Nhìn lại cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine
10-11-2021: NATO cáo buộc “Nga thực hiện hành vi gây hấn” sau khi Mỹ công bố thông tin về “các đợt điều động” lực lượng bất thường” của Nga đến gần biên giới với Ukraine.
28-11-2021: Nga phủ nhận và khẳng định mọi động thái triển khai lực lượng quân sự trong lãnh thổ nước này là hợp pháp và phục vụ mục đích phòng thủ.
Đầu tháng 12-2021: Nga yêu cầu NATO đưa ra đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng Ukraine không bao giờ được kết nạp vào NATO.
7-12-2021: Tổng thống Mỹ điện đàm với Tổng thống Nga, cảnh báo sẽ áp dụng “biện pháp kinh tế mạnh và các phương án khác” nếu Nga tấn công Ukraine.
17-12-2021: Nga đưa ra đề xuất an ninh với Mỹ và NATO.
Từ 10-1-2022: Mỹ, Nga, NATO bắt đầu tuần hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) song không đạt được đột phá do bất đồng quan điểm.
20-1-2022: Mỹ tuyên bố bất cứ chiến dịch tiến đánh Ukraine nào của Nga đều bị coi là “một cuộc xâm lược”.
24-1-2022: NATO cho biết đã đặt lực lượng quân đội trong trạng thái sẵn sàng triển khai, điều thêm chiến hạm và tiêm kích đến Đông Âu để tăng cường phòng thủ.
25-1-2022: Nga khởi động các cuộc diễn tập với 6.000 quân và ít nhất 60 tiêm kích ở khu vực miền Nam, gần Ukraine và bán đảo Crimea.
11-2-2022: Mỹ thông báo triển khai thêm 3.000 binh sĩ đến Đông Âu.
12-2-2022: Thổng thống Nga và Tổng thống Mỹ điện đàm thảo luận tình hình Ukraine song không có bất kỳ thay đổi cơ bản nào để làm dịu tình hình.
18-2-2022: Tại Hội nghị an ninh Munich, các quốc gia phương Tây chỉ trích các cuộc tập trận của Nga ở khu vực biên giới Ukraine.
21-2-2022: Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Nhiều nước trên thế giới phản ứng.
22-2-2022: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp phiên khẩn cấp về vấn đề Ukraine.
23-2-2022: Đại hội đồng Liên hợp quốc họp phiên toàn thể về tình hình Ukraine.
24-2-2022: Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin nêu rõ quyết định trên được đưa ra nhằm đáp lại lời đề nghị của lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng trên kêu gọi Moscow hỗ trợ. Khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm lãnh thổ Ukraine, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết Moscow sẽ tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa ở Ukraine, cũng như bắt những kẻ phạm nhiều tội ác phải chịu trách nhiệm về sự đổ máu của dân thường, bao gồm cả công dân Nga. “Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động quyết định và ngay lập tức”, TASS dẫn lời ông Putin nhấn mạnh.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc. Tổng thống Ukraine cho biết đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời kêu gọi người dân hãy ở nhà và giữ bình tĩnh. Tổng thống Ukraine tuyên bố nước này đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga. Đây là lần đầu tiên quan hệ Nga-Ukraine gián đoạn kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Sau tuyên bố của Tổng thống Putin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết lực lượng biên phòng Ukraine không có bất cứ kháng cự nào đối với các đơn vị Nga, trong khi các hệ thống phòng không và cơ sở hạ tầng của các căn cứ không quân Ukraine đều đã bị vô hiệu hoá. Bên cạnh đó, quân đội Nga khẳng định không tấn công các thành phố của Ukraine, trái ngược với các thông tin cho rằng Nga làm như vậy.
Trước diễn biến mới liên quan đến an ninh của Ukraine, Tổng thống Mỹ cáo buộc Moscow phát động “một cuộc tấn công vô cớ, phi lý”. Theo Reuters, ông Biden cho biết sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và khẳng định Washington cùng các đồng minh, đối tác sẽ đáp trả một cách thống nhất, dứt khoát.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, kêu gọi Moscow ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Tổng thống Nga đã phạm sai lầm nghiêm trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ phối hợp với các đồng minh để nỗ lực chấm dứt xung đột, trong khi Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố trừng phạt thêm hàng chục cá nhân và thực thể tài chính Nga. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tình hình ở Ukraine kiềm chế.
25-2-2022: Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Ukraine để tháo “ngòi nổ” xung đột, trong đó tập trung vào vấn đề Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và cam kết không cho nước ngoài triển khai vũ khí trên lãnh thổ.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine “không e ngại đối thoại” với Nga, “không e ngại thảo luận bất cứ vấn đề gì”, trong đó có tình trạng trung lập của Kiev.
Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Emmanuel Macron để trao đổi quan điểm “một cách nghiêm túc và thẳng thắn” về tình hình tại Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến việc Nga quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Đây là lần liên lạc đầu tiên giữa ông chủ Điện Kremlin và một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nói trên.
CNN dẫn lời Tổng thống Pháp Macron cũng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, xuống thang căng thẳng và trở lại đối thoại, đàm phán ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong lúc này là bảo đảm an toàn cho người dân Ukraine cũng như bảo đảm cho họ được tiếp cận các nguồn cứu trợ.
Ngày 25-2, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới “nhằm vào 70% thị trường ngân hàng và các công ty nhà nước chủ chốt của Nga, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng”. Theo Sputnik, trong khi Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko tuyên bố Moscow đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt trả đũa và “biết rõ những điểm yếu của phương Tây”, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov khẳng định Nga sẽ áp dụng “nguyên tắc có qua có lại”.
Các hãng truyền thông quốc tế cho biết ngày 25-2 ghi nhận những tiếng nổ lớn ở Kiev. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev “bị tập kích khủng khiếp bằng rocket”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng phủ nhận.
26-2-2022: Đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Hãng thông tấn Nga TASS ngày 26-2 dẫn tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Nga có khả năng thực hiện các biện pháp để giảm thiệt hại từ các lệnh trừng phạt.
Mới đây Mỹ và các nước phương Tây đang tiếp tục xem xét việc loại Nga ra khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT). SWIFT là hệ thống trung gian cho phép các ngân hàng và tổ chức trên khắp thế giới thực hiện thanh toán với nhau. Việc rút Nga ra khỏi hệ thống này đồng nghĩa với việc gần như tất cả hoạt động thanh toán quốc tế của Nga với các đối tác nước ngoài bị đình trệ. Chỉ riêng với EU, tổng thương mại hàng hóa giữa EU và Nga năm 2020 lên tới 174,3 tỷ euro, trong đó chỉ có 79 triệu euro là giá trị xuất khẩu của EU sang Nga.
Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạm dừng chiến dịch hoạt động quân sự tại khu vực miền Đông Ukraine trong khi chờ đàm phán, song Kiev đã từ chối. “Vì phía Ukraine về cơ bản từ chối đàm phán nên cuộc tiến công của các lực lượng chính của Nga đã tiếp tục vào chiều nay (26-2) theo đúng kế hoạch tác chiến", ông Peskov cho hay.
Ở chiều ngược lại, Kiev đã lên tiếng bác bỏ thông tin từ chối đàm phán với Nga, nhưng cho biết Ukraine chưa sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư cũng như các điều kiện đàm phán không thực tế do Moscow đưa ra, Reuters dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
27-2-2022, chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine do Nga triển khai đã bước sang ngày thứ ba. RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay, quân đội Nga đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với thành phố Melitopol ở phía Đông Nam Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thủ đô Kiev và các thành phố chính vẫn trong quyền kiểm soát của Ukraine. "Chúng tôi đã giữ vững. Giao tranh đang tiếp diễn", ông Zelensky khẳng định trong một video đăng tải trên Twitter, đồng thời nói rõ ông sẽ không rời khỏi Kiev.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26-2 thông báo Mỹ cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraine.
Mỹ cũng tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga V.Putin và Ngoại trưởng Nga Lavrov, liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine. Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, lệnh cấm đi lại sẽ là một phần trong các biện pháp trừng phạt này. Trước đó, EU, Anh và Canada cũng thông báo về các lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào Nga. Về phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố NATO đang triển khai hàng nghìn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu tới các nước láng giềng của Ukraine, cũng như tiếp tục gửi vũ khí đến Ukraine. Số binh sĩ này thuộc các thành phần của lực lượng phản ứng nhanh-bao gồm các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển và các lực lượng hoạt động đặc biệt trên lãnh thổ đồng minh.
Đáp lại những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các lệnh trừng phạt trên "là minh chứng về sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại" của phương Tây, đồng thời cảnh báo rằng sự việc "đã gần tới mức không thể quay lại như lúc đầu".
28-2-2022: Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Trưởng phái đoàn Nga, trợ lý tổng thống Vladimir Medinsky cho hay. Các cuộc đàm phán giữa đại diện của Moscow và Kiev sẽ bắt đầu vào khoảng 12 giờ trưa (theo giờ Belarus), tức 16 Giờ (theo giờ Việt Nam). Phía Nga đã được thông báo về thành phần của phái đoàn Ukraine song sẽ không tiết lộ thông tin chi tiết trước khi cuộc đàm phán diễn ra.
Sáng 1-3, phát biểu sau đàm phán, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết hai bên đã xem xét toàn bộ chương trình nghị sự một cách chi tiết và đã tìm ra được những điểm để qua đó dự đoán các quan điểm chung.
Về phần mình, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak cho rằng các bên đã xác định được chủ đề ưu tiên để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Hai bên thống nhất tổ chức vòng đàm phán thứ hai trong vài ngày tới ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus.
Ngày 1-3-2022, Interfax đưa tin Ukraine đã chính thức đăng ký xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đại diện Ukraine tại EU Vsevolod Chentsov viết: “Tôi đã chuyển đơn Ukraine xin gia nhập EU do Tổng thống Volodymyr Zelensky ký tới Đại diện thường trực của Pháp tại EU Philippe Léglise-Costa-nước hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng EU. Đơn đã được đăng ký. Quá trình đã được khởi động”.
Cùng ngày, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ukraine hôm 28-2, ông Guterres kêu gọi chấm dứt giao tranh ngay lập tức tại Ukraine. Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine sẽ đem lại “không chỉ việc ngừng giao tranh ngay lập tức mà còn là một con đường hướng tới một giải pháp ngoại giao”.
“Giải pháp đúng duy nhất là hòa bình. Hiện các bên đang nói chuyện bằng súng đạn nhưng con đường đối thoại phải luôn luôn mở. Không bao giờ là quá muộn để đối thoại thiện chí và giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình. Tôi hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột này. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực như vậy”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Guterres.
Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ tiếp tục thông tin về tình hình tại Ukraina...
- Nội dung: VĂN PHONG (tổng hợp)
- Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC