KHÚC TRÁNG CA THỜI BÌNH - Bài 2: Khi nỗi đau không cất nổi thành lời…
Sự hy sinh của bộ đội thời bình là vô cùng thiêng liêng, cao quý. Máu của các anh nhuộm vào đất Mẹ, góp phần gìn giữ bình yên cho quê hương, đất nước. Các anh ngã xuống, để lại phía sau là gia đình cùng nỗi đau khôn nguôi. Nỗi đau ấy dường như không thể cất thành lời...
Trưa tháng bảy, trong căn nhà nhỏ nằm ở phía Đông Bắc thành phố Hà Nội, Thượng úy QNCN Đỗ Thị Thắm, nhân viên Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân, đang dạy con trai Lê Bình Minh, năm nay vừa tròn 6 tuổi tập ê a đánh những vần chữ đầu tiên.
Chị là vợ của liệt sĩ, Thiếu tá Lê Văn Đình, nhân viên tuần thám trên không, Lữ đoàn 918, hy sinh trong chuyến bay Casa 212 năm 2016. Dù đã đối diện với nỗi đau mất chồng được một thời gian dài nhưng khi nhắc lại giây phút định mệnh phải đón nhận tin dữ về người “đầu gối tay ấp”, chị Thắm vẫn không ngăn được nước mắt chực trào.
Vuốt ve lại bộ quân phục anh từng mặc, chị Thắm chia sẻ: “Anh Đình hy sinh khi gia đình tôi đang ở những ngày tháng hạnh phúc nhất. Lúc ấy, cháu lớn nhà tôi vừa tròn 2 tuổi, cháu nhỏ mới sinh được 3 tháng. Từ khi còn là người yêu, tôi đã biết, lấy chồng bộ đội là phải đối diện với những rủi ro, nguy hiểm nhưng khi nhận tin chồng hy sinh, tôi như bất động. Ôm đứa con trai vừa tròn 3 tháng tuổi trong lòng, tôi thấy trời đất như sụp đổ dưới chân mình. Mới sáng hôm đó, anh còn gửi tôi bức hình trước khi bay, hẹn sẽ gọi điện cho vợ ngay khi nhiệm vụ hoàn thành, vậy mà, lời hẹn ấy…”.
Ánh mắt ngây thơ, con trai của anh Đình, cháu Lê Bình Minh nhìn mẹ hỏi: “Mẹ ơi, sao bố đi mãi chưa về. Mẹ bảo bố đi công tác rồi sẽ về, mà giờ con 6 tuổi rồi bố vẫn chưa về là sao?”. Đối diện với câu hỏi của con trai, chị Thắm giấu nước mắt, quay mặt đi nói nhỏ với chúng tôi: “Đến giờ, tôi vẫn chưa dám nói với cháu về việc bố đã hy sinh mà chỉ bảo, bố đi công tác dài ngày. Thế nên, mỗi lần hai chị em làm được việc gì tốt, các cháu lại bảo tôi ghi nhớ lại, sau này nhắc với bố để bố thưởng quà”. Nhìn ánh mắt ngây thơ của hai cháu nhỏ cũng như dòng lệ lăn trên má người vợ trẻ chỉ mới chớm bước qua ngưỡng tuổi 30 đã chịu cảnh góa bụa nhiều năm nay, chúng tôi không ngăn nổi dòng xúc động.
Lữ đoàn 918 có 35 liệt sĩ thì chủ yếu hy sinh ở thời bình trong quá trình làm nhiệm vụ bay. Các anh ra đi, để lại đằng sau là hậu phương với những người vợ trẻ, con thơ. Mất bố khi mới đang học lớp 8, đến nay, dù đã là cô gái ở tuổi đôi mươi, con gái Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Kim Dung, nhân viên Quản lý, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn 918 vẫn nhiều lần đứng trước di ảnh người bố đã khuất trò chuyện như những ngày cả gia đình quây quần bên mâm cơm tối. Theo chị Dung, hai vợ chồng đang tính sẽ có thêm một thành viên mới trong gia đình để con gái có chị, có em, nhà cửa cũng thêm tiếng cười. Vậy mà, mong ước hai vợ chồng chưa kịp thực hiện thì anh đã ra đi mãi mãi.
Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Giao Linh hiện đang công tác tại Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, có chồng là Trung tá Phạm Ngọc Quyết, nhân viên quân lực, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hy sinh trong đợt mưa lũ lịch sử tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, vào tháng 10-2020, không ngăn khỏi xúc động khi có đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đến thăm hỏi, động viên. Vừa tâm sự với đoàn công tác về những hỗ trợ, giúp đỡ của quân đội dành cho gia đình, Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Giao Linh thừa nhận, rất khó để chấp nhận sự thật về mất mát đau thương quá lớn bất ngờ đổ ập xuống gia đình của mình.
Gặp gỡ những người vợ sớm chịu cảnh góa bụa vì chồng hy sinh, mới thấy, dù mạnh mẽ đến đâu, các chị cũng chỉ là những người phụ nữ. Đối diện với nỗi đau, sự mất mát quá lớn, quá đỗi bàng hoàng, hầu như, người vợ nào cũng khó có thể đứng vững. Nhưng rồi, nỗi đau ấy cũng phải cất kỹ vào một góc trong lòng, bởi lẽ, các chị không thể gục ngã khi phía sau họ còn đàn con thơ, còn cha mẹ già giờ đây chỉ biết nương nhờ vào chính họ.
Với người lớn, việc tiếp nhận nỗi đau mất mát đã vô cùng khó khăn thì với những đứa trẻ ngây thơ, thường xuyên sống trong cảnh xa bố-người trụ cột gia đình do điều kiện công tác thì việc đối diện với nỗi đau dường như trở nên khó khăn và khác lạ hơn nhiều.
Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội nghẹn lời khi nhắc với chúng tôi về đôi mắt vừa rụt rè, vừa ngơ ngác, lại thẳm sâu như muốn chất vấn, dò hỏi điều gì của cháu Cao Diễm Quỳnh, con gái liệt sĩ Cao Đăng Cường, chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, hy sinh khi đang băng mình qua mưa gió mịt mùng cứu dân trong lũ.
“Đôi mắt bé Quỳnh thi thoảng nhìn di ảnh bố. Đôi mắt bé nghẹn đi trước những sợi khói xám hằng ngày mẹ thắp cho cha. Dù cuộc sống bao giờ cũng có những lý lẽ riêng, song trước đôi mắt như biển khơi sâu thẳm, vừa non tơ ngơ ngác của cháu Quỳnh, tôi như không chịu thấu, chỉ muốn bỏ trốn khỏi ngôi nhà...".
Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong thời bình bao giờ cũng bất ngờ và đột ngột. Có lẽ vì thế mà nỗi đau của những người ở lại cũng day dứt khôn nguôi hơn bao giờ hết. Lẽ thường, chỉ có con cái tiễn đưa cha mẹ vì quy luật sinh- lão- bệnh- tử...
Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng, con trai duy nhất trong gia đình bố mẹ đều là bộ đội công tác tại Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi-độ tuổi đẹp nhất, tràn đầy nhựa sống và lý tưởng của đời người. Trong lễ đón nhận hài cốt của anh từ Trường Sa về với quê hương, cha mẹ anh như ngất đi khi đứa con mới ngày nào còn trong vòng tay gia đình, nay đã âm dương cách biệt.
Vừa thắp nén hương cho liệt sĩ, Thượng úy Đặng Đình Hào, công tác tại Lữ đoàn Xe tăng 202, Quân đoàn 1, nhìn đứa con trai đẹp đẽ với đôi mắt cương nghị trong di ảnh, bà Nguyễn Thị Thùy, mẹ của Thượng úy Đặng Đình Hào vừa hồi tưởng: “Hào là đứa trẻ rất ngoan, nhường nhịn bạn bè, anh em và học rất giỏi. Lớn lên, nó là người ham làm, thương yêu mọi người, nhất là rất yêu mẹ. Mới ngày nào, độ dăm tuần trước khi hy sinh, “thằng bé” vẫn còn sà vào lòng mẹ, cái dáng cao lớn lộc ngộc bên dáng mẹ. Tôi còn mắng yêu nó, vậy mà…”.
Vậy đấy, “mới ngày nào” luôn là cụm từ chúng tôi được nghe nhiều nhất khi đến với gia đình các thân nhân liệt sĩ thời bình. “Mới ngày nào” nghe tưởng gần mà xa vời vợi, “mới ngày nào” nhưng sẽ là “không còn cái ngày nào đó” tiếp diễn với đầy những tiếc nuối, day dứt của người ở lại…
Dù đã tiếp xúc với nhiều thân nhân liệt sĩ thời bình nhưng chuyến viếng thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Phượng cách đây gần 10 năm vẫn khiến những người trong đoàn công tác lúc đó day dứt khôn nguôi.
Trong ngôi nhà nhỏ chật chội, bà Nguyễn Thị Khơi, mẹ của Trung tá Lê Văn Phượng, Trợ lý Chính trị, Ban CHQS thị xã Quảng Trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Quân khu 4 không gượng dậy nổi để tiếp đoàn khách tới thắp hương cho con trai mình. Từ khi nhận hung tin con trai hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cũng là lúc đôi mắt bà Nguyễn Thị Khơi đột nhiên hoàn toàn không nhìn thấy gì.
Không bao giờ bà nghĩ được rằng, một ngày nào đó, mái đầu bạc phải chứng kiến chiếc lá non xanh, chiếc lá đầu đàn, là trụ cột gia đình rời bỏ bà. Anh Lê Văn Phượng là con cả trong gia đình có 7 người con, trước ngày hy sinh, “mới ngày nào” anh còn hứa sẽ về lợp lại mái nhà cho mẹ vào đợt nghỉ phép cuối năm, thế mà cơn bão định mệnh năm 2009 đã cướp anh đi khi đang làm nhiệm vụ, để lại người mẹ già tàn tật, cùng người vợ trẻ và đàn con thơ dại.
Từng trải qua mấy cuộc chiến tranh, từng chứng kiến vô vàn nỗi đau, không nỗi đau nào giống nỗi đau nào, làm công tác tuyên truyền vận động, chia sẻ những mất mát hy sinh với bà con nhân dân đã mấy chục năm, thế nhưng người đàn ông đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, ông Phan Nguyên, bố vợ liệt sĩ Lê Văn Phượng vẫn không biết phải an ủi người con gái út-vợ liệt sĩ Lê Văn Phượng như thế nào. Lặng lẽ nhìn con gái mà như thấy đứt từng khúc ruột. Trong ký ức của ông, con rể Lê Văn Phượng là người đàn ông trưởng thành, tin cậy, là chỗ dựa vững chãi cho con gái cũng như các cháu của ông.
Người ta thường nói, đàn ông nước mắt chảy vào trong, giờ đây, người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi cứ vậy mà để nước mắt chực trào ra. Đến bao giờ, nước mắt của những người cha, người mẹ phải đối diện với nỗi đau, sự mất mát quá sức chịu đựng này ngừng rơi? Có lẽ sẽ là không bao giờ…
Dù phải đối diện với những mất mát quá đỗi đột ngột, đau xót như vậy nhưng trong mọi cuộc trò chuyện với gia đình thân nhân liệt sĩ thời bình, chúng tôi vẫn cảm thấy, sâu thẳm trong họ là lòng tự hào về người thân của mình. Sự hy sinh của các anh là tấm gương để những người ở lại noi theo, nhắc nhớ rằng, dù giữa thời bình, vì nhân dân, Bộ đội Cụ Hồ vẫn có thể đổ máu, thậm chí là tính mạng để xứng đáng với danh xưng mà nhân dân đã trân quý trao gửi.
- Nội dung: TRỊNH DŨNG-LỆ HUYỀN-VIỆT CƯỜNG-NGUYỄN THẢO-THU THỦY
- Ảnh: TUẤN HUY - KHÁNH TRÌNH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC