LONGFORMBảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long

Theo PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đến nay Thăng Long là nơi phát hiện nhiều tiêu bản rồng nhất.

Từ huyền thoại trở thành sức mạnh quốc gia

Từ hàng ngàn năm nay, rồng là vật tổ linh thiêng trong tâm thức của người châu Á và người Việt. Rồng mang năng lượng của cả đất trời, sự cân bằng âm - dương. Rồng còn là hình tượng cho quyền uy của bậc đế vương thời quân chủ, thể hiện sự oai hùng và sức mạnh của hoàng đế.

Hình rồng huyền thoại được vẽ nên từ sự kết hợp những nét tinh túy nhất của nhiều loài. Thân rồng uốn lượn theo 12 khúc đại diện 12 tháng trong năm. Miệng rồng thường được ngậm viên minh châu, tượng trưng cho sự thông thái, sáng suốt của một vị thần. Nét mặt rộng thể hiện sự thoải mái, toát nên sức mạnh tinh thần luôn luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống...

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Từ thời Lý đến hết thời Nguyễn, rồng trở thành linh vật biểu trưng của quyền lực trung ương tối cao, gắn liền với vua, cung đình và hoàng tộc.

Hình tượng rồng đặc biệt xuất hiện nhiều từ khi có địa danh Thăng Long, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư đến vùng đất phía nam bên dòng Nhĩ Hà.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
PGS, TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Trong một nghiên cứu, PGS, TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Các vua Lý không độc chiếm biểu tượng rồng cho riêng mình như các bậc đế vương các quốc gia khác, mà khéo léo biến rồng trở thành biểu tượng của quốc gia Đại Việt. Biến một biểu tượng nghệ thuật trở thành nguồn sức mạnh trong lòng dân để bảo vệ quốc gia, bảo vệ vương quyền”.

Từ thời Lý đến hết thời Nguyễn, rồng trở thành linh vật biểu trưng của quyền lực trung ương tối cao, gắn liền với vua, cung đình và hoàng tộc. Hình rồng được đặc biệt gắn, vẽ trang trọng trên các đồ dùng của vua (ngự dụng), trên các biểu tượng lễ nghi, trên lễ phục có tính quan phương ở cấp cao.

Bước ra khỏi cung đình, hình tượng rồng cũng phản ánh sự biến đổi, phát triển nhiều mặt về tín ngưỡng và văn hóa, về cảm quan thẩm mỹ, trình độ tạo tác của người Việt trên các công trình, tác phẩm của nghệ nhân.

Biểu tượng của hạnh phúc, thịnh vượng và điềm lành

Hình tượng rồng luôn mang nội dung cao quý trong nền mỹ thuật dân tộc mà ở Hoàng thành Thăng Long là nơi thể hiện đậm đặc nhất, tinh mỹ nhất. Đặc biệt là những Bảo vật quốc gia hình tượng rồng.

Đầu rồng thời Trần
Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia Đầu rồng thời Trần.

Bảo vật quốc gia đặc tả đầu rồng thời Trần - Đầu rồng C7-5201. Đó là khối tượng tròn bằng đất nung khá lớn và nguyên vẹn, là chi tiết quan trọng trang trí trên bộ mái các kiến trúc thời Lý, Trần. Đầu rồng như đang bay, bờm và mào hướng ra sau, miệng ngậm ngọc báu, răng nanh dài và uốn cong theo mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn theo mào lửa rất sinh động…

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, Đầu rồng C7-5201 cũng là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đây cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

Bộ thành bậc rồng bằng đá điện Kính Thiên

Nằm ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thời Lê sơ, điện Kính Thiên là chính điện quan trọng nhất ở Cấm thành xưa, ngự ở Long Đỗ - nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của trời đất.

Sau nhiều biến động lịch sử, điện Kính Thiên đã không còn. Ngày nay, bộ thành bậc rồng bằng đá trở thành dấu vết tiểu biểu và quan trọng nhất của cung điện này.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia Thành bậc rồng Điện Kính Thiên.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam

Về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, bộ thành bậc rồng là minh chứng cho thấy dưới thời Lê sơ, rồng năm móng là biểu tượng của nhà vua và quyền lực của vua. Với những giá trị, những dư ảnh mỹ thuật thời Lý, Trần trên hiện vật cho thấy đây là mạch nguồn đã nuôi dưỡng sức mạnh và tinh thần kháng cự của Đại Việt trước sức ép đồng hóa văn hóa của nhà Minh trong suốt 20 năm đô hộ.

PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Thành bậc rồng Điện Kính Thiên giống như một “nhân chứng” lịch sử. Hiện vật đã chứng kiến những sự kiện quan trọng của đất nước, nay tiếp tục dõi theo những sự kiện tái hiện lịch sử cung đình xưa hay những đoàn khách nườm nượp tới thăm di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Đôi bát sứ ngự dụng thời Lê sơ

Bộ đôi bát sứ hình rồng thế kỷ XI - đồ dùng của nhà vua và hoàng thất, mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. Bát có xương gốm rất mỏng - “mỏng như vỏ trứng”, độ trong của xương rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua, điều này cho thấy đẳng cấp và trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia đôi bát sứ ngự dụng thời Lê sơ in hình rồng.

Bộ thành bậc đá thời Lê Trung Hưng

Bộ thành bậc đá thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII-XVIII, thuộc di tích điện Kính Thiên được đánh giá là hiện vật nguyên gốc. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không bắt gặp, không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Bảo vật quốc gia Bộ thành bậc đá hình rồng thời Lê Trung Hưng.

Hình tượng rồng trên bộ thành bậc đá là hình ảnh biểu trưng cho nhà vua và quyền lực. Tượng rồng với những quy chuẩn chặt chẽ về cấu trúc đã thể hiện tính chuẩn mực nghiêm cẩn của Nho giáo. Đồ án cá hóa cũng phản ánh tư tưởng của Nho Giáo gắn với triết lý khổ luyện thành tài. Sự biến tấu của một đề tài quen thuộc mang tính kinh điển tạo cho đồ án trang trí một sắc thái mới và đậm tính văn hóa Việt Nam, tiếp nhận và cải biến.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Cùng với Thành bậc rồng Điện Kính Thiên và Bộ thành bậc đá hình rồng thời Lê Trung Hưng, không gian nơi này hiện trở thành di tích “kép” cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh.

PGS, TS Bùi Minh Trí: Rồng là sức mạnh của thần thánh, thể hiện hay biểu trưng của sự sáng tạo và là biểu tượng của đế vương. Nó tượng trưng cho những chức năng và nhịp điệu của vua chúa và các nhịp điệu cuộc sống, bảo đảm trật tự và sự phồn vinh. Rồng mang lại ánh sáng trí tuệ hay là sự khai sáng, mang lại hạnh phúc, thịnh vượng và điềm lành.

Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
Rồng là sức mạnh của thần thánh, tượng trưng cho những chức năng và nhịp điệu của vua chúa và các nhịp điệu cuộc sống.

  • Bảo vật quốc gia Rồng ở Hoàng thành Thăng Long
  • Nội dung: VƯƠNG HÀ – VIỆT TRUNG (thực hiện)
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top