LONGFORMBIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN

Trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, Bộ đội Việt Nam đã luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ quốc tế mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa Việt Nam và các nước láng giềng anh em; tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết đó là sự tham gia của Bộ đội Việt Nam trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949. Kết quả của chiến dịch này được coi là biểu tượng sinh động của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.

Từ Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đến cuối năm 1948, Giải phóng quân Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã giành được những thắng lợi to lớn. Quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bị đẩy lùi từ Hoa Trung xuống Hoa Nam và đang tìm đường tháo chạy. Vì vậy, ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây, “quân địa phương” của Quốc dân đảng ra sức củng cố vùng hậu phương này làm hậu thuẫn cho quân chủ lực của Tưởng Giới Thạch vừa phải rút chạy, vừa phải chống cự với Giải phóng quân Trung Quốc. Ở Biên khu Điền Quế và Việt Quế - một bộ phận quan trọng của “Căn cứ địa Hoa Nam”, lực lượng vũ trang cách mạng Trung Quốc có trên 3 tiểu đoàn tập trung và một số đội du kích địa phương, nhưng do bị lực lượng Quốc dân đảng tập trung càn quét liên miên nên gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là không có cơ sở ổn định, phải luôn di động. Hơn nữa, việc chuẩn bị một địa bàn tác chiến cho đại quân chủ lực của Giải phóng quân Trung Quốc (Đại quân Nam Hạ) tràn xuống tiến công các đạo quân của Tưởng Giới Thạch là một vấn đề cấp thiết đặt ra. Chính trong hoàn cảnh ấy, theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đầu tháng 3-1949, Bộ Tư lệnh Biên khu Việt Quế cử Chính ủy Sần Minh Coóng (tức Trần Minh Quang) sang Việt Nam liên hệ với Ban Chỉ huy Trung đoàn 59, đề nghị ta đưa quân sang phối hợp đánh quân Quốc dân đảng, giúp Trung Quốc xây dựng khu giải phóng ở vùng Ưng - Long - Khâm[1] tiếp giáp với các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của Việt Nam. Việc đưa quân sang đất Bạn phối hợp tác chiến là một vấn đề rất quan trọng. Trung đoàn 59 báo cáo lên cấp trên xin chỉ thị.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN

Phát huy truyền thống và tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau, thể theo yêu cầu cấp thiết của Bạn, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Tổng Tư lệnh đưa quân sang giúp Bạn, mặc dù thời điểm đó Việt Nam mới bước vào năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống Pháp, còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ thị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23-4-1949, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra “Mệnh lệnh” số 464b/TTL gửi Bộ Tư lệnh Liên khu 1. Phần nhiệm vụ, bản “Mệnh lệnh” ghi rõ: “Bộ Tổng Tư lệnh quyết định: Phối hợp cùng các lực lượng vũ trang Giải phóng quân Biên khu Việt Quế - Điền Quế, kịp thời hành động giúp Giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm, liền biên giới Đông Bắc của ta, thông ra bể; gây điều kiện khuyếch trương lực lượng đón đại quân Nam Hạ. Đồng thời, hoạt động để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra bể, liền với khu giải phóng Việt Quế…”[2].

Tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng giúp Bạn

Thực hiện lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; đồng thời, theo thỏa thuận giữa ta và Bạn, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Bộ Chỉ huy tiến công giải phóng Biên khu Việt Quế - Điền Quế mang biệt danh “Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn” gồm các đồng chí: Lê Quảng Ba - Chỉ huy trưởng Mặt trận Đông Bắc làm Tư lệnh; Trần Minh Giang - Đại diện Bộ Chỉ huy Biên khu Việt Quế làm Chính trị Ủy viên. Toàn Chiến dịch đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh. Lực lượng tham gia Chiến dịch về phía Việt Nam có trên 4 tiểu đoàn, được tổ chức thành lực lượng đặc biệt gồm hai Chi đội 6 và Chi đội 28; hình thành hai mặt trận, hai hướng tiến công: Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn (Mặt trận Long Châu - Biên khu Điền Quế) do đồng chí Thanh Phong (Phó tư lệnh Liên khu 1) làm Tư lệnh Mặt trận; Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn (Biên khu Việt Quế) bên kia biên giới Lạng Sơn, Hải Ninh do đồng chí Lê Quảng Ba trực tiếp làm Tư lệnh.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN

Các đơn vị của Việt Nam được lệnh đi làm nhiệm vụ quốc tế khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt. Nhiều đoàn cán bộ được phái đi trước chuẩn bị chiến trường; công tác tư tưởng, tổ chức được tiến hành tỉ mỉ, chu đáo. Cán bộ, chiến sĩ được học tập về nhiệm vụ quốc tế, tìm hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ và học một số từ, câu để giao tiếp với nhân dân địa phương. Các đơn vị được bổ sung thêm trang bị, vũ khí, phương tiện thông tin và lương thực, thực phẩm; lực lượng hậu cần mang theo dược liệu, dụng cụ pha chế thuốc và tăng cường cán bộ quân y nhằm giải quyết hậu cần tại chỗ. Đồng bào các dân tộc làm gạo rang, chè lam, nước gừng ủng hộ bộ đội. Phụ nữ vá quần áo, khâu bao gạo, thanh niên vót tre đan mũ và giã giò tặng bộ đội. Công tác chuẩn bị diễn ra gần một tháng tất cả vì thắng lợi của Chiến dịch, vì tinh thần đoàn kết quốc tế Việt - Trung cao cả.

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Trung Quốc

Chiến dịch diễn ra trên địa bàn 3 huyện là Long Châu, Khâm Châu và Phòng Thành. Mỗi huyện có diện tích tương đương và lớn hơn một tỉnh của Việt Nam. Dãy Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn ngọn núi) là dãy núi cao, rừng rậm, hiểm trở nằm giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Địa bàn diễn ra Chiến dịch là hai vùng rộng lớn phía tây và phía đông dãy Thập Vạn Đại Sơn. Dân cư trên địa bàn phần lớn là nghèo vì bị thổ phỉ và quân Quốc dân đảng cướp phá nhiều lần. Nhân dân nơi đây phần nhiều chưa được giác ngộ cách mạng.

Có thể nói, cho đến thời điểm đó, tuy cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam còn nhiều khó khăn, gian khổ. Lực lượng kháng chiến còn mỏng, thế và lực của cách mạng chưa thực sự lớn mạnh, nhưng với tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh đã điều lực lượng sang phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó. Hoạt động xa quê hương, địa hình phức tạp, phong tục tập quán chưa quen, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn về mọi mặt. Đó là những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ Việt Nam phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tổng Tư lệnh giao phó cũng như góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Trung Quốc. Đây cũng là biểu tượng sinh động về truyền thống đoàn kết, hợp tác và giúp đỡ nhau trong những thời đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam và Trung Quốc.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc tôn vinh những cán bộ cách mạng Việt Nam. Ảnh: Vân Anh

Từ sáng sớm ngày 18 đến ngày 21-6-1949, Bộ đội Việt Nam vượt đoạn đường đèo hiểm trở, vô cùng gian khổ qua Thập Vạn Đại Sơn, tập kết tại Pắc Lầu, địch ở đây hoảng sợ bỏ chạy. Ngày 24-6-1949, quân ta tiến vào Phù Lủng. Ngày 25-6, địch ở Nà Số (gần Phù Lủng) bỏ chạy về Nà Lường. Ta tiến vào Nà Số, tại đây Bộ Tư lệnh Chiến dịch họp bàn kế hoạch tác chiến. Tuy nhiên, sau những ngày hành quân gian khổ đến vị trí tập kết, các đơn vị rơi vào tình thế hết lương thực. Tình hình cung cấp của Bạn rất khó khăn, Bộ đội Việt Nam tiến hành công tác dân vận để “thu lương”. Do làm tốt công tác dân vận, các đơn vị đã thu mua được lương thưc, thực phẩm, dần khắc phục được thiếu đói và củng cố sức khỏe bộ đội trước khi bước vào chiến đấu.

Ở Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn cũng gặp những khó khăn tương tự như Mặt trận phía đông: Chiến trường lạ, đối tượng tác chiến mới, địa bàn rất rộng trong khi công tác chuẩn bị chiến trường gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu lương thực, nhưng Bộ đội Việt Nam đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN
Ảnh trái: Đại tá Hoàng Long Xuyên cuối năm 2021. Ảnh: VIỆT VĂN
Ảnh phải: Đại tá Hoàng Long Xuyên bên con trai và cháu nội, năm 2021. Ảnh: VIỆT VĂN

Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, sáng ngày 10-6-1949, Chi đội 28 chia thành hai mũi bất ngờ tiến công mạnh trên hướng chính của Mặt trận: Thủy Khẩu - Hạ Đống, mở đường tiến về thị xã Long Châu. Bộ binh phối hợp với pháo binh tiến công diệt đồn Thủy Khẩu và vị trí Hạ Đống. Trong khi đó trên hướng phối hợp Nam Quan - Ải Khâu, hai đại đội và một trung đội hỏa lực cối 60mm do đồng chí Hoàng Long Xuyên, Phó Tư lệnh Mặt trận chỉ huy phối hợp với một trung đội địa phương do đồng chí Ké Lộc chỉ huy đã bố trí một đại đội và trung đội địa phương bao vây đồn Nam Quan. Đại đội thứ hai và trung đội hỏa lực phục kích đoạn đường qua dãy núi đá ở Pha Luông trên đường Bằng Tường đến Nam Quan… Bị đánh dồn dập, bao vây từ nhiều hướng, quân Quốc dân đảng vội rút bỏ một loạt vị trí: Lôi Bình, Bằng Kiều, Thông Keo, Thượng Thạch, Hạ Thạch, đồng thời dồn theo một số lớn dân chúng chạy về Long Châu. Thị xã Long Châu trở nên rối loạn. Đợt tiến công đầu tiên kết thúc thắng lợi. Căn cứ cách mạng ở Long Châu được mở rộng, chính quyền cách mạng được thiết lập ở nhiều nơi.

Ở Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn, sau khi nghiên cứu tình hình, ngày 1-7-1949, Bộ Tư lệnh quyết định tiến công Trúc Sơn, một thị trấn cửa khẩu lớn (mỗi bề 1km) gần Đông Hưng do 4 đại đội địch đóng giữ. 0 giờ 15 phút đêm ngày 5-7-1949, quân ta từ ba mặt nổ súng. Trận đánh kéo dài đến sáng, cả hai bên đều bị tiêu hao. Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương chuyển sang bao vây và tiêu diệt lô cốt chính để kìm chế Trúc Sơn, hãm lương, buộc đối phương phải hàng. Sau 5 ngày bao vây, 4 giờ ngày 10-7-1949, bộ đội ta rút khỏi Trúc Sơn về Vọng Thôn.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN
Đoàn cựu chiến binh Thập Vạn Đại Sơn viếng đài liệt sĩ Việt Nam tại thành phố Đông Hưng-Quảng Tây, Trung Quốc (2001). Ảnh tư liệu

Ngày 16-8-1949, phối hợp với Bạn, ta phục kích địch tại On Mộc trên đường Tai Tri hướng đi Khâm Châu. Sau một giờ chiến đấu, ta diệt và bắt sống nhiều tên. Cuối tháng 8-1949, phối hợp với du kích địa phương, ta diệt và bắt 100 tên phỉ. Đến cuối tháng 10-1949, khi chỉ huy Bạn đã liên lạc được với đại quân Trung Quốc, ta được lệnh rút về nước. Bộ Tư lệnh để lại một đại đội phối hợp với Bạn tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và đánh địch ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh. Cánh quân trên Mặt trận phía đông đã hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt trận phía tây: Nhận thấy các đơn vị của ta gặp phải một số khó khăn, lương thực và đạn chưa bổ sung kịp, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển sang vây hãm địch, đồng thời tập trung lực lượng về chuẩn bị đánh chiếm thị trấn Ninh Minh. Ngày 30-6-1949, ta siết chặt vòng vây Ninh Minh. Ngày 1-7-1949, bộ đội ta hình thành nhiều mũi tiến công vào Ninh Minh, nhưng quân địch hoảng sợ đã rút chạy từ đêm hôm trước qua sông Kỳ Cùng sang Ninh Giang. Địch bỏ lại 300 tấn thóc, một kho quân dược và nhiều đồ dùng quân sự. Nhân dân khen Bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm. Nhân dân tình nguyện làm liên lạc dẫn đường giúp bộ đội đánh quân Quốc dân đảng và ủng hộ nhiều lương thực, thuốc men.

Ngày 3-7-1949, ta chuẩn bị đánh Thượng Kim, nhưng nhờ có quân tăng viện từ Nam Ninh đến, chỉ huy Quốc dân đảng ở Long Châu tổ chức chiếm lại Hạ Thạch, ra sức củng cố Ninh Giang, Thượng Kim để chiếm lại Ninh Minh. Xét thấy lực lượng ta ít, lương thực và đạn hết, ta không thực hiện được ý định đánh Thượng Kim. Ngày 5-7-1949, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị kết thúc Chiến dịch, rút quân về nước.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN
Bộ đội Việt Nam làm công tác dân vận tại vùng mới giải phóng ở Bằng Tường. Nguồn: cand.com.vn

Chiến thắng còn mãi âm vang

Sau gần một tháng tiến công và hoạt động, Bộ đội Việt Nam ở Mặt trận phía tây đã cùng với Quân giải phóng Trung Quốc đánh tiêu diệt và làm tan rã nhiều đơn vị Quốc dân đảng; đánh chiếm và bức rút các vị trí: Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống, Lôi Bình, Thượng Thạch, Ninh Minh…, giải phóng hàng vạn dân. Ở Mặt trận phía đông, Bộ đội Việt Nam và Quân giải phóng Trung Quốc loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn quân Quốc dân đảng; bức rút và giải phóng 10 trong số 12 thị trấn lớn, nhỏ, mở rộng và củng cố căn cứ địa Thập Vạn Đại Sơn, tạo thành hậu cứ, địa bàn vững cắc cho đại quân Nam Hạ của Bạn tiến xuống.

Trong cuộc họp của Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn (gồm cả Việt Nam và Trung Quốc) đã tổng kết chiến dịch và nhấn mạnh rằng:

Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Bằng công sức và xương máu, Bộ đội Việt Nam đã trực tiếp góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Góp phần rất quý giá và vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng Trung Quốc. Bên cạnh đó, qua quá trình tổ chức và thực hành Chiến dịch đã khẳng định tinh thần kỷ luật cao, thương dân hết mực và dũng cảm vô song, hy sinh thân mình vì nghĩa vụ quốc tế cao cả của Bộ đội Việt Nam, để lại một biểu tượng sinh động về tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong lịch sử thế giới đương đại.

BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN
Ảnh trái: Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Trung tại Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.
Ảnh phải: Kỷ niệm chương Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Nguồn: thanhnien.vn

[1] Vùng Ưng - Long - Khâm gồm ba huyện: Ung Ninh, Long Châu và Khâm Châu.

[2] Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Tập 1, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản năm 1963, tr.265-267.

  • BIỂU TƯỢNG CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ VÔ SẢN
  • Nội dung: Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC - VĂN DUYÊN

top