
Việt Nam trong cuộc cách mạng AI: Khai mở tiềm năng, đương đầu thách thức-Bài 2: Giải bài toán nguồn nhân lực
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những lĩnh vực chiến lược, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ. Việt Nam, với những nỗ lực không ngừng, đang từng bước định hình bức tranh đào tạo AI, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đồng thời đối mặt với không ít thách thức.
Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp ghi dấu ấn trên bản đồ AI thế giới. Một trong những thành tích nổi bật là sự kiện nhóm sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giành giải cao tại cuộc thi Intel AI Global Impact Festival 2024. Dự án “Aero ResQ” - hệ thống hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn dựa trên sóng Wi-Fi và AI ứng dụng trên UAV (phương tiện bay không người lái) - không chỉ mang tính sáng tạo mà còn đóng góp lớn vào việc giải quyết các vấn đề nhân đạo cấp thiết. Với khả năng phát hiện tín hiệu từ thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh trong những khu vực thiên tai hiểm trở, dự án đã nhận được đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng thực tiễn.
Không dừng lại ở đó, tại AI City Challenge 2024 - một trong những sự kiện uy tín nhất về thị giác máy tính, nhóm kỹ sư trẻ của VNPT đã xuất sắc vượt qua 403 đội thi để chiến thắng tại hạng mục phát hiện vật thể từ camera mắt cá. Đây là bài toán đòi hỏi xử lý hình ảnh bị bóp méo với độ phức tạp cao, đòi hỏi sự kết hợp giữa trí tuệ và công nghệ hiện đại. Thành công này không chỉ khẳng định năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà còn cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ AI trong giao thông thông minh và giảm thiểu rủi ro an toàn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của AI, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo bài bản. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với sự ra đời của Khoa AI vào năm 2024, đã mở ra một giai đoạn mới trong đào tạo AI tại Việt Nam. Chương trình học được thiết kế theo chuẩn quốc tế, lấy cảm hứng từ các trường đại học danh tiếng như Stanford, MIT và Carnegie Mellon, với trọng tâm vừa bảo đảm tính học thuật, vừa gắn kết thực tiễn. Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ lớn như NVIDIA, Intel, FPT, giúp nâng cao kỹ năng và hiểu biết thực tế.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định AI là một trong những mũi nhọn chiến lược. Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và hệ thống phòng Lab chuyên sâu, trường đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái AI bài bản. Các chương trình nghiên cứu tại đây không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên phát triển mà còn thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực AI. Hiện nay, nguồn nhân lực AI chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng. Trong số khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ 30% có khả năng làm việc trong lĩnh vực liên quan đến AI. Sự thiếu hụt này không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở chất lượng, khi phần lớn sinh viên thiếu kỹ năng thực hành, khả năng ứng dụng thực tế và tư duy sáng tạo cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ngoài ra, hạn chế về cơ sở hạ tầng nghiên cứu và sự khó khăn trong việc tiếp cận các chuyên gia quốc tế cũng là rào cản lớn. Việt Nam chưa có đủ các phòng Lab đạt chuẩn quốc tế, và việc thiếu cố vấn hàng đầu khiến các dự án nghiên cứu thường không đạt chất lượng tối ưu hoặc thiếu tính ứng dụng cao.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã đề ra Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy hệ sinh thái AI. Các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đang ngày càng phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực và phát triển công nghệ AI một cách bền vững. Những thành tựu đã đạt được, kết hợp với chiến lược đầu tư bài bản, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng về đào tạo và ứng dụng AI trong khu vực, mang lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Trong bối cảnh AI ngày càng trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển kinh tế và xã hội, việc xây dựng một nguồn nhân lực AI mạnh mẽ không chỉ là mục tiêu mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam nắm bắt cơ hội và duy trì vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới. Hướng phát triển nguồn nhân lực AI tại Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp chiến lược, từ đào tạo, hợp tác quốc tế đến việc xây dựng một môi trường phát triển bền vững cho AI có trách nhiệm.
Một trong những giải pháp thiết thực trước mắt là việc đào tạo lại các kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông thành kỹ sư AI nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngắn hạn. Các trường đại học và cơ sở giáo dục đã bước đầu triển khai các chương trình tái đào tạo này, giúp những người đã có nền tảng công nghệ chuyển đổi sang lĩnh vực AI một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các khóa học thực tế tại doanh nghiệp lớn như NVIDIA, Intel, Microsoft, VinAI cũng được tích hợp vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên và kỹ sư trẻ tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất.
Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân lực AI. Các trường đại học tại Việt Nam đã mời các chuyên gia quốc tế từ các trường danh tiếng như Stanford, MIT, JAIST (Nhật Bản) hay KAIST (Hàn Quốc) tham gia giảng dạy và cố vấn cho sinh viên. Đây là cơ hội để học hỏi những tiến bộ công nghệ mới nhất, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam làm quen với các tiêu chuẩn quốc tế trong nghiên cứu và ứng dụng AI.
Một điểm đáng chú ý trong chiến lược phát triển nhân lực AI là việc xây dựng các phòng Lab nghiên cứu chuyên sâu đạt chuẩn quốc tế. Những phòng Lab này không chỉ là nơi sinh viên và nhà nghiên cứu có thể thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo mà còn là cầu nối để đưa các dự án nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Các phòng Lab tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hay Viện Trí tuệ Nhân tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang dần trở thành trung tâm nghiên cứu quan trọng, hỗ trợ phát triển sản phẩm AI phục vụ các lĩnh vực như y tế, giao thông thông minh, giáo dục và an ninh quốc phòng.
Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, Việt Nam cũng chú trọng đến vấn đề đạo đức và trách nhiệm trong phát triển AI. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hướng dẫn về các nguyên tắc phát triển AI có trách nhiệm, bảo đảm AI được xây dựng và sử dụng theo hướng an toàn, minh bạch và tôn trọng quyền con người. Tinh thần này không chỉ phản ánh xu hướng chung của thế giới mà còn tạo cơ sở để xây dựng niềm tin đối với các sản phẩm AI do Việt Nam phát triển.
Với mục tiêu dài hạn, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chiến lược đưa đất nước trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo AI của khu vực ASEAN vào năm 2030. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn cần sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng. Các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như FPT, VNPT, VinAI đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án nghiên cứu và phát triển AI, góp phần tạo động lực cho hệ sinh thái AI nội địa phát triển mạnh mẽ hơn.
Tầm nhìn dài hạn của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đào tạo và nghiên cứu mà còn hướng đến việc xây dựng các thương hiệu AI uy tín trong khu vực. Sự kết hợp giữa năng lực nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao và tinh thần trách nhiệm trong phát triển AI hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng về AI trên thế giới. Đây không chỉ là khát vọng, mà còn là lời cam kết cho một tương lai mà công nghệ và con người cùng đồng hành để kiến tạo những giá trị bền vững.
Sau những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái đào tạo AI bài bản và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một bài toán quan trọng khác được đặt ra: Làm thế nào để đưa AI trở thành công cụ phổ biến, không chỉ dành riêng cho các chuyên gia hay doanh nghiệp lớn mà còn có thể tiếp cận được mọi tầng lớp trong xã hội? Trong bối cảnh đó, dự án “Bình dân học AI” ra đời như một lời giải đầy sáng tạo và nhân văn, nhằm phổ cập tri thức về AI đến mọi cá nhân, từ công nhân, nông dân đến giáo viên và học sinh.
Bước vào thời điểm mà AI đang định hình tương lai, anh Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe và người sáng lập dự án “Bình dân học AI” đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng.
Với anh, AI không chỉ giúp người lao động Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” mà còn là đòn bẩy để nâng tầm Việt Nam trên bản đồ kinh tế và công nghệ toàn cầu. Anh nhận ra một thách thức mới trong thời đại số với hơn 95% người Việt hiện nay vẫn chưa biết cách sử dụng AI, dù công nghệ này đang dần trở thành trụ cột của thế giới hiện đại.
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động khi cả dân tộc đồng lòng chiến đấu chống lại nạn mù chữ, Lê Công Thành nhận ra một thách thức mới trong thời đại số với hơn 95% người Việt hiện nay vẫn chưa biết cách sử dụng AI, dù công nghệ này đang dần trở thành trụ cột của thế giới hiện đại.
Với tầm nhìn đó, anh khởi xướng dự án “Bình dân học AI” nhằm phổ cập tri thức công nghệ, đơn giản hóa AI để bất kỳ ai cũng có thể học và sử dụng một cách hiệu quả.
Anh Thành chia sẻ: “Khi dự án ra mắt vào năm 2022, nó nhanh chóng tạo nên một phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hơn 250.000 người tham gia trên mạng xã hội Facebook chỉ trong thời gian ngắn (hiện có gần 370.000 thành viên). Điều đặc biệt là dự án không chỉ dừng lại ở việc dạy AI, mà còn tạo dựng một cộng đồng học tập, nơi mọi người vừa tiếp thu tri thức, vừa chia sẻ để cùng nhau tiến bộ. Dự án được chia thành hai nhóm chính: Nhóm ứng dụng AI vào công việc và nhóm vừa học vừa lan tỏa tri thức, biến mỗi người tham gia thành một "đại sứ tri thức"”.
Công Thành không chỉ nhìn thấy AI như một công cụ, mà còn như một sức mạnh xã hội hóa tri thức. Anh tin rằng AI có thể giúp giải phóng sức lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất và hơn hết, mở ra những cánh cửa mới cho người Việt trên thị trường lao động toàn cầu. AI cũng như một “người bạn đồng hành”, giúp người dân từ khắp mọi miền đất nước nắm bắt cơ hội của thời đại công nghệ.
Tuy nhiên, giấc mơ của anh không dừng lại ở con số hàng trăm nghìn người. Đến năm 2025, Lê Công Thành mong muốn “Bình dân học AI” sẽ chạm tới ít nhất một triệu người Việt Nam, đưa tri thức AI lan rộng từ thành phố đến nông thôn, từ vùng núi cao đến hải đảo xa xôi. Giấc mơ về một Việt Nam nơi mỗi người dân đều có cơ hội sử dụng AI để cải thiện cuộc sống, nâng cao năng suất lao động và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Biết đến Bình dân học AI qua một bài viết chia sẻ trên mạng xã hội. Ban đầu, cô giáo trẻ Lê Thị Phương Thanh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) chỉ mong học thêm chút kiến thức mới để làm phong phú bài giảng. Nhưng ngay từ những buổi học đầu tiên, cô đã nhận ra rằng AI không chỉ là công nghệ của các tập đoàn lớn mà còn có thể trở thành một công cụ đắc lực để nâng tầm giáo dục.
“AI không xa lạ hay khó khăn như tôi từng nghĩ. Nó giống như một người bạn, giúp tôi biến ý tưởng thành hiện thực và mang đến những bài học đầy sống động”, cô Thanh chia sẻ.
Từ những kiến thức học được, cô Thanh đã táo bạo áp dụng AI vào giảng dạy. Cô bắt đầu bằng cách sử dụng các công cụ tạo nội dung tự động để thiết kế bài giảng trực quan hơn. Ví dụ, trong các tiết học về địa lý, cô giới thiệu cho học sinh các bản đồ tương tác sử dụng dữ liệu AI, giúp các em hiểu sâu hơn về khí hậu và địa hình.
Không giữ tri thức cho riêng mình, cô Thanh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Trong các buổi hội thảo giáo dục, cô kể về hành trình của mình, truyền cảm hứng để nhiều giáo viên khác tham gia vào Bình dân học AI. Tuy nhiên, cô Thanh cũng khẳng định rằng, “AI không thay thế giáo viên, mà giúp chúng ta trở nên hiệu quả hơn. Điều quan trọng là sự sẵn lòng học hỏi và đổi mới”. Câu chuyện của cô Thanh là minh chứng sống động cho việc công nghệ không phải điều xa xỉ hay quá tầm với. Bằng lòng nhiệt huyết và sự kiên trì, cô đã biến AI thành công cụ thay đổi cách dạy, cách học và cách nhìn nhận của học sinh về thế giới.
Với lực lượng người trẻ đông đảo yêu mến công nghệ, họ đều có quan điểm chung rằng AI không phải là đích đến, mà là công cụ để chúng ta vươn xa hơn. Và Bình dân học AI sẽ là bàn đạp vững chắc để họ từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ thế giới, góp phần đưa đất nước tiến nhanh trong kỷ nguyên số. Tất cả đều cho rằng, với AI trong tay và tinh thần học hỏi không ngừng, không có giới hạn nào mà người trẻ Việt không thể vượt qua.
Có thể thấy, sự phát triển của AI không còn là một lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững trong thời đại số. Bình dân học AI chính là một phần quan trọng trong chiến lược chuẩn bị cho Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số. Khi cả cộng đồng được trang bị kiến thức về công nghệ, chúng ta không chỉ giảm thiểu khoảng cách giữa các thành phần trong xã hội mà còn tạo ra lực lượng lao động đủ năng lực để tham gia vào nền kinh tế sáng tạo toàn cầu.
Việt Nam có thể tự hào về những bước tiến trong ngành công nghệ, nhưng nếu không có sự tham gia của đông đảo người dân trong quá trình chuyển đổi số, những thành tựu này sẽ không thể bền vững. Chính vì vậy, những nỗ lực của Bình dân học AI không chỉ giúp nâng cao kiến thức mà còn là một chiến lược dài hạn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc ứng dụng và sáng tạo công nghệ.
- Nội dung: Nhóm phóng viên Báo QĐND
- Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, chinhphu.vn, nhandan.vn, ...
- Kỹ thuật, đồ họa: Nguyễn Cúc