Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ: Đại tướng ĐOÀN KHUÊ
Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1999), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người đảng viên cộng sản kiên cường, rất mực trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; một nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín, một tấm gương cao đẹp về phẩm chất cách mạng Bộ đội Cụ Hồ, nhà chính trị, quân sự của Đảng và Quân đội. Tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Đoàn Khuê luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Quá trình công tác
Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1999)
Quê quán: xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
Tham gia cách mạng: 1939
Nhập ngũ: 8-1945
Đại tướng: 1990
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: 1945
Năm 1940: Bị thực dân Pháp bắt giam, đày đi Buôn Ma Thuột.
Tháng 6-1945: Tham gia thành lập Tỉnh ủy lâm thời, Chủ nhiệm Việt Minh, Ủy viên Quân sự tỉnh Quảng Bình.
1946 - 1947: Chính trị viên Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi.
1947 - 1954: Chính ủy Trung đoàn, Phó chính ủy Sư đoàn 305.
1954 - 1960: Phó chính ủy Sư đoàn 675, phụ trách Chính ủy Sư đoàn 351; Chính ủy Lữ đoàn 270.
Năm 1960 - 1964: Phó chính ủy Quân khu 4.
Năm 1964 - 1975: Phó chính ủy Quân khu 5, tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch trên địa bàn quân khu.
1976 - 1983: Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5.
Tháng 5/1983 - 1987: Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
1987 - 1991: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 8/1991 - 1997: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa IV - VIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VI - VIII (1997).
Đại biểu Quốc hội khóa VII - IX.
Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng)
Những đóng góp nổi bật
Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình kiên trung, có truyền thống yêu nước, cách mạng, có hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 6 người anh em là liệt sĩ, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Đoàn Khuê đã luôn nêu tấm gương sáng về một nhà lãnh đạo, nhà chiến lược sắc sảo suốt đời cống hiến, hy sinh và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội.
Đặc biệt, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê đã có nhiều đóng góp về lý luận bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên cả nước. Đại tướng Đoàn Khuê cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng đề xuất chủ trương đúng đắn và tổ chức thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, chăm lo xây dựng Quân đội về mọi mặt theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”.[1]
Quán triệt đường lối đổi mới về kinh tế, chính trị và quân sự - quốc phòng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng góp phần quan trọng từng bước xây dựng kế hoạch giữ nước một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong điều kiện mới của cách mạng nước ta. Với tư duy chính trị - quân sự sắc sảo, tầm nhìn xa trông rộng, đồng chí Đoàn Khuê đã góp phần cùng Đảng đánh giá đúng đắn tình hình thế giới, khu vực và cục diện cách mạng nước ta, các khả năng đe dọa an ninh đối với Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, tổ chức thành công cuộc điều chỉnh chiến lược quan trọng, đảm bảo Tổ quốc ta đối phó kịp thời, đúng đắn với các tình huống, không bị bất ngờ về chiến lược. [2]
Đại tướng Đoàn Khuê đã đề xuất những luận điểm về chiến lược quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là:
1- Kết hợp chặt chẽ bảo vệ Tổ quốc với xây dựng đất nước, quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; dựng nước đi đôi với giữ nước.
2- Bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
3- Phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc.
4- Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân.
5- Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường kết hợp với tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi.[3]
Những luận điểm trên một lần nữa được khẳng định rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và được chính thức thông qua tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII.
Mặt khác, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu của dân tộc Việt Nam; quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, Đại tướng Đoàn Khuê đã có những biện pháp đúng đắn, kịp thời trong việc chấn chỉnh tổ chức, biên chế quân đội nhân dân phù hợp trong việc thực hành điều chỉnh chiến lược, giảm 2/3 tổng quân số thường trực để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương đặc biệt quan tâm xây dựng quân đội về chính trị, kiên định lý tưởng và mục tiêu chiến đấu của quân đội; chấn chỉnh hệ thống học viện và nhà trường cùng với việc đổi mới công tác đào tạo cán bộ; quan tâm đến ngành công nghiệp quốc phòng và đổi mới trang bị trong quân đội. Đồng chí đặc biệt coi trọng nhiệm vụ huấn luyện nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, kết hợp với xây dựng nền nếp, kỷ luật quân đội và xây dựng mối đoàn kết, quan hệ máu thịt giữa quân đội và nhân dân.
Ở cương vị lãnh đạo Quân đội, Đại tướng Đoàn Khuê vẫn luôn dành thời gian để học tập, rèn luyện, chăm lo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trực tiếp viết nhiều tác phẩm có giá trị cả lý luận và thực tiễn như: “Một số vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Đảng trong giai đoạn mới”, “Đẩy mạnh công cuộc củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội trong giai đoạn mới của cách mạng”, “Kết hợp kinh tế với quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Quân đội ta phấn đấu thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” trong giai đoạn mới”, “Xây dựng quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân, tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng”... Đặc biệt, từ tháng 2 năm 1992, đồng chí được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng, đồng chí đã dành nhiều tâm sức, trí tuệ, trực tiếp chỉ đạo và tích cực tham gia nghiên cứu, tổng kết, góp phần quan trọng vào thành công của các công trình, tiêu biểu như: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học; Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học; Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học. Đây là những bộ sách có giá trị hết sức to lớn về lý luận và thực tiễn, cẩm nang quan trọng giúp thế hệ trẻ và những người chưa qua chiến tranh hiểu rõ hơn về lịch sử, về sự lãnh đạo của Đảng với chiến tranh cách mạng, về những chiến công vẻ vang, bài học lịch sử, ý nghĩa thời đại và giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê còn để lại ấn tượng đẹp cho cán bộ, chiến sĩ với phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát cơ sở, luôn chăm lo cho sự tiến bộ của cấp dưới[4].
Đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Bộ trưởng
Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam: “Tháng 8-1991, khi tôi lên làm Chủ tịch nước, thì anh Đoàn Khuê làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong thời điểm chuyển hướng chiến lược phù hợp với tình hình mới, anh Đoàn Khuê đã cùng Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược quốc phòng phù hợp với tình hình đất nước, phù hợp với công cuộc đổi mới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, bảo đảm cho phát triển kinh tế xã hội. Anh có nhiều đóng góp to lớn vào thực hiện chủ trương xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời coi trọng việc xây dựng các khu vực phòng thủ bền vững”.
--------------------------*****--------------------------
Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đồng chí rất quan tâm chỉ đạo xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc và thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng; thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy phẩm chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ”.
--------------------------*****--------------------------
Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Anh Đoàn Khuê là một cán bộ chỉ đạo - chỉ huy toàn diện: nắm chắc quân sự, vững vàng về chính trị, bao quát cả hậu cần và kỹ thuật”.
--------------------------*****--------------------------
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Suốt 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, từ trong lao tù đế quốc, đến các chiến trường nóng bỏng, trong công tác hay sinh hoạt đời thường, Đại tướng Đoàn Khuê là tấm gương sáng về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; một nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, quân đội và nhân dân ta; vị tướng hội tụ các phẩm chất “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy”.
Trích những câu nói hay trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng
Trong buổi nói chuyện với Trung đoàn Thủ đô (12-1996), Đại tướng Đoàn Khuê nhấn mạnh:
“Tinh thần bất diệt của dân tộc không tự nó đến, mà phải nghiên cứu, học tập, tiếp thu và chúng ta phải tiếp thu tinh thần ấy theo cách của chúng ta. Truyền thống dân tộc ta là truyền thống gan góc, cho nên chỉ có thật sự gan góc mới tiếp thu được truyền thống ấy. Tiếp thu truyền thống của dân tộc, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải giữ gìn và phát huy lòng yêu nước, luôn gắn bó và thương yêu nhân dân; tôn trọng và bảo vệ Đảng, chính quyền; luôn hiểu rõ kẻ thù; quán triệt và chấp hành xuất sắc nhiệm vụ; không ngừng học tập, rèn luyện, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.[5]
--------------------------*****--------------------------
“Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng vĩ đại thì yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh càng trọng đại và bức thiết”.
Bài phát biểu của Đại tướng Đoàn Khuê tại Hội nghị cán bộ tháng 8 năm 1996. [6]
--------------------------*****--------------------------
“Chỉ có nhân dân anh hùng mới có thể sản sinh ra quân đội anh hùng”.
Theo "Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng", Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.231
--------------------------*****--------------------------
“Đạo làm tướng, làm chỉ huy, ai mà không biết, điều thắng, bại cốt ở người lính, ở sự thực hiện nghiêm túc mọi mệnh lệnh. Đoàn kết và kỷ luật chính là cơ sở sức mạnh của quân đội. Đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, tất yếu mọi mệnh lệnh đều được các cấp thực hiện nghiêm túc’.
Theo "Đại tướng Đoàn Khuê, Nửa thế kỷ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng", Nxb Quân đội nhân dân, H. 1995, tr.15, 16.
Những hình ảnh hoạt động tiêu biểu của Đại tướng Đoàn Khuê
[1] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.21. [2] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.39. [3] Đại tướng Đoàn Khuê, Nxb Quân đội nhân dân, H.2002, tr.351-353. [4] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.21. [5] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.55. [6] Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Quân đội nhân dân, 2010, tr.65
- Nội dung: QUỲNH DIỆP
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC