Phát biểu tại lễ kỷ niệm trọng thể 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trên cơ sở những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được.
Đó cũng là khẳng định, là thông điệp của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta tại nhiều diễn đàn, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Và đó cũng chính là thực tế sinh động được bạn bè quốc tế ghi nhận, khẳng định.
Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, giai đoạn 2015-2020, đã chứng kiến những thành tựu, đổi thay vượt bậc của đất nước cả về dấu ấn kinh tế - văn hóa - xã hội nội tại, cả về thế và lực của nước ta trên trường quốc tế. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ngày 28-12-2020: Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi dịch Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.
Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số "con hổ" của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu bật nhận định, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước chưa bao giờ có được như ngày nay.
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Năm năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. So với nhiệm kỳ trước, kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù năm cuối nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016-2020.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu đạt những kết quả quan trọng; các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, phát triển con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả quan trọng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt...
Theo GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện đường lối, thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xử lý và giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước của nền kinh tế.
Đặc biệt, bước vào năm cuối của nhiệm kỳ, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát và lan rộng tại nhiều nước là một cú sốc lớn với kinh tế thế giới và Việt Nam. Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh có kết quả tích cực, nhất là đại dịch Covid-19; thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vững vàng vượt qua “phép thử”, kinh tế trong nước tăng trưởng từng bước vững chắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
NGUYỄN XUÂN PHÚC
PHÁT BIỂU KẾT LUẬN TẠI HỘI NGHỊ CHÍNH PHỦ VỚI ĐỊA PHƯƠNG ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020.
“Mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để thể hiện bản lĩnh, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng. Đó là thời điểm lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng khó khăn càng nỗ lực, càng nung nấu càng quyết tâm hơn”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là điểm sáng rõ nét nhất. Nhìn trên bức tranh toàn cầu, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia tăng trưởng cao nhất, được xếp vào tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Thế giới chứng kiến và ghi nhận nỗ lực và sức chống chọi bền bỉ của Việt Nam để có được con số tăng trưởng dương nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, có chất lượng tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm trên 1,4%/năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên, thể hiện qua một số chỉ số thăng hạng như xếp hạng đại học tăng 12 bậc từ hạng 80 lên 68; tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi (năm 2010) lên 73,7 tuổi (năm 2020).
Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, xếp thứ 116/189, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020). Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng cường; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (chỉ số GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 59 (năm 2016) lên thứ 42 (năm 2020) trên 131 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Nhìn lại những thành tựu của năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, một năm nhiều dấu ấn cả về khó khăn và tinh thần, bản lĩnh vượt khó, gặt hái nhiều kết quả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhiều hoạt động đối ngoại, nhất là các hội nghị và cuộc làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp vẫn tiếp tục được triển khai có chất lượng, hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong năm 2020 đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết 2 Hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò kết nối, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực. Một sự kiện cụ thể nhưng mang nhiều ý nghĩa là ngày 27-12, lần đầu tiên thế giới tổ chức "Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh" theo Nghị quyết được Liên hợp quốc thông qua vào ngày 7-12-2020 theo đề xuất của Việt Nam, được nhiều nước hưởng ứng tham gia đồng sáng kiến.
Những thành tựu đó có được nhờ cả một hành trình đấu tranh cách mạng gian lao, đem hết trí và lực xây dựng, kiến thiết đất nước và được vun đắp, củng cố qua quá trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng (như CPTPP, EVFTA...), qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển.
Không chỉ tổ chức thành công nhiều trọng trách quốc tế lớn, nhất là chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ (1997), ASEAN (1998, 2010, 2020), ASEM (2005), APEC (2006, 2017), Việt Nam chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, góp phần vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC và Liên hợp quốc, G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển), G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới)... được bạn bè, đối tác đánh giá cao.
Trên cơ sở bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, dịch Covid-19 xảy ra, các hoạt động đối ngoại chung trên thế giới đều bị ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhưng các hoạt động đối ngoại năm 2020 vẫn được thực hiện ở cả bình diện đối ngoại song phương lẫn đối ngoại đa phương. Một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng khác được triển khai hiệu quả là bảo hộ công dân trong tình hình mới với nhu cầu bảo hộ lớn chưa từng có...
Chào năm 2021, với khí thế mới, quyết tâm mới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với niềm tin sâu sắc về một giai đoạn phát triển mới, dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí sẽ trải qua những biến động của khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng do những tác động của đại dịch Covid-19 cùng các nguy cơ an ninh phi truyền thống.
Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, trở nên phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Cơ đồ, tiềm lực và vị thế của đất nước lớn mạnh, lòng dân càng thêm tin yêu Đảng, với nhiều niềm lạc quan, hy vọng và kỳ vọng.
Vận hội mới của đất nước đang thêm thênh thang rộng mở!
Bài viết: TRIỆU HOA - BÌNH YÊN
Ảnh: NHIỀU TÁC GIẢ
Infographic: TRUNG TRỰC
Kỹ thuật: NGUYỄN TUẤN