Người Hà Nội văn minh, thanh lịch: Hội tụ và lan tỏa - Bài 2: "Người Hà Nội" bắt đầu từ "người nhà quê"
Trải qua hơn 1.000 năm với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, văn hoá của người Hà Nội đã ít nhiều bị “xô lệch”, biến đổi theo không gian và thời gian. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, dẫu có những sự va đập, xung đột giữa cái cũ và cái mới, cái bên ngoài và cái ở trong nhưng nền tảng, cái lõi văn hóa Hà Nội vẫn vẹn nguyên và căng tràn sức sống.
Quá trình tụ cư và sự hình thành dân cư ở Hà Nội là một quá trình dài xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử và tác động không nhỏ đến việc hình thành tính cách đặc trưng của con người nơi đây. Do đó, để đưa Thủ đô phát triển theo hướng bền vững thì việc nghiên cứu về con người, về dân cư, về sự dịch chuyển dân cư luôn là vấn đề cần thiết ở mọi thời đại.
Thăng Long xưa, Hà Nội nay vẫn luôn là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế. Với những lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển về kinh tế, Thăng Long - Hà Nội thực sự trở thành địa điểm thu hút nhân tài bách nghệ tứ phương. Cũng bởi vậy mà, ngoại trừ một số ít “dân địa phương”, số còn lại, chủ yếu là cư dân từ mọi miền Tổ quốc đổ về.
Lịch sử người dân phố cổ Hà Nội là vậy! Ban đầu, cũng là những người “nhà quê”. Ban đầu, những người “nhà quê” ấy cũng mang theo mình những tính cách “nhà quê”. Thế nhưng, mảnh đất họ đến cư ngụ không giống với nơi họ sinh ra. Đó là kinh kỳ! Kinh kỳ mang những đặc trưng của vùng đất hội tụ tinh hoa cả nước. Bởi lẽ ấy, cuộc sống, tính cách con người kinh kỳ cũng mang dáng dấp tiêu biểu cho cả dân tộc. Để tồn tại và phát triển được ở đất kinh kỳ, người “nhà quê” phải cọ xát, đua trí, đua tài và văn minh lên.
Cùng với thời gian, nét tài hoa, tính sành mặc, sành chơi, sành ăn, sành làm thấm dần vào thế hệ người “nhà quê” thứ nhất. Và như một lẽ tự nhiên, thế hệ tiếp theo được sinh ra ngay trên chính đất Hà Nội, sống trong không gian văn hóa nghìn năm văn hiến, cũng mang trên mình những bản sắc riêng có của vùng đất kinh kỳ. Và cuối cùng, qua nhiều thập kỷ, thế kỷ, những người gốc gác “nhà quê” thành người “Hà Nội gốc”.
Hà Nội đang rộng mở, người các tỉnh ào ạt đổ về. Hà Nội chộn rộn hơn, chật hẹp hơn, đa tính cách hơn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dù thời gian qua, văn hóa người Hà Nội luôn được gạn đục khơi trong, chắt lọc tinh hoa nhưng vẫn có những thời điểm, mặt trái của văn hóa vẫn hiển hiện như một hệ quả tất yếu của quá trình bốn phương hội tụ.
Là một người gắn bó và dành tình yêu cho mảnh đất nghìn năm văn hiến, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: “Nhập cư, di cư, xuất cư là một câu chuyện rất bình thường của Hà Nội. Tất nhiên người dân các địa phương khi chuyển đến Hà Nội sinh sống, học tập và làm việc sẽ mang theo những phong tục, tập quán, cũng như truyền thống văn hóa của vùng quê họ và việc người Hà Nội tiếp thu thêm văn hóa vùng miền để làm giàu thêm văn hóa của mình cũng là chuyện bình thường. Vấn đề đặt ra ở đây là người dân tiếp thu như thế nào và tiếp biến ra sao”.
GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc phân tích: Văn hóa luôn có sự biến đổi theo thời cuộc. Văn hóa có hằng số và biến số. Về căn bản là vẫn giữ chất riêng nhưng cũng có sự thay đổi theo thời cuộc. Nếu như cứ đứng yên, không thay đổi, nghìn năm sau vẫn thế thì không gọi là văn hóa. Và dĩ nhiên trong quá trình, giao lưu, tiếp biến sẽ xuất hiện một số thói quen chưa tương thích với lối sống thanh lịch, văn minh, tạo ra những "va đập".
Có ý kiến cho rằng, người từ các địa phương khác đến Hà Nội làm việc và định cư ngày càng nhiều làm cho nét đẹp người Hà Nội bị mai một. Về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội (cũ) cho rằng không nên đặt vấn đề như thế. Bởi, những người ở địa phương khác có thể sinh sống và phát triển tại Hà Nội đều là những người ưu tú, giỏi giang. Sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hóa, người Hà Nội có điều kiện thẩm thấu, chắt lọc và tỏa sáng vẻ đẹp của văn hóa ứng xử.
“Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề gốc hay không gốc, bởi từ xưa đến nay, rất nhiều vĩ nhân, người tài trong lịch sử đâu phải người Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể đánh giá nét văn hóa, lối sống cụ thể nếu chỉ dựa vào vấn đề gốc hay không gốc. Vì thật ra, ở đâu cũng có người này người kia. Lịch sử đã chứng minh, dân di cư đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Hà Nội. Dù có gốc hay không gốc, người dân các địa phương cũng đều chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa chung của đất nước. Vì vậy, có thể đánh giá rằng dân di cư đóng vai trò ảnh hưởng, tác động chứ không quyết định đến văn hóa Hà Nội nói chung”, TS Nguyễn Viết Chức phân tích.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hà Nội đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biển lớn. Thực tế cho thấy, Hà Nội là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị hóa quá nhanh đã và đang khiến Hà Nội phải hứng chịu những hệ lụy. Đó là gia tăng dân số, quy hoạch không đồng đều, phát triển đô thị không đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức đời sống văn hóa cộng đồng cũng như tổ chức cá nhân…
Nhận định về tầm ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến văn minh, văn hóa của người Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định: Hiện tại, nhắc đến đô thị hóa, người ta chỉ quan tâm việc xây dựng. Đó là chưa kể tới việc xây dựng cũng còn nhiều khiếm khuyết, quy hoạch không đồng bộ. Để đảm bảo lợi nhuận tối đa, rất nhiều công trình đáp ứng chất lượng cuộc sống như trường học, bệnh viện, khu vui chơi không được triển khai, xây dựng.
Trong khi đó, bản thân con người chưa kịp thích ứng với cuộc sống mới, tư duy quản lý, quy hoạch, văn hóa, nhận thức cũng chưa theo kịp sự phát triển, dẫn đến một loạt vấn để bất cập trong cách ứng xử, văn hóa, lối sống, làm mờ bóng những giá trị Hà Nội xưa. Có nhiều ý kiến đánh giá người Hà Nội "biến chất" nhưng thật ra, bản chất con người Hà Nội thì vẫn vậy. Tuy nhiên, trong những tình huống cụ thể, ứng xử, lối sống văn hóa không còn giữ được nét thanh lịch như xưa. Những bất cập đó có thể nhìn từ nhiều hướng khác nhau. Nhịp sống đô thị bây giờ quá gấp gáp. Nếu cứ tiếp tục "sống nhanh" như hiện tại, tất yếu sẽ dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc.
Có cùng quan điểm, GS, TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: Sự mai một của văn hoá, văn minh của người Hà Nội có liên quan đến quản lý, quy hoạch đô thị. Thực tế, để lên một tầm hiện đại như đô thị thế giới nhưng vẫn phải giữ được giá trị truyền thống là một điều rất khó. Trong kiến trúc truyền thống của Thăng Long, Hà Nội thì không có kiểu nhà chọc trời, dồn tất cả cư dân vào không gian nhỏ hẹp như vậy. Điều này sẽ làm thay đổi lối sống, tập quán của người dân Hà Nội.
Nếu như phát triển theo hướng tuần tự, từng bước thì việc từ làng lên phố vẫn giữ được những đặc trưng văn hóa của người Hà Nội và kết hợp được với xu thế phát triển mới, văn minh hiện đại, bảo đảm được quá trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại một số các khu đô thị với vốn ban đầu chỉ là một cánh đồng hoang, một khu đất bỏ trống, rồi đột nhiên mọc lên hàng chục tòa nhà cao tầng. Ở những khu vực như vậy rất khó để duy trì phát huy được văn hóa truyền thống. Nhiều khi văn hóa “xô bồ” sẽ ảnh hưởng và quyết định đến sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư.
Đứng trên góc độ của một nhà nghiên cứu, GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Quá trình đô thị hoá và quá trình di dân ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu dân số, đặc biệt là sau năm 2008, khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Quá trình sáp nhập những vùng đất mới vào Hà Nội không chỉ mở ra rất nhiều cơ hội cho sự phát triển của Thủ đô mà còn tác động trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa-lịch sử.
Thực tế, Thủ đô Hà Nội hiện đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề do sự mở rộng đặt ra, trong đó có vấn đề nâng cao nhận thức để người Hà Nội để bất kể là nam hay nữ, đến từ thành thị hay nông thôn đều xứng đáng với danh xưng “người Hà Nội”.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn theo một hướng năng động hơn, đó là văn hóa, nếp văn minh của người Hà Nội phải hiểu theo cách mới. Chất thanh lịch theo người xưa, nếp cũ cần hòa hợp với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. “Chất Hà Nội” cũng phải mang những hơi thở mới.
Cuối cùng, vẫn phải khẳng định rằng, giá trị cốt lõi, xuyên suốt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào nào của thời cuộc đó là người Hà Nội luôn biết phát huy, gìn giữ nét văn minh, thanh lịch đã được hun đúc qua chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Nét thanh lịch của người Hà Nội không chỉ biểu hiện ở bề ngoài, mà còn chứa đựng cái cốt lõi của bản sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
- Nội dung: LỆ HUYỀN - TUẤN SƠN - NGUYỄN THẢO - THU THỦY - TRẦN YẾN
- Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, Tư liệu và TUẤN HUY
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC