Trong đời thường, ngoài thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những đảng viên, chiến sĩ Binh chủng Hóa học còn tham gia xử lý những sự cố môi trường. Đặc biệt, trong những đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, hình ảnh những chiến sĩ Binh chủng Hóa học tham gia xử lý môi trường những khu vực nhiễm khuẩn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân.
Tại Army Games 2021, những đảng viên, chiến sĩ Binh chủng Hóa học đã trải qua hành trình khổ luyện "vượt vũ môn" khi thi đấu cùng quân đội của nhiều nước có trang bị hiện đại hơn trên Sa mạc Taklamakan thuộc Căn cứ Quân sự Korla, Tân Cương, Trung Quốc.
Với hơn một tháng, huấn luyện và thi đấu tại vùng đất được cho là khắc nghiệt của Sa mạc Taklamakan, Đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam đã xuất sắc mang về 1 Huy chương Bạc nội dung bắn súng và 7 danh hiệu cá nhân xuất sắc của môn thi “Môi trường an toàn”, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên đấu trường quốc tế. Hành trình khổ luyện đó giúp họ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và cả nhiệm vụ chiến đấu thời bình, giúp dân xử lý những vùng đất chết da cam/dioxin; những sự cố môi trường hay thiên tai, dịch bệnh...Những bộ quân phục chuyên dụng nặng nề, phía sau những mặt nạ phòng độc đã giấu kín đi chân dung về họ và phóng sự ảnh này phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về họ - "những đảng viên, chiến sĩ luôn có mặt trong nhiều "vùng đất chết"...
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có mặt tại Korla, Tân Cương, Trung Quốc ghi lại những hình ảnh này.
VIỆT CƯỜNG – PHẠM KIÊN – KHÁNH HUYỀN (thực hiện)
Đối với người chiến sĩ Hóa học, bộ khí tài phòng hóa là trang bị không thể thiếu để bảo đảm an toàn trước các tác nhân nguy hiểm chết người. Chính vì thế, quy chế nội dung "Môi trường an toàn" quy định rõ việc mặc khí tài phòng da và đeo mặt nạ phòng hô hấp trong suốt quá trình thực hiện bài thi.
Trinh sát chất độc hóa học là nội dung chuyên ngành của nội dung "Môi trường an toàn". Dưới áp lực về thời gian, đòi hỏi các vận động viên phải có tư duy nhanh, khéo léo và chính xác, bất kỳ động tác thừa nào cũng có thể bị trừ điểm.
Hai vận động viên của Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam đang thực hiện kỹ thuật tiêu tẩy cho mục tiêu là 2 tấm thép trắng được phun phủ 1 lớp dung dịch đặc biệt có màu đặc trưng. Trọng tài hiện trường sẽ yêu cầu vận động viên thực hiện tiêu tẩy cho đến khi triệt để mới được cơ động đến nội dung tiếp theo.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật dò tìm nguồn phóng xạ, khoảng cách giữa đầu đo và thanh xe buộc phải duy trì chính xác trong khoảng từ 3 đến 5cm, vượt ra ngoài khoảng cách này sẽ bị trừ điểm. Để hoàn thành bài thi dò tìm nguồn phóng xạ, vận động viên phải tập trung phối hợp nhiều giác quan khác nhau: mắt để quan sát đầu đo, tai để nghe âm thanh tín hiệu dò tìm của máy và tay di chuyển đầu đo thật nhanh chóng nhưng chính xác qua đường dò tìm quy định.
Trong ảnh, vận động viên đang vượt dây cáp treo, một vật cản đặc trưng của môn thi "Môi trường an toàn".
Vận động viên đang bò qua hàng rào thép gai. Nếu cơ thể không đủ thấp khi bò và chạm phải các dây giới hạn bên trên, vận động viên sẽ bị phạt điểm.
Đây là xe trinh sát hóa học, sinh học, hạt nhân (NBC) đang lao đi, mang theo kíp xe băng qua các vật cản trên thao trường thi đấu.
Khi xe trinh sát hóa học dừng lại, vận động viên nhanh chóng thực hiện kỹ thuật trinh sát chất độc bằng các ống trinh độc.
Trong bất kỳ hội thao quân sự nào cũng không thể thiếu phương tiện chiến đấu cơ bản của người lính là khẩu súng. Súng được sử dụng thống nhất trong môn thi "Môi trường an toàn" năm 2021 là tiểu liên QBZ-95 của Trung Quốc với đặc điểm cấu tạo, cơ cấu thước ngắm có nhiều điểm khác biệt so với súng tiểu liên AK-47. Trong ảnh, HLV của đội tuyển đang phổ biến cho các VĐV cấu tạo, tính năng của súng tiểu liên QBZ-95 và các quy tắc an toàn trong sử dụng.
Vận động viên Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam luyện tập làm quen với súng tiểu liên QBZ-95 với các tư thế ngắm bắn có sử dụng mặt nạ phòng độc.