Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 5: Văn hóa - Từ di sản của quá khứ đến tương lai của quốc gia
Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã khẳng định vấn đề phát triển văn hóa, con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Trải qua 94 năm thành lập Đảng, 40 năm đổi mới, trong thời khắc đất nước bước vào thời kỳ mới, phát triển văn hóa là nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng nhằm xây dựng và củng cố nền văn hóa vừa giữ vững được bản sắc truyền thống, vừa thích ứng và phát triển bền vững cùng những thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Một quốc gia có nền văn hóa vững chắc là một quốc gia có khả năng vượt qua mọi thử thách, duy trì sự ổn định và đồng lòng để tiến bước trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy cạnh tranh.
Đây là đường hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước đi lên, lập những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới, với nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp tục làm vẻ vang giống nòi, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các quốc gia trên thế giới.
Trao đổi một cách sâu sắc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những yếu tố căn cốt nhất trong phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới, Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Hội đồng Lý luận Văn học - Nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhấn mạnh: Văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của một quốc gia, đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ trình độ phát triển trung bình đến cao. Trong quá trình chuyển tiếp này, văn hóa giúp định hình bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời tạo ra sự ổn định xã hội và sự đồng thuận trong các chính sách phát triển.
Một quốc gia có nền văn hóa vững mạnh sẽ có khả năng vượt qua các thử thách trong quá trình toàn cầu hóa, giữ vững được bản sắc trước những thay đổi nhanh chóng về mặt kinh tế và công nghệ. Bên cạnh đó, văn hóa còn là yếu tố then chốt trong việc xây dựng niềm tin, tinh thần cộng đồng, và động lực làm việc của người dân. Khi nền văn hóa được tôn trọng và phát huy, nó khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, từ đó thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế bền vững hơn.
“Đối với các quốc gia đang phát triển như chúng ta, văn hóa có thể là chìa khóa để xây dựng nền tảng vững chắc, đảm bảo sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực, và nâng cao đời sống của nhân dân”, chuyên gia Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Trả lời câu hỏi đang được nhiều người quan tâm: Phát triển văn hóa trong thời kỳ mới được hiểu như thế nào, cụ thể là những vấn đề gì?
PGS,TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Theo tôi, phát triển văn hóa trong thời kỳ mới có nghĩa là xây dựng và củng cố nền văn hóa vừa giữ vững được bản sắc truyền thống, vừa thích ứng và phát triển cùng những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và những biến động lớn về kinh tế, chính trị, việc phát triển văn hóa trở thành một nhiệm vụ chiến lược để xây dựng một xã hội thịnh vượng, bền vững.
Giữa dòng chảy mạnh mẽ của các luồng văn hóa ngoại nhập, bảo vệ bản sắc dân tộc không phải là sự khép kín mà là cách khẳng định lòng tự tôn, bản lĩnh và sự độc đáo của dân tộc ta. Bản sắc ấy là tâm hồn, là cội nguồn của sự phát triển, giúp chúng ta đứng vững và không bị hòa tan giữa những biến động của thế giới.
Đồng thời, phát triển văn hóa trong thời đại mới cần gắn liền với sự sáng tạo và đổi mới. Văn hóa không thể là những giá trị tĩnh, mà phải là sức sống mãnh liệt của một dân tộc luôn biết cách làm mới mình, tìm kiếm những hình thức biểu đạt phù hợp với thời đại. Sáng tạo không chỉ giúp văn hóa thích nghi mà còn làm giàu thêm, làm sâu sắc hơn giá trị của nó.
Công nghiệp văn hóa cũng chính là một mạch nguồn quan trọng, khi văn hóa không chỉ là phương tiện tinh thần mà còn là động lực kinh tế.
Một quốc gia có thể thịnh vượng nhờ việc khai thác những giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Từ du lịch văn hóa, thời trang đến điện ảnh và truyền thông, công nghiệp văn hóa mở ra cơ hội lớn để đưa hình ảnh, bản sắc dân tộc ra thế giới. Nó không chỉ tạo ra nguồn thu kinh tế mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa quốc tế.
Phát triển văn hóa trong thời kỳ mới là hành trình kết hợp giữa quá khứ và tương lai, giữa bản sắc dân tộc và những thành tựu của thế giới hiện đại. Đó là khát vọng của một dân tộc đang trỗi dậy, một dân tộc quyết tâm không chỉ phát triển về kinh tế mà còn làm giàu về tinh thần, để mỗi bước tiến của chúng ta không chỉ là sự thịnh vượng vật chất mà còn là sự thăng hoa về giá trị văn hóa và nhân văn. Chính văn hóa, với sức mạnh vô hình nhưng bền bỉ, sẽ soi đường cho một tương lai phát triển bền vững, tự hào và trường tồn.
Văn hóa không thể phát triển nếu thiếu sự tiếp nối và trau dồi từ thế hệ trẻ. Và giáo dục văn hóa là chìa khóa để xây dựng con người mới.
Cùng với đó, công nghệ số mở ra một cánh cửa mới để văn hóa lan tỏa. Trong kỷ nguyên 4.0, việc bảo tồn, truyền bá và phát triển văn hóa có thể diễn ra một cách hiệu quả và rộng khắp hơn bao giờ hết.
Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, văn hóa, với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, cần phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển trong thời kỳ mới. Đó không chỉ là một khía cạnh phụ trợ cho kinh tế hay xã hội, mà là yếu tố cốt lõi định hình bản sắc, tạo dựng giá trị và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nếu coi kinh tế là xương sống thì văn hóa chính là linh hồn, là nguồn năng lượng tinh thần giúp xã hội phát triển hài hòa, toàn diện. Trong thời kỳ mới, đối mặt với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, môi trường và lối sống, văn hóa càng cần được coi trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, trong thực tế, ở nhiều nơi, nhiều lúc, văn hóa chưa được đánh giá và coi trọng đúng mức như kinh tế. Lâu nay, sự phát triển kinh tế thường được ưu tiên hơn cả và văn hóa thường bị xem như một yếu tố hỗ trợ. Nhưng sự phát triển kinh tế không thể tách rời khỏi văn hóa.
Một nền kinh tế chỉ thực sự bền vững khi nó dựa trên những giá trị văn hóa vững mạnh, làm giàu thêm cho đời sống tinh thần của người dân. Khi văn hóa được phát triển đồng hành với kinh tế, nó không chỉ làm thăng hoa đời sống vật chất mà còn nâng tầm chất lượng sống, tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững hơn.
Vậy đến khi nào văn hóa có được vị trí xứng đáng ngang hàng với kinh tế?
Câu trả lời nằm ở nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là ở những nhà hoạch định chính sách. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn, từ việc coi văn hóa là yếu tố phụ trợ, sang việc xem nó là một động lực chính của sự phát triển. Khi văn hóa được đầu tư, phát huy và tôn trọng, nó sẽ tự khẳng định vị trí không chỉ ngang bằng, mà thậm chí còn là yếu tố tiên phong, dẫn dắt sự phát triển của đất nước.
Văn hóa sẽ có được vị trí xứng đáng khi chúng ta nhận ra rằng không thể chỉ đo lường sự phát triển bằng con số tăng trưởng GDP hay lợi nhuận, mà cần phải đo bằng sự tiến bộ về giá trị nhân văn, chất lượng cuộc sống và tinh thần cộng đồng.
Khi văn hóa trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách phát triển quốc gia, khi nó được đầu tư đúng mức trong giáo dục, nghệ thuật và đời sống xã hội…, lúc đó văn hóa sẽ thực sự sánh ngang cùng kinh tế, và cả hai sẽ cùng nhau thúc đẩy một tương lai bền vững và phồn vinh.
“Tôi tin rằng, văn hóa cần được coi trọng ngay từ bây giờ, không phải chỉ đến một thời điểm cụ thể trong tương lai. Nó xứng đáng được đặt ngang hàng với kinh tế bởi vai trò cốt lõi của nó trong việc định hướng, tạo dựng và nuôi dưỡng những giá trị giúp xã hội phát triển toàn diện. Văn hóa là sức mạnh vô hình nhưng bền vững, là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng cả về vật chất lẫn tinh thần”, PGS,TS Bùi Hoài Sơn nói.
Vậy, làm gì để giữ vững bản sắc văn hóa trong dòng chảy toàn cầu hóa?
Trước hết, phải xác định rõ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Chính là sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, phong tục, tập quán, triết lý sống và những giá trị truyền thống đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây là nền tảng không thể thay thế, là căn cốt của bản sắc dân tộc. Khi con người nhận thức được sâu sắc và tự hào về bản sắc văn hóa của mình, họ sẽ tự nhiên có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong mọi hoàn cảnh.
Tiếp theo, giáo dục văn hóa cần phải trở thành trọng tâm. Cần bắt đầu từ gia đình, trường học cho đến cộng đồng. Giáo dục văn hóa không chỉ là việc truyền dạy lý thuyết, mà còn là sự trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động nghệ thuật, lễ hội, phong tục, tập quán.
Thêm vào đó là khả năng tăng cường sáng tạo và làm mới các giá trị văn hóa truyền thống; biết thích nghi, đổi mới để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Sáng tạo không có nghĩa là thay đổi bản chất của văn hóa, mà là tìm kiếm những cách thức mới để biểu đạt và truyền tải những giá trị ấy. Chúng ta đã thấy nhiều ví dụ thành công từ những quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, khi họ kết hợp thành công giữa truyền thống và hiện đại, đưa văn hóa của mình lan tỏa toàn cầu mà không mất đi bản sắc.
Ngoài ra, phát triển công nghiệp văn hóa cũng là một giải pháp hiệu quả. Khi văn hóa trở thành một nguồn lực kinh tế thông qua du lịch, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực hay các sản phẩm văn hóa khác, nó không chỉ tạo ra giá trị vật chất mà còn nâng cao sự tự hào về bản sắc.
Để làm được, theo chuyên gia Bùi Hoài Sơn, vai trò của chính sách và pháp luật là vô cùng quan trọng. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát triển văn hóa, đồng thời xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc để ngăn chặn những yếu tố ngoại lai có thể gây xâm hại đến giá trị văn hóa dân tộc.
Hội nhập với thế giới là điều tất yếu, nhưng giữ gìn bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết, để dân tộc ta luôn có một bản ngã riêng biệt, tự tin bước ra thế giới với một vị thế đáng tự hào.
Muốn giữ gìn nét tinh túy của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, và tương lai còn tiến xa hơn với những đột phá của khoa học kỹ thuật, đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn xa, chiến lược thông minh và quyết tâm bền bỉ. Theo PGS, TS Bùi Hòa Sơn, bản sắc văn hóa Việt Nam phải trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ là một yếu tố phụ trợ mà phải là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Từ việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo, tất cả đều cần phải gắn kết chặt chẽ với các giá trị truyền thống của dân tộc.
Các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), blockchain và AI hoàn toàn có thể được sử dụng để bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa. Hãy tưởng tượng những di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, hát xoan Phú Thọ hay các lễ hội truyền thống có thể được tái hiện sống động trong không gian ảo, giúp thế hệ trẻ tiếp cận dễ dàng hơn và thấy gần gũi hơn. Việc phát triển các nền tảng số hóa văn hóa không chỉ là cách bảo tồn, mà còn là cách lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới.
Đồng thời, chính sách phát triển văn hóa cần đồng hành cùng chính sách công nghiệp và công nghệ. Trong đó, cần có những chính sách ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm văn hóa công nghệ cao. Từ sản xuất phim ảnh, âm nhạc, đến các ứng dụng tương tác số dựa trên giá trị văn hóa, tất cả đều có thể trở thành những "đại sứ" văn hóa Việt Nam hiện đại, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống, vừa bắt nhịp với thời đại mới. Điều này không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn tạo ra giá trị kinh tế, giúp văn hóa trở thành nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước.
“Tôi nghĩ rằng, giữ gìn nét tinh túy văn hóa Việt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt, sáng tạo nhưng vẫn kiên định với những giá trị cốt lõi. Khi văn hóa và công nghệ song hành, chúng ta không chỉ bảo vệ được bản sắc dân tộc mà còn biến nó trở thành sức mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nói.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, để văn hóa thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững, chúng ta cần hành động quyết liệt và đồng bộ trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và đầu tư.
Về lý luận, cần xây dựng một hệ thống lý luận về phát triển văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được tính bản sắc dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống phải được tích hợp vào tư duy phát triển quốc gia trong bối cảnh hội nhập và công nghiệp hóa. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc và sáng tạo trong việc kết hợp giữa lý thuyết văn hóa cổ truyền với những khái niệm mới về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển lý thuyết liên ngành là cực kỳ quan trọng. Văn hóa không thể tách rời với kinh tế, chính trị hay môi trường... Do đó, lý luận văn hóa phải được lồng ghép với các lĩnh vực khác để tạo ra một hệ thống phát triển toàn diện và bền vững. Các lý thuyết về công nghiệp văn hóa, văn hóa và môi trường, hay văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số cần được quan tâm và đẩy mạnh.
Trong thực tiễn, văn hóa phải thực sự hiện diện trong mọi hoạt động, từ việc xây dựng quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế, giáo dục, cho đến các hoạt động xã hội. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, từ Chính phủ, doanh nghiệp, cho đến các tổ chức xã hội và người dân. Các giá trị văn hóa cần được thể hiện rõ ràng và sống động trong các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, để chúng không chỉ là những khẩu hiệu mà là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự thịnh vượng và bền vững.
Về đầu tư, văn hóa cần được đầu tư xứng tầm cả về tài chính lẫn nguồn nhân lực. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa là một yếu tố thiết yếu.
Cuối cùng, chiến lược phát triển văn hóa cần được cụ thể hóa và thống nhất trong tầm nhìn dài hạn. Văn hóa cần được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Đặc biệt, chúng ta cần nhìn văn hóa như một yếu tố chiến lược trong việc nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, biến văn hóa thành một “sức mạnh mềm” để Việt Nam phát triển và hội nhập một cách chủ động, tự tin.
“Văn hóa không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là tương lai của quốc gia, là yếu tố quan trọng giúp chúng ta phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh”.
Bởi văn hóa không đứng riêng biệt mà hòa quyện với các lĩnh vực khác, văn hóa đóng vai trò là cốt lõi, tạo nền tảng tư tưởng và giá trị chung cho các lĩnh vực, từ đó giúp các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao và quốc phòng phát triển trên cơ sở ổn định, bền vững.
Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa đóng vai trò thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, và giúp tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ. Trong chính trị, đó là văn hóa chính trị, với các giá trị như sự minh bạch, công bằng, và tôn trọng lẫn nhau, góp phần tạo nên một hệ thống chính trị ổn định, là nền tảng để thúc đẩy mọi lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực ngoại giao, văn hóa chính là "cánh tay nối dài" của quốc gia ra thế giới. Trong quốc phòng, không chỉ là sức mạnh quân sự mà còn phải dựa trên sự đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của nhân dân. Những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường của dân tộc là yếu tố then chốt giúp quốc phòng trở nên mạnh mẽ và vững vàng. Văn hóa cần được lồng ghép vào giáo dục quốc phòng, để mỗi công dân đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Sức mạnh mềm của một quốc gia không chỉ đến từ tiềm lực kinh tế hay quân sự, mà còn từ sức hấp dẫn, giá trị, và bản sắc văn hóa.
“Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh mềm quốc gia, chúng ta cần chú trọng đến việc phát triển con người – những người có khả năng sáng tạo, quảng bá và bảo tồn văn hóa”, chuyên gia Bùi Hoài Sơn cho biết.
Như vậy có thể thấy rõ, văn hóa đang đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng con người mới cho thời kỳ mới, bởi con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển. Cho nên, xây dựng con người mới với nền tảng văn hóa vững chắc không chỉ cần thiết mà còn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Văn hóa là nơi khởi nguồn của những giá trị sống như đạo đức, tính kiên trì, lòng nhân ái, và ý thức cộng đồng. Những giá trị này không chỉ tạo nên một cá nhân hoàn thiện mà còn góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, bền vững và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo, năng động và tinh thần đổi mới – những phẩm chất không thể thiếu của con người trong thời đại công nghệ số.
Ngoài ra, văn hóa giúp xây dựng tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng, điều mà mỗi người dân Việt Nam cần có trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Thời kỳ mới đòi hỏi mỗi công dân không chỉ là một cá thể độc lập mà còn phải có ý thức về vai trò của mình trong cộng đồng, biết làm việc vì lợi ích chung và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Các giá trị văn hóa truyền thống như tình làng nghĩa xóm, lòng nhân ái, tinh thần đồng đội là những phẩm chất mà văn hóa Việt Nam mang lại, giúp con người mới biết trân trọng và phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Văn hóa truyền thống Việt Nam với những câu chuyện lịch sử về lòng dũng cảm, kiên trì, và sự kiên cường của dân tộc sẽ là nguồn động lực để thế hệ mới tiếp tục bước đi trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước.
Con người mới trong thời kỳ mới sẽ phát triển toàn diện khi có một nền tảng văn hóa vững mạnh, giúp họ giữ vững bản sắc dân tộc, sáng tạo và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước.
Vậy cần làm gì để quảng bá văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới?
PGS,TS Bùi Hoài Sơn kiến giải về vấn đề này rất rõ ràng: Chiến lược quảng bá văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới cần tập trung vào một số trụ cột quan trọng, như: Xây dựng một nền tảng chiến lược quốc gia về ngoại giao văn hóa; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá văn hóa; tăng cường phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; phát huy vai trò của du lịch văn hóa; xây dựng thương hiệu quốc gia qua văn hóa… Trong đó đầu tư vào con người là yếu tố cốt lõi.
Cuối cùng, để ngăn những “làn gió độc” trong hành trình hội nhập văn hóa với khu vực và thế giới; nguy cơ mai một văn hóa truyền thống; ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai… thì việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Theo chuyên gia Bùi Hoài Sơn, trước hết cần xây dựng những cơ chế pháp lý mạnh mẽ, bảo vệ văn hóa truyền thống khỏi những xâm phạm và biến tướng. Các quy định rõ ràng về bản quyền và sở hữu trí tuệ; hợp tác quốc tế; có chiến lược kiểm soát những thông tin sai lệch; nâng cao nhận thức cho giới trẻ, giúp họ trở thành con người mới thông thái và có trách nhiệm. Chúng ta sẽ không chỉ giữ gìn mà còn làm cho văn hóa dân tộc tỏa sáng giữa lòng thế giới, tạo nên một bản sắc Việt Nam đầy tự hào trong thời đại hội nhập.
- Nội dung: Nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân
- Ảnh: TTXVN, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 3: Xây dựng lực lượng, quan hệ sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới
- Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 4: Bảo vệ vững chắc Tổ quốc - Điều kiện tiên quyết để đất nước bứt phá vươn mình
- Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 2: Nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu thời kỳ mới
- Thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước - Bài 1: Chuẩn bị Đại hội XIV và tầm nhìn mới