KHÚC TRÁNG CA THỜI BÌNH - Bài 3: Nghĩa cử cao đẹp đến từ trái tim
Chính sách ưu đãi người có công là chính sách lớn, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chế độ chính sách đãi ngộ đối với người có công, nhưng hơn cả những “chính sách” là nghĩa cử cao đẹp đến từ trái tim của đồng đội, đồng chí và đồng bào dành cho những liệt sĩ và thân nhân của họ.
Tiếp bước con đường binh nghiệp của chồng, cha đã từng đi, những người vợ, con của các liệt sĩ đã hy sinh trong thời bình luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
Ngay khi được Bộ Quốc phòng tuyển dụng vào làm việc trong quân đội, 14 đồng chí nữ quân nhân là vợ của các liệt sĩ hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Rào Trăng 3 và giúp đỡ nhân dân ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) bắt đầu công việc mới của mình. Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn nhưng các chị không ngừng nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm Thượng úy và bố trí làm việc tại Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Hoàng Thị Hạnh Phúc, vợ Liệt sĩ Trần Minh Hải cảm thấy rất vinh dự và tự hào.
Công việc của chị Phúc là giải quyết chế độ cho người có công, thân nhân liệt sĩ, khác hẳn với nghề kế toán trước đây từng làm. Yêu cầu công việc của chị là không được để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến chế độ, quyền lợi của người có công. Do vậy, để bắt nhịp với công việc mới, hàng ngày chị đã chủ động tìm đọc nhiều văn bản, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến giải quyết chế độ chính sách cho người có công, thân nhân liệt sĩ.
“Hôm nhận quyết định vào công tác tại Ban Chính sách, trong tôi dâng trào nhiều cảm xúc. Vừa nhớ anh, thương anh nhưng cũng thấy được an ủi vì sự hy sinh của anh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Không chỉ lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh mà nhiều cơ quan, đoàn thể, cá nhân đã đến gặp gỡ, hỏi thăm, động viên mẹ con tôi. Để không phụ lòng giúp đỡ của đồng chí, đồng đội tôi luôn cố gắng thu xếp việc nhà, vừa nuôi hai con ăn học nên người vừa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”, chị Hoàng Thị Hạnh Phúc tâm sự.
Cũng như chị Hoàng Thị Hạnh Phúc, chị Trần Thị Quảng Bình, vợ liệt sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và con gái Nguyễn Thị Huyền Trang được Bộ Quốc phòng tuyển dụng, phong quân hàm và bố trí làm việc tại Văn phòng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Thời gian đầu chị còn bỡ ngỡ, gặp khó khăn với công việc mới. Bởi thời gian, giờ làm việc, chế độ nền nếp trong Quân đội khác so với bên ngoài. Nhưng giờ đây, chị đã bắt nhịp, làm quen, biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình và cơ quan. Chị Bình chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước, Quân đội và đơn vị chồng quan tâm, tạo điều kiện cho mẹ con tôi được công tác trong Quân đội tôi rất xúc động. Tôi luôn dặn dò với cháu Trang, cần phải cố gắng công tác thật tốt để xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người dành cho anh Man và hai mẹ con”.
Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Giao Linh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, vợ liệt sĩ Phạm Ngọc Quyết, Nhân viên Quân lực Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4), đã hy sinh trong đợt mưa lũ lịch sử tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào tháng 10-2020. Sau khi chồng hy sinh, chị Linh được tuyển dụng vào quân đội. Khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, chị dần vững vàng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình trong quân ngũ và chăm lo tốt cho các con.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Giao Linh tâm sự: “Tôi rất tự hào về chồng mình. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và đơn vị đã quan tâm, tạo điều kiện cho tôi được vào làm việc trong Quân đội, tiếp bước con đường chồng tôi đã lựa chọn. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến và nuôi dạy con cái thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của chồng tôi”.
Đầu năm 2022, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyển dụng và trao quân hàm quân nhân chuyên nghiệp cho vợ và con liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3. Đó là, Thượng úy QNCN Phùng Hoàng Hữu Trang là vợ liệt sĩ, Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh nay công tác Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh; Thiếu úy QNCN Phạm Thiên Hà là con của liệt sĩ Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế nay công tác Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh.
Được đứng trong hàng ngũ quân đội, Thượng úy QNCN Phùng Hoàng Hữu Trang đã xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc khi được tuyển dụng vào Quân đội và hứa sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Khoác trên mình màu áo của người chiến sĩ và bước tiếp con đường mà chồng chị là Thiếu tá Lê Xuân Trường, hy sinh năm 2019, Trung úy QNCN Nguyễn Thị Hằng công tác tại Phòng Hậu cần, Trường Sĩ quan Không quân bày tỏ: "Chồng tôi hy sinh khi đứa con thứ hai của chúng tôi mới được 3 tháng tuổi. Nén nỗi đau thương, tôi đảm đương hai vai cả làm cha và làm mẹ. Tuy vất vả nhưng bên tôi luôn có sự đồng hành của đồng đội, chỉ huy đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên ba mẹ con. Đặc biệt vào những ngày lễ, tết, thương binh-liệt sĩ nên ba mẹ con tôi luôn cảm thấy ấm lòng".
Trong nhiều chính sách dành cho người có công, từ năm 2012 đến nay, Bộ Quốc phòng đã giải quyết việc làm cho 307 trường hợp là con đẻ thương binh nặng tại các Trung tâm điều dưỡng, 31 trường hợp là vợ, con quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ và 811 con đối tượng chính sách; tổ chức nhận phụng dưỡng 3.367 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đó là dòng chữ được ghi trang trọng ở hầu hết các Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở các địa phương, đơn vị Quân đội, để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, anh hùng liệt sĩ.
Đến Khu tưởng niệm các liệt sĩ ở Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân vào những ngày giữa tháng 7, thắp nén tâm nhang cho những đồng đội đã hy sinh, trong lòng chúng tôi bồi hồi bao cảm xúc. Nhìn những dòng chữ được khắc ghi cẩn thận tên tuổi, địa chỉ, quê quán từng liệt sĩ trên hai tấm bia được đặt ở vị trí trang trọng trong Khu tưởng niệm, chúng tôi hiểu rằng, nơi đây, tình đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên như khi các anh còn sống. Ngày ngày, những nén hương được thắp lên và mùi khói hương hòa trong mùi của cỏ cây, hoa lá ở khuôn viên Khu tưởng niệm khiến cho những người đang sống và cả người đã khuất cảm thấy được ấm lòng.
Theo Thượng tá Đào Ngọc Xuân, Phó chính ủy Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân: Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được Lữ đoàn xây dựng năm 2017 trong khuôn viên đơn vị. Từ khi hoàn thành, nơi đây trở thành địa điểm để đồng đội cũng như thân nhân đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Nói về chính sách cho thân nhân các liệt sĩ, Thượng tá Đoàn Ngọc Xuân cho biết: "Sự hy sinh của các anh đã để lại khó khăn cho hậu phương, gia đình, trong đó có sự thiếu thốn cả về tình cảm và vật chất. Để vơi đi nỗi mất mát quá lớn cho các thân nhân liệt sĩ, hàng năm, Lữ đoàn đề nghị cấp trên có những suất học bổng hỗ trợ dành cho con liệt sĩ. Lữ đoàn cũng rất chú trọng, quan tâm đến công tác chính sách hậu phương quân đội. Đến nay lữ đoàn đã xây dựng được 30 ngôi nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Út năm nay gần 100 tuổi, ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ngoài ra, khối thanh niên, phụ nữ của Lữ đoàn cũng thường xuyên thực hiện dọn dẹp vệ sinh, tu bổ cảnh quan môi trường ở các nghĩa trang trên địa bàn đơn vị đóng quân".
Để ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chú trọng, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và hưởng ứng Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng chính sách, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết: Chúng tôi đã có nhiều chương trình, dự án đã được triển khai nhằm tri ân những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng như: Nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; đỡ đầu con của các gia đình chính sách… Dịp này, chúng tôi đã đề xuất với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng trích Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" xây dựng, sửa chữa 20 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 20 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 10 triệu đồng tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho 5 đơn vị cải tạo lại bia tưởng niệm liệt sĩ… Đặc biệt, vào những ngày tháng 7 năm nay, đoàn công tác của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức Lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Pò Hèn (Quảng Ninh).
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Chính phủ ra quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 700 liệt sĩ; các cơ quan, đơn vị quân đội ra quyết định cấp giấy chứng nhận đối với gần 10.000 thương binh và 300 bệnh binh; quá trình giải quyết chế độ, chính sách đối với liệt sĩ, thương binh và người có công bảo đảm chặt chẽ, công khai, đúng đối tượng; góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Nói về công tác chính sách trong Quân đội, Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó cục trưởng Cục Chính sách (Phụ trách Cục trưởng), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Những năm qua, ngành chính sách Quân đội đã tích cực nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với Quân đội, hậu phương quân đội; chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... Những chính sách đó có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, củng cố niềm tin của nhân dân và các đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Những cống hiến, hy sinh máu xương của bộ đội thời bình sẽ mãi tạc vào trong lòng thế hệ người dân Việt Nam. Hậu phương của các anh - những người mẹ, người vợ và cả những đứa con của họ luôn cần sự quan tâm, động viên của đồng chí, đồng bào, để vững vàng bước tiếp chặng đường mà chồng, cha của họ đã lựa chọn.
- Nội dung: TRỊNH DŨNG-LỆ HUYỀN-VIỆT CƯỜNG-NGUYỄN THẢO-THU THỦY
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC