LONGFORMDấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao
Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao

Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, xác định rõ: “Xây dựng và triển khai kế hoạch gia nhập các cơ chế đa phương khác; trong đó, có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động GGHB của Liên hợp quốc…”. Nghị quyết là mệnh lệnh Đảng giao cho Quân đội, trong đó cán bộ, đảng viên là những người đi trước mở đường.

----------*****----------

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao

HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ

Sau khi Bộ Chính trị ra Nghị Quyết số 22-NQ/TW, ngày 5-12-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”. Ngày 31-12-2013, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết 806-NQ/QUTW, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Nghị quyết của Quân ủy Trung ương xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình”.

Không lâu sau, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 4792/QĐ-BQP về việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó Tổng Tham mưu trưởng ra Quyết định số 2887/QĐ-TM, ban hành biểu tổ chức, biên chế của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam với 36 đồng chí, trong đó có 23 sĩ quan, 6 quân nhân chuyên nghiệp và 7 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Đồng chí Hoàng Kim Phụng làm Bí thư Đảng ủy Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chia sẻ: “Tháng 12-2013, tôi được rút từ Phòng Tùy viên quốc phòng tại Philippines về làm Tổ trưởng tổ 5 người, cùng với 4 đồng chí khác, để chuẩn bị cho việc ra đời Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Khi đó chỉ có 5 đảng viên, chúng tôi đã xây dựng ngay chi bộ nằm trong Đảng bộ Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Sau gần nửa năm, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam chính thức được thành lập. Chi bộ tách khỏi Đảng bộ Cục Đối ngoại, phát triển lên thành đảng bộ”.

Ngay sau khi Trung tâm Gìn giữ hòa bình được thành lập, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo rất ráo riết để tìm ra một mô hình phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam. Một yêu cầu có tính nguyên tắc được Quân ủy Trung ương đặt ra là: Phải giữ được hình ảnh cao đẹp và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam; lực lượng GGHB Việt Nam phải tuyệt đối trung thành, mang đường lối đối ngoại của Việt Nam ra hội nhập quốc tế.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Video: TRUNG THÀNH

Yêu cầu trên là một thách thức không nhỏ đối với một tổ chức đảng khởi đầu chỉ có 5 đảng viên. Do đó, việc đầu tiên cần phải làm là xây dựng một hệ thống lãnh đạo xuyên suốt từ trong nước ra bên ngoài, một hệ thống chỉ huy “cách bức” từ châu Á sang châu Phi, đảm bảo quán triệt được mọi đường lối, chủ trương của Đảng, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc của con người Việt Nam.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng xuyên suốt từ trên xuống dưới và ra nước ngoài, Đảng ủy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thành lập các chi bộ, đảng bộ bộ phận hoạt động ở các địa bàn. Ngay cả khi mới chỉ có 2 đồng chí đảng viên được cử đến phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Nam Sudan năm 2014, Cục đã quyết định các đồng chí ở phái bộ phải thường xuyên liên hệ với tổ chức đảng trong nước để phối hợp thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thông tin hai chiều.

Năm 2015, khi có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức đảng ở các phái bộ GGHB ở Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) và Nam Sudan (UNMISS), Đảng ủy Cục đã thành lập các chi bộ lâm thời thuộc các tổ công tác phái bộ. Sau này, khi các bệnh viện dã chiến cấp 2 được triển khai tới Nam Sudan, chi bộ lâm thời tại UNMISS vẫn sinh hoạt độc lập với đảng bộ bệnh viện, đồng thời ra nghị quyết triển khai nhiệm vụ hằng tháng dựa trên nghị quyết của Đảng ủy và kế hoạch nhiệm kỳ của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Nhờ cách thức, biện pháp sinh hoạt đảng linh hoạt ngay từ giai đoạn đầu như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được thông suốt từ trên xuống dưới, từ trong nước ra nước ngoài.

----------*****----------

NHÂN SỰ - KHÓ KHĂN ĐẦU TIÊN

Trong hành trình 10 năm qua, Đảng ủy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã ra rất nhiều nghị quyết lãnh đạo, trong đó có một nghị quyết chuyên đề có ảnh hưởng lớn tới quá trình xây dựng và phát triển lực lượng GGHB của Việt Nam. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết: “Trong các nghị quyết lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ suốt 10 năm qua, nghị quyết làm chúng tôi trăn trở nhất, phải đắn đo và phải dành ra nhiều công sức, trí tuệ nhất là nghị quyết chuyên đề, đề nghị lên Quân ủy Trung ương cho phép Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, rồi Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có một cơ chế đặc biệt về tuyển nhân sự”.

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao
Các thành viên của Đội công binh số 1 Việt Nam trong hành trình triển khai đến Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA).

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, đây là một nghị quyết được chuẩn bị công phu, khi thực hiện đã gặp những vướng mắc, khó khăn nhưng cuối cùng đã được thực hiện thắng lợi. Nhờ một nghị quyết như vậy, Quân đội ta đã tìm được và cử những đồng chí đủ phẩm chất, đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ trong một lĩnh vực mới, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong thời bình.

Nghị quyết về nhân sự của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nêu rõ: Nếu chúng ta không chuẩn bị nhân sự tốt thì nhiệm vụ có nguy cơ không thể hoàn thành. Để thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, lực lượng tham gia phải có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực hội nhập quốc tế, biết sử dụng ngoại ngữ (Liên hợp quốc yêu cầu nhân sự phải đạt tối thiểu 5.5 điểm IELTS), nắm vững kiến thức về GGHB, hiểu luật pháp quốc tế, nắm chắc đường lối đối ngoại Việt Nam, hiểu rõ về đối ngoại quốc phòng, có ý thức chấp hành kỷ luật, luôn tôn vinh văn hóa Việt Nam cũng như giá trị và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Vì vậy, không thể cứ tuyển cho đủ quân số.

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao
Đảng ủy Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày 15-12-2023.

Khi đi tìm nhân sự thì khó khăn nảy sinh: Nguồn cán bộ ở đâu? Tất cả các đơn vị đều không muốn cho người, do những nhân sự này đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng, đã được quy hoạch, phát triển.

Từ nghị quyết nhân sự của Đảng ủy Cục GGHB, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương đưa ra một giải pháp: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được quyền tuyển tất cả các lực lượng trong toàn quân. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng hồi tưởng: “Tôi cho rằng nghị quyết của chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sự sáng suốt của Quân ủy Trung ương cho phép Đảng ủy Trung tâm (sau này là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) được quyền tiếp cận đến toàn bộ các đơn vị ở trong toàn quân đã đem lại một nguồn nhân lực lớn để chúng tôi tuyển được nhân sự vào những vị trí quan trọng”.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Video: TRUNG THÀNH

Nghị quyết về nhân sự đã giải được bài toán về con người hiệu quả, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ chỗ chỉ có trong biên chế 36 cán bộ, chiến sĩ đã được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, mở rộng biên chế. Hiện nay, tính cả lực lượng phối thuộc từ các đơn vị trong toàn quân đi thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hơn 500 cán bộ, chiến sĩ.

----------*****----------

DẤU MỐC QUAN TRỌNG

N

gày 27-5-2014 đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng với lực lượng GGHB Việt Nam. Tại Hà Nội, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam chính thức ra mắt. Buổi lễ ra mắt Trung tâm cũng là Lễ xuất quân, tiễn 2 sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS, đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Hai sĩ quan đầu tiên vinh dự nhận nhiệm vụ làm sĩ quan liên lạc tại UNMISS là Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn, cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo chính phủ, Bộ Quốc phòng, đại diện ban, bộ, ngành liên quan và Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, Cục trưởng Cục Hỗ trợ hoạt động GGHB tại thực địa Ameerah Haq.

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam là tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Ameerah Haq cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam: “Hôm nay là một ngày trọng đại khi Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được ra mắt. Đây là bằng chứng rõ nét nhất, hơn bất cứ điều gì trong cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực vì hòa bình và an ninh chung toàn cầu. Việt Nam không chỉ được công nhận là trung tâm của toàn thế giới về những bài học và kinh nghiệm trong giảm nghèo và phát triển bền vững. Với việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, có thể chắc chắn rằng thế giới sẽ sớm được thấy tính chuyên nghiệp, sự năng động và đổi mới của đất nước các bạn trong lĩnh vực GGHB”.

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao
Cảm tưởng của bà Ameerah Haq, Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, Cục trưởng Cục Hỗ trợ hoạt động GGHB tại thực địa, về sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày 27-5-2014.

Nhìn lại dấu mốc quan trọng cách đây 10 năm, Đại tá Trần Nam Ngạn, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, một trong hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc, cho biết: “So với thời điểm chúng tôi được triển khai tới Nam Sudan năm 2014, hiện nay chúng ta đã có những tiến bộ lớn trên tất cả các mặt. Tôi cho rằng việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới trong một lĩnh vực mà Quân đội ta vừa mới bắt đầu chính thức tham gia…

Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao

Đại tá Hà Thành Chung, Tùy viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng: “Sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đánh dấu việc Việt Nam chính thức đưa lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc. Đây là một quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới”.

Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Video: TRUNG THÀNH

Từ những ngày đầu tiên còn non trẻ, Chi bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã nhanh chóng phát triển thành Đảng bộ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, kiện toàn tổ chức đảng, ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sát với tình hình thực tế, sát sao theo dõi, giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ ở địa bàn, kết hợp nắm bắt tình hình, kịp thời điều chỉnh kế hoạch, nghị quyết cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tinh gọn, mạnh, đạt nhiều thành tích nổi bật.

(còn nữa)

  • Dấu ấn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cán bộ, đảng viên tiên phong mở đường - Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng Đảng giao
  • Nội dung: TRỊNH DŨNG, HỮU DƯƠNG, QUANG TUYỂN, MAI HƯƠNG, TRUNG THÀNH
  • Ảnh: CỤC GGHB VIỆT NAM, ĐỘI CÔNG BINH SỐ 1, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
top