LONGFORMĐộng lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến 24-1. Chuyến thăm này thể hiện Đức coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như coi trọng vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam - Đối tác rất quan trọng của Đức

Kể từ khi Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cũng như hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành khác không ngừng được thúc đẩy. Đặc biệt, tần suất chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo cấp cao Đức ngày một dày lên cho thấy quan hệ hai nước đang ở trong giai đoạn rất tốt đẹp. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel (tháng 10-2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Thành tựu này đóng vai trò là “lộ trình” cho quá trình hợp tác giữa hai nước sau này.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz ngày 13-11-2022. Ảnh: TTXVN

Trung tuần tháng 11-2022, Thủ tướng Đức đương nhiệm Olaf Scholz đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, tập trung vào hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN-Liên minh châu Âu (EU)... Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz từng nhấn mạnh: “Với nước Đức, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng”.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Ảnh trái: Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Olaf Scholz duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: VIỆT TRUNG
Ảnh phải: Thủ tướng Olaf Scholz được thầy đồ tặng bức thư pháp khi đến thăm đền Ngọc Sơn, tháng 11-2022. Ảnh: Bundesregierung

Với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, đây không phải là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Tháng 10-2016, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, ông Steinmeier đến Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đồng thời tăng cường sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đức. Vì lẽ đó, chuyến thăm Việt Nam lần này trên cương vị nguyên thủ Đức của ông Steinmeier cũng nằm trong mục tiêu chung là gia tăng hiểu biết, tin cậy chính trị và tạo động lực mới, đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Chuyến thăm là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam-CHLB Đức và là minh chứng cho thấy thành công liên tiếp của đường lối "ngoại giao cây tre" của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Ảnh 1: Thủ tướng Võ Văn Kiệt đón Thủ tướng Helmut Kohl thăm chính thức Việt Nam ngày 17-11-1995. Ảnh: TTXVN
Ảnh 2: Nhân chuyến thăm Việt Nam, chiều 30-10-2016, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier dự lễ khánh thành Nhà máy tấm thạch cao của Công ty TNHH Knauf Việt Nam (thuộc Tập đoàn Knauf của Đức) tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN
Ảnh 3: Thủ tướng Angela Merkel đánh trống khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2011. Ảnh: DPA

Những trụ cột hợp tác

Trong những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức dựa trên những “trụ cột” hợp tác, trong đó điểm sáng tiêu biểu là hợp tác kinh tế. Đức là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Hợp tác thương mại-đầu tư Việt Nam-Đức:

- Tổng kim ngạch thương mại song phương: 11,086 tỷ USD

+ Việt Nam xuất khẩu: 7,4 tỷ USD

+ Việt Nam nhập khẩu: 3,686 tỷ USD

- Đức có hơn 350 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: Thiết bị y tế, khí hóa lỏng phục vụ luyện kim, ô tô, chế tạo máy, ngân hàng, bảo hiểm...

- Đức có 444 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 2,36 tỷ USD (tính đến tháng 5-2023).

- Việt Nam có 11 dự án còn hiệu lực tại Đức với tổng số vốn đầu tư 30,95 triệu USD.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Ảnh trái: Ngày 7-12-2018, Leipzig-Thành phố đầu tiên của CHLB Đức chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, đặt tại Ngôi nhà Đức ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Ảnh phải: Tập đoàn Tesa khởi công xây dựng nhà máy mới tại Hải Phòng ngày 26-1-2022 với sự tham dự của Đại sứ Đức, TS Guido Hildner. Ảnh: HỒNG HOA

Về hợp tác phát triển, từ những năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp ODA trị giá hơn 2 tỷ USD, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Đức xác định các ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề và y tế. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức. Theo Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh, hai nước đã kết thúc thành công đàm phán chính phủ hằng năm về viện trợ phát triển chính thức (ODA), qua đó Đức cam kết viện trợ không hoàn lại 61 triệu Euro cho Việt Nam cho giai đoạn 2024-2025.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

Trong sự phát triển chung của quan hệ hai nước Việt Nam-Đức, hợp tác quốc phòng song phương không ngừng được củng cố và phát triển. Ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz đến Việt Nam tháng 11-2022, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Đức đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương sau hơn 10 năm đàm phán. Việc ký kết này đánh dấu sự phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: Trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, đào tạo, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và các lĩnh vực khác theo sự thống nhất của hai bên.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng liên bang CHLB Đức về hợp tác quốc phòng diễn ra tại Hà Nội và Berlin. Tại Hà Nội, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Trung tá Mark Gottschalk, Tùy viên Quốc phòng CHLB Đức tại Việt Nam.
Tại Berlin, Quốc vụ khanh Quốc phòng CHLB Đức Thomas Hitschler ký thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Đại tá Nguyễn Tuấn Minh, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Đức. Ảnh: NGỌC MINH-MINH THÀNH
Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Tùy viên quốc phòng Đức tại Việt Nam Mark Gottschalk đến thăm và làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày 13-6-2023. Ảnh: npkc.gov.vn

Một điểm sáng khác trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức là giáo dục-đào tạo. Đức là một trong những nước truyền thống trong quá khứ giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ. Hiện nay, khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức.

Đặc biệt, việc thành lập Trường Đại học Việt - Đức (VGU) vào năm 2008 đã mở ra những “chân trời mới” cho việc trao đổi học thuật giữa hai nước. Bên cạnh đó, Trường Quốc tế Đức, “Ngôi nhà Đức” (Deutsches House) tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là những dự án đáng tự hào. “Đức nổi tiếng về kỹ thuật và Việt Nam nổi tiếng về sự sáng tạo. Sự kết hợp của hai thế mạnh này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa Việt Nam và Đức”, Tiến sĩ Ghawami, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức khẳng định.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Ảnh 1: Thủ tướng Helmut Kohl gặp gỡ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11-1995. Ảnh: TTXVN
Ảnh 2: Buổi gặp gỡ giao lưu giữa đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam và Đại sứ quán Đức vừa diễn ra vào chiều 1-6-2023 tại khuôn viên Đại sứ quán Đức. Ảnh: HỒNG HOA
Ảnh 3: Trường Đại học Việt-Đức (VGU) tại tỉnh Bình Dương có chất lượng giảng dạy tốt, sinh viên luôn tìm được việc làm tốt khi ra trường. VGU được coi là dự án hải đăng cho sự hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Đức, biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, hai nước còn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp-pháp luật, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ... Đức đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế.

Cộng đồng người Việt Nam tại Đức hiện có khoảng gần 200.000 người, được đánh giá hội nhập sâu rộng, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đức và quan hệ hai nước.

Dư địa hợp tác còn rất lớn

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner.

Theo Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner, hiện nay dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Trong thời gian tới, hai nước tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng, tuyển dụng lao động… Đức là một trong những quốc gia phát triển thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, Đức muốn hỗ trợ Việt Nam hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và loại bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch và than đá. Bên cạnh đó, thị trường lao động Đức mang đến cơ hội việc làm hấp dẫn cho người Việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh lịch trình nghị sự dày đặc của Tổng thống Steinmeier tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Đức sẽ dành thời gian gặp gỡ học viên, giáo viên, các đối tác tuyển chọn lao động để tìm hiểu về chủ đề trao đổi lao động lành nghề giữa Việt Nam và Đức. Tổng thống Steinmeier dự kiến sẽ có một buổi nói chuyện về chủ đề kinh nghiệm nhập cư Đức cũng như có bài phát biểu trước sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Việt-Đức (VGU).

Có thể nói, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và phu nhân sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức lên tầm cao mới, vì lợi ích chung của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức

  • Động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
  • Nội dung: LINH OANH
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top