Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 diễn ra như thế nào?
Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta ở miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại các thành phố, thị xã do Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chiếm đóng, nhằm tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kì mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định.
Vào cuối năm 1967, cuộc chiến tranh do nước Mỹ gây ra ở Việt Nam dưới chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đã trải qua 3 năm và đang có nguy cơ thất bại. Điều này trái hẳn với dự tính của các tướng lĩnh và quan chức Mỹ về một chiến thắng khi lực lượng quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Tháng 12-1967, số lính Mỹ ở Nam Việt Nam là 485.600 quân, trong đó số lính Mỹ bị chết trong chiến tranh là 15.979 người, theo “Các báo cáo của CIA cho thấy ném bom miền Bắc không làm cho Bắc Việt Nam ngừng lại trong khi chúng ta không thể đẩy lùi kẻ thù (Bắc Việt) ở Nam Việt Nam”[2].
Trong năm 1967, các bản báo cáo của tình báo Mỹ gửi từ Việt Nam về nói rằng, quân đội Mỹ - Sài Gòn đang thắng thế, họ đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, còn Tổng thống Giôn-xơn thì muốn tuyên tuyền cuộc chiến tranh Việt Nam phát triển thuận lợi, chiến thắng đã trong tầm tay[3]. Theo Tài liệu mật của bộ quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong Báo cáo của Đô đốc Sáp (Sharp) về tiến bộ của cuộc chiến tranh vào cuối năm 1967, thì dường như người Mỹ đang ở thế lạc quan, đang giành chiến thắng[4].
Các tin tức tình báo của Mỹ nhận định rằng có thể có cuộc tấn công vào cuối năm 1967. Trong Hồi ký của Giôn-xơn cũng đã nói tới những tin tức báo cáo lên Tổng thống, ông viết: “tôi nhận được nhiều báo cao nói rõ Bắc Việt Nam và Việt cộng đang tăng cường hoạt động tiến công”[5].
Trong bản “Tường trình của một quân nhân” tướng Westmoreland phán đoán tình hình và khả năng của Bắc Việt: “Một cuộc tấn công của Cộng sản rõ ràng là đang tới mà tôi cho là sẽ được phát động ngay trước Tết để địch có thể giành được lợi thế của cuộc ngừng bắn trong dịp Tết”[6].
Đến trước Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra tại Việt Nam ngày càng rơi vào bế tắc. Cuộc chiến tranh đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la, ngân sách thiếu hụt; mức đóng thuế của công dân tăng; chương trình “xã hội vĩ đại”[7] của Tổng thống Mỹ tan thành mây khói; phong trào phản chiến đã lên đỉnh cao, nhất là mùa hè 1967 và đặc biệt phong trào này vốn khởi thủy mang tính độc lập thì đến thời điểm này đã kết hợp với cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tạo nên một làn sóng mới, mang tính cách mang sâu sắc trong lòng nước Mỹ, trên chính trường quốc tế, vị thế của nước Mỹ giảm sút cả về kinh tế lẫn quân sự.
Tướng Oétmolen từng “Bảo đảm ở mức 60%[8] là cộng sản sẽ phát động một cuộc tấn công nào đó vào trước hoặc khoảng dịp Tết. Việc Khe Sanh bị bao vây 10 ngày trước Tết làm cả Tổng thống và Bộ Tư lệnh quân sự bận tâm. Vì vậy họ nghĩ là Bắc Việt Nam không thay đổi hướng tấn công. “Một cuộc tấn công vào thành phố không thể thành công được!”. Người ta không nghĩ là điều đỏ sẽ xảy ra. Khe Sanh vẫn thu hút tâm trí Tổng thống. Liệu Khe Sanh có trở thành Điện Biên Phủ của Mỹ? Tổng thống Giôn-xơn đã yêu cầu Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cam kết bằng máu không để mất Khe Sanh. Tuy nhiên mũi nhọn các cuộc tấn công lại nhằm vào - không phải là Khe Sanh - mà là hàng trăm thành phố, thị xã, thị trấn và căn cứ Mỹ”[9].
Lo sợ một Điện Biên Phủ với nước Mỹ lại tái diễn, như người Pháp đã từng thất bại tại Việt Nam năm 1954. Sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ như một biểu tượng thất bại của phương Tây tại Việt Nam. Do vậy, mà Điện Biên Phủ và Khe Sanh đều có vị trí nguy hiểm chỉ có thể tiếp tế bằng máy bay, cuộc chiến sẽ thất bại nếu Khe Sanh bị thất thủ. Giữa lúc quân Mỹ đang dồn sức chống đỡ quân đội của Bắc Việt thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam bắt đầu.
Trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và trên thế giới, Trung ương Đảng hạ quyết tâm “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”[10].
Lực lượng đối phương khoảng hơn 1 triệu 200 nghìn quân (quân Mỹ 542.000, quân các nước thân Mỹ 57.800, quân đội Sài Gòn 650.000)[1]. Sau khi đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ trong các mùa khô năm 1965-1966 và năm 1966-1967, thu hút và giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng địch ở Khe Sanh, đêm 30 rạng 31-1-1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân) quân và dân miền Nam bất ngờ, đồng loạt tiến công kết hợp với nổi dậy ở 4 thành phố (trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định và Huế), 37 thị xã và hàng trăm quận lị, thị trấn; tập trung đánh vào nội thành và các cơ quan đầu não (dinh Độc Lập, Toà đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn...), các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng lớn… giành nhiều thắng lợi, trong đó làm chủ cố đô Huế 25 ngày. Ở nhiều vùng nông thôn, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, đập tan bộ máy chính quyền địch. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã diễn ra qua ba đợt: từ đêm 30 - 1 đến ngày 25 - 2 năm 1968; tháng 5 và 6 năm 1968; tháng 8 và 9 năm 1968.
Đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968, Quân giải phóng đã tấn công vào tất cả các căn cứ quan trọng của Mỹ, vào các thành phố và đô thị ở miền Nam Việt Nam, lực lượng ước chừng 84.000 người đã đột nhập đồng thời vào 5 trong 6 thành phố, 36 trên 44 thị xã, 36 trên 242 huyện lỵ, 25 sân bay, nhiều kho tàng, ấp chiến lược, trụ sở chính quyền, trạm cảnh sát[11]. Quân giải phóng đã sử dụng 35 tiểu đoàn, đánh vào 6 mục tiêu chính: Sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Hải quân, và Đài phát thanh… Trong đợt 1, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 147 000 tên địch, trong đó có 43 000 lính Mỹ, phá huỷ một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã đánh đòn bất ngờ, làm cho quân địch choáng váng. Nhưng do lực lượng địch còn đông, cơ sở ở thành thị mạnh, nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy, trong đợt 2 và 3, lực lượng của ta gặp không ít khó khăn và tổn thất.
Có hạn chế trên là do ta “Chủ quan trong việc đánh giá tình hình, cho nên ta đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó; nhất là sau đợt tiến công Tết Mậu Thân, ta đã không kịp thời kiểm điểm và rút kinh nghiệm ngay, nhằm đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời: ta chậm thấy những cố gắng mới của địch, những khó khăn lúc đó của ta, không đánh giá hết âm mưu địch trong kế hoạch bình định nông thôn nhằm thực hiện chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” của Níchxơn; cho nên ta đã gặp khó khăn trong một thời gian”[12].
Kết quả của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tuy không đạt như mong muốn, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn, như Nghị quyết lần thứ 21 (1973) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nói: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn giữ vị trí to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”[13]. Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố: “Ngừng ném bom ở Bắc Việt Nam, cử đại biểu thương lượng với Hà Nội; không ra ứng cử Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tiếp theo...”[14]. Như vậy, “cơn bão” Tết Mậu Thân qua đi và sẽ được khắc phục, nhưng chẳng bao lâu sau Bộ trưởng Quốc phòng Mác Namara, tướng Oétmolen và chính Tổng thống Giôn-xơn phải ra đi, vì những quyết định sai lầm của mình.
Kết quả, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 Bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 Bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 Bộ tư lệnh biệt khu, 2 Bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.
Sự kiện tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tết Mậu Thân năm 1968 của quân ta gây chấn động dư luận nước Mỹ và cả thế giới, Mai-cơn Mác-lia đã miêu tả cuộc tấn công vào Tòa đại sứ Mỹ, hết sức bất ngờ: “Cuộc tấn công Tết của cộng sản vào Tòa đại sứ Mỹ diễn ra khoảng lúc 2 giờ rưỡi sáng 31 tháng 1 năm 1968. Thời điểm đó là lúc Mỹ bắt đầu tính đến việc chấm dứt sự dính líu vào Việt Nam. Thương vong vẫn tiếp tục lên cao. Tình trạng ác liệt kéo dài, tựa hồ như những cơn bão ở châu Á thường kéo đến và rút đi một cách chậm chạp khiến thời gian thoát khỏi cảnh hoang tàn còn lâu hơn cả thời gian có bão”[15]. Ngày 3-2, tướng Uy-lơ điện cho Oétmolen, nói: “Tổng thống rất quan tâm đến việc bảo vệ Khe Sanh và hậu quả của cuộc tiến công Tết 1968 của Cộng sản. Tổng thống hỏi liệu Oétmolen có cần thêm quân nữa không?...”[16].
Khi sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 xảy ra, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ là một chủ đề được bình luận nhiều, trực tiếp và sớm nhất phải kể tới các báo chí, phóng viên từ chiến trường đưa tin về các sự kiện này. Theo Báo Người hướng dẫn khoa học Thiên Chúa giáo, số ra ngày 31 tháng 1 năm 1968, đã nói về sự kinh ngạc của người Mỹ khi sự kiện Tết Mậu Thân 1968 xảy ra: “Các cuộc tiến công táo bạo của Cộng sản ngày 31-1 vào Sài Gòn, 8 tỉnh lỵ và 30 thị trấn, là một điều đáng kinh ngạc. Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc nhà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích” nhưng lại bị Cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc Chính phủ Giôn-xơn dẹp đi, coi là không có giá trị nhận định lạc quan của mình”[17].
Thời báo The New York Times, tờ báo lớn nhất nước Mỹ số ra ngày 1-2-1968 bình luận: “Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả vào đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á... cộng sản đã làm tiêu tan niềm lạc quan bao trùm lên Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn trong mấy tháng qua. Đây rõ ràng không phải là hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định”[18].
Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 03-02-1968 nêu rõ: “Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và ở các trung tâm chủ chốt khác tại miền Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi ngạc nhiên”. Kế đó, ngày 5-02-1968 hãng này thống kê: “Mỹ có đến nửa triệu quân ở miền Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu đô-la mà vẫn không bảo vệ được một tấc đất vuông nào ở miền Nam Việt Nam cả”. Tờ Diễn đàn nhân dân (Ba Lan) ngày 01-02-1968 ca ngợi: “Các trận đánh táo bạo được chuẩn bị tốt của những người yêu nước miền Nam Việt Nam là sự phát triển các cuộc tiến công trên một quy mô rộng lớn mà Quân giải phóng đã mở đầu trong tháng giêng năm nay vào những lúc, ở những nơi và với hình thức mà họ lựa chọn. Quân giải phóng trên thực tế đã trói chân, khóa tay tất cả lực lượng chiến đấu của quân thù trong khắp các tỉnh”[19].
Hãng tin Thông tấn xã AP của Hoa Kỳ đưa tin về lực lượng biệt động của Bắc Việt chiếm Tòa Đại sứ Mỹ, tin điện của ký giả Pi-tơ Ác-nét (Peter Arnett) từ “hiện trường” đã về tới Niu Y-oóc: “Việt cộng đã chiếm bên trong Tòa Đại sứ… Từ duy nhất để mô tả phản ứng (ở Mỹ) ngay lúc đó là “kinh hoàng”... không thể tin được... một cuộc chiến tranh được báo cáo là đang thắng giờ đây đang nghiêng ngả trong tình thế nguy kịch”.
Tờ báo Daily News Washington (Tin tức hằng ngày ở Oa-sinh-tơn) đã đăng bài xã luận với nhan đề: “Chúng ta trước đây ở đâu? Chúng ta hiện nay đang ở đâu?”. Kèm theo là bức biếm họa tướng Oét-mo-len (Westmoreland) đụng đầu với một chiến sĩ Giải phóng quân ở một góc nhà có biển đề: “Sứ quán Mỹ-Sài Gòn”, những ngôi sao cấp tướng bật khỏi cầu vai áo, súng chúc xuống đất, còn súng của chiến sĩ giải phóng thì chĩa vào bụng Tướng, phụ đề của bức biếm họa là: “Chúng ta đã đi qua chỗ ngoặt! Tướng West ạ...”.
Tờ Thời báo New York số ra ngày 9 tháng 2 năm 1968 gọi đây chắc chắn là “một hành động bất ngờ thần thánh, một lực lượng địch tản mát và không ai thấy được, bị săn đuổi khắp nơi không lúc nào ngừng, bỗng dưng xuất hiện và đồng loạt tấn công ở hàng trăm trận địa trên khắp nước... Chính bản thân cuộc tấn công đã tác động mạnh vào dân chúng Mỹ chứ không phải việc đánh bại cuộc tấn công ấy. Những thắc mắc còn to lớn hơn cả chiến thắng: Làm thế nào đối phương có thể tấn công ồ ạt trên cả nước như thế? Ai chịu trách nhiệm? Giờ đây người ta có kế hoạch gì?”[20].
Trong cuốn Summons of the Trumpet (Tiếng kèn gọi quân) Đê-vơ Ri-sớt Pan-mơ (Dave Richard Palmer) viết: “Nhiệm vụ của họ là xông vào sứ quán Mỹ. Làm được gì ở bên trong sứ quán không quan trọng; mà mục đích là phải xông vào được nơi đó đánh một đòn tượng trưng cho toàn bộ cuộc tổng tiến công... Họ đã thành công hết sức to lớn”. Kết quả sự kiện tấn công dịp Tết Mậu Thân mà Bắc Việt đã đạt được chấn động mạnh tới nước Mỹ ở bên kia bán cầu: “Toàn nước Việt Nam (chỉ Ngụy quyền Sài Gòn) đều bốc lửa, từ Khe Sanh đến Cà Mau - đội quân mạnh nhất thế giới đã bị đẩy vào thế phòng thủ trên toàn lãnh thổ... Nhà Trắng, Lầu Năm Góc choáng váng và chiến tranh Việt Nam đã lan vào lòng nước Mỹ”.
Trong cuốn “TẾT” xuất bản tại Niu Y-oóc của nhà báo Mỹ Đôn Ô-bơ-đoóc-phơ (Don Oberdörfer) là một trong những công trình giá trị, có nhiều tư liệu phong phú phản ánh thực tế sự thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam tới nhân dân Mỹ. Đôn Ô-bơ-đoóc-phơ viết: “Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý: Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam là điểm tượng trưng cho mọi cố gắng và quyền lực Mỹ làm cho người ta nghĩ rằng, các lực lượng cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức mà Chính phủ Mỹ mô tả... Và như vậy, chiến tranh còn bao lâu mới kết thúc?”.
Sự hốt hoảng và phẫn nộ lan truyền khắp cả nước do sự thông tin mau lẹ một cách phi thường của các phương tiện thông tin đại chúng. Công chúng nói chung chú ý rất ít hoặc không chú ý đến những biến động ở Việt Nam, bắt đầu diễn ra từ tháng 11, họ không được các quan chức của chính phủ báo trước một cách nghiêm chỉnh... Việt Nam là cuộc chiến tranh truyền hình đầu tiên của Mỹ và cuộc tấn công Tết Mậu Thân là cuộc siêu chiến tranh đầu tiên.
Chỉ nói riêng về trận Xuân Mậu Thân của quân dân miền Nam, Giôn-xơn thừa nhận, Oa-sinh-tơn - Sài Gòn “bị một đòn choáng váng”, “bối rối một thời gian”. Cựu Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao (Eisenhower) cho rằng: “Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ, bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh” (ngày 27-3-1968). Xu hướng chống chiến tranh Việt Nam trong nhân dân Mỹ phát triển rất mạnh. Chỉ mấy tuần sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, uy tín của Tổng thống Giôn-xơn bị suy giảm nhanh chóng (tỷ lệ người ủng hộ Tổng thống Giôn-xơn theo thăm dò từ 80% lúc mới lên làm Tổng thống, xuống 40% khi xảy ra tiến công và còn 2,6% sau 6 tuần đối phó với Tổng tiến công).
Ngày 12-2, tướng Westmoreland gửi cho Lầu Năm góc một bản báo cáo: “Kẻ địch (chỉ Bắc Việt Nam) đã mở một chiến dịch quan trọng chứng tỏ có sự thay đổi chiến lược từ chiến lược chiến tranh trường kỳ sang chiến lược giành một thắng lợi chính trị quân sự nhanh chóng trong năm bầu cử ở Mỹ. Giai đoạn đầu của địch nhằm bảo vệ vùng biên giới đã bị thất bại. Giai đoạn hai phát động vào dịp tết và nhằm mở đầu một cuộc nổi dậy của quần chúng, nhằm phá vỡ bộ máy của chính phủ và bộ chỉ huy của các lực lượng Nam Việt Nam và cô lập các thành phố…”[21]. Nhìn chung những báo cáo của Westmoreland lên Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng nhằm nói tới tình hình chiến sự đang rối ren tại Nam Việt Nam và ông đề nghị tăng thêm quân số đã bị thiệt hại và có đủ sức chống lại các cuộc tấn công đang diễn ra trên các thành phố, thị xã.
Giới quân sự thì nói trận đánh Tết (năm 1968) là một chiến thắng của Mỹ, nhưng về mặt tâm lý, trận này là một sự đảo ngược có tính chất quyết định. Hệ thống phòng thủ để chống lại cuộc tấn công được xem là rất kiên cố nhưng không ai báo động. Chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ, nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt nhiều hơn trận tấn công Tết. Đặc biệt, nó diễn ra ngay trong sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nơi từng nhiều lần tuyên bố rằng “tình hình tồi tệ nhất đã qua rồi”[22].
Hậu quả để lại của sự kiện Tết Mậu Thân hết sức nặng nề, ngoài việc Tổng thống và Bộ trưởng quốc phòng, và Nội các của Giôn-xơn phải chịu trách nhiệm để lại một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ nước Mỹ bị tấn công choáng váng như thế, phong trào phản chiến lên cao, cùng với đó là nhiều phong trào mít tinh biểu tình, đòi hòa bình chấm dứt chiến tranh. Những di hại của nó về sau để lại một “Hội chứng Việt Nam” trong lòng nước Mỹ kiệt quệ sau chiến tranh Việt Nam.
Qua một số công trình tiêu biểu nêu trên của những người trong cuộc, của báo chí, truyền thông… đương thời, có thể thấy sự kiện Tết Mậu Thân Bắc Việt đã giành được những thắng lợi nhất định trên nhiều mặt, được chính người Mỹ thừa nhận, trận đánh thực sự là nhằm giành tâm tư và tình cảm của chính nhân dân Mỹ - trận tuyến trong lòng nước Mỹ. Qua sự kiện Tết Mậu Thân 1968 cho thấy: dù ở góc độ nào, dưới con mắt của nhà chính trị, nhà sử học hay nhà báo, từ người dân bình thường đến các tướng lĩnh cao cấp thậm chí tới cả Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ lúc bấy giờ đều phải thừa nhận tác động to lớn của sự kiện Tết Mậu Thân 1968 đối với toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 của quân và dân ta ở miền Nam Việt Nam. Nó đập tan những luận điểm sai trái và xua đi những nghi ngờ về thắng lợi của ta trong sự kiện lịch sử này. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu mốc quan trọng, mở ra bước ngoặt căn bản của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
[1] Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.792.
[2] Robert S.McNamara, Nhìn lại quá khứ -Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr.316.
[3] Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (Tổng thuật qua tài liệu của Mỹ), trong sách: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân -1968, Kỷ yếu hội thảo khoa học do Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, Nxb Quân đội nhân dân, 1998, tr.380.
[4] Tài liệu mật của bộ quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tập II, Việt Nam Thông tấn xã phát hành, 1971, tr.261.
[5] Về cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và Chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta (Hồi ký của Lin-đơn Giôn-xơn), Việt Nam Thông tấn xã phát hành, 1972, tr.151.
[6] Westmoreland, Tường trình của một quân nhân, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr.109.
[7] Nguyễn Đình Lê, Tết Mậu Thân 1968 với chính trường Washington , Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 12 (380), 2007, tr.11.
[8] Trong bản báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15 tháng 1 tướng Westmoreland, đã cho thấy khả năng là 60-40% địch sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25-1-1968, theo Tường trình của một quân nhân, Sđd, tr.109.
[9] Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, 1990, tr.151-152.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.50.
[11] Nguyễn Đôn Tự, Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (Qua tài liệu thu thập của các nhà báo Mỹ), trong sách: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân -1968, Sđd, tr.383-384.
[12] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng lần thứ 21 của Đảng (1973). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.215-216.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Sđd, tr.216.
[14] Về cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam (Hồi ký của Lin-đơn Giôn-xơn), Sđd, tr.136.
[15] Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Sđd, tr.150.
[16] Giôn-xơn, 1968¸ Hồi ký, Bản dịch của Bộ Ngoại giao, in trong cuốn: Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Nxb Quân đội Nhân dân, 2008, tr.628.
[17] Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Cao Bằng, Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, Nxb Quân đội nhân dân, 2014, tr.468.
[18] Nguyễn Xuân Năng, Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 qua nhận xét của Mỹ và nước ngoài, Sđd, tr.364.
[19] Bộ Công An - Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Kỷ yếu Hội thảo), tổ chức ngày 16 tháng 12 năm 2017, tại Tp. Hồ Chí Minh, tr.779.
[20] Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Sđd, tr.151.
[21] Về cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam (Hồi ký của Lin-đơn Giôn-xơn), Sđd, tr.160.
[22] Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Sđd, tr.150.
[23] Robert S.McNamara, Nhìn lại quá khứ -Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Sđd, tr.316.
- Nội dung: NGUYỄN VĂN BIỂU
- Ảnh: Tư Liệu, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC