Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh-Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”-Hãy cố gắng để cho tròn chữ Đức
Ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bà mẹ hai con Nguyễn Phương Hoa vẫn được mọi người gọi đùa là “Hoa hậu quý bà”. Cô gái miền sơn cước ấy có nụ cười trắng như màu hoa mận Hồng Thái. Hoa sinh ra và lớn lên ở Na Hang, sau này học báo chí và theo nghề, lập nghiệp tại Hà Nội. “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”, là để chỉ dẫn và khái quát nhất về người và sản vật nơi đây. Vậy mà cuối năm 2021, sau mấy năm dịch dã ít có điều kiện, gặp lại Hoa, ai cũng bảo cô ấy gầy đi, xuống sắc hơn…Cho đến khi, trên facebook, những dòng trạng thái phấn khởi, hân hoan tràn ngập với những bức ảnh vợ chồng cô đón con trai trở về từ bệnh viện sau tình trạng “thập tử, nhất sinh” mới hé lộ nguyên do sâu xa.
Năm 2018, cháu L.N.Q.H mắc một trận sốt kéo dài rồi phát bệnh Lupus ban đỏ. Đang khỏe mạnh, bị bệnh, cháu phải nghỉ học nhiều để đi khám và điều trị. Đây là một bệnh tự miễn, xảy ra do bộ máy miễn dịch của cháu mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên bỗng dưng trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra. Hậu quả của Lupus (tiếng Latin nghĩa là chó sói) làm tổn thương thận của Q.H. Hàng tháng, gia đình Hoa phải đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương để làm xét nghiệm và lấy thuốc. Hành trình chữa bệnh cho cháu Q. H của gia đình Hoa trải qua những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Hồi hộp, lo lắng, hy vọng, rồi cả những buồn chán… nhưng không hề nản chí mà buông xuôi, nhất là khi may mắn “gặp thầy, gặp thuốc”.
Sau rất nhiều băn khoăn, tìm hiểu cả ở trong và ngoài nước, gia đình chị Hoa quyết định chuyển cháu Q.H về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thực hiện hành trình ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Hai vợ chồng chị lựa chọn, đặt niềm tin vào Y học hiện đại, vào các thầy thuốc Quân y. Những ngày con ở bệnh viện như dài hơn với vợ chồng chị Hoa. Giai đoạn đầu sàng lọc, những chỉ số cứ thắp sáng dần hy vọng của gia đình.
Ngày 14-11-2022, đánh dấu bước chuyển mới trong hướng điều trị của L.N.Q.H. Với các chỉ số tích cực sau sàng lọc, PGS, TS, Bác sĩ Mai Văn Viện cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ quyết định thực hiện tách tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân L.N.Q.H…
Sau hai ngày thực hiện tách tế bào gốc, cháu Q.H tiếp tục được truyền thuốc trong khoảng 10 ngày. Tiếp đó, Q.H được chuyển vào phòng điều trị đặc biệt của khu ghép tế bào gốc. Bắt đầu từ thời điểm này Q.H sẽ “chiến đấu” với những thử thách khắt khe của qui trình ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, cùng sự giúp đỡ của các điều dưỡng viên và đội ngũ giáo sư, bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…
Khoảng thời gian đó là những thời khắc khó quên với vợ chồng Hoa. Ngày thì có trăm công nghìn việc. Đêm thì như dài hơn mà không thể ngủ, cứ nước mắt lưng tròng vì lo lắng cho con. Theo quy trình, Q.H sẽ phải truyền hóa chất liên tục. Ngày 24-11-2022, sau một loạt các liệu trình điều trị điều kiện và chuẩn bị chu đáo, ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân của bệnh nhân L.N.Q.H được tiến hành một cách thuận lợi. Những ngày tiếp theo, cháu được điều trị, truyền thuốc theo phác đồ cũng như các biện pháp tăng sức đề kháng cho cơ thể…của quy trình ghép. Thật vui, đầu tháng 12-2022, sau kết quả tốt đẹp của ca ghép, các bác sĩ đã có thể cho cháu ra viện trở về với gia đình, tiếp tục cuộc sống bình thường và đến trường học tập.
Nghe câu chuyện “hơn cả một giấc mơ” của cô bạn, tôi liên lạc với Đại tá, PGS, TS, Bác sĩ Mai Văn Viện, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Quen biết từ thời anh còn trẻ, khi ấy anh còn công tác tại Bệnh viện Quân y 103, được cử ra quần đảo Trường Sa, làm Chủ nhiệm Quân y đảo Nam Yết, lăn lộn với lính đảo, da sạm màu, giọng nói trở nên ầm ào như sóng biển, chứ không nhỏ nhẹ vốn dĩ như bản tính của con người anh, thế mà phải năn nỉ tới năm lần, bảy lượt anh mới đồng ý trao đổi về câu chuyện ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhược cơ và Lupus ban đỏ hệ thống. Đây là một nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia - Đề tài độc lập cấp nhà nước được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chủ trì mà PGS, TS, Bác sĩ Mai Văn Viện làm chủ nhiệm, cùng các đồng nghiệp đã và đang thực hiện thành công.
Tôi vốn có nhiều năm được gần gũi với ngành Quân y, được các anh ưu ái nên cũng phần nào biết… tý kiến thức chuyên ngành. Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đã được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý huyết học, ung thư, tự miễn đem lại các kết quả tích cực. Trường hợp của cháu L.N.H.Q nói trên mắc Lupus ban đỏ hệ thống- là một bệnh tự miễn, biểu hiện bằng viêm cấp hoặc mãn tính các mô khác nhau của cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự sản xuất kháng thể tự tấn công vào các cơ quan trong cơ thể. Nói một cách trìu tượng, cơ thể có giặc nội xâm. Bệnh gây ảnh hưởng lên khớp, da, phổi, tim, mạch máu, thận, hệ thần kinh và tế bào máu… Bệnh thường diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Khỏi phải nói, một đứa trẻ mới hơn mười tuổi đầu không may mắc căn bệnh này, ở dạng tổn thương nặng, biến chứng, chữa chạy khắp nơi mà bệnh không thuyên giảm thì nỗi lo của bậc cha mẹ lớn nhường nào. Kết quả ghép tế bào gốc thành công giúp cháu thay đổi lại hệ miễn dịch, cuộc sống được ổn định bình thường để đến lớp, đến trường.
Trở lại với đề tài khoa học:“Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống”, PGS, TS, Bác sĩ Mai Văn Viện cho biết: Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống và bệnh nhược cơ là hai bệnh tự miễn phức tạp, mặc dù được chẩn đoán sớm, điều trị đúng theo các phác đồ truyền thống nhưng vẫn có một tỷ lệ không nhỏ người bệnh không những không khỏi bệnh mà còn chịu nhiều tác dụng phụ không mong muốn của việc dung thuốc kéo dài, đặc biệt là các thuốc ức chế miễn dịch…vì vậy việc nghiên cứu một phương pháp mới để khắc được những hạn chế của các phương pháp truyền thống là thực sự cần thiết và có nghĩa cho người bệnh. Sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh tự miễn đang được nhiều nghiên cứu trên thế giới quan tâm trong thời gian gần đây. Ở Việt Nam, việc sử dung tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị hai bệnh nhược cơ và Lupus ban đỏ hệ thống là lần đầu được tiến hành tại Bệnh viên Trung ương Quân đội 108.
Nhược cơ là một bệnh tự miễn dịch, do trong cơ thể người bệnh sinh ra tự kháng thể chống lại các thụ thể Acetycholin ở màng sau synap thần kinh cơ. Hậu quả làm giảm về số lượng cũng như chất lượng của các thụ cảm này làm mất sự dẫn truyền các xung động thần kinh-cơ, dẫn đến hiện tượng nhược cơ. Đây là căn bệnh phức tạp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu trong độ tuổi lao động, nhiều bệnh nhân dù đã được điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp từ nội khoa đến ngoạikhoa, nhưng bệnh vẫn không cải thiện; cải thiện ít, không ổn định hay tái phát và có xu hướng tiến triển nặng lên đe dọa tính mạng.
Từ ngày 16-3-2021 đến 30-9-2022, tại Trung tâm ghép tế bào gốc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có 3 bệnh nhân nhược cơ trẻ tuổi (từ 23 đến 39) được điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Đến nay, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, kéo dài tuổi thọ.
Bác sĩ Mai Văn Viện sinh năm 1963 ở miền quê Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định giàu truyền thống cách mạng, rất hiếu học. Tuy vậy, khi học hết cấp 2 (năm 1977), do hoàn cảnh khó khăn mà cậu học sinh nghèo phải nghỉ học, kiếm việc làm, phụ giúp bố mẹ. Nhọc nhằn với miếng cơm, manh áo nhưng sự hiếu học không thể tắt trong tâm trí của Viện.
Đêm đêm, co ro trong cái rét, cả những lúc tạm nghỉ ngơi lấy sức thì những con số, cái chữ vẫn nhảy nhót, đeo bám Viện. Sau 3 năm bươn chải, vật lộn lao động, anh quyết định trở lại đi học, thi đỗ cấp 3 và năm 1982 Mai Văn Viện đã trúng tuyển Đại học Quân y bởi ước mơ được trở thành bác sĩ cứu người và cũng bởi môi trường đó được quân đội nuôi dưỡng, “không phải lo ăn, lo mặc”.
Tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ trẻ được giữ lại ở ngôi trường danh giá, vừa làm nhiệm vụ Bác sĩ điều trị ở Bệnh viện Quân y 103, vừa trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của Bộ môn Phẫu thuật lồng ngực tim mạch, Học viện Quân y. Sau này, PGS, TS, Bác sĩ Mai Văn Viện giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa dã chiến, Học viện Quân y, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại lồng ngực, Viện nghiên cứu khoa học Y Dược lâm sàng 108, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật Tim Mạch, Lồng ngực Việt Nam. Hiện nay, ngoài Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại lồng ngực, Đại tá, PGS, TS Mai Văn Viện là Trưởng phòng Khoa học của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108-Bệnh viện hạng đặc biệt Quốc gia, lớn nhất nhì đất nước.
Hơn 30 năm công tác trong ngành Y, được học tập, nghiên cứu ở môi trường tốt, được Quân đội cử đi thực tập sinh tại Cộng hòa Pháp, sau đó về nước bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ đề tài về bệnh học tuyến ức và điều trị ngoại khoa nhược cơ, anh không thỏa mãn, tự dừng lại mà luôn đam mê, tận tâm với công việc, vừa làm tốt nhiệm vụ điều trị, giảng dạy, vừa tham gia học tập ở nhiều lớp nâng cao, chuyên sâu để củng cố trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
Anh tâm sự: “Y học luôn có sự phát triển mạnh mẽ nhưng cuộc sống nhân loại luôn xuất hiện những bất thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Làm nghề y thì cố gắng để tròn chữ ĐỨC”. Chữ ĐỨC được anh bộc bạch cũng rất nôm na, gần gũi. Theo anh, làm bất cứ nghề nào trong xã hội cũng phải lấy Đức làm gốc. Anh thợ sửa xe có đức của thợ sửa xe, không vì đêm hôm mà bắt ép, miếng vá lấy tiền đắt gấp đôi, càng mất đức khi rải đinh, rải chông để xe hỏng, kiếm việc làm bất lương. Người thầy thuốc trị bệnh cứu người là nghề đặc biệt, phải thật sự tự trọng, phấn đấu “Lương y như từ mẫu”.
Mong muốn được làm thật nhiều, để xứng đáng với y đức của ngành y luôn luôn đồng hành, nhất quán trong con người anh. Hàng chục đề tài khoa học của cá nhân anh và các cộng sự được đồng nghiệp trong nước, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hàng chục, hàng trăm người bệnh đã được anh và các đồng nghiệp cứu chữa, nhiều người “thoát khỏi cửa tử” không chỉ mang ơn anh mà sinh viên, người bệnh đã từng gặp anh đều để lại những ấn tượng dễ gần, dễ mến.
Chẳng hạn, khi còn công tác ở quần đảo Trường Sa, bác sĩ Viện và 2 y sĩ trong điều kiện các trang bị y tế thời điểm năm 2005 khá thiếu thốn đã cấp cứu thành công 6 ngư dân tàu cá QNg95645 bị nạn. Giữa đêm khuya, cả 6 nạn nhân bị các vết thương phức tạp ở đầu, ngực, bụng…với nhiều người gãy xương, đứt gân, đứt mạch máu…tốp quân y đã kịp thời xử trí, cứu chữa an toàn để chuyển tiếp vào đất liền điều trị.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Vùng 4 Hải quân đã biểu dương, khen thưởng bác sĩ Mai Văn Viện và tổ quân y đảo. Gần đây, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, trú tại phường Phong Châu, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ mắc căn bệnh khá đơn giản, đó là bướu cổ nhưng hàng chục năm không dám mổ vì…có người thân đi mổ đã bị liệt dây thanh quản nên chị cứ lần lữa, khối u to dần, ăn uống, giao tiếp khó khăn, mặc cảm nên “đường cùng, tôi mới liều đi mổ”.
Gặp bác sĩ Viện, được tư vấn nhẹ nhàng, ca mổ cũng diễn ra nhẹ nhàng, mà sau này, chị Hằng nói là “ngoài sức tưởng tượng-tôi may mắn được gặp bác sĩ giỏi”. Những người bệnh như chị Hằng, sẽ nhớ mãi bác sĩ Viện không phải là ít…
Ngày cuối năm âm lịch, đầu năm mới dương lịch 2023, anh với tôi có ít phút ngồi bên nhau ngay tại căn phòng làm việc trên tầng 6, khu nhà chỉ huy cơ quan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đại tá, PGS, TS Mai Văn Viện vẫn đau đáu những nỗi niềm gắn liền với công việc, với người bệnh.
Anh nói, mình may mắn vì đã được làm nghề, được học, được cống hiến. Có một điều may mắn nữa mà trước khi chia tay, anh nói với tôi “Anh có một hậu phương vững chắc, luôn thấu hiểu và luôn chia sẻ với nhau”. Hậu phương ấy của anh, bao gồm người vợ tri kỷ giỏi giang, hiền lành, chị là người con gái quê hương Đất tổ: Đại tá, PGS, TS Trần Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y).
Là người con đầu Mai Xuân Bách vốn có khiếu thẩm mĩ giống bố, tu nghiệp tại Học viện Mỹ thuật Brassart Delcourt, đang là họa sĩ công tác tại Cộng hòa Pháp, từng được VTV giới thiệu vào những ngày đầu tháng 6 năm 2022. Là người con thứ hai Mai Đăng Khoa đang nối tiếp con đường của bố mẹ, sinh viên năm thứ nhất Đại học Y khoa Debrecen - Hungary. Thật tự hào với một gia đình nhỏ đong đầy hạnh phúc. Năm Quý Mão, xin được có ít lời để kể về người bác sĩ tuổi Mão như thế.
- Nội dung: NGÔ ANH THU
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
- Trình bày, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC