Thông điệp từ những vòng quay
Những tháng cuối năm 2023, Việt Nam bận rộn đón nguyên thủ từ nhiều quốc gia trên thế giới tới thăm. Rất nhiều hình ảnh đẹp từ những chuyến thăm ấy đọng lại trong tâm trí người dân, trong đó không thể không nhắc đến hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trên chiếc xe đạp lăn bánh dọc phố phường Hà Nội-một hình ảnh ấn tượng truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc.
1.Với lịch làm việc dày đặc mỗi ngày, quỹ thời gian không cho phép những người mang trọng trách quốc gia thực hiện những nhu cầu rất đời thường như thả mình trong một không gian yên ả, nhâm nhi ly cà phê đặc sánh, nói dăm ba câu chuyện thân tình... Bởi thế, trưa 2-11-2023, nhiều người dân Thủ đô òa lên thích thú khi chứng kiến hai Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước đạp xe dạo tuyến phố trung tâm Hà Nội.
Hà Nội vào mùa đẹp nhất trong năm. Nắng rải vàng trên những tán cổ thụ, tà áo dài thiếu nữ e ấp bay trong gió, hương hoa sữa vẫn lay động phố phường. Hai Thủ tướng ung dung đạp xe dọc con phố mang những di tích in đậm dấu ấn lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Không xe còi hụ, không cảnh sát dẹp đường, bất kỳ ai cũng có thể thấy tận mắt nhà lãnh đạo, có cơ hội bắt tay, chụp ảnh selfie với người đứng đầu Chính phủ mà bình thường chỉ được thấy... trên tivi. Trên những chiếc xe đạp bình dân, dường như khoảng cách giữa người với người được thu hẹp lại. Không hối hả lướt nhanh như xe máy, không cách biệt như trên xe ô tô, không phân biệt giàu-nghèo với thương hiệu của phương tiện, sợi dây kết nối qua giao tiếp được thắt chặt, gần gũi hơn, dung dị hơn và cũng nhờ đó, người với người hiểu nhau sâu sắc hơn.
Những người làm ngoại giao cần tâm tĩnh để suy nghĩ thấu đáo, lại cũng cần sự ứng biến vô cùng linh hoạt trước đối tác, hoàn cảnh, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, biết nhu, biết cương, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Sau cuộc hội đàm đạt nhiều kết quả tích cực, hai Thủ tướng vừa trò chuyện thân tình vừa đạp xe bon bon qua các con phố thấp thoáng những ngôi biệt thự cổ nép mình dưới vòm cây xanh, qua bức tường thành lịch sử còn in vết đại bác... Thoảng trong gió hương hoa sữa cuối thu, mong manh đâu đó đóa sen Tây Hồ còn sót lại, thấy hiện ra trước mắt một Hà Nội đẹp thanh bình và lãng mạn, cũng nhộn nhịp với bộn bề lo toan nhưng hiền hòa biết mấy! Đó còn là một Hà Nội với Thủ tướng Belarus bên ly cà phê đậm chất Việt, thưởng thức chiếc bánh mì quốc hồn quốc túy; là Thủ tướng Australia nâng cốc bia hơi cụng với những người dân; là Thủ tướng Canada ngồi quán cóc vỉa hè uống trà đá... Cảnh tượng thanh bình ấy, hẳn không thể có được ở những nơi đang xảy ra xung đột, bị đạn bom cày xới.
2.
Khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo... Đây là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu rõ trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hà Lan tháng 12-2022 đã rất ấn tượng khi tham quan Brainport Eindhoven và bày tỏ mong muốn áp dụng rộng rãi mô hình này tại Việt Nam. Gần một năm sau, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11-2023 của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đưa Brainport (kết nối trí tuệ hay kết nối công nghệ cao và đổi mới sáng tạo) vào áp dụng tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là mô hình “đa nhà” (kết hợp giữa Nhà nước/Chính phủ với nhà khoa học và doanh nghiệp) đã được Hà Lan áp dụng rất thành công, đưa quốc gia này lên vị trí thứ 7 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu châu Âu về các sáng chế và giải pháp thông minh, trở thành cửa ngõ kết nối châu Âu với quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Trong nỗ lực nhằm giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, dữ liệu nghiên cứu của thế giới cho thấy, hoạt động giao thông đóng góp đến 70% mức độ tỷ lệ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe đạp là một cách hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn, tạo thói quen rèn luyện sức khỏe con người, với chi phí không hề tốn kém.
3.Thời gian qua, song song với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, các hoạt động ngoại giao văn hóa được tích cực triển khai, góp phần tăng cường quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về đất nước Việt Nam năng động, đang phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định, có nền văn hóa đặc sắc, là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, từ đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Nhiều hình ảnh “đi vào lòng người” được lan tỏa trên truyền thông như cuộc thưởng trà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Hoa Kỳ cuốn sách "Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh-Thư gửi nước Mỹ", cùng ngắm cảnh Hồ Gươm với Tổng thống Hàn Quốc; Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản bức thư pháp, thưởng thức cà phê và bánh mì với Thủ tướng Belarus; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội cho Chủ tịch Quốc hội Cuba... Không còn giới hạn trong nghi thức chính trị, những hình ảnh thấm đẫm hồn cốt Việt từ các nhà lãnh đạo cấp cao đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam tới bạn bè quốc tế về đường hướng phát triển, sự chân thành, mong muốn hợp tác của Việt Nam.
Hàn Quốc có cả một chiến lược lâu dài, đầu tư bài bản và tốn kém nhằm biến những sản phẩm đậm nét truyền thống như hanbok, K-pop, gimbap, kim chi thành “đại sứ văn hóa”; thành cầu nối đưa các sản phẩm thương mại, công nghiệp Hàn Quốc “đổ bộ” khắp thế giới, tạo nên thứ quyền lực mềm, từ đó thu lợi về kinh tế. Nhật Bản nâng pha trà, uống trà thành nghệ thuật trà đạo, đưa hoa anh đào, kimono, sushi đi khắp thế giới, tạo nên sức mạnh mềm của xứ mặt trời mọc. Việt Nam có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn, lọt tốp 10 thế giới (theo xếp hạng của CNN năm 2019); có phở, bánh mì, áo dài là 3 từ vựng đã được ghi vào cuốn "Từ điển Oxford" danh tiếng. Cùng với hệ thống danh lam thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ, bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, Việt Nam có rất nhiều nền tảng thuận lợi phục vụ cho thúc đẩy ngoại giao văn hóa, từ đó góp phần xây đắp hình ảnh một quốc gia giàu bản sắc; là điểm đến thân thiện, hữu nghị; là đất nước có nhiều tiềm năng hợp tác.
4.Năm 2023, thế giới và khu vực có nhiều biến động lớn, cơ hội và thách thức đan xen; cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hơn, chính trị cường quyền gia tăng, các điểm nóng xung đột ở một số khu vực bùng phát; thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng phức tạp; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, với kinh tế duy trì mức tăng trưởng khoảng 5,05%, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng. Lần đầu tiên tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam vượt 400 tỷ USD, đứng thứ ba trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trên mặt trận ngoại giao, tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Việt Nam đang chủ động và vững bước trên hành trình khẳng định tiếng nói, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng trên trường quốc tế; thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Với những mối quan hệ ngày càng được mở rộng, thực chất và hiệu quả, uy tín chính trị ngày càng được củng cố trên trường quốc tế, Việt Nam đón chào năm mới 2024 với tâm thế tự tin, khí thế sẵn sàng vượt qua những khó khăn, tiếp tục khẳng định là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Nội dung: HÀ PHƯƠNG (thực hiện)
Ảnh: TTXVN, Vnexpress, Thanhnien, Nhandan, Tuoitre
Kỹ thuật, đồ họa: QUỲNH OANH - TRẦN HOÀI