LONGFORMĐội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng “chảy máu chất xám”

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng “chảy máu chất xám”

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng “chảy máu chất xám” đang được “báo động” ở nước ta. Bất cứ ngành, nghề nào cũng cần phải có những trí thức giỏi thì mới góp phần đưa đất nước phát triển. Các chuyên gia đã đưa ra những phân tích hệ lụy từ “chảy máu chất xám” và nêu kiến nghị, giải pháp để hạn chế nguồn chất xám bị chảy đi.

Trọng dụng nhân tài

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ lo ngại tình trạng “chảy máu” lao động có chuyên môn cao, lao động lành nghề.

"Nếu không tận dụng được lực lượng này sẽ dẫn tới tình trạng chuyển dịch từ khu vực nhà nước sang tư nhân, sang các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), thậm chí xuất khẩu lao động", đại biểu Nguyễn Văn Thân nói.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám

Đại biểu Nguyễn Văn Thân bày tỏ băn khoăn, tại sao có thể đầu tư hàng triệu tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng nhưng đầu tư cho con người chưa tương xứng, trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn xác định đầu tư cho con người là trung tâm.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động cần được cải thiện và không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà cần có giải pháp đột phá. Đại biểu cũng nhấn mạnh, đầu tư cho con người là đầu tư cho lâu dài, cho tăng trưởng bền vững, công việc này cần được tiến hành ngay từ thời điểm này.

Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, hiện nay, đang diễn ra tình trạng "chảy máu chất xám". Theo đó, hiện nhiều giáo viên, thầy thuốc, kỹ sư, các nhà sản xuất kinh doanh và có trình độ trí thức cao bị cuốn hút vào các khu vực tư bởi chính sách kích thích về lương, về lợi ích vật chất trong khi khu vực nhà nước rất quan trọng thì lại chậm thay đổi chính sách và cơ chế, không bảo đảm được điều kiện sống tốt cho người làm việc. Cho nên họ không toàn tâm toàn ý và đang xuất hiện xu hướng là rời bỏ khu vực nhà nước chạy sang khu vực tư nhân hoặc là làm công việc tự do hay ở lại nước ngoài.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám
Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) và các y, bác sĩ đang thực hiện ca mổ .

Đáng chú ý, việc "chảy máu chất xám" đó không chỉ xảy ra trong tầng lớp trí thức đã kinh qua trải nghiệm, có trình độ, mà còn xảy ra ngay trong tầng lớp trí thức trẻ được học hành, đỗ đạt cao, học vị cao, thậm chí có rất nhiều người là thủ khoa xuất sắc.

"Nạn chảy máu chất xám trong trí thức Việt Nam không chỉ diễn ra trong nước mà còn diễn ra cả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nếu không có biện pháp xử lý vấn đề này thì chúng ta sẽ mất đi một tài sản quý giá, đó chính là đội ngũ trí thức, các công trình nghiên cứu, các tài năng sáng tạo của họ và điều đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước", GS, TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Được biết, ngành y tế có số lượng các trí thức cao, chiếm 63% tỷ lệ trí thức trong cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế (từ báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc Bộ), từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022, cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược và 2.280 viên chức khác.

Chỉ tính riêng Đà Nẵng, năm 2021 đã có 195 người xin nghỉ việc, gồm 86 bác sĩ, 31 điều dưỡng, 18 kỹ thuật y, 60 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 127 cán bộ y tế xin nghỉ việc gồm: 55 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 6 kỹ thuật y và 36 người làm việc liên quan đến ngành y tế…

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám

Về vấn đề “chảy máu chất xám”, theo PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Đảng, Nhà nước đã có quy định và ngay cả mỗi cơ quan cũng thế, khi một người vào làm việc thì các cơ quan có những hợp đồng riêng. Kể cả việc được cử đi đào tạo ở nước ngoài thì cũng phải có cam kết, sau đó về nước phải phục vụ cho sự nghiệp chung. Tuy nhiên một phần nào đó mà “chảy” ra ngoài xã hội thì phải có cách ứng xử với từng loại đối tượng riêng như những người phá bỏ các hợp đồng, quy định, quy chế mà đi ra bên ngoài làm việc thì phải có chế tài xử lý, tránh tình trạng tự do “nhảy việc”.

Chảy máu chất xám là những người làm trong các cơ quan Đảng, Nhà nước mà họ không làm nữa rồi bỏ ra các đơn vị ngoài xã hội hoặc đi ra nước ngoài, tôi cho rằng trong vấn đề này cần có sự cân nhắc, quản lý rõ ràng. Những người được nhà nước bỏ ngân sách ra để đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, sau đó về phục vụ đất nước thì họ phải có trách nhiệm chứ không thể lấy tiền ngân sách để đi đào tạo ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam thì lại bỏ ra làm ở nước ngoài. Theo PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, phải có những ràng buộc nhất định đối với từng trường hợp.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám
Các cô giáo đang truyền đạt kiến thức cho các học sinh.

“Nếu các trí thức mà sáng tạo, nghiên cứu ra những công trình, tác phẩm tốt cho xã hội thì việc các trí thức không làm ở cơ quan nhà nước mà ra các đơn vị tư nhân làm thì tôi nghĩ cũng có thể chấp nhận được bởi trí thức đó miễn là làm những công việc có ích cho đất nước, xã hội và người dân.

Chẳng hạn như các bác sĩ, vị trí trong bệnh viện của họ rất quan trọng. Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, điều trị cho người dân rất cần đội ngũ thầy thuốc giỏi nên khi các bác sĩ ra ngoài mở phòng khám hoặc “nhảy việc” thì bệnh viện sẽ thiếu người, ảnh hưởng đến người bệnh.

Tuy nhiên, nếu có những chính sách đào tạo hoặc bổ sung mà thấy phù hợp thì các bác sĩ có thể mở các phòng khám tư nhân, phục vụ cho người dân. Về vấn đề này, thì cũng phải có cơ chế thu thuế để quản lý cho phù hợp”, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định.

Nhà văn Lê Hoài Nam cho rằng: Đất nước chúng ta đã và đang vận hành theo cơ chế thị trường. Người trí thức hoàn toàn có quyền lựa chọn chỗ đứng cho mình. Nơi nào khả năng của họ được dùng đúng chỗ, đóng góp có hiệu quả cho xã hội thì họ tìm đến. Nơi nào mà khả năng của họ không được phát huy thì họ sẽ bỏ đi, đó là lẽ thông thường. Tuy nhiên có rất nhiều trí thức tài giỏi được đào tạo ở các nước tiên tiến vì lòng yêu nước thương dân mà họ dám từ bỏ những món lợi lộc lớn để trở về đất nước phụng sự Tổ quốc và nhân dân với đồng lương khiêm tốn. Giải pháp để mời gọi và giữ chân trí thức không phải chỉ là đãi ngộ mà phải công bằng trong việc dùng người. Tránh vì những quan hệ, tiền tệ... mà gây bất công trong việc dùng người. Những trí thức Việt Nam coi việc đó mới là quan trọng nhất.

Nhiều nơi thu hút nhưng nhân tài vẫn cứ ra đi

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó có những người có học hàm, học vị cao và có kinh nghiệm trong thực tiễn, lý luận, có tâm huyết để đầu tư chất xám của mình cho đất nước.

Tuy nhiên, phải nói rằng, mặc dù có chủ trương như thế nhưng thời gian vừa qua vẫn xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám", nhiều nơi thu hút nhưng nhân tài vẫn cứ ra đi, từ khu vực nhà nước ra khu vực tư nhân, thậm chí từ trong nước "chảy" ra nước ngoài.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám

“Tôi cho rằng đây là một bài toán khó và chúng ta phải có suy nghĩ để định giải bài toán này. Đó là cơ chế, chính sách để các trí thức cống hiến, phục vụ Tổ quốc”, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là một vấn đề rất quan trọng và cần phải có cơ chế chính sách để giữ "chất xám", giữ nhân tài ở lại Việt Nam. Giữ lại những trí thức giỏi ở khu vực nhà nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người này dù phục vụ ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân thì cũng đều là phục vụ cho sự phát triển của đất nước ta. Thế nhưng, một điều đáng tiếc là những nhân tài lại "chảy" ra nước ngoài, phục vụ cho nước ngoài.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám
Ảnh 1: Kỹ sư công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu sản phẩm thông tin quân sự.
Ảnh 2, 3: Kỹ sư của Công ty Cổ phần Vicostone kiểm tra hoạt động vận hành của dây chuyền sản xuất.

GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Moscow (MEI), Liên bang Nga chia sẻ, nhiều năm rồi, trí thức kiều bào ở ngoài nước, trong đó có cả Liên bang Nga rất mong muốn được tham gia đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là tình cảm rất tự nhiên, xuất phát từ tình yêu nước và trách nhiệm của trí thức kiều bào với sự nghiệp chung của đất nước.

GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh, Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều chính sách, giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào. Tuy nhiên, cái mà chúng ta làm được so với kỳ vọng thực sự hạn chế, do một số khó khăn.

Từ thực tế cũng là một trí thức về nước làm việc, GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho hay, nếu mọi người nghĩ rằng chỉ cần có chính sách, đãi ngộ về lương bổng, nhà cửa... là đủ để trí thức về làm việc thì không phải.

Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám

“Chúng tôi cần không chỉ có đồng lương mà là những nhiệm vụ khoa học công nghệ mình có thể đóng góp được. Chúng tôi về nước, được trả mức lương rất cao, nhà, biệt thự rất lớn, nhưng không có nhiệm vụ để làm thì chúng tôi cũng sẽ lại ra đi. Đó là một thực tế”, GS,TSKH Nguyễn Quốc Sỹ nói.

GS, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, ông đã từng gặp rất nhiều trí thức ở các nước đã từng về Việt Nam, cũng mong muốn đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp của đất nước, nhưng rồi, nhiều người lại ra đi. Khi ông tìm hiểu thì thấy, tâm tư, nguyện vọng của nhiều người giống như trên.

“Câu hỏi đặt ra là, vì sao nhiều năm rồi mà những khó khăn đó vẫn tồn tại, và chúng ta không thể nào triển khai những dự án chiến lược của đất nước trong thu hút trí thức, kiều bào”, GS, TSKH Nguyễn Quốc Sỹ đặt câu hỏi.

Chính sách thu hút, đãi ngộ đối với nhân tài là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Khi điều kiện thuận lợi để những trí thức nghiên cứu khoa học, thực hiện các ý tưởng, đầu tư "chất xám" vào các lĩnh vực ưu thế của họ… thì lúc đó sẽ hạn chế được trình trạng “chảy máu chất xám”.

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ cho biết, tính từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Trong đó, ở Bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%); ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).

Trong đó, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo có 16.427 người, chiếm 41,53% (ở Bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người).

Sự nghiệp Y tế có 12.198 người, chiếm tỷ lệ 30,84% (ở Bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).

Bộ Nội vụ đánh giá, từ số liệu thống kê trên có thể thấy, số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức (chiếm 89,8%), công chức (chỉ chiếm 10,2%), cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội về việc làm; đồng thời ở nhóm tuổi từ 40 tuổi trở xuống, có trình độ đào tạo từ đại học, cao đẳng trở lên.

  • Đội ngũ trí thức - Những người làm hưng thịnh đất nước - Bài 2: Ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, Học viện Quân y, CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top