
Viết tiếp giấc mơ đảo ngọc Cát Bà - Bài 3: Khởi đầu của hành trình Cát Bà ra “biển lớn” (tiếp theo và hết)
Trở thành di sản thiên nhiên thế giới không chỉ là sự công nhận của UNESCO với vẻ đẹp và giá trị của vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà mà còn khẳng định những nỗ lực của chính quyền, nhân dân hai địa phương trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, biến di sản trở thành điểm đến mang tầm thế giới, bảo đảm sự phát triển bền vững, cải thiện đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng cần hướng tới, song song với mục tiêu biến Cát Bà (cùng với Đồ Sơn, vịnh Hạ Long) trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của TP Hải Phòng. Theo đó, thành phố này hướng đến là trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế. Hải Phòng xây dựng quần thể du lịch biển (Cát Bà-Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh của thành phố. Liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30-35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35-40 triệu lượt khách.
Là di sản thiên nhiên thế giới, quần đảo Cát Bà giàu tiềm năng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Có được sự cộng hưởng của Vịnh Hạ Long, di sản thế giới liên vùng này tạo nên cảnh quan có một không hai trên thế giới. Tuy nhiên, cần biến tiềm năng về địa mạo, địa chất, đa dạng sinh học thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên biệt.
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho rằng: “Giá trị về khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà đã được khẳng định từ thực tiễn. Tuy nhiên, di sản thiên nhiên thế giới cũng đang phải đối diện với không ít thách thức, điển hình là vấn đề môi trường, rác thải từ các hộ nuôi trồng thủy sản. Để di sản hấp dẫn trong mắt công chúng, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, chúng ta cần chung tay bảo vệ, nghiêm cấm các tác động hủy hoại, khai thác trái phép cũng như quan tâm bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, nên có cơ chế phối hợp để khai thác liên thông giá trị di sản giữa hai vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà. Di sản rất cần sự quan tâm, đầu tư và phát triển, thay vì chỉ khoác lên “chiếc áo danh hiệu” bên ngoài”.
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới mới, thời gian tới các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý để duy trì môi trường tự nhiên và thúc đẩy du lịch phát triển. Việc mở rộng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà giúp tăng thêm giá trị vốn có của di sản, được minh chứng qua sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo cùng hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật.
“Khi có di sản thiên nhiên thế giới thì cũng có những thách thức. UNESCO luôn mong muốn là di sản được họ công nhận phải được bảo vệ, bảo tồn cao. Việc đầu tư, xây dựng các công trình thì chúng ta phải thực hiện theo quy hoạch cũng như công ước của di sản. Chúng ta cũng phải tạo ra được những công trình xanh, thân thiện với môi trường, có tính bền vững để giữ được phong cảnh và di sản. Còn quá trình thực hiện, chúng ta phải luôn luôn bảo vệ tốt di sản nhưng cũng phải phát huy để làm sao phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch”, ông Vũ Huy Thưởng chia sẻ.
Hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, lịch sử là những thứ cộng hưởng để tạo nên một đảo Ngọc Cát Bà. Có lẽ đó cũng là lý do để Cát Bà đẹp hơn. Chị Nguyễn Minh Thu là người Hà Nội gốc. Gia đình chị nhiều đời sinh sống tại phố Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lấy chồng rồi làm việc, sinh sống tại Hải Phòng, chị yêu mảnh đất này như quê hương thứ hai. Chị đi du lịch nhiều nơi, khắp dải đất hình chữ S và cả thế giới nhưng chị cho rằng đi qua con đường xuyên rừng tại Cát Bà là ấn tượng và thú vị nhất.
Bảo vệ hệ sinh thái vịnh biển đảo của Cát Bà, Hải Phòng đã xử lý hàng loạt cán bộ ở Vườn quốc gia Cát Bà khi để xảy ra vụ việc xâm phạm quy hoạch. Mới đây, khi rác thải trôi từ nơi khác đến gây mất mỹ quan, khiến nhiều du khách bức xúc, người Cát Bà, chính quyền, doanh nghiệp… lại cùng nhau thu dọn.
Sau khi được công nhận di sản thiên nhiên thế giới, du khách đổ về Cát Bà đông hơn, kể cả hiện nay đã đang là mùa du lịch thấp điểm. Cách đây ít ngày, Cát Bà tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao, du lịch “Cát Bà-Điểm hẹn bốn mùa” năm 2023 thu hút đông đảo khách du lịch với nhiều hoạt động sôi nổi.
Chị Nguyễn Thu Hương (du khách Bắc Giang) chia sẻ: Nghe về Cát Bà nhiều nhưng đến đây, tìm hiểu thông tin tôi mới biết rằng Cát Bà xanh là thương hiệu người dân nơi đây đang nỗ lực từng ngày xây dựng. Cát Bà có “Ngày Chủ nhật xanh” được thực hiện tuần thứ 4 của tháng để người dân tất cả các thôn, làng cùng chung tay dọn sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường trên đảo. Từ ngày này ý thức của người dân được nâng cao, họ giữ gìn đảo hằng ngày và chúng tôi, những khách du lịch đến đây cũng tự nhận thấy mình không thể có bất cứ hành động gì làm xấu đi môi trường cảnh quan mà bao người đã và đang cố gắng giữ gìn.
Với tư cách là doanh nghiệp gắn bó nhiều năm với du lịch Quảng Ninh, Hải Phòng, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng cho rằng: Sau khi Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh, đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến quản lý điều hành, nhận thức của doanh nghiệp, người dân và du khách, cũng như các hoạt động du lịch cụ thể cũng như tầm nhìn chung. Các cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ di sản như hạn chế số lượng du khách trong một khoảng thời gian nhất định, quản lý chặt chẽ việc xây dựng và phát triển hạ tầng du lịch… Doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và duy trì di sản thiên nhiên. Sự chuyển đổi sang các hình thức du lịch thân thiện với môi trường và bền vững đã trở thành một xu hướng đáng chú ý. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn môi trường. Người dân và du khách cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ di sản thiên nhiên. Đồng thời, họ được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo tồn môi trường và cộng đồng, hạn chế việc đổ rác và làm ô nhiễm môi trường.
“Việc trở thành di sản thiên nhiên thế giới đã mang lại một tầm nhìn mới cho quần đảo Cát Bà và các khu vực lân cận. Việc bảo tồn và phát triển bền vững được coi là cơ hội để tăng cường sự phát triển kinh tế địa phương, tạo ra việc làm và thu hút du khách trong tương lai dài hạn, đồng thời bảo vệ sự nguyên vẹn và giá trị của di sản thiên nhiên này. Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới đã tạo ra những thay đổi tích cực trong quản lý, nhận thức và hoạt động du lịch cụ thể. Điều này góp phần bảo vệ và tôn vinh di sản thiên nhiên quan trọng này và thúc đẩy phát triển bền vững cho khu vực”, ông Phạm Hải Quỳnh nhận định.
Có thể thấy Cát Bà đã và đang gắng sức thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ” khi Người về thăm làng cá Cát Bà ngày 31-3-1959. Lời căn dặn đó không chỉ chỉ rõ tiềm năng, nguồn lợi to lớn của biển, đảo mà còn yêu cầu, đòi hỏi chúng ta phải chú trọng thực hiện tốt vai trò của người “làm chủ” Biển Đông. Thực hiện lời căn dặn của Bác, các tầng lớp nhân dân phải bảo vệ, khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho nhân dân. Quan trọng hơn là thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Chính họ cũng là những người đang từng bước đưa Cát Bà ra “biển lớn”, tiếp cận và hội nhập với thế giới bằng những giá trị căn cốt của nội lực.
Du khách quốc tế, đặc biệt du khách đến từ châu Âu rất thích đến Cát Bà du lịch, trải nghiệm đi bộ, đạp xe xuyên đảo, tìm hiểu về các loài động thực vật quý hiếm và cảm nhận không khí trong lành, yên tĩnh của rừng nguyên sinh. Chuyên trang du lịch của Microsoft từng đề xuất Cát Bà đứng vị trí thứ 2 trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á. Vườn quốc gia Cát Bà lọt vào danh sách các công viên quốc gia đẹp nhất toàn cầu của Tạp chí Tái hiện Người Mỹ gốc Á. Giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 của nền tảng du lịch nổi tiếng Booking.com vinh danh đảo Cát Bà tại hạng mục đô thị thân thiện nhất Việt Nam 2023…
- Nội dung: ĐÌNH HÙNG, MINH NHÃ
- Ảnh: PHẠM HÀ, TRẦN CÔNG ĐẠT, TRỌNG HẢI, TẠ HUY TOÀN, PHAN TUẤN, TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC