Hằng năm, vào ngày Rằm tháng Giêng, người dân làng Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) mở hội làng truyền thống. Điểm đặc biệt tất cả các phần thi đều do nam nhi trong làng thực hiện. Người trong vùng truyền tụng rằng, con gái ai lấy được trai làng Ngọc Tiên được coi là có “số hưởng”, vì họ rất khéo léo trong việc "nam công gia chánh".
Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc những hình ảnh đẹp về lễ hội truyền thống làng Ngọc Tiên trong ngày Rằm tháng Giêng xuân Quý Mão 2023.
NGUYỄN TUẤN HUY (thực hiện)
Người làng Ngọc Tiên có câu: “Dù ai đi khắp ba miền/Nhớ ngày lễ hội Ngọc Tiên thì về/Dù cho bận rộn tứ bề/Rằm Giêng mở hội thì về Ngọc Tiên”.
Lễ hội làng Ngọc Tiên gồm rất nhiều nghi thức và trò chơi độc đáo, lý giải vì sao người làng Ngọc Tiên luôn háo hức chờ đón và phải tham dự rồi mới chính thức bắt tay vào công việc đồng áng hay đi làm ăn xa...
Tham dự hội làng năm nay có 6 giáp, được chia theo đơn vị xóm. Mỗi giáp phải có đủ 14 người đều là nam giới, tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gia đình toàn vẹn, không vướng tang ma.
Phần thi địch hỏa được coi là gay cấn, lôi cuốn không chỉ đối với người dự thi, dân làng mà còn cả với khách thập phương tham dự. Các đội đều sẽ phải hoàn thành bằng được phần thi này. Theo quan niệm năm mới phải lấy được lửa mới mong cả năm ấm no, sung túc.
Từ những vật liệu đơn giản gắn bó với đời sống nông nghiệp như tre, rơm, rạ và vài động tác ngọn lửa được tạo ra một cách rất nhanh với phương pháp thủ công. Ngay khi có lửa các giáp nhanh chóng chạy đến đốt lá cờ có số 1 để giành điểm cao nhất.
"Việc đánh lửa chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 1 phút, nhưng để đánh được lửa thì kỳ công vô cùng. Thanh tre để cọ lửa không phải là “tre thường” mà phải lấy từ cây tre chết bụi. Mang về ngâm nước rồi gác lên gác bếp hong trong vài tháng mới đạt. Còn bụi rơm để tiếp lửa cũng kỳ công không kém. Đó là bụi rơm được người dân dùng làm giẻ cọ chân mỗi khi đi làm nông về. Cọ lâu ngày nên túm rơm xơ ra. Sau đó đem vùi xuống bùn để hấp thụ khí phốt-pho. Sau đó mang phơi khô để chờ đến ngày mở hội thi. Phải có các công đoạn này thì khi đánh lửa mới nhanh lên"- cụ Oanh - thành viên ban tổ chức cho biết.
Sau khi có lửa, các giáp sẽ bắt đầu nổi lửa nấu nước, đồng thời giã gạo và làm bánh cúng.
Sức khỏe và sự khéo léo của những chàng trai làng Ngọc Tiên.
Từng hạt gạo được tuyển chọn từ những thửa ruộng trồng riêng chỉ dành cho lễ hội của làng, gạo được giã mịn thành bột.
Hàng trăm người dân chen nhau xem trai làng làm bánh, sẵn sàng lên giã gạo tiếp sức cho các giáp.
Đôi bàn tay sàng sảy dẻo và chuyên nghiệp như các mẹ, các cô.
Bột gạo được sàng lọc nhiều lần để đạt độ mịn, đều nhất trước khi nhào cùng với gấc để làm ra màu bánh theo đúng yêu cầu của Ban giám khảo.
Ép bánh vào các loại khuôn, có khoảng 15 loại bánh được làm để đặt trong mâm cúng, thời gian thi làm bánh khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Bánh được hấp trong các nồi đồng phía sau khu vực thi làm bánh, lửa được lấy từ phần thi địch lửa lúc đầu.
Phần nấu cơm được coi là độc đáo nhất của lễ hội. Gạo phải được tuyển lựa 10 hạt như một và được nấu trong niêu đồng. Mỗi giáp cử hai người thi, gánh chiếc cần trúc được uốn cong hình chữ S, vừa gánh vừa điều khiển lửa để nấu chín gạo.
Trong đó có cuộc thi đánh lửa thổi cơm, thao diễn lại tài thao lược nuôi quân của ông cha thuở xưa, theo tướng quân Hoàng Văn Quảng (thời Hậu Lê) đi đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Điều đặc biệt là mâm cỗ thi này được thực hiện theo một chu trình từ A-Z và dựa vào sức người là chính.
Để chuẩn bị cho phần thi này, người dân đã phải lên kế hoạch và chuẩn bị trước đó nửa năm trời. Cuộc thi có 3 phần chính, gọi là địch thẻ (chạy từ chùa Ngọc Tiên ra đến đò Cựa Gà để lấy thẻ số thứ tự), địch thủy (cầm nậm nước chạy ra bến Cựa Gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy đầy nậm nước) và địch hỏa (đánh lửa châm bếp).
Điều đặc biệt hơn nữa là các trò chơi này chỉ có nam giới mới được tham gia còn nữ giới chỉ đứng bên ngoài cổ vũ.
Ban tổ chức thông tin vì sao phần thi nấu nướng mà toàn đàn ông đảm nhiệm, phụ nữ không phải làm gì: Cuộc thi thực chất là phản ánh lại tài thao lược nuôi quân của tướng quân Hoàng Văn Quảng. Trên đường hành quân vốn không có nhiều thời gian nên phải vừa đi vừa nấu, mà tham gia đánh giặc thì chỉ có đàn ông. Sau này tái hiện lại, các cụ vẫn giữ nguyên tinh thần chỉ tuyển đàn ông tham gia.
Đây cũng chính là nét độc đáo hấp dẫn làm nên đặc trưng của hội làng Ngọc Tiên so với các vùng quê khác.
Đôi bàn tay khéo léo của những người đàn ông làng Ngọc Tiên vừa đi vừa nấu cơm, khéo léo điều khiển lửa và niêu cơm, khi cơm sôi vẫn khéo léo sơ bằng đũa cả để cơm chín đều, dẻo, thơm.
Chỉ với 2 bó đuốc vừa đi vừa nấu, về tới sân đình cơm cũng vừa chín để dâng lên mâm cúng Thành hoàng làng.
Quãng đường dài hơn 100m những người đàn ông Ngọc Tiên đã nấu cơm chín sẵn sàng cho mâm cỗ chay dâng lên Thành Hoàng.
Hàng ngàn người tham gia cổ vũ cho các giáp.