
Việt Nam trong cuộc cách mạng AI: Khai mở tiềm năng, đương đầu thách thức-Bài 3: Chiến lược xây dựng tương lai số
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành động lực cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, định hình lại mọi mặt đời sống, kinh tế và xã hội. Việt Nam, với những lợi thế về con người, dữ liệu và tinh thần đổi mới mãnh liệt, đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Tuy nhiên, để khai thác triệt để tiềm năng của AI, chúng ta cần xây dựng nền tảng AI có chủ quyền, phát triển khung pháp lý về AI có trách nhiệm và liên tục đổi mới lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất phù hợp với thực tiễn mới.
Những ý kiến sâu sắc từ các chuyên gia dưới đây được Báo Quân đội nhân dân ghi lại sẽ làm rõ hơn các khía cạnh phát triển và ứng dụng AI ở Việt Nam, từ chiến lược dữ liệu, phát triển nhân lực, đến vấn đề pháp lý và bảo đảm chủ quyền số.
GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata
AI tạo sinh (hệ thống và mô hình có khả năng tạo ra nội dung và ý tưởng mới-PV) đang trở thành xu hướng toàn cầu. Báo cáo McKinsey cho biết, năm 2024, 65% doanh nghiệp đã ứng dụng AI tạo sinh, tăng gần gấp đôi so với 2023 (33%). Các lĩnh vực ứng dụng phổ biến gồm Marketing & Sales (34%), phát triển sản phẩm (23%) và Công nghệ thông tin (17%). Theo Statista, thị trường AI tạo sinh ước tính đạt hơn 356 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp khó khăn về tính chính xác, bảo mật dữ liệu, chi phí triển khai lớn và thiếu nhân lực trình độ cao. Việc làm chủ AI tạo sinh sẽ giúp giảm chi phí, đào tạo nhân lực chất lượng cao và tùy chỉnh linh hoạt cho các ứng dụng đặc thù, bảo đảm an toàn dữ liệu.
Để đón đầu làn sóng AI, Việt Nam cần phát triển ba trụ cột: Con người, tài nguyên và công cụ. Cụ thể, cần đào tạo nhân lực trình độ cao, đầu tư nghiên cứu AI, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu an toàn, đồng thời phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt làm nền tảng cho các ứng dụng AI tạo sinh do người Việt làm chủ.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud
Năng lực cạnh tranh quốc gia hiện tại không phải là con người, mà là con người kết hợp với AI. Chiến lược thúc đẩy AI có chủ quyền sẽ giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua tăng năng suất lao động và tự động hóa. AI có chủ quyền cũng giúp bảo vệ nguồn lực về dữ liệu và con người không bị phụ thuộc vào công nghệ của các nền kinh tế lớn, bảo đảm tính độc lập về chủ quyền số cho Việt Nam. Chúng ta cần năng lực AI nội tại dành riêng cho Việt Nam, điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh trong cùng một quốc gia mà còn bảo vệ sự cạnh tranh, khác biệt cho Việt Nam.
Trước những cơ hội lớn và thách thức do AI mang lại, thúc đẩy AI có chủ quyền bao gồm 5 trụ cột lớn: Hạ tầng, dữ liệu, nền tảng công nghệ, nguồn nhân lực và hệ sinh thái doanh nghiệp. Thương vụ đầu tư 200 triệu USD hợp tác cùng NVIDIA xây dựng AI Factory vào tháng 3-2024 cho thấy quyết tâm của Tập đoàn FPT trong việc tự lực về hạ tầng, làm chủ dữ liệu, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển AI. FPT cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu về AI tại Quy Nhơn với quy mô hơn 5.000 nhân sự.
Để xây dựng được nền tảng AI có chủ quyền, Việt Nam cần thực hiện 5 vấn đề. Đầu tiên là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng. Thứ hai là phải tập hợp được dữ liệu từ Chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình, bởi AI được tạo ra bởi sự làm giàu của dữ liệu. Thứ ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn. Việc này giúp mỗi người dân, doanh nghiệp tự tạo ra AI cho chính mình. Thứ tư là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu phục vụ cho mục đích xây dựng nền tảng AI của Việt Nam. Cuối cùng là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được AI đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.
PGS, TS Nguyễn Thị Quế Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
AI ngày càng phát triển nhanh chóng và tác động tới mọi mặt kinh tế, giáo dục, xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của AI đang làm dấy lên những quan ngại về các rủi ro tiềm ẩn như: Vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp lý; các thuật toán có thể gây ra sự thiên vị, phân biệt đối xử, bất bình đẳng; xâm phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân...
Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và khung khổ đạo đức về AI có trách nhiệm, bao gồm nghiên cứu cả luật “cứng” và luật “mềm”. Cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và kiểm soát rủi ro; phát triển AI lấy con người làm trung tâm, tôn trọng sự đa dạng và hướng tới sự phát triển bền vững
Xây dựng Bộ nguyên tắc chung và hướng dẫn về AI có trách nhiệm (luật “mềm”) là văn bản mang tính khuyến nghị, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm; vừa tích hợp chuẩn mực quốc tế chung về AI có trách nhiệm, vừa phản ánh được thực tiễn của Việt Nam. Được đánh giá, kiểm nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực điển hình; được xây dựng với sự tham gia đông đảo của các bên liên quan; mang tính linh hoạt, thích ứng, liên tục được cập nhật và điều chỉnh.
TS Nguyễn Hồng Quân, Trường Đại học Ngoại thương
Thời kỳ đổi mới đã mang lại nhiều cải cách đột phá như Khoán 10, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất và công nhận thị trường lao động. Chúng ta khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đồng thời cải tiến quan hệ sở hữu và phân phối. Quyền sở hữu tư nhân, sở hữu nước ngoài và sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp được khẳng định, nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn được giữ vững.
Hiện nay, khi khát vọng phát triển hùng cường đang được hiện thực hóa, chúng ta cần tiếp tục đổi mới lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới. Sự phát triển của AI đã làm thay đổi quan hệ sở hữu và sản xuất, đòi hỏi chủ thuyết của chúng ta phải cập nhật theo thực tiễn. Việc này sẽ mở đường cho cải cách thể chế và pháp luật, tránh các lỗ hổng có thể gây rối loạn phát triển.
Sức lao động là yếu tố then chốt, nên chiến lược phát triển nhân lực cần chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ cao như AI. Thiếu nhân lực AI đồng nghĩa với lực lượng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời, cần đánh giá và làm chủ các tư liệu sản xuất quan trọng trong thời đại công nghiệp 4.0.
Chính sách của chúng ta phải linh hoạt nhưng chặt chẽ, tránh mất kiểm soát. Việc áp dụng bộ tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) giúp doanh nghiệp phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Như tôi đã nhấn mạnh, bản chất của chủ thuyết không thể thay đổi. Nhưng chúng ta cần cập nhật các nội dung cho phù hợp với thực tiễn mới. Một câu hỏi đơn giản: Sóng điện thoại liệu có phải là vật chất hay không? Nếu không cập nhật đầy đủ khái niệm về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, thế hệ trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc định hình thực tiễn và giữ vững niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa. Sự chậm trễ trong đổi mới tư duy có thể tạo ra nguy cơ chệch hướng rất lớn.
Cải tiến và đổi mới là để phát triển, và chỉ có đổi mới không ngừng chúng ta mới giữ vững được lý tưởng và khát vọng dân tộc trong một thế giới biến động không ngừng.
TS Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Chuyên khảo nghiên cứu Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới
Trong việc xây dựng đơn vị hành chính, chúng ta không thể áp dụng một cách máy móc bất kỳ mô hình nào từ bên ngoài, bởi lẽ sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam mang những đặc thù riêng biệt. Học hỏi những tiến bộ của các quốc gia khác, đặc biệt trong quản trị và văn hóa công vụ, là điều cần thiết, nhưng vấn đề then chốt là phải biết cách Việt Nam hóa những tiến bộ đó. Chúng ta cần điều chỉnh, chuyển hóa các mô hình sao cho phù hợp với nền tảng văn hóa, lịch sử và tâm lý của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những thay đổi thực sự hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng AI vào xây dựng văn hóa công vụ không chỉ là một sự đổi mới công nghệ, mà còn là một quá trình đồng hành cùng các giá trị truyền thống, giúp cải thiện hiệu quả công việc và tạo sự gắn kết giữa chính quyền và người dân.
TS Lương Huyền Thanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Công cuộc chuyển đổi số không chỉ là một bước tiến về công nghệ, mà còn là một cú hích mạnh mẽ trong việc thay đổi văn hóa công vụ. Sự chuyển mình này đòi hỏi chúng ta không chỉ linh hoạt và thích ứng, mà còn phải chủ động và sáng tạo trong việc tái cấu trúc các giá trị công vụ truyền thống, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng của khoa học kỹ thuật. Văn hóa công vụ phải trở thành nền tảng vững chắc để phát triển đội ngũ công chức, tạo ra động lực cho quá trình chuyển đổi số, giúp chúng ta hòa nhập và vươn lên trong thời đại số hóa.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ mà không có sự điều chỉnh hợp lý có thể làm mờ nhạt yếu tố con người trong giao tiếp công vụ, vốn là linh hồn của nền hành chính. Điều này không có nghĩa là con người sẽ bị thay thế, mà ngược lại, vai trò của con người sẽ chuyển sang điều khiển và thiết kế các quy trình công vụ sao cho phù hợp. AI sẽ không làm giảm đi sự kết nối giữa con người với con người, mà sẽ hỗ trợ giảm thiểu những thủ tục rườm rà, nâng cao hiệu quả và sự minh bạch trong hành chính. Đây là chìa khóa để xây dựng một môi trường công vụ hiện đại, trong đó công nghệ và con người cùng tồn tại và phát triển, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, tạo ra sự hài lòng và tin tưởng từ phía người dân.
Tiến sĩ Trần Giang Sơn, đồng Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Hiện nay, đào tạo AI có thể chia thành hai mảng chính: Mảng sử dụng AI cho công việc (ví dụ dùng AI trả lời câu hỏi, hỗ trợ tìm kiếm thông tin, hỗ trợ thiết kế, hỗ trợ lập trình, v.v.) và mảng xây dựng AI. Mảng đầu tiên coi AI là công cụ, phục vụ đại đa số người dân để ứng dụng trong công việc. Vì vậy, những ứng dụng AI theo hướng này có nhiều thuận lợi như tính đại trà, thuận tiện, dễ sử dụng.
Hiện việc đào tạo theo hướng này thường là các khóa học ngắn hạn (vài tuần đến vài tháng), được xây dựng theo nhu cầu của người dùng và không yêu cầu kỹ năng lập trình, như Canva để hỗ trợ thiết kế hay ChatGPT để tạo nội dung. Tất cả các hình thức này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công việc, giảm bớt các tác vụ lặp đi lặp lại và mở rộng khả năng sáng tạo trong các ngành nghề.
Mảng thứ hai tập trung vào việc xây dựng AI (ví dụ phân tích, xử lý ảnh, nhận dạng, trả lời câu hỏi, v.v.). Đây là công việc rất khó, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Do đó, các chương trình đào tạo xây dựng AI thường chuyên sâu ở trình độ đại học trở lên, được lồng ghép trong các chương trình khoa học dữ liệu hoặc khoa học máy tính. Một số trường đại học đã mở các chuyên ngành riêng về AI (như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ). Vì vậy, việc đánh giá AI luôn được xem xét trên cả hai mảng: Sử dụng AI và xây dựng AI.
Hiện AI mới bắt đầu đi vào nhận thức của cộng đồng. Do đó, lượng người theo học còn ít nhưng đang tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt ở mảng sử dụng AI như một công cụ.
- Nội dung: Nhóm phóng viên Báo QĐND
- Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, chinhphu.vn, nhandan.vn, ...
- Kỹ thuật, đồ họa: Nguyễn Cúc