Cơ hội mở rộng cho quan hệ giữa Việt Nam với Chile, Peru và APEC
-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ ngày 9 đến 12-11; thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12 đến 16-11. Đây là hoạt động đối ngoại lớn đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường sau khi nhậm chức.
-------------------***-------------------
Dấu mốc lịch sử
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile của Chủ tịch nước Lương Cường là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Salvador Allende (tháng 5-1969) - sự kiện đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 25-3-1971. Đến tháng 5-2007, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi, hai bên thường xuyên duy trì hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn và hoạt động của các tổ chức quốc tế. Hiện Việt Nam và Chile đều là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam và Chile cũng duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác; phối hợp và hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Trong những năm qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Chile đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Chile được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực vào năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD; trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 1,29 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Chile là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sang Mỹ Latin, sau Mexico, Brazil và Argentina, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng như: Điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may, giày dép các loại, clanke và xi măng; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ… và nhập từ Chile chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng, gỗ thông, bột giấy, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang...
Trong bối cảnh quan hệ song phương đang phát triển tích cực, chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước được kỳ vọng sẽ đem đến “sức sống mới” cho quan hệ hai nước, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác.
Chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ta tới quốc gia Nam Mỹ này và đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (14-11-1994 / 14-11-2024).
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Peru phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế. Hai nước duy trì thường xuyên các cơ chế Tham khảo chính trị và họp Ủy ban liên chính phủ. Hai nước duy trì sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương.
Về thương mại, trao đổi song phương đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 79,1%, từ mức 353,78 triệu USD (năm 2016) lên mức 600 triệu USD (năm 2022); năm 2023 đạt 486 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2024 đạt 289,6 triệu USD. Hai bên có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại khi đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều cam kết ưu đãi trong rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.
Về đầu tư, Việt Nam hiện có hai dự án đầu tư quan trọng tại Peru trên các lĩnh vực viễn thông và dầu khí với tổng số vốn là 1,24 tỷ USD.
Với tiềm năng hợp tác còn rộng lớn, chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới.
Mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với APEC
Tại Peru, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 ở thủ đô Lima.
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu .
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15-11-1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC, và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn. Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án của APEC.
Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC năm 2005-2006, Chủ tịch/Phó chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt của APEC. Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao, với nhiều đề xuất, khuyến nghị thiết thực lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC.
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu kỷ niệm 35 năm thành lập APEC, là dịp để các nền kinh tế thành viên rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru thúc đẩy 3 ưu tiên chính bao gồm: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối, đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu, tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC, triển khai nhiều sáng kiến, dự án về cải cách cơ cấu, tài chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2025, được nhiều thành viên APEC đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tại Peru, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Chủ tịch nước cũng sẽ truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là một trong những ưu tiên hàng đầu...
Có thể khẳng định, việc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm sẽ góp phần tạo ra những xung lực mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường phối hợp với các nước trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Bên cạnh đó, sự tham dự của Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò và có những đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm cho APEC cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các nền kinh tế thành viên.
- Nội dung: LINH OANH
- Ảnh: TTXVN, VGP, ĐOÀN CA, Reuters, baophapluat.vn
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC