồng chí phụ trách báo cáo tình hình tờ báo, hỏi thăm đời sống cán bộ, phóng viên; căn dặn cách tuyên truyền, làm báo; gửi quà động viên anh em phóng viên. Số báo đặc biệt chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ra ngày 19-8-1948 đăng nguyên văn bút tích Bác Hồ gửi Báo Vệ Quốc quân:
Đầu năm 1948, để đẩy mạnh kháng chiến toàn dân toàn diện, Tổng Chính ủy quyết định bên cạnh tờ Vệ Quốc quân, có thêm một tờ báo nữa dành riêng cho bộ đội địa phương và dân quân du kích, lấy tên Báo Quân Du kích. Số báo 19 ra ngày 1-9-1949 đã đăng huấn thị của Bác Hồ chỉ đạo, nêu rõ nhiệm vụ của Báo Quân Du kích:
Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sỹ
Mỗi làng xóm là một pháo đài.
Làm cho: Quân đội giặc đi đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt.
Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Đó là nhiệm vụ của báo Quân du kích”
(Gửi báo Quân du kích - 7-1949).
Người còn dạy cách làm báo: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được" (Gửi báo Quân du kích, 7-1949).
Tháng 7-1950, sau hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sáp nhập 2 tờ Vệ Quốc quân và Quân Du kích thành một tờ báo chung của quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Sau khi có quyết định sáp nhập, buổi ra mắt đầu tiên của tòa soạn diễn ra tranh luận sôi nổi để đặt tên cho tờ báo. Có người đề nghị đặt là Quân giải phóng, có người lại đề nghị gọi là Cờ giải phóng.
Nhà báo Lưu Văn Lợi kể lại: Chúng tôi thảo luận chưa ngã ngũ, người đề nghị tên này, người đề nghị tên kia. Cuối cùng anh Thao, tức anh Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) đề nghị lấy tên QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN”.
“Giữa lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh về đến cơ quan báo. Biết tin anh em đang tìm chữ đặt tên báo, anh Nguyễn Chí Thanh cười nói: “Mình đã xin ý kiến Bác Hồ. Bác bảo quân đội ta là quân đội nhân dân. Tờ báo của quân đội thì lấy tên là Quân đội nhân dân. Giản dị thế thôi!” (Cuốn 40 năm một chặng đường do Báo Quân đội nhân dân xuất bản năm 1990 ghi).
Ngày 20-10-1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trên trang nhất của số báo đầu tiên đăng trang trọng chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác.
Sau này, Người luôn ân cần theo dõi, động viên, chỉ đạo sát sao tờ báo. Tháng 12-1953, Báo Quân đội nhân dân có loạt bài về chiến dịch Lai Châu mô tả cuộc rút lui từ Lai Châu về Điện Biên của địch. Bác Hồ đã đọc và khen ngợi, yêu cầu gửi và giới thiệu để Người đọc.
Là người cha của lực lượng vũ trang nhân dân, Bác đặc biệt quan tâm tới Báo Quân đội nhân dân. Có lần, Bác trực tiếp sửa từng câu, từng chữ trên trang báo và chỉ thị cho tòa soạn rút kinh nghiệm. Mỗi khi báo đăng những gương điển hình người tốt, việc tốt, Bác chọn những gương tiêu biểu và gửi huy hiệu của Người đến tòa soạn để tặng thưởng cho những gương tiêu biểu đó.
Báo QĐND số 1144 (ngày 30-12-1962 đăng bài viết về tấm gương phấn đấu và rèn luyện của đảng viên Phạm Hồng Sơn kèm xã luận “Mùa xuân không bao giờ hết” gây xúc động mạnh mẽ đối với bạn đọc. Nhiều bạn đọc đã viết thư gửi về tòa soạn và gửi cho Phạm Hồng Sơn đang điều trị tại Bệnh viện 103, nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội dấy lên phong trào học tập noi gương Phạm Hồng Sơn. Bác Hồ đã gửi tặng huy hiệu của Người cho Phạm Hồng Sơn. Số báo 1160 ngày 21-2-1963, đưa tin đồng chí Phạm Hồng Sơn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người.
Năm 1962, Bác Hồ gặp lãnh đạo các Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ tại Phủ Chủ tịch. Bác góp ý cho từng tờ báo. Bác nói với đồng chí Phó Tổng biên tập Báo QĐND: “Báo Quân đội gần đây có tiến bộ, nhưng viết còn dài thế này (Bác dang hai tay giơ hiệu), chú cho anh em rút kinh nghiệm, cần viết ngắn và viết hay hơn”.
Đọc Báo Quân đội nhân dân số 1171 có bài thơ Ngược bản Mèo, Bác sửa lại một chữ trong bài thơ và ghi ra lề trang báo, góp ý phê bình bằng 3 câu thơ dí dỏm:
Một bài thơ, ba chữ rừng
Rừng thông, rừng trắng, ngựa rừng chân bên
Hỏi người thi sĩ có nên?
Những lời căn dặn, chỉ đạo, hướng dẫn, phê bình của Bác Hồ với Báo Quân đội nhân dân thể hiện tình cảm yêu mến đặc biệt của Người dành cho tờ báo chiến sĩ, đồng thời cũng là hành trang tinh thần vô giá để các thế hệ người làm Báo Quân đội nhân dân luôn tự hào phấn đấu sao cho xứng đáng với tình cảm thiêng liêng cao quý đó, luôn tự hào là tờ báo được Bác Hồ đặt tên, tờ báo hai lần Anh hùng, hai lần chiến sĩ!