Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Nguyễn Quyết
-------------------***-------------------
Đại tướng Nguyễn Quyết (tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn), sinh ngày 20-8-1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Tham gia cách mạng năm 1939. Năm 1940, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Kể từ đây, ông chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản suốt đời phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông luôn được phân công ở những vị trí chiến lược: Hà Nội, Liên khu 5, Quân khu 3 và cuối cùng là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...
Đại tướng Nguyễn Quyết là người trực tiếp tham gia, có đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX. Ở Đại tướng Nguyễn Quyết, hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung. Ông là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị; là người cán bộ đức độ, luôn hết lòng vì dân, vì nước, rất mực yêu thương đồng chí, đồng đội.
-------------------***-------------------
Thân thế và sự nghiệp [1]
Đ
ại tướng Nguyễn Quyết (tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn), sinh ngày 20-8-1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Tham gia cách mạng năm 1939, nhập ngũ tháng 8 năm 1945, Đại tướng (1990); đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1940). Năm 1942, Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên.
Quê quán: Xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên
Tham gia cách mạng: 1939
Nhập ngũ: Tháng 8-1945
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: Từ năm 1940
1942: Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên;
1943 - 1945: Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên Chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ quốc quân;
1946: Chính trị viên Chi đội 1 (Chi đội chủ lực của Ủy ban kháng chiến miền Nam), Trưởng phòng Chính trị, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 31;
1947 - 1952: Chính ủy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng; Ủy viên quân sự trong Ủy ban Kháng chiến Liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Chính ủy Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803;
1953 - 1955: Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5; Phó chính ủy, Chính ủy Đại đoàn 305;
1955 - 1963: Quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn;
1964 - 1968: Phó chính ủy, Chính ủy Quân khu 3; Chính ủy Quân khu Tả Ngạn; Phó chính ủy Quân khu Trị - Thiên kiêm Chính ủy Mặt trận B8 (Quân khu Trị - Thiên);
1969 - 1976: Chính ủy Quân khu Tả Ngạn, Học viện Quân sự, Quân khu 3;
1977 - 1980: Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3;
1981 - 1986: Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 3;
4/1986 - 1987: Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
1987 - 1991: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương);
1992: Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước;
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV - VI (Ủy viên Ban Bí thư khóa VI);
Đại biểu Quốc hội các khóa IV, VII, VIII.
Do những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng và quân đội, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Huân chương Sao vàng
Huân chương Hồ Chí Minh
Huân chương Quân công hạng Nhất
Huân chương Chiến công hạng Nhất
Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất
Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng
Và nhiều huân, huy chương, huy hiệu và danh hiệu cao quý khác.
Những đóng góp nổi bật
Năm 1940, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Kể từ đây ông chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản suốt đời phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông luôn được phân công ở những vị trí chiến lược: Hà Nội, Liên khu 5, Quân khu 3 và cuối cùng là Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam...
Tháng 11-1944, ngay khi mới 22 tuổi, đồng chí Nguyễn Quyết đã được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp phụ trách công tác quân sự, ông đã cùng các đồng chí trong Thành ủy vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện tìm nguồn vũ khí trang bị cho các đội tự vệ vũ trang và tiến hành khởi nghĩa thắng lợi trọn vẹn, không có đổ máu vào ngày 19-8-1945.
Trong 9 năm ở Liên khu 5, trên nhiều cương vị công tác khác nhau, Đại tướng Nguyễn Quyết đã phát huy cao độ tính tỉ mỉ, sâu sắc, sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cùng với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xây dựng địa bàn miền Trung tự do, anh dũng, đứng vững nhiều năm liền giữa vòng vây của kẻ thù.
Trên cương vị Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy rồi Tư lệnh Quân khu, Đại tướng đã để lại dấu ấn đậm nét bằng phong trào “làm giàu, đánh thắng”, “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng”, vừa sẵn sàng chiến đấu, chi viện hết lòng cho phía trước, vừa đưa bộ đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho Quân đội, cũng là góp phần tháo gỡ khó khăn chung của đất nước. Phong trào này góp phần quan trọng làm cho Quân khu 3 trở thành “kho người, kho của” chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên thực tế, phong trào “Làm giàu, đánh thắng” của Quân khu 3 là một minh chứng sống động về việc quán triệt sâu sắc và vận dụng một cách chủ động, sáng tạo 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Giữ nước phải đi đôi với dựng nước, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, cũng như việc quán triệt thực hiện 3 chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam - quân đội cách mạng trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.
Sau Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cương vị mới: Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Nguyễn Quyết đã đi nắm tình hình các đơn vị biên giới, hải đảo ở trong nước và các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia. Ông đã có tham mưu thực hiện điều chỉnh chuyển trạng thái từ thời chiến sang thời bình, bố trí lại lực lượng và thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, chấn chỉnh tổ chức biên chế, giảm mạnh quân thường trực và dân quân tự vệ. Coi trọng huấn luyện và tổ chức quản lý lực lượng dự bị động viên, gắn với củng cố và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ. Rút hết Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia về nước. Tập trung huấn luyện và rèn luyện bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tích lớn nhất của công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân những năm dưới sự chỉ đạo của ông là đã góp phần xây dựng quân đội mạnh về chính trị, bảo vệ thành công vai trò lãnh đạo của Đảng trước sự chống phá của kẻ thù.
Đi đôi với công tác chính trị tư tưởng, có thể nói trong việc điều chỉnh chiến lược, giảm quân số và quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, nếu không có chính sách thỏa đáng thì không thể giải quyết được. Danh hiệu “vị tướng chính sách” mà đồng chí, đồng đội trìu mến đặt cho đã nói lên phong cách gần gũi, thân thiết, sâu sát đối với cơ sở và quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội của đồng chí Nguyễn Quyết.
Bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, ông đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng của quân đội trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho bộ đội. Với phương châm “trên dưới cùng lo, tổ chức và cá nhân cùng làm”, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trong khoảng thời gian ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã có hơn 20 vạn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đã có nhà ở. Bộ Quốc phòng chỉ bỏ 20% chi phí còn lại đều do địa phương, đơn vị và cá nhân lo liệu.
Công tác chính sách cán bộ và hậu phương quân đội dưới sự chỉ đạo của ông trong những năm ông làm Chính ủy, rồi Tư lệnh Quân khu 3 cũng như khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã có những chuyển biến căn bản và tác dụng tích cực đến việc ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Chính nhờ việc thực hiện tốt các chính sách này, đặc biệt là chính sách nhà ở cho đội ngũ cán bộ, đi đôi với công tác tư tưởng, công tác tổ chức mà Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng có thể thực hiện được kế hoạch giảm biên chế trong quân đội một cách tốt nhất, tạo được bầu không khí phấn chấn trong tuyển quân, xây dựng quân đội. Các cán bộ quân đội dù tiếp tục cống hiến cho quân đội hay chuyển ra ngoài quân đội, về hưu... đều góp phần hoàn thành nhiệm vụ.
các câu nói ấn tượng của Đại tướng Nguyễn Quyết
“Mọi nhiệm vụ đều phải gắn với cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài”.
“Không có cơ sở kém, chỉ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của chúng ta còn kém”.
“Ta diễn tập là để chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của ta khi có tình huống xảy ra, chứ không phải vì điểm, vì thứ hạng. Nếu có điều gì, tôi - Tư lệnh Quân khu, là người chịu trách nhiệm trước”. (Đại tướng Nguyễn Quyết tuyển tập – NXB Quân đội nhân dân - 2022 – tr42)
“Chiến tranh của chúng tôi là chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, nếu phong quân hàm thì phong tất cả!” – Đại tướng Nguyễn Quyết trả lời câu hỏi của cố vấn Liên Xô khi thấy các cô gái thuộc đại đội gái pháo cao xạ 14,5 ly nổ súng chính xác, kịp thời, bắn rơi diều mục tiêu ngay tại chỗ. (Đại tướng Nguyễn Quyết tuyển tập – NXB Quân đội nhân dân - 2022 – tr42).
Đại tướng Nguyễn Quyết tuyển tập – NXB Quân đội nhân dân – 2022
Tướng lĩnh QĐNDVN qua hai cuộc chiến tranh – NXB quân đội nhân dân – 2010
[1] Đại tướng Nguyễn Quyết: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng
- Nội dung: THANH HƯƠNG (tổng hợp)
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC