ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI TINH, GỌN, MẠNH, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC MỌI NHIỆM VỤ
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2023) giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐND tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ra sức thi đua lập thành tích cao nhất hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-Đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, anh dũng, liên tiếp đánh thắng hai trận: Phai Khắt và Nà Ngần-mở đầu truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, Quân đội ta đã cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội vừa chiến đấu, vừa kiến quốc, xây dựng lực lượng. Trước muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng với “Chí thép, lòng son”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã nỗ lực vượt mọi gian khó, hiểm nguy, không quản hy sinh, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; giành thắng lợi từng phần, tiến đến đánh những đòn quyết định, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội đã cùng toàn dân vừa tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc “Hậu phương lớn” miền Bắc, vừa dũng cảm, mưu trí, sáng tạo chiến đấu và chiến thắng trên chiến trường miền Nam. Toàn quân phát huy tốt vai trò nòng cốt trong đấu tranh quân sự; đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Khi thời cơ đến, Quân đội cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quân đội ta tiếp tục phát huy bản chất cách mạng, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong tình hình mới; là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. QĐND luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng...; thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng, các công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước. Quân đội tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng địa bàn an toàn, xây dựng hệ thống chính trị và đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới, hải đảo; góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường “thế trận lòng dân”, tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân. Quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả chiến tranh và thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Đồng thời, Quân đội cũng tích cực triển khai thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trải qua gần 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, QĐND Việt Nam luôn thể hiện rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; một lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. QĐND Việt Nam không chỉ là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất mà còn là một đội quân văn hóa, là hình mẫu của quân đội cách mạng. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh; dù phải đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù, QĐND Việt Nam luôn trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động sáng tạo, mưu trí dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, gắn bó máu thịt với nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội, kỷ luật nghiêm minh; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng rỡ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân khen tặng, xứng đáng là Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, thậm chí đối đầu. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ. Điểm nóng về an ninh có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lan rộng; xuất hiện nhiều hình thức chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới. Khoa học-công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một mặt, mang lại những thời cơ và đột phá trên nhiều lĩnh vực, mặt khác, cũng tạo ra nhiều thách thức mới. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh... ngày càng diễn biến phức tạp. Tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột tác động đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không... Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, xuất hiện những vấn đề phức tạp mới. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng công khai, trực diện hơn. Việc điều chỉnh tổ chức, lực lượng Quân đội tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách; công tác bảo đảm vũ khí, trang bị hiện đại cho các đơn vị còn gặp khó khăn,... Tình hình trên tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống "Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng", thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng QĐND tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Trước hết, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, tập trung xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đây là vấn đề cơ bản, nguyên tắc bất di, bất dịch quyết định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của Quân đội; bảo đảm trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào Quân đội cũng luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy yêu cầu xây dựng Quân đội phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và trong mọi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất, công tác, nhưng phải đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; vì: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(1). Do đó, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại phải bảo đảm tinh gọn về tổ chức, nâng cao chất lượng về mọi mặt, phải thường xuyên coi trọng giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên phải được lan tỏa trong toàn quân và toàn xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, có uy tín cao, gương mẫu, “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thứ thách; dám hành động vì lợi ích chung”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ, xác định động cơ, ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động và xây dựng môi trường văn hóa quân sự tiến bộ, lành mạnh, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong toàn quân. Làm tốt công tác bảo vệ an ninh, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi tiêu cực, tư tưởng xấu độc, làm trong sạch nội bộ Quân đội. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác dân vận với những mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực, góp phần làm tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thắt chặt mối đoàn kết quan hệ quân-dân. Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ.
Hai là, tập trung cao độ hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho Quân đội có đủ sức mạnh, hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, trực tiếp là đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng; bảo đảm sự cân đối, tương đối đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Cùng với điều chỉnh, tổ chức lực lượng, công nghiệp quốc phòng được chú trọng đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng; đã nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được một số loại vũ khí chiến lược cần thiết cho phòng thủ đất nước; từng bước bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Trong thời gian tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 -2030 và những năm tiếp theo. Điều chỉnh tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, gắn với bố trí lại lực lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cấp trong Quân đội; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị; có bước đi thích hợp, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tổ chức, biên chế phù hợp với lộ trình bảo đảm vũ khí trang bị mới, ưu tiên các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; điều chỉnh tổ chức, quân số của từng khối, từng quân chủng, binh chủng, cơ quan các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cân đối giữa các lực lượng; bảo đảm Quân đội đủ khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời bình và khi xảy ra chiến tranh. Lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, bảo đảm thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất". Quá trình điều chỉnh tổ chức, hiện đại hóa Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; biện pháp thực hiện phải toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách.
Thực hiện tốt công tác hậu cần bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu, các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Quân đội; phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, tăng cường tiềm lực, thế trận hậu cần, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng công tác, bảo đảm tốt nhất cho các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kỹ thuật nhằm bảo đảm kịp thời, đầy đủ trang bị kỹ thuật có chất lượng tốt, đồng bộ cho Quân đội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội; đồng thời, tiếp tục đầu tư mua sắm một số loại vũ khí trang bị mới, hiện đại. Nâng cao chất lượng công tác khoa học quân sự, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự và chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng.
Ba là, quyết liệt đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là một trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định, bảo đảm cho Quân đội tiến lên hiện đại. Để thực hiện tốt nội dung này, trên cơ sở nắm chắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo. Vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, phương châm, mối kết hợp nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện phương châm huấn luyện “Cơ bản-Thiết thực-Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, theo hướng hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với giáo dục chính trị; giáo dục, đào tạo gắn với huấn luyện, chiến đấu; huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, môi trường tác chiến và thực tế chiến đấu, có cường độ cao, lấy thực hành làm chính. Tổ chức diễn tập ở các cấp bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, an toàn, sát thực tiễn.
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trong Quân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện vào giáo dục và đào tạo. Gắn nhà trường với chiến trường và đơn vị; đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng; coi chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và đào tạo trong nhà trường với bồi dưỡng tại đơn vị và tự học, tự rèn trong quá trình công tác. Ứng dụng nhanh, hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ trong đổi mới giáo dục và đào tạo; gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, với thực tiễn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại. Tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng và cơ cấu theo lộ trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị của các quân chủng, binh chủng, lực lượng, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận về quốc phòng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam; nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện, phù hợp với từng đối tượng, cấp học, bậc học.
Bốn là, tăng cường xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc về nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” trong toàn quân. Chính quy và kỷ luật là sức mạnh của Quân đội ta, là đặc trưng thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp tích cực, hiệu quả để cán bộ, chiến sĩ tự giác thực hiện tốt các chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Việc xây dựng chính quy phải bảo đảm tính toàn diện, trước hết, tập trung vào nâng cao sự chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý con người và vũ khí trang bị...; bảo đảm sự thống nhất, nghiêm túc về mang mặc trang phục, lễ tiết tác phong quân nhân và chấp hành điều lệnh, điều lệ, các chế độ quy định. Thường xuyên quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, chủ động đấu tranh phòng, chống những tiêu cực xâm nhập vào môi trường Quân đội.
Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, xây dựng tính tự giác trong thực hiện chế độ, nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ; lấy kết quả xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân. Cấp ủy, chỉ huy phải quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội của quân nhân, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng để kịp thời có biện pháp hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, ngăn ngừa vi phạm. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín trong chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội; thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm kỷ luật; bảo đảm mọi quân nhân và đơn vị Quân đội thực sự mẫu mực về tinh thần kỷ luật tự giác, nghiêm minh, sự thống nhất chính quy ở trên mọi lĩnh vực, địa bàn hoạt động.
Năm là, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là một bộ phận quan trọng của ba trụ cột đối ngoại Việt Nam, quán triệt, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng, nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Qua đó, xây dựng lòng tin chiến lược, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội ta và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phục vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thời gian tới, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 53-KL/TW ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Bên cạnh duy trì, phát triển các mối quan hệ đã được thiết lập, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng với quân đội các nước trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, thúc đẩy quan hệ ổn định, lâu dài, hợp tác vì sự phát triển của Quân đội và đất nước; đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới; tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm trong hợp tác quân sự, quốc phòng đa phương. Đặc biệt, chú trọng huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội, nhất là thúc đẩy hợp tác trong phát triển công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự. Quân đội tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, giúp đỡ các nước khắc phục thiên tai, thảm họa để lan tỏa sâu rộng hình ảnh tốt đẹp của QĐND Việt Nam.
Cùng với đó, Quân đội phải luôn chủ động tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “Chiến đấu” trong thời bình, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, tiên phong trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn...; tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cống hiến hy sinh vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, không quản ngại gian nguy khi tham gia công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình, mô hình, cách làm phù hợp để giúp đỡ các địa phương và nhân dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, công tác an sinh xã hội, coi đây là những nội dung quan trọng, thiết thực tri ân nhân dân, nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Qua đó, làm sáng đẹp thêm phẩm chất, hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.
Gần 8 thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, QĐND Việt Nam luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân; lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn mới, toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống “Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng”, đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQGST, H.2011, tr.217.
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC