LONGFORMQuốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Không còn là phiên chất vấn như thông lệ của mỗi kỳ họp Quốc hội, mà phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu đã ghi dấu ấn bởi những “lần đầu tiên" khá đặc biệt. Với cách làm chu đáo, chuẩn bị từ sớm, từ xa đã khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn trăn trở đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hoạt động giám sát, coi trọng giám sát chuyên đề, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
Hình ảnh "rừng" biển đăng ký chất vấn chiều 7-11-2023 đã cho thấy sức nóng và không khí làm việc chủ động, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.

15 giờ chiều ngày 7-11-2023

Tại Kỳ họp thứ sáu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, người phụ trách các bộ, ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục cùng bắt đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư. Sáu Bộ trưởng được chất vấn trong phiên này đã nhận được nhiều câu hỏi phân về lĩnh vực do mình phụ trách.

Tuy nhiên, do hệ thống ghi nhận đăng ký chất vấn quá tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội giơ biển trực tiếp chất vấn.

Sau đề nghị này, đã có một "rừng" biển đăng ký giơ lên trong hội trường Diên Hồng. Người điều hành phiên chất vấn đã quyết định nghỉ giải lao sớm để kiểm tra hệ thống đăng ký điện tử vì không thể chỉ định đại biểu nào chất vấn trước.

Hình ảnh "rừng" biển đăng ký chất vấn chiều 7-11 đã cho thấy không khí làm việc chủ động, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Trước đó, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng nóng lên bởi các câu hỏi và câu trả lời của các đại biểu Quốc hội.

Câu chuyện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì theo hệ, bậc như hiện nay theo kết luận của Hội nghị Trung ương 8 lần thứ XIII được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm được chuyển tới Quốc hội và làm nóng nghị trường.

Vị trí việc làm, cơ sở để xác định vị trí việc làm, vấn đề tiền lương giáo viên khi thực hiện cải cách tiền lương... được nhiều đại biểu nêu phản ánh, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn nóng lên bởi các câu hỏi và câu trả lời của các đại biểu Quốc hội.

Ở lĩnh vực y tế, một số đại biểu Quốc hội nêu việc bệnh nhân đi viện nhưng phải mua thuốc ở bên ngoài với giá rất đắt và không phải ai cũng mua được; đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp với cơ quan Bảo hiểm y tế có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân nghèo, gia cảnh khó khăn nhiều bề...

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 39 lượt tranh luận trong 815 phút chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu.

Hay như câu chuyện "Mỗi năm đến hè thì cả học sinh và phụ huynh lòng lại man mác buồn vì phải mua sách giáo khoa với giá tăng" cũng được các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đề nghị Bộ cho biên soạn một bộ sách giáo khoa chất lượng cao để cạnh tranh với sách cùng loại của các nhà xuất bản khác...

Ngoài ra, rất nhiều vấn đề khác nữa được các đại biểu Quốc hội nêu và chất vấn. Không chỉ hỏi để nhận một câu trả lời, các đại biểu còn tích cực, chủ động tranh luận lại, tranh luận đến cùng để tìm ra gốc rễ của vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm của tập thể, cá nhân...

Nhờ đó, nhiều vấn đề được chỉ rõ trách nhiệm, giải pháp.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Không còn là phiên chất vấn như thông lệ của mỗi kỳ họp Quốc hội, mà phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu đã ghi dấu ấn bởi những “lần đầu tiên” và được đánh giá là “đổi mới”, “đặc biệt”, thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về nội dung chất vấn, cách thức tiến hành chất vấn, với sự nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua.

Đây là “lần đầu tiên” trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời các vấn đề mà Đại biểu Quốc hội nêu. Điều đó cũng cho thấy, “ghế nóng” trong các phòng chất vấn của Quốc hội không còn là của riêng tư lệnh ngành nào và qua hoạt động chất vấn, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành tự nhìn lại mình, nhận ra rõ nội dung, nhiệm vụ cần phải cố gắng hơn, quyết liệt hơn...

Lần đầu tiên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn về việc thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV cho đến Kỳ họp thứ tư về 4 lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.

Hoạt động chất vấn làm rõ việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết trên, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát.

Đặc biệt, nhằm đánh giá toàn diện, khách quan, trước ngày diễn ra phiên chất vấn, bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Để hoạt động giám sát và chất vấn có chất lượng cao, trước ngày diễn ra phiên chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp các vấn đề, hạn chế, bất cập, yếu kém, những nhiệm vụ chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa đạt được chuyển biến theo yêu cầu đề ra.

Vẫn là cùng quỹ thời gian hai ngày rưỡi nhưng hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu đã “phá kỷ lục” của Kỳ họp thứ năm trước đó: Trong khoảng thời gian 815 phút, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận (còn 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do thời gian không cho phép nên chưa được chất vấn, tranh luận).

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Qua theo dõi trực tiếp phiên chất vấn, nhiều cử tri cho rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “không để phí một phút nào” trong các phiên chất vấn, luôn theo sát diễn biến và có sự phân bổ, “điều phối” thời gian rất hợp lý cho từng thành viên Chính phủ và từng trưởng ngành.

Cách điều hành vừa giữ đúng nguyên tắc, bảo đảm các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, vừa mềm dẻo, linh hoạt theo diễn biến thực tế của từng phần “hỏi - đáp”, “đáp - tranh luận” của Chủ tịch Quốc hội, đã góp phần quan trọng duy trì nhịp độ cũng như không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, tạo được sự lôi cuốn của hoạt động giám sát tối cao trực tiếp của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội, cử tri và toàn dân quan tâm đến nội dung chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư, đang khiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bị ách tắc trong việc giải ngân. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác đã “theo đuổi 2 năm nay” và “tư lệnh ngành” tài chính đã có giải trình tại kỳ họp trước, nhưng đến kỳ họp này, đại biểu vẫn tiếp tục nêu câu hỏi chất vấn.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng "chia lửa" trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu.

Sau hai phần trả lời của hai “tư lệnh ngành” Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, nhưng vấn đề vẫn chưa chưa “ngã ngũ”, Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội “nhập cuộc”, cùng “chia lửa”, nhằm làm rõ đến cùng xem vướng mắc nằm ở đâu, có phải do Luật Đầu tư công hay không?

Vậy là, qua hai kỳ họp, tại phiên chất vấn lần này, “ranh giới” mong manh giữa chi thường xuyên và sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư đã được minh định một cách rõ ràng, công bằng và minh bạch.

Sau đó, trong phát biểu giải trình, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ động “đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành, rà soát các luật, văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế để có đề xuất tổng thể giải quyết dứt điểm việc này”. Và, “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất nhận thức, không để kéo dài, ách tắc những vướng mắc, bất cập về sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư” là một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngay trong phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt

Đại biểu Trần Văn Tiến, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, một trong những nét đổi mới của hoạt động chất vấn lần này là đối tượng chất vấn rộng, bao phủ tất cả các thành viên của Chính phủ và các trưởng ngành. Nội dung chất vấn bao gồm tất cả lĩnh vực về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, sự đổi mới này khiến các thành viên của Chính phủ, tư lệnh của các ngành phải nắm rất chắc, bám rất sát công việc của mình. Qua phiên chất vấn, phần lớn các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng, rõ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của đại biểu Quốc hội, của cử tri; không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, cụ thể trách nhiệm.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng nhấn mạnh, đây là cơ hội để Quốc hội và đại biểu Quốc hội kiểm tra, giám sát các bộ trưởng và các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện lời hứa của mình tại các phiên chất vấn. Và đây cũng là dịp để các thành viên Chính phủ, tư lệnh các ngành nhìn nhận lại những vấn đề mà mình đang phụ trách, thấy rõ cả ưu điểm, hiệu quả, nhất là hạn chế, yếu kém để khắc phục, sửa chữa.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến và các đại biểu khác, sự liên kết, phối hợp giữa các ngành để giải quyết các vấn đề vẫn còn hạn chế, mong muốn sau phiên chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tập trung hơn để xử lý, giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở các lĩnh vực. Việc đại biểu bám sát vấn đề, phản biện không phải để dồn ai đó vào thế bí, mà là để từ đó nhìn nhận lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được, để có những quyết sách kịp thời hơn, quyết liệt hơn, đáp ứng mong mỏi của cử tri, nhân dân.

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
Một trong những nét đổi mới của hoạt động chất vấn lần này là đối tượng chất vấn rộng, bao phủ tất cả các thành viên của Chính phủ và các trưởng ngành.

Cùng chung nhận định chất lượng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, phần trả lời của các trưởng ngành không còn tình trạng né tránh, vòng vo, vì phần lớn các nội dung này đã được đặt ra từ trước và bây giờ là khâu kiểm tra, đánh giá lại, xem mặt nào cần tập trung thực hiện tốt hơn.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực từ phía Chính phủ qua hoạt động chất vấn, giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng, chất vấn đúng tầm, đúng việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thấy được năng lực, trách nhiệm của họ.

"Chúng ta biết rằng, dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân đã nắm biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất là những gì đã được các bộ trưởng, trưởng ngành hứa trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân", PGS, TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Cử tri Nguyễn Văn Bình (Như Quỳnh, Hưng Yên) cho biết, các đại biểu Quốc hội đều đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề, sự việc. Các thành viên Chính phủ và trưởng ngành, dù đã dày dạn "trận mạc" trả lời chất vấn, hay mới lần đầu đăng đàn như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thì qua các phần trả lời đều cơ bản cho thấy rõ bản lĩnh của họ, nắm khá chắc thực trạng công việc của lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đưa ra được các giải pháp để thực hiện.

* Vẫn biết rằng, không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết được ngay, đôi khi có độ trễ bởi lý do khách quan, bất khả kháng. Những hạn chế do khách quan hay chủ quan đều được làm sáng tỏ qua phiên chất vấn. Ngoài trả lời, làm rõ vấn đề đại biểu chất vấn, đây cũng là cơ hội để các bộ trưởng, trưởng ngành được chia sẻ những cái khó, cái vướng trong thực tiễn điều hành, từ đó có những giải pháp phù hợp hơn để cùng tháo gỡ. Thông qua hoạt động tái giám sát khẳng định rõ hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ nhằm tìm ra các khó khăn ách tắc, lựa chọn giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, tạo kết quả rõ và tốt hơn...

Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
  • Quốc hội khóa XV: Giám sát vì mục tiêu tối thượng - Bài 2: Chất vấn - Những dấu ấn khác biệt
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top