10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2023
Nhiều sự kiện xảy ra trong năm 2023 đã gây ra những thay đổi sâu sắc, tác động rõ rệt tới sự phát triển của thế giới trong tương lai. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2023 do Báo Quân đội nhân dân bình chọn.
1. Bước tiến trong chống biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã có một bước tiến quan trọng khi thông qua một thỏa thuận lịch sử kêu gọi các nước chuyển đổi việc sử dụng năng lượng hóa thạch một cách công bằng, trật tự, hợp lý, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất được giải pháp về những nguồn năng lượng thay thế bền vững cũng như đóng góp tài chính để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường.
2. Mỹ - Trung hàn gắn quan hệ
Những tưởng quan hệ Mỹ-Trung có tín hiệu khởi sắc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn tại Indonesia hồi cuối năm 2022, thế nhưng sau vụ việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc vào tháng 2-2023, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi trông thấy. Các nỗ lực của cả hai nước từ nửa cuối năm 2023 đã giúp hàn gắn quan hệ song phương. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình vào tháng 11 bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, bang California (Mỹ) giúp hai nước giảm bớt căng thẳng và hứa hẹn thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề toàn cầu.
3. Bế tắc trong xung đột ở Ukraine
Cuộc phản công của Ukraine trên mọi mặt trận từ tháng 6-2023 không tạo được bất kỳ đột phá nào, thậm chí còn đẩy Ukraine vào thế khó khi viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu không phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, chiến sự kéo dài cùng với ảnh hưởng của cuộc xung đột Israel-Hamas hay các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu đang đến gần khiến nguồn viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine ngày càng giảm. Vẫn chưa có một giải pháp khả thi cho xung đột Nga-Ukraine khi đàm phán hòa bình bị phớt lờ.
4. Động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ngày 6-2 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria đã khiến hơn 67.000 người thiệt mạng. Đây là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1993. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã gửi hàng cứu trợ nhân đạo và triển khai các đội cứu hộ-cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ giúp khắc phục hậu quả động đất.
5. Châu Phi bất ổn vì đảo chính quân sự
Hai cuộc đảo chính ở Niger và Gabon trong tháng 7-2023 do các sĩ quan quân đội thực hiện với lý do bất mãn về tình hình chính trị và kinh tế khiến châu Phi càng trở nên bất ổn hơn. Như vậy, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, ở khu vực cận Sahara châu Phi đã có tới 7 cuộc đảo chính, gây ra bất ổn chính trị nghiêm trọng cùng các vấn đề như nghèo đói và bất bình đẳng xã hội kéo dài.
6. Năm khởi sắc của trí tuệ nhân tạo
Nhiều nền tảng mới của trí tuệ nhân tạo (AI) đã ra đời năm 2023, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi mặt của đời sống xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của AI cũng song hành cùng những lo ngại về mặt trái của nó như vấn đề bản quyền, nguy cơ mất an ninh, lừa đảo, thậm chí, những tổ chức nhân đạo cũng hết sức quan ngại khi AI được áp dụng trong các hệ thống vũ khí tự động. Trong khi thừa nhận những mặt tích cực của AI, một số quốc gia và khu vực đã ban hành các khung pháp lý để kiểm soát sự phát triển của lĩnh vực đầy tiềm năng này.
7. Vũ trụ thêm nhộn nhịp
Các nỗ lực khám phá không gian của nhiều quốc gia đã khiến cuộc đua vào vũ trụ nóng lên trong năm 2023. Ngày 11-8, Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25, tiếp tục sứ mệnh khám phá Mặt trăng sau gần 50 năm. Chỉ ít ngày sau vụ phóng không thành công của Nga vì tàu Luna-25 lệch quỹ đạo, Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò đáp xuống vùng cực Nam Mặt trăng. Hai tuần sau đó, Ấn Độ thông báo khởi động sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.
Tiếp đó, ngày 7-9, Nhật Bản cũng phóng tàu thăm dò thông minh. Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản cho biết, tàu thăm dò dự kiến đáp xuống Mặt trăng vào tháng 2-2024. Mỹ cũng đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025, trong khi Trung Quốc thông báo đang lên kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng trong thập niên này.
8. Kinh tế thế giới phục hồi chậm
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thảm họa thiên nhiên, xung đột vũ trang, cạnh tranh kinh tế cùng nhiều lý do khác đã khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9% năm 2023, thấp hơn mức 3,3% của năm ngoái, và sẽ chỉ đạt khoảng 2,7% trong năm 2024.
9. Ấn Độ trở thành nước đông dân nhất thế giới
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc năm 2023, Ấn Độ ước tính có 1,4286 tỷ người, còn con số này của Trung Quốc là 1,4257 tỷ. Ấn Độ đã chính thức trở thành nước có dân số đông nhất thế giới, vị trí mà Trung Quốc nắm giữ hơn một thế kỷ qua. Có khả năng Ấn Độ là nước đông dân nhất hành tinh trong một tương lai dài khi các dự báo cho rằng vào giữa thế kỷ này, dân số Trung Quốc sẽ giảm 100 triệu người, trong khi dân số Ấn Độ sẽ tăng lên khoảng 1,7 tỷ người.
10. Xung đột Israel - Hamas
Ngày 7-10, phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine bất ngờ tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực ở Israel từ dải Gaza. Khoảng 1.400 người Israel thiệt mạng và gần 300 người bị bắt làm con tin. Israel ngay lập tức tuyên bố tình trạng chiến tranh, phát động các cuộc tấn công vào miền Bắc, rồi miền Trung dải Gaza nhằm triệt hạ Hamas. Theo cơ quan y tế ở dải Gaza, tới nay đã có hơn 21.000 người Palestine thiệt mạng và khoảng 55.000 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel. Thảm họa nhân đạo ở dải Gaza được đánh giá là trầm trọng nhất thế kỷ 21.
- Nội dung: NGỌC HƯNG
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC